Thứ Năm, 2024-12-26, 7:49 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Bảy » 23 » Điểm đen
11:46 AM
Điểm đen

Nguồn: Blog Đào Tuấn

23.07.2010

Hà Nội đang tồn tại cả trăm "điểm đen" kéo từ phố nọ sang quận kia, dài từ tháng này qua năm khác, và cơ bản nhất là chưa biết khi nào mới giải quyết nổi. Chủ tịch TP Nguyễn Thế Thảo thì tính toán đã giải quyết được 66 trên tổng số 124 điểm ùn tắc giao thông. Tức là chỉ còn lại 58 điểm ùn tắc thôi. Nhưng chỉ sau đó vài ngày, Đại tá Trần Thùy, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội lại quả quyết: Từ nay đến cuối năm, Hà Nội sẽ tiếp tục phải đối mặt với 91 nút giao thông thường xuyên có nguy cơ ùn tắc. Thế cuối cùng là 58, hay 91 điểm ùn tắc thường xuyên? Và bao nhiêu điểm không thường xuyên khác?! Chịu. Quan chức thủ đô mà còn mỗi người một phách thì dân làm sao mà biết. Chưa hết, Công ty thoát nước thì báo có tới 25 điểm ngập lụt. Nói 25 là trong điều kiện mưa dưới 100mm. Còn nếu mưa 130mm như đợt mưa be bé vừa rồi thì phải cộng vào đó thêm 1-200 điểm nữa. Và, nói dại miệng, nếu mà mưa nó đổ xuống như hồi 2008 thì chả tính được, vì khi đó, cả Thành phố sẽ trở thành một điểm đen lớn, ùn hết, tắc hết, chết hết. Những thông tin này thật ngán ngẩm và đang thử thách những công dân tốt (lòng) tin và hàm dưỡng nhất. Là bởi công dân Thủ đô, và TP HCM, trong 6 tháng qua, không nhiều thì ít cũng đã từng chết cứng trong 101 vụ ùn tắc. Mà đây chỉ là những vụ ùn tắc kéo dài trên 1h đồng hồ được thống kê. Những vụ 59p trở xuống có lẽ không thống kê được vì không ngày nào, không giờ nào, không con đường nào mà không xảy ra, trừ đường Hùng Vương lúc 0h sáng ngày 1 tết ta.

Như thế là sau khi tiêu tốn 27 tỷ đồng để xây những bức tường thành bịt kín các ngã tư, sau những cơn mưa phạt đến từ NĐ 34, sau khi phải đóng vai trò những công dân gương mẫu, mà thực chất là phải làm những con chuột bạch thí nghiệm, cư dân Thủ đô vẫn chịu cảnh tiền mất tật mang. Tiền đóng thuế để bịt ngã tư, tiền phạt gấp đến 200% so với những nơi không "đặc biệt" khác, nhưng ùn tắc thì vẫn hoàn ùn tắc. Nhưng bi kịch nhất là câu chuyện ngã tư không biết đến bao giờ thì mới chính thức đóng lại.

"Qua điều tra, thời gian phương tiện qua nút giao thông được rút ngắn so với trước khoảng 20%"- Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo có lần trịnh trọng nói về hiệu quả của việc bịt ngã tư. Nhưng rồi sau khi những chiếc "quan tài bay" gây ùn tắc ở hầu hết các điểm quay đầu xe, Hà Nội lại tốn, chắc cũng cỡ vài chục tỷ, để mở lại các ngã tư vì thời gian qua ngã tư "có thể" được rút ngắn 20% với phương tiện này nhưng lại kéo dài 200% với phương tiện khác. Đó là chưa kể tới việc người đi bộ chỉ có cách là liều mạng băng ngang đầu xe vì không còn đường. Rồi mở được vài hôm, Thành phố lại tính đến chuyện bịt lại vì vẫn thấy ùn tắc như thường. Chính một quan chức của Thành phố phải chua chát thừa nhận, với năng lực hạ tầng như hiện nay thì các phương án (đóng hay mở) cũng chỉ là loay hoay tình thế và Thành phố chả còn cách nào khác là lại...lắng nghe, nghiên cứu và "thí điểm đại trà".

Có rất nhiều thông tin giải quyết điểm đen về mặt vĩ mô đã và đang được đưa ra trong các báo cáo kiểm điểm, tổng kết: TP sắp xây dựng 2 tuyến điện ngầm. Một hội thảo về tàu điện một ray vừa diễn ra hôm qua. Thủ đô xác định đưa dân số nội thành từ 1,2 triệu xuống còn chỉ 800 ngàn. Và cuối cùng là Hà Nội có kế hoạch di chuyển các cơ quan trung ương, thậm chí cả UBND thành phố, trường đại học, các nhà máy xí nghiệp, bệnh viện ra khỏi nội đô nhằm giảm mật độ bên trong.

Câu chuyện tàu điện ngầm và tàu điện một ray không mới. Đến nay Hà Nội cũng vẫn chưa quyết được vì còn bận họp. Vả lại có quyết được cũng còn lâu vì nó liên quan đến chuyện đền bù, giải phóng mặt bằng vốn được coi là trường kỳ gian khổ ở Thủ đô mà ví dụ điển hình có thể kể ra không dưới chục trường hợp (chẳng hạn ngã tư Khuất Duy Tiến) thậm chí đã xong cả tuyến nhưng phải đợi mất 3-4 năm để giải tỏa nốt ngôi nhà cuối cùng còn nằm giữa đường. Việc đưa dân ra khỏi nội thành chắc cũng đã có "kế hoạch" không mười cũng sáu năm nay, nhưng tính khả thi của câu chuyện được chính những người dân nội thành thủ đô đêm đêm vẫn đút chân vào gậm tủ để ngủ đánh giá là giống với việc đưa người lên sống trên cung trăng. Ai ở Thủ đô cũng biết là Hoàn Kiếm đã 10 năm nay chưa đưa nổi 1 người dân phố cổ sang Gia Lâm, dù đã có đề án di dân, dù đã xây hẳn một "khu HongKong" bên Việt Hưng. Huống chi quyết định cho phép tiếp tục xây dựng các khu cao tầng vừa được ký chưa ráo mực. Mà có tới hơn 300 dự án cao trên 9 tầng chứ đâu có ít. Mới nói cố sống cố chết trong 1 thập kỷ để chuyển được một gia đình 4 người dân ra khỏi nội thành để lấy đất xây nhà 9 tầng trong chưa đầy 2 năm thì thử hỏi dân nội thành sẽ tăng hay giảm? Mà dân nội thành không giảm thì làm sao có thể chuyển bệnh viện, trường học của họ đi được?

Trong một kỳ họp HĐND TP, có một đại biểu cứ cố gặng rằng: Thế tóm lại thì bao giờ Hà Nội hết ùn tắc. Cứ như thể từ cung trăng rơi xuống. Thưa ông, thế thì bao giờ ông nhai cơm hết nổi!. Hỏi thế khác gì đánh đố, bởi chuyện ùn tắc từ lâu đã thành một "nét văn hóa Tràng An", đã, đang, và sẽ tồn tại cùng với sự tồn tại của Thủ đô. Nói thật, người viết bài này mỗi sáng mùng 1 tết phóng xe trên những con đường to rộng không một bóng người của Thủ đô bỗng dưng lại có cảm giác "say đất" của kẻ vừa từ dưới biển lên. Mới biết khổ quá rồi thì sướng chưa chắc đã chịu nổi.

Bây giờ nói đến chuyện điểm đen ngập úng.

Ngay sau hôm Hà Nội trở cơn mưa, một anh bạn từ Sài Gòn điện ra, hỏi rằng: Hà Nội thế nào? Ngữ điệu câu hỏi tràn đầy sự ghen tị. Năm 2008, người Hà Nội có bản hùng ca nhạc nhái bất hủ mà thảy người già trẻ con đều hát theo bộ tam Xuân Bắc- Công Lý- Tự Long. Đó là bản "Lụt từ ngã tư đường phố". Đến sau trận mưa vừa rồi, người Hà Nội lại hát theo ca sĩ Bông Chua bản "Em đi bơi thuyền trên phố Đại La". Không ghen tị mới lạ. Sài Gòn có triều cường nhưng cái sự lụt của Sài Gòn làm sao mà thi vị bằng việc bơi ô tô trên phố phường thủ đô! Người Sài Gòn làm sao có đức lạc quan với "nụ cười lụt lội" như người Tràng An. Rồi Đà Nẵng cũng điện. Rồi Cần Thơ cũng điện. Hình như không phải chỉ dân Thủ đô mà là dân cả nước lâu lâu không thấy "Hà lội nụt nội" cũng đâm nhớ, với nỗi nhớ có khi còn nồng khắm hơn nỗi nhớ mùa thu.

Còn nhớ Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo, trong đúng hôm phiên bế mạc HĐND đã tuyên bố Thành phố sẽ cân nhắc đến phương án đào hầm ngầm chứa nước khi mưa lớn. Sau đó vài hôm, ông giải thích với Bộ trưởng Phát: Đây là cách một thành phố của nước láng giềng có địa thế giống Hà Nội. Lại là một sáng kiến đi xe chẵn lẻ theo ngày lẻ chẵn như "láng giềng"?Thú thực, với tư cách là một công dân thủ đô sống hàng chục năm trong cảnh lụt lội tôi rất muốn hỏi Chủ tịch Thảo rằng thành phố của nước láng giềng là thành phố nào? Họ đã làm ra sao? Và vì lý do gì mà dân chúng phải tin vào cách chống úng có lẽ là độc nhất vô nhị của họ?

Hôm Hà Nội bàn chuyện chống úng, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thủy Lợi Phạm Ngọc Quý phát biểu, khôi hài đến mức cay đắng: Hiện cả ban giám hiệu đang loay hoay tìm giải pháp chống ngập úng cho Trường. Nguyên nhân: "Vừa qua thành phố cho cải tạo lại vườn hoa trước cổng của trường, với cốt được nâng cao hơn sân trường nửa mét, bây giờ cứ mưa xuống là sân trường trở thành cái ao”. Nhưng ấn tượng nhất vẫn là giải pháp chống úng. Trả lời câu hỏi "dại dột" của một vị GS, rằng: Liệu Hà Nội có "hy sinh” ngoại thành để thoát lũ cho nội thành trường hợp ngập trong dịp Đại lễ? Chủ tịch Thảo nói nguyên văn: "Không thể nói hy sinh ngoại thành cho nội thành được, nhưng thực tế, trận lụt 2008, ngoại thành đã phải chấp nhận chịu đựng ngập 5-7 ngày để giúp thoát nước cho nội đô nhanh hơn". Một tín hiệu cho các công dân thủ đô loại 2 ở ngoại thành chuẩn bị chống lụt? Nói không hề ngoa là Hà Nội hiện giống y như cái sân trường thủy lợi bởi hàng chục điểm "trũng ở trên cao" đang tồn tại khắp thành phố hệ thống do nước thải sinh hoạt chạy chung với hệ thống tiêu lũ, khiến rác thải chặn dòng thoát lũ. Máy bơm siêu công xuất, siêu trạm bơm Yên Sở liệu có ý nghĩa gì khi các hồ tiêu nước chưa mưa đã đầy phè, khi mà hệ thống tiêu nước nội đô và cả 4 con sông Sét, Lừ, Kim Ngưu và Tô Lịch không thể chuyển nước đến được Yên Sở vì quá tải.

Hà Nội thực ra cũng đã có một cái hầm chứa nước được đầu tư 400 tỷ với quảng cáo hiện đại nhất Đông Nam Á và không thể ngập với bất cứ trận mưa nào. Chuyện khôi hài là căn hầm này vừa được đưa vào sử dụng đúng chỉ 2 tiếng sau buổi thông xe ngày 16-6-2009 đã phải đóng cửa vì ngập. Nguyên nhân: Hầm đường bộ biến thành hầm chứa nước thải. Rồi đến trận mưa vừa rồi, hầm Kim Liên ngập đến lần... thứ bao nhiêu đó không ai nhớ. Những người có trách nhiệm quản lý căn hầm hoen hoẻn như cái vốc tay này giải thích hầm bị ngập do các máy bơm chưa hoạt động hết công xuất. Máy bơm chưa hoạt động hết công xuất do... thiếu nước.

Nếu một cái hầm chứa nước làm nhiệm vụ tiêu úng được xây thì quả bom nước này sẽ to cỡ Hồ Tây? Sẽ tốn kém bằng một cây cầu Thanh Trì? Và sẽ "siêu thoát nước" như hầm đường bộ Kim Liên?

Nói quan chức Thủ đô không làm gì trong chuyện chống điểm đen, là hoàn toàn không đúng. Nhưng "làm" theo kiểu đi mót chuyện cấm xe chẵn lẻ bên láng giềng hay hóng hớt chuyện hầm ngầm chứa nước bên hàng xóm thì rồi sẽ có một ngày nào đó Hà Nội cho dân chúng đi xe theo kiểu "ngày chẵn/ đàn ông, ngày lẻ/bàn bà", hoặc tồi tệ hơn, cấm tất các loại phương tiện mang biển kiểm soát không phải màu xanh!

Mới nói Hà Nội có nhiều điểm đen, nhưng điểm đen trong đầu óc các vị quan chức của Thủ đô mới là điểm đen, điểm chết nguy hiểm nhất.

Hà Nội ngày trở chứng

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 578 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 6
Khách: 6
Thành Viên: 0