HieuLe
Blogger Phương Bích
Một lần, tôi chứng kiến một vụ cãi nhau rầm rĩ ở bên ngoài.
Cả hai bên cùng ghê gớm cả, không ai chịu ai. Mọi người xung quanh phải
can ngăn mãi. Trước khi quay đi, cái vị ghê gớm hơn còn gióng dả:
- Đã biết tính người ta như thế, thì cứ để yên đi. Người
ta chửi chán rồi cũng thôi. Đằng này lại cứ quạc mồm ra cãi lại, làm gì
người ta không nổi điên lên chứ?.
Thế có lạ không? Chửi cha chửi mẹ người ta lên, cho ông bà
tổ tiên người ta ăn này ăn nọ mà lại bảo thiên hạ họ để yên cho anh chửi
sướng miệng? Sao lại có kẻ ngây thơ thế?.
Xem cái ảnh con ếch đang cố bóp cổ con cò, không cho con cò
dễ bề nuốt chửng mình lại càng thấy chí lý. Tuy chỉ là ảnh vẽ, nhưng
vẫn nói lên được quy luật sinh tồn từ trong thiên nhiên hoang dã cho đến
xã hội loài người. Phải tranh đấu hàng nghìn năm con người mới thoát
khỏi kiếp nô lệ, rồi phong kiến…mới được văn minh như ngày hôm nay, thế
mà bảo có kẻ ngu dại nào lại để yên cho kẻ khác chửi rủa mình, cắt cổ
mình cơ chứ? Thế thì khác gì thời mông muội ngày xưa?
***
Cánh phụ nữ chúng tôi cũng tham gia hóng hớt về vụ ông Vươn
– thiên hạ bàn tán quá trời rồi, báo mạng cứ gọi là nóng rãy lên - một
người hỏi:
- Này! Thế nếu nhà họ Đoàn không chống lại cái quyết định cưỡng chế kia, thì sau đó chuyện gì sẽ xảy ra nhỉ?
Ừ! Nếu con thỏ nằm xuống, chổng bốn vó lên giời, thì con chó săn sẽ làm gì?
Hẳn con nít cũng trả lời được câu này. Nếu cứ để yên cho
chính quyền cưỡng chế, thì chắc sẽ lại giống như anh công an nọ bảo: Ai
kiện cứ việc kiện! Cứ bắt đã! Cứ cưỡng chế đã!
Liệu có đủ sức theo đuổi kiện tụng không? Tay trắng rồi! Nợ
ngân hàng treo như cái gông trên đầu. Đến hạn không trả, không còn tài
sản để xiết nợ thì chỉ có nước đi tù?
Than ôi! Thế là một nhà nọ đương yên đương lành bỗng chốc
tan tành mây khói. Hu hu! Cụ Nguyễn Du mà còn sống, liệu có viết nổi
truyện họ Đoàn ở Tiên Lãng không?
Đúng như bác Nguyễn Trần Sâm nói, trong trường hợp ô Vươn,
không chống trả thì chưa phải là người. Nhưng nói vậy cũng chỉ để xả cái
bức xúc thôi, chứ chuyện dân ta thiếu hiểu biết, cứ cam chịu nhẫn nhục
còn nhiều lắm. Thậm chí bị người ta ăn cướp mà vẫn còn cảm ơn rối rít
nữa kia. Có xin lại chừa lại một mẩu còn bị mắng là tham thế! Kẻ cướp
khi bị vạch mặt chỉ tên, mới rút kinh nghiệm thôi dân mình đã thỏa mãn,
tung hô rầm trời rồi. Câu thơ của bác Hoàng Xuân Phú là vậy đấy, nghĩ
sao mà thương dân mình dễ thương quá. Cả tin, dễ mủi lòng tệ, có biết
đâu có kẻ cười thầm trong bụng: May cái lũ này ngu thế thì mình mới cướp
được chứ!
Nghĩ vậy mà thấy tội cho dân mình quá.
***
Bây giờ chẳng có cái gì dễ cướp, mà lợi nhuận lại khổng lồ
như trong chuyện đất đai. Bởi thế khắp làng trên xóm dưới, từ nông thôn
tới thị thành, xung đột lợi ích trong lĩnh vực đất đai đã trở thành đại
dịch. Cái việc ăn cướp này ở đô thị thường được đội lốt dưới danh nghĩa
phát triển…Tiếng là để cải thiện đời sống người dân, chỉnh trang bộ mặt
đô thị, nhưng người ta lại bất chấp quy hoạch cho một tương lai lâu dài
và bền vững. Trong một mặt bằng san sát những chung cư 5 tầng, được xây
dựng từ thời bao cấp, đa phần mới trụ được trên dưới 30 năm trong khi
tuổi thọ của chúng là từ 60- 100 năm. Một số trong đó bị xuống cấp, gây
nguy hiểm vì sai sót trong quá trình thi công cần được cải tạo xây mới.
Song chính quyền và nhà nhà đầu tư lại chỉ chăm chắm chọn những miếng
mồi ngon nhất, ở những vị trí dễ sinh lời nhất để "xơi” trước. Người ta
hốt vội hốt vàng dân ra khỏi đó, bảo kẻo sập – lạ là chỉ những chung cư
mặt phố sập được thôi mới tài. Sau đó chả thỏa thuận đền bù gì cả, họ cứ
vội vàng cho đào móng xây nhà… Một cái nhà 5 tầng phá đi, xây lại gần
20 tầng, hệ số sử dụng đất lên đến gần 10 lần mà cứ bảo lỗ thì quả là
không thể ngửi được. Chắc lời lãi nó chạy hết vào những "hố đen” mất
rồi.
Rồi chẳng biết với vai trò gì, dựa trên cơ sở nào mà thành
phố lại ban hành một cái hệ số đền bù để áp đặt cho dân chung cư =1,3
diện tích cũ, vốn là biện pháp chỉ áp dụng khi thu hồi, trưng dụng đất
để thực hiện các công trình quốc phòng, công cộng? Trong khi các dự án
xây lại các chung cư thuộc loại dự án kinh doanh đòi hỏi nhà đầu tư phải
trao đổi thỏa thuận với dân. Dân chung cư không chịu thì bị mắng là
tham!
Ai chả hiểu có dự án là có tiền, nên cứ duyệt đại đi, đợi
quy hoạch thì để cho kẻ khác xơi à? Thế mới có lời giễu cợt là tư duy
của lãnh đạo bây giờ là theo nhiệm kỳ!!!
Nhưng chẳng may cái sự tranh thủ đó lại không hợp thời.
Trên dưới phối hợp, chỉ đạo không ăn khớp không nhịp nhàng. Vậy là hơn
ba năm nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có gần nghìn dự án bị ách tắc
vì không được sự đồng tình của đông đảo nhân dân, vì sai chủ trương, sai
phạm vào nhiều điều khoản của các luật đất đai, luật dân sự, luật doanh
nghiệp… Nếu tính hậu quả của sự lãng phí này thì hẳn là không hề nhỏ
tẹo nào. Các doanh nghiệp méo hết cả mặt. Tiền của đã đổ ra để chạy
không ít, cơ hội thu hồi vốn càng ngày càng bi đát. Chỉ có mấy ông chính
quyền là ung dung, chẳng bị thiệt hại đến một cọng lông. Đúng là thời
buổi này nhiều chuyện lạ mà thực chất là không lạ. Thế nhưng bọn họ cứ
coi như điếc lác. Chỉ khi gặp miếng khó nhằn như ông Vươn thì đành nhả
ra vậy thôi.
Càng
ngày càng đọc thấy nhiều tin dân ỏ tỉnh này tỉnh nọ, dự án này dự án nọ
khiếu kiện hàng sáu bảy năm trời, nay lếch thếch kéo nhau về Hà Nội,
nuôi hy vọng vào cánh cửa công lý cuối cùng, chứ nào biết đâu công lý
còn xa vời vợi. Thấy họ rét mướt cộng với đói khát, không giúp không
đành, mà giúp thì sao xuể hở trời?
*****
Cách đây mấy năm, báo chí thủ đô từng đưa tin cấp tập về vụ
cấp sổ đỏ cho mương Phan Kế Bính, biến dự án cống hóa mương Phan Kế
Bính trở thành một ngôi nhà kính xây trùm lên mương, chễm trệ đối diện
với cổng chính UBND quận Ba Đình. Sau khi bị phơi bày những sai phạm
trên mặt báo, những tưởng ngôi nhà đó sẽ phải tháo dỡ, trả lại mặt bằng
cho cống Phan Kế Bính, thu hồi sổ đỏ đã cấp cho mương. Vậy mà hơn ba năm
nay đi qua 25 Liễu Giai, liếc nhìn sang bên kia đường vẫn thấy ngôi nhà
đó ngự trên mương, vẫn hoành tráng và có phần đẹp hơn xưa. Báo chí lề
phải dường như quên hẳn cái vụ này rồi thì phải.
Cái này thì cưỡng chế roẹt cái là xong, không xong thì đã
có công an và quân đội hỗ trợ. Còn cái kia thì chả hiểu sao nó vẫn trơ
gan cùng tuế nguyệt như vậy?
Ở đời người ta bảo tham lắm thì thâm. Dân tham mà sao vẫn nghèo rứa? Quan không tham sao giàu rứa?
|