chauxuannguyen
Một người bạn gọi điện thoại nửa đùa nửa thật hỏi tôi: "tàu đổ bộ
Trung Quốc vào tới Trường Sa rồi, bà có chuẩn bị gì chưa?” Tôi hỏi lại
"chuẩn bị gì?”. "Ôi giời, thì chạy hay làm gì đấy trước khi nước mất chứ
chuẩn bị gì?” tôi hỏi "thế còn bà?” ngưng một lát… "vượt biên!”
Chuyện đùa lúc nửa đêm làm tôi mất ngủ cả nửa đêm còn lại. Câu hỏi
của bà bạn làm tôi trăn trở. Những ngày cuối cùng của năm 1975 vẫn còn
lảng vảng đâu đó trong đầu tôi. Tiếng súng nổ, tiếng người la khóc trên
con đường ngang trước cửa nhà đã làm cả gia đình bấn loạn. Tôi ôm lấy
đứa con lúc ấy vừa thôi nôi ngồi yên trên giường không biết làm gì. Mọi
suy nghĩ như đặc lại trong đầu. Tôi bó gối chờ đợi những gì sẽ xảy ra
cho cả nhà. May mắn là nhà tôi không ai bị giết cũng không ai bị bắt bớ
tù đày vì cả nhà đều là giáo viên. Cuộc đổi đời tuy vậy vẫn vất vả và
nhìn đâu cũng thấy tai ương rình rập.
"Tàu đổ bộ Trung Quốc vào tới Trường Sa rồi…” là biến cố cuối của một
chuỗi sự kiện mà Trung Quốc gây ra trong thời gian gần đây. Đối với tôi
nó giống như những ngày cuối cùng của Ban Mê Thuột khi từng đoàn người
rách rưới, máu me chạy nạn về Nha Trang. "Tàu đổ bộ” đối với tôi có cái
âm vang ám ảnh của một cuộc chiến tranh và giặc đã tới trước cửa nhà.
Tôi tự nhắc lại câu hỏi, nếu Trung Quốc đánh Việt Nam thì mình làm gì?
Không phải là người hiểu biết về quân sự nhưng thử tưởng tượng xem
Trung Quốc có chịu để Việt Nam yên trong bờ để bộ đội có cơ hội bắn tên
lửa, điều động không quân tấn công lại các đơn vị của họ trên các vùng
biển mà họ mang quân vào Việt Nam hay không? Kinh nghiệm cuộc chiến
tranh biên giới với Việt Nam sẽ giúp họ tấn công toàn bộ các khu vực cao
điểm biên giới phía Bắc và đồng thời tình báo các trọng điểm Tây nguyên
sẽ hướng dẫn đội quân thứ ba tiến vào xương sống của Việt Nam như ngày
xưa bộ đội tiến công chiếm lĩnh Ban Mê Thuột.
Bao nhiêu ngày thì mất nước?
12 ngày. Như 12 ngày đêm đế quốc Mỹ oanh kích Hà Nội. Nhưng 12 ngày
đêm thuở xưa dân chúng và bộ đội dù có đau đớn, tổn thất đến đâu rồi
cũng giữ vững được bờ cõi, nhưng lần này thì nước mất nhà tan là chắc
chắn bởi giặc ngoài thì ít mà thù trong thì nhiều.
Sau 12 ngày tàn khốc, Việt Nam sẽ là một Hiroshima thứ hai. Lần này
thì kịch bản khác với Hiroshima vì cuộc chiến tranh này của Trung Quốc
gây ra mang tên xâm lược. Sau 12 ngày đêm ấy có thể Mỹ sẽ lên tiếng đòi
Trung Quốc rút lui và rồi sau vài tháng đôi co, cuối cùng thì chúng rút
lui thật. Tuy nhiên sau khi rút lui, Việt Nam chính thức trở thành một
huyện của Trung Quốc với các đặc thù mà Tân Cương và Tây Tạng đang có.
Bộ sậu Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng hay gì gì… đều biến mất.
Một thể chế khác thành hình với những khuôn mặt cũ và vị trí mới. Chủ
tịch khu tự trị Hà Nội sẽ là Nguyễn Thế Thảo. Chủ tịch khu tự trị hai
của Sài Gòn sẽ là Nguyễn Văn Đua. Các tỉnh thành khác sẽ được phân bổ
các thái thú mà trước đây từng ủng hộ chính sách hòa hoãn với Trung
Quốc. Phần thưởng này chia đều cho ba miền và cho phép những thành phần
này có sức mạnh tuyệt đối, nhiều hơn khi chưa mất nước.
Bức tranh cả nước ảm đạm ra sao thì không cần tưởng tượng cũng biết.
Những phiên chợ không hàng hóa, những nhà trường không học sinh, nhà thờ
chùa chiền đóng cửa, bệnh viện không thuốc men…hình ảnh của những ngày
sau 30 tháng Tư lập lại nhưng bi thảm hơn. Cả nước tiếp tục cầm cuốc ra
đồng và bài ca lao động hợp tác xã lại cất lên trên các loa phường khắp
nước.
Kịch bản này không thề khác hơn nếu Trung Quốc đánh chiếm Việt Nam.
Kịch bản này cũng sẽ rất giống cuộc vượt biên vĩ đại của cả dân tộc.
Tuy nhiên lần này người vượt biên sẽ không gặp thảm cảnh và sự bắt bớ
như sau năm 1975. Ngoại trừ chọn con đường đi bộ sang Campuchia thay vì
làm thuyền nhân khi dùng đường biển.
Hun Sen sẽ ra lệnh bắt giữ không sót người Việt nào vượt biên sang
đất nước của y. Bài học của hơn 20 người Tân Cương bị y trả về Trung
Quốc cho thấy Hun Sen không từ thủ đoạn nào miễn là kiếm được tiền và
lòng tin của mẫu quốc. Với y khi không còn dựa được vào Việt Nam thì
thái độ nào cũng được y chấp nhận kể cả bán đứng Việt Nam như bài học
ASEAN vừa rồi.
Vậy ai là người có khả năng vượt biên trong những ngày đầu tiên?
Xin thưa: Các đại gia, tham ô gia, cán bộ gia, đại biểu quốc hội và
các trí thức trước nay chưa bao giờ mở miệng chống Trung Quốc hay những
bất công thối nát trong lòng chế độ.
Sự ra đi của họ có nhiều nguyên nhân khác nhau. Với các đại gia thì
lý do quá rõ, họ không thể bị Trung Quốc cho đi cải tạo vì giàu và sau
khi cải tạo thì tài sản vào tay đám quan lại mới. Tài sản ở nước ngoài
của các đại gia này có thề khiến cho họ tiếp tục sống trọn cuộc đời
vương giả nơi xứ người vậy thì dại gì không vượt biên? Mà có thể phương
tiện vượt biên của bọn người này sẽ là phi cơ các loại, kể cả phi cơ
riêng. Thế là Việt Nam lại có hình thức vượt biên mới: thay vì ô đi ghe,
ô đi bộ bây giờ là ô đi phi!
Tham ô gia và cán bộ gia là cách gọi bọn ăn bẩn bao gồn cả những phần
tử trong và ngoài đảng. Bọn này tiền đẩy túi, đất bao la, gia tài chìm
nổi khó kể xiết. Những gia đình này sẽ âm thầm mua tàu vượt biên còn số
phận của họ ra sao khi tới các nước tự do sẽ không ai đoán ra được.
Các đại biểu Quốc hội số lớn nằm trong tham ô gia và cán bộ gia rồi
nhưng số còn lại tuy không là gia nhưng lại sợ nhân dân trả thù nên phải
ra đi. Trả thù vì chính những người này khi nhận chức vụ đại biểu Quốc
hội nhưng lại làm đại biểu cho nhà nước tức cho những kẻ quyền bính hại
dân, đã hèn nhát im lặng không thực hiện điều mà người dân giao phó.
Vượt biên là cách tốt nhất để thế giới quên những gì mà họ đã làm. Tình
trạng này không khác chi các dân biểu nghị sĩ thời xưa khi Quân đội Nhân
dân tiến vào Sài Gòn.
Nhưng tại sao trí thức lại vượt biên?
Không phải vì họ yêu nước đâu, họ sợ chế độ mới không trọng dụng họ.
Khi nước sắp mất, nhà sắp tan họ vẫn dửng dưng đóng cửa làm thinh coi
như họ không phải là người Việt Nam. Thay vì đóng góp tiếng nói cho
chính quyền mở mắt ra, họ lại a dua bằng cách im lặng. Họ cương quyết
không chịu mất ghế trong hệ thống mặc dù họ không làm gì cả nhưng vẫn
được lãnh lương và được người dân gọi là tiến sĩ này giáo sư nọ. Họ là
những mảnh bằng biết đi, biết hưởng thụ nhưng hoàn toàn không biết gì
đến vận mệnh đất nước.
Họ vượt biên với hy vọng ở trên xứ người không ai truy vấn các hành
vi hèn nhát của họ và tiếp tục ăn học để kiếm mảnh bằng mới lập lại vòng
quay mới và lần này họ tự do không phải lo sợ về hai từ "yêu nước”.
Còn chúng tôi, nhưng người không có khả năng vượt biên, không có khả năng chạy trốn thì sao?
Muốn biết lắm nên tôi vào google đánh hai từ: Tân Cương, Tây Tạng.
Lập tức hàng triệu thông tin cho thấy người dân hai mảnh đất này vẫn
tiếp tục chống Trung Quốc bằng máu xương của họ, những người bị bách hại
bởi đám người Hán hung tàn.
Tôi chợt nghĩ đến một kịch bản khác mà rùng mình: Nếu Trung Quốc muốn
tiêu diệt Việt Nam bằng hình thức Pol Pot như tại Campuchia thì sao?
Nghĩ sơ qua thôi cũng đủ thấy mình muốn chết!
Cánh Cò
http://www.rfavietnam.com/node/1273
|