Bản tin này trên báo điện tử ĐCSVN bị gỡ xuống không lâu sau đó
Người đứng đằng sau trang bauxitevietnam.info đòi cách chức Tổng Biên tập trang tin của ĐCS Việt Nam vì 'tuyên truyền cho kẻ thù'.
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi nói Tổng Biên tập Đào Duy Quát phải ra đi sau khi trang tin http://www.cpv.org.vn đăng lại một bài báo của truyền thông Trung Quốc về đợt tập trận của quân đội nước này tại Trường Sa.
Ông Chi nói với BBC: ''Đây là lỗi về chính trị và do đầu óc ngu muội của con người gây ra chứ sao lại đổ cho kỹ thuật."
''Nếu một trang phục vụ một đảng mà đảng ấy đang cầm quyền, đảng ấy tự nhận là mình gánh trách nhiệm bảo vệ đất nước thì một trang mà để xảy ra sơ suất như thế thì phải cách chức ông Tổng Biên tập, đấy là nhẹ nhất.''
Ông cũng nói cần cảnh cáo người đã đưa ''tin bậy'' như thế và yêu cầu trang web của Đảng Cộng sản ''phải xin lỗi bạn đọc và không bao giờ phạm lỗi sơ đẳng như thế nữa.''
Đăng lại
Bài mà trang tin của Đảng Cộng sản đăng lại hôm 4/9 dẫn nguồn từ báo Hoàn Cầu, một báo mạng chính thống của Trung Quốc, viết:
''Ngày 18/08/2009, đội tàu hộ tống gồm hơn 100 sĩ quan và binh lính đã cập bến bãi đá Vĩnh Thử (đảo Chữ Thập) thuộc quần đảo Trường Sa để tiến hành tiếp tế, hậu cần, thăm quan cơ sở công tác và sinh hoạt của binh lính trên đảo, đồng thời đưa 2 tàu chở trực thăng là ”Thâm Quyến” và ”Hoàng Sơn” cập đảo, tiến hành diễn tập cho trực thăng lên xuống và lực lượng đặc nhiệm đổ bộ đường không.''
Bài báo cũng có đoạn: ''Ngày 24/08/2009, lực lượng Hải quân Trung Quốc bắt đầu giai đoạn huấn luyện nhảy dù kéo dài 2 tháng, các hoạt động huấn luyện này được bắt đầu từ một sân bay ở quần đảo Hoàng Sa."
Không chỉ để nguyên tên Biển Đông theo cách gọi của Trung Quốc là Nam Hải, bài báo còn trích lời chỉ huy quân sự Trung Quốc nói về "sứ mệnh bảo vệ lợi ích quốc gia" và "hy vọng các binh sĩ tập luyện để bảo vệ tốt biên cương trên biển phía nam Tổ quốc".
''Đây được coi là một hoạt động tập dượt kịch bản đổ bộ bằng đường không của Hải quân Trung Quốc. Một trong những nội dung mới đáng lưu ý trong các hoạt động huấn luyện quân sự năm 2009 là hoạt động huấn luyện nhảy dù từ máy bay trực thăng và từ một sân bay ở quần đảo Hoàng Sa.''
Trang bauxitevietnam.info cho hay một nhân viên của trang tin Đảng Cộng sản nói đây là ''lỗi kỹ thuật'', điều mà giáo sư Huệ Chi nói rằng chỉ là chống chế "một cách gượng ép".
Bài báo đã bị gỡ xuống sau khi dư luận giới blogger trong nước báo động.
BBC tìm cách liên lạc với những người chịu trách nhiệm của trang tin này nhưng không nhận được lời giải thích.
Đây không phải là lần đầu tiên nội dung do phía Trung Quốc viết được đăng trên báo chí chính thống ở Việt Nam.
Dừng tường trình
Trong một diễn biến khác, báo Tuổi Trẻ ngày hôm nay ra tuyên bố ngắn ngừng loạt bài ''Hoàng Sa - tường trình 35 năm sau'' sau hai bài đầu tiên.
Toàn bộ thông báo của Tuổi Trẻ viết: ''Vì lý do ngoài ý muốn, chúng tôi xin tạm dừng hồ sơ “Hoàng Sa - tường trình 35 năm sau”. Chúng tôi sẽ tiếp tục đề tài này vào thời điểm thích hợp. Chân thành cáo lỗi cùng bạn đọc.''
Tờ báo không giải thích "lý do ngoài ý muốn" là gì.
Bài cuối cùng trong loạt bài này kể lại câu chuyện của ông Lữ Công Bẩy, người phục vụ trên chiến hạm Trần Khánh Dư, chiến hạm hiện đại nhất của Việt Nam Cộng Hòa, và đã chứng kiến trận hải chiến đẫm máu ngày 19/01/1974 khiến 50 binh sĩ thuộc Quân lực Việt Nam Cộng Hòa thiệt mạng.
Sau trận hải chiến này, Trung Quốc đã chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa cho tới nay.
Hồi năm 1988, một cuộc đụng độ với hải quân Trung Quốc gần Trường Sa cũng khiến Hải quân Nhân dân Việt Nam mất gần 70 chiến sĩ.