Nguyễn Quang Duy
Sửa soạn Đại hội Đảng lần thứ 11, Thủ tướng Cộng sản Nguyễn Tấn Dũng
cho ban hành Quyết định 97/2009/QĐTTG. Khoản 2 Điều 2 bắt buộc các cá
nhân thành lập tổ chức khoa học công nghệ chỉ được hoạt động trong một
số lĩnh vực và“,… Nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương,
chính sách của Đảng, Nhà nước cần gửi ý kiến đó cho cơ quan Đảng, Nhà
nước có thẩm quyền, không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc
gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học và công nghệ“. Rõ ràng đối
tượng của Quyết định là tầng lớp trí thức Việt Nam và mục đích là cấm
hoạt động, bịt miệng tầng lớp này.
Càng ngày càng nhiều trí thức rất thấu hiểu, rất quan tâm tới tình hình
đất nước, tới thực tế cuộc sống và tương lai của dân tộc. Nhân các Đại
Hội Đảng họ thường gởi những góp ý đến đến đảng và nhà cầm quyền cộng
sản. Các ý kiến không hùa theo hay bất lợi cho giới cầm quyền đều không
được để ý đến. Nhiều người còn bị trù dập, bị khủng bố chỉ vì những ý
kiến họ nêu ra.
Trong thời đại thông tin mạng, như Đại Hội 10 trước đây, nhều ý kiến đã
được công khai phổ biến trên mạng tòan cầu, nhanh chóng được giới
truyền thông loan tải và nhiều người biết đến. Ngặt nỗi, đảng và nhà
nước cộng sản lại không kiểm sóat các mạng thông tin vì hầu hết được
điều hành độc lập bên ngòai Việt Nam. Vì thế trước kỳ Đại Hội, đảng
Cộng Sản phải tìm mọi cách để khống chế các ý kiến bất đồng.
Một số trí thức lại còn kết hợp với nhau qua Viện Nghiên cứu Phát triển
(IDS). Viện được thành lập ngày 27/9/2007 tại Hà Nội. Mục tiêu là thực
hiện các nghiên cứu và tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn về chính sách,
chiến lược, kế hoạch phát triển cho các cơ quan nhà nước và tổ chức
kinh tế - xã hội, cá nhân. Viện hoạt động trên cơ chế độc lập và mở,
với một hội đồng gồm 16 thành viên gồm Giáo sư Hoàng Tụy (Chủ tịch
Hội đồng), Tiến sỹ Nguyễn Quang A (Viện trưởng), bà Phạm Chi Lan, các
ông Nguyên Ngọc, Tương Lai, Lê Đăng Doanh, Trần Việt Phương, Nguyễn
Trung, Chu Hảo...
Theo Tiến sỹ Nguyễn Quang A, trong 2 năm qua, Viện đã tiến hành nhiều
đề tài xoay quanh 3 chủ đề lớn: (1) chất lượng tăng trưởng kinh tế, (2)
cải cách giáo dục và cải cách y tế, (3) vấn đề phát triển nông thôn.
Công việc thường xuyên của Viện là tổ chức các buổi tọa đàm khoa học 2
tuần 1 lần. Ngoài ra, Viện cũng làm một số nghiên cứu như năng lực cạnh
tranh của các nghành kinh tế Việt Nam, tác động của lạm phát lên người
nghèo, những giải pháp để hỗ trợ người nghèo vượt qua tình hình khó
khăn và một nghiên cứu về xã hội dân chủ ở Việt Nam.
Phản ứng lại Quyết Định 97, Viện đã chính thức Tuyên bố tự ngưng hoạt
động từ ngày 15.9.2009 với ba lý do: (1) Điều 2 của Quyết định 97 không
phù hợp với thực tế khách quan của cuộc sống; (2) Việc cấm phản biện
công khai là phản khoa học, phản tiến bộ, phản dân chủ và (3) Quyết
định 97 có nhiều điểm trái với đường lối của Đảng và vi phạm pháp luật
của Nhà nước.
Tuyên bố tự giải thể của Viện tạo ra một làn sóng công luận trong và
ngoài nước. Có ngừơi cho rằng đảng Cộng sản là đỉnh cao trí tuệ nên đâu
cần đến “tư vấn về chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển…”. Do
đó, Viện IDS chỉ hoạt động kiểu cải lương đánh bóng cho thể chế cộng
sản độc tài toàn trị. Lập luận công bình hơn cho rằng từ ngày “trí phú
địa hào đào tận gốc trốc tận rễ” làm gì có Viện độc lập với sự lãnh đạo
của đảng Cộng sản và Viện trưởng lại không phải là đảng viên.
Cũng có người, nhìn nhận vai trò tích cực của IDS trong tiến trình cải
cách và hội nhập quốc tế cuả Việt Nam. Như ý kiến của nhà báo Nguyễn
Giang (BBC), cho rằng đó là “dấu chấm hết của xu hướng tự tìm tòi các
giải pháp gợi mở cải tổ chính sách từ bên trong hệ thống chính trị-kinh
tế ở Việt Nam”.
Có lập luận, dựa trên báo chí Trung Cộng đưa tin và lại không bị nhà
cầm quyền Việt Nam phản bác, cho rằng Việt Nam áp dụng hoàn toàn mô
hình Trung Quốc. Thế thì, đỉnh cao trí tuệ Việt Nam là lần theo đỉnh
cao trí tuệ Trung Cộng. Và như thế đã có các cố vấn Trung Quốc trợ giúp
tư duy, đâu cần tư vấn Việt Nam như Viện IDS.
Nếu lập luận này đúng thì giới cầm quyền Việt Nam chỉ học cái dở của
người. Ở Trung Quốc có cả ngàn Viện tư vấn kiểu IDS. Và từ lâu nhiều
trường Đại Học Trung Quốc hoạt động khá độc lập theo phương cách nghiên
cứu Tây Phương.
Nhìn chung, Tuyên Bố tự giải thể đã được ủng hộ rộng rãi. Nhiều người
đồng ý Tuyên bố chính là hành động phản biện hùng hồn nhất của Viện này
từ khi nó được lập ra. Vừa qua Tiến sỹ Nguyễn Quang A cũng xác nhận: “…
tuyên bố của chúng tôi là một sự phản biện mạnh mẽ cuối cùng với tư
cách là một tổ chức, còn với tư cách cá nhân thì từ trước chúng tôi vẫn
làm, sau ngày đó chúng tôi cũng vẫn làm”.
Về Tuyên Bố tự gỉai thể Nhạc sỹ Tô Hải nhận định: “Chẳng qua đây là một
hành động "cao tay ấn" khi tổ chức ra một cái viện mà biết trước thế
nào cũng bị đóng cửa để có lí do mà trở lại phát biểu những ý kiến phản
biện, chẳng cần cái tổ chức nào mà nhà nước cho phép nữa. Và quả là như
thế, bản tuyên bố tự giải tán với 16 vị cùng kí tên coi như "cuộc
chiến" mà người khai chiến là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với quyết định
97”.
Đúng như lời ông Tô Hải, ngày 14/10/2009, Văn Phòng Chính Phủ Việt Nam
ra Thông Báo đầy lời lẽ dọa nạt, du đãng, khủng bố tinh thần. Thông báo
xác nhận “Việc ban hành Quyết định số 97/2009/QĐ-TTg ngày 24 tháng 7
năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ là cần thiết, phù hợp với Hiến pháp,
pháp luật và đã có hiệu lực thi hành”. Điều 4 của Bản Thông Báo ra
lệnh: “Giao Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chủ trì, cùng Bộ Khoa học
và Công nghệ có hình thức xử lý thích hợp, đúng quy định của Đảng và
Nhà nước đối với việc tự giải thể của Viện nghiên cứu phát triển (IDS)
và những phát biểu thiếu tinh thần xây dựng của một số cá nhân thuộc
Viện nghiên cứu phát triển (IDS)”.
Trả lời trên các cơ quan truyền thông hải ngoại, Tiến sỹ Nguyễn Quang A
cho biết rất thất vọng vì thông báo nói trên. Ông đề nghị một cuộc
tranh luận công khai, thẳng thắn xây dựng và sòng phẳng thay vì dùng
quyền lực để đe dọa và áp đặt. Ông tin rằng Quyết Định 97 không
phải chỉ vi phạm pháp luật Việt Nam mà còn trái với cam kết quốc tế.
Ông cho biết sẽ tiếp tục đưa vấn đề đến Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội cứu
xét. Tuy vậy ông không mấy tin tưởng vào kết quả vì “Việt Nam không có
tòa án Hiến Pháp, không có một hệ thống luật pháp độc lập”.
Khi được phóng viên Tuyết Đan đài Chân Trời Mới hỏi: “Lý do gì mà quý
vị đã quyết định công bố qua trang mạng Bô-xít Việt Nam?” Tiến sỹ
Nguyễn Quang A không ngần ngại trả lời “Dạ không, Bô-xít Việt Nam là
một trang mà chúng tôi gửi đến, tôi đưa lên trang Web của chúng tôi
trước tiên, chúng tôi gửi cho một loạt báo ở Việt Nam, chúng tôi gửi
cho Việt Tân, trang Anhbasam (AnhBaSaiGon) ... Chúng tôi gửi cho nhiều
nơi chứ không phải là chỉ cho Bô-xít Việt Nam…”.
Câu trả lời của Tiến sỹ Nguyễn Quang A thật đáng cho chúng ta suy ngẫm.
Trong khi nhà cầm quyền cộng sản vẫn xem đảng Việt Tân như tổ chức
“khủng bố”, ông A lại ngầm xác nhận đã tìm hiểu và nhìn nhận sự khác
biệt để thông tin và hướng đến lợi quyền chung dân tộc. Việc làm trên
có khác mấy việc các thành viên đảng Dân Chủ Việt Nam, Luật sư Lê Công
Định, Cao Học Nguyễn Tiến Trung … tìm cách kết hợp trong ngòai giải
quyết tình trạng khủng hỏang tòan diện và nguy cơ mất nước.
Lần này giới báo chí trong nước không ào ạt đưa tin Tuyên Bố tự giải
tán của Viện Nghiên Cứu Phát Triển hay Thông Báo đe dọa của “Chính Phủ
Việt Nam”, như đã xảy ra trước đây với vụ án đảng Dân Chủ Nhân Dân. Một
vài báo xem ra buộc lòng phải đăng Thông Báo của “Chính Phủ Việt Nam”
và để mặc cho độc giả nhận xét và phê phán việc làm của “Chính Phủ” này.
Trong giới báo chí có nhà báo Thiện Ý Tống Văn Công, một đảng viên cộng
sản, người đầu tiên lên tiếng góp ý Đại Hội 11 “Đổi Mới Đảng để tránh
nguy cơ sụp đổ!”. Nhà báo Thiện Ý cho biết “Năm 2008, báo chí Việt Nam
vốn ngoan ngoãn với chức năng công cụ, đã bị trừng phạt nặng nề: 6 cơ
quan báo chí bị cảnh cáo, 252 trường hợp bị khiển trách, 15 nhà báo bị
thu thẻ hành nghề, trong đó có 2 Tổng Biên tập, 4 phó Tổng Biên tập, 6
nhà báo bị khởi tố, 2 nhà báo vào tù”. Giới báo chí cũng đang “tự điều
chỉnh” để đi sát hơn với tình hình đất nước, với thực tế cuộc sống và
tương lai của dân tộc. Giới báo chí do đó đã được đảng và nhà nước cộng
sản chiếu cố đầu tiên.
Trong lịch sử đảng Cộng sản chưa bao giờ phải đối đầu với hàng ngàn trí
thức Việt Nam đồng lòng công khai ký tên phản đối một dự án đã được
Trung Ương được Bộ Chính Trị thông qua. Vì dự án này đối nghịch với lợi
quyền Quốc Gia.
Không phải đến bây giờ tầng lớp trí thức mới lên tiếng. Hòa Thượng
Thích Quảng Độ, Linh mục Nguyễn văn Lý, Bác sỹ Nguyễn Đan Quế, Cao học
Kinh tế Đỗ Nam Hải, Luật sư Lê thị Công Nhân, nhà giáo Vũ Hùng và hàng
vạn trí thức Việt Nam khác vẫn không ngừng lên tiếng đấu tranh cho tự
do và dân chủ. Sự khác biệt của Đại Hội lần này là đảng Cộng sản Việt
Nam đã hiện nguyên hình tay sai bán nước cho ngọai bang Trung Cộng.
Khi tầng lớp trí thức, hòa nhập cùng tầng lớp khác nông dân, công nhân,
ngư dân, sinh viên, học sinh, các tổ chức tôn giáo và khi trong ngòai
chấp nhận sự khác biệt để hướng đến lợi quyền chung dân tộc, thì đảng
Cộng sản sẽ phải đối đầu với lực lượng dân tộc và sẽ bị đào thải. Biết
đâu đảng Cộng sản sẽ không qua khỏi Đại Hội lần này.
Câu hỏi cho mỗi người Việt còn tha thiết đến vận mệnh đất nước là làm
thế nào để chấp nhận sự khác biệt để hướng đến lợi quyền chung dân tộc.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
21/10/2009
|