Đỗ Thái Nhiên
Từ nhiều năm qua, do nhu cầu bức bách của hoạt động tôn giáo, các Giáo Hội, đặc biệt là Giáo Hội Công Giáo đã có những “thảo luận” ngày càng nghiêm trọng với nhà cầm quyền CSVN về đất đai. Một số quốc gia trong cộng đồng quốc tế, do những liên hệ quyền lợi về kinh tế tài chánh đã biện hộ cho Hà Nội bằng luận cứ rằng: Tranh chấp đất đai không ảnh hưởng gì đến quyền tự do tôn giáo và rằng vấn đề đất đai không là vấn đề nhân quyền. Muốn tìm hiểu mối quan hệ giữa đất đai và nhân quyền, chúng ta hãy khảo sát hồ sơ Tam Toà, một vụ tranh chấp đất đai tại VN tháng 08/2009.
Trong chiến tranh Việt Nam trước 1975, nhà thờ Tam Toà bị thiệt hại nặng nề. Lấy cớ cảnh đổ nát của nhà thờ này là một chứng tích tội ác chiến tranh của “đế quốc” Mỹ, CSVN cấm không cho tín đồ Công Giáo trùng tu nhà thờ. Do vậy, nhiều thập niên qua, giáo dân Tam Toà không có nhà thờ để thực hiện các nghi lễ tôn giáo. Từ đó giáo xứ Tam Toà không thể không đấu tranh đòi lại nhà thờ. Cuộc đấu tranh này khi ngấm ngầm, khi công khai; khi nhẹ nhàng, khi gay gắt. Thế rồi, chuyện-phải-đến đã đến: ngày Chủ Nhật 15/08/2009 hàng trăm ngàn giáo dân đã tham dự thánh lễ tại quảng trường Toà Giám muc Xã Đoài. Từ quảng trường này, giới quan sát chú ý tới ba biểu ngữ:
1) “Cả giáo phận chung tay hành động để cứu lấy Tam Toà” 2) “Cuối cùng phần thắng sẽ thuộc về công lý, về những người yêu mến Giáo Hội”. 3) “Công lý sẽ đẩy lùi bất công”.
Ba biểu ngữ nêu trên đã minh xác rằng: Từ nay, tín hữu Tam Toà tìm đến Hoà Bình và Công Lý không chỉ thuần bằng con đường cầu nguyện. Lời cầu nguyện cần đi kèm với hành động cụ thể. Cầu nguyện nên được hiểu là cầu nguyện cho hành-động-đòi-hỏi-công-lý nhanh chóng đạt kết quả. Hai chữ “hành động” đã đẩy cuộc đối đầu giữa Tôn Giáo và CSVN bước vào giai đoạn cam go hơn bội phần.
Bây giờ chúng ta thử tìm hiểu xem: Trong cam go kia, đôi bên đã có những lá chủ bài nào.
Về phía Hà Nội: nhằm duy trì độc quyền chiếm hữu vô thời hạn đất đai của toàn dân, CSVN sử dụng ba lá bài chủ sau đây:
1) Luật đất đai 2003: Luật này xác định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nói cách khác toàn dân là sở hữu chủ của đất đai. Đảng CSVN chỉ là đại diện cho sở hữu chủ để quản lý đất đai. Thế nhưng, điều 5 luật 2003 lại qui định: “Nhà nước có các quyền: quyết định mục đích sử dụng đất, quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, định giá đất, quyết định về hạn mức giao đất, và thời hạn sử dụng đất…”. Rõ ràng điều 5 luật đất đai đã khẳng định đảng CSVN là ông chủ tối cao và có cực quyền đối với toàn bộ đất đai của quốc gia. Toàn dân chỉ là ông chủ hờ, ông chủ này có thể biến thành dân oan bất kỳ lúc nào đảng muốn.
2) Ưu quyền của chính quyền: nhằm hưởng được mọi đặc quyền, đặc lợi do điều 5 luật 2003 thiết kế, đảng CSVN phải quyết liệt bám trụ vị trí chính quyền. Thế nhưng chính quyền do CSVN nắm giữ là chính quyền không do dân bầu lên, một nhà cầm quyền hoàn toàn phi chính thống.
3) Bàn tay sắt: luật đất đai 2003 là luật ban cho đảng CSVN quyền cưởng chiếm đất đai của toàn dân, luật 2003 là luật của độc tài thối nát, luật tạo căm hờn trong nhân dân. CSVN thừa biết các sự kiện vừa nêu, vì vậy chế độ Hà Nội không ngừng nuôi dưỡng và phát triển lực lượng công an và các băng đảng xã hội đen. Đây là hai bàn tay sắt nòng cốt của CSVN. Chúng vừa là công cụ giúp đảng kinh tài, vừa là vũ khí đàn áp mọi cơ hội chống đối từ các thành phần quần chúng.
Về phía Giáo Hội Công Giáo Việt Nam: Như đã trình bày trong phần tin tức, vụ nhà thờ Tam Toà là cao điểm của cuộc xung đột về đất đai giữa CSVN và tín hữu Công Giáo Việt Nam. Vào dịp này, ngày 13/08/2009, Hội Đồng Giám Mục Việt nam đã phổ biến một văn kiện có tựa đề “Nghĩ về giải pháp cho những xung đột”. Văn kiện này đưa ra hai nhận định đồng thời cũng là hai đòi hỏi:
Nhận định một: xung đột về đất đai chỉ là cửa ngõ dẫn đến vấn đề lớn hơn, căn bản hơn, đó là quyền tư hữu của người dân. Quyền này đã được qui định tại điều 17 Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền(TNQTNQ).
Nhận định hai: Thái Bình, Toà Khâm Sứ hay Tam Toà tất cả đều là hệ quả tất yếu của cuộc đụng độ giữa luật đất đai 2003 và điều 17 TNQTNQ. Tình trạng đụng độ kia chỉ có thể được giải trừ bằng những đối thoại hữu lý và công bằng. Làm thế nào để nhà cầm quyền có thể đối thoại với toàn dân? Thưa rằng đối thoại với toàn dân chính là hãy để cho toàn dân phát biểu ý kiến bằng lá phiếu. Mặt khác tự do báo chí là công cụ thích nghi nhất giúp người dân có đủ hiểu biết và tin tức trước khi quyết định sử dụng lá phiếu. Như vậy đối thoại giữa người dân và nhà cầm quyền chính là tự do báo chí (Điều 19TNQTNQ)và tự do ứng cử và bầu cử (Điều 21 TNQTNQ).
Hai nhận định của HDGMVN tháng 08/2009 đã minh chứng một cách đơn giản nhất nhưng cụ thể và chặt chẽ nhất mối liên hệ giữa đất đai và nhân quyền là liên hệ hai mặt của một bàn tay.
Nhìn chung, những toan tính của Hà Nội là những toan tính đi ngược lại quyền sống của người dân. Những toan tính của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam là những toan tính phục vụ con người. Lịch sử loài người đã rất nhiều lần chứng minh: tất cả chế độ chính trị chống lại quyền sống của con người đều bị lịch sử đào thải. Đó là nội dung lịch sử quan hằng cửu của triết học lấy con người làm tiền đề. Lịch sử quan là khoa lý luận giúp con người xác định được hướng tiến của lịch sử: kẻ cướp đất phải thất bại, người đòi quyền tư hữu phải đạt thắng lợi. Câu hỏi được đặt ra là: con đường đi đến thắng lợi kia sẽ bao xa?
Câu trả lời nằm ở các tin tức kể sau:
Đầu năm 2008 khi giáo xứ Thái Hà nổi lên đòi lại đất, đức cha Cao Đình Thuyên giám mục địa phận Vinh đã đến hành hương Thái Hà. Nhân dịp này vị lãnh đạo gíao phận Vinh đã tình nguyện đứng chung giới tuyến với Thái Hà bằng cách tuyên bố: “Chuyện của Thái Hà cũng là chuyện của Vinh”. Lời tuyên bố này chẳng bao lâu sau đã trở thành lời tiên tri thần kỳ. Ngày 15/08/2009 Tam Toà (Giáo phận Vinh) lừng lửng đứng dậy bên canh Thái Hà với hàng trăm ngàn giáo dân đòi công lý. Chưa hết, ngày 20/08/2009, VietCatholic loan tin: “ Tổng Giáo Phận Saigon không di dời nhà thờ Thủ Thiêm, cũng như không di dời Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm). Như vậy là hiệu ứng dây chuyền đã hiện nguyên hình: Toà Khâm Sứ, họ đạo Thái Hà, tổng giáo phận Hà Nội; họ đạoTam Toà, giáo phận Vinh; họ đạo Thủ Thiêm, tổng giáo phận Saigon… Dây chuyền vừa nêu đã hiển nhiên kéo dài lời tuyên bố của ngài giám mục Cao Đình Thuyên: Chuyện của Thái Hà cũng là chuyện của Vinh. Chuyện của Công Giáo cũng là chuyện của Phật Giáo, của Cao Đài, Hoà Hảo…
Chuyện của tôn giáo cũng là chuyện của dân tộc. Cứ như thế ngọn lửa công lý và nhân quyền lan-rộng-ra, lan-nhanh-lên. Cộng hưởng của những lan rộng và lan nhanh kia sẽ là bảo lửa thiêu tan chế độ Hà Nội. Đây không là những ước mơ vu vơ. Đây chính là mệnh lệnh của lịch sử, là quy luật tất yếu lịch sử.
Nguồn: Thông Luận
|