Thứ Ba, 2024-11-05, 8:39 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2012 » Tháng Tư » 10 » GDP: Sự dối trá tuyệt vời
7:09 AM
GDP: Sự dối trá tuyệt vời

Ngô Minh
-

Lâu nay trong các báo cáo tổng kết tình hình kinh tế chúng ta hay dùng các chỉ số như GDP, tốc độ tăng GDP, GDP bình quân đầu người… để đo tốc độ phát triển. Theo dõi báo chí, chúng tôi thấy đa số các tỉnh đều công bố những con số chóng mặt: Tăng trưởng GDP của các địa phương 5 năm qua đều tăng từ 11 đến 13%, có tỉnh đến 15%, có nhiều huyện thị còn đạt tốc độ tới 17%. Ngày 1-4-2012 vừa qua, kỷ niệm ngày giải phóng, ông chủ tịch tỉnh Ninh Thuận đã nói rằng: ”Ninh Thuận sẽ đạt tốc độ tăng trưởng GDP từ nay đến năm 2020 từ 17 đến 20%”. Nghe mà sớn tóc gáy. Nghĩa là 64 tỉnh thành nước ta đều có tốc độ tăng GDP khủng khiếp, thế giới chưa từng có! Nghe những con số này, các nhà tuyên truyền thì phấn khích, còn các nhà kinh tế lại rất mỉm cười bảo: ”Dối trá. GDP đâu ra mà lắm thế!”. Một câu hỏi xoáy lòng người: 64 tỉnh thành tăng trưởng GDP rất cao, tại sao GDP cả nước lại tăng ít hơn? Từ 15 năm nay, GDP nước ta chưa bao giờ vượt ngưỡng 8,5%. Năm 2005, GDP nước ta đạt 8,4%, một trong những nước cao nhất thế giới. Năm 2008, do thiên tai, biến động kinh tế, ảnh hưởng khủng hoảng tài chính Mỹ, dự kiến GDP cả nước chỉ khoảng 7%. Năm 2011: 5,6 %, Quý I- 2012: tăng dưới 5%… GDP cả nước tăng thấp, chỉ bằng một phần ba, một nửa tốc độ tăng GDP của nhiều tỉnh! Vậy con số nào là thật? Con số nào là giả?

Vậy GDP là gì? Theo Từ điển kinh tế do Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu khoa học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh (1994), thì "GDP là tổng sản phẩm quốc nội, là tổng trị giá tiền tệ của tất cả các sản phẩm cuối cùng và dịch vụ phát sinh trong một nền kinh tế trong một năm”. Theo định nghĩa trên, thì GDP cả nước sẽ bằng GDP 64 tỉnh thành cộng với GDP khu vực kinh tế trung ương. Nhất định GDP khu vực kinh tế trung ương (các tập đoàn, TCT) bao giờ cũng tăng cao hơn các địa phương vì có ưu thế về vốn, thiết bị, thị trường. Theo cách tính đó thì GDP bình quân của nước ta 5 năm qua phải tăng từ 12- 15% mỗi năm trở lên, chứ không phải phấn đấu cật lực mới được 7- 8,4%! Cho nên cách tính GDP của các địa phương đang là vấn đề nghi vấn: Một là tự kê khống lên để lòe dân, để biến báo "thành tích nhiệm kỳ”? Đó là bệnh chạy theo thành tích,”màu cờ sắc áo” đã đến kỳ di căn. Đó là sự dối trá tuyệt vời.

Nếu theo tốc độ tăng GDP của các tỉnh nêu: 15- 17%/năm thì chỉ trong 10 năm, nông thôn nước ta đã giàu có hơn nông thôn nước Nhật, Nước Mỹ lắm lắm . Nhưng sự thật thì hoàn toàn trái lại. Bộ mặt nông thôn, đô thị, cuộc sống nhân dân chẳng biến đổi bao nhiêu so với 10 năm trước? Mỗi năm tỉnh Thanh Hóa có hàng ngàn hộ đói. Các tỉnh duyên hải miền Trung cuộc sống của người dân không khác gì cách đây 20 năm. Vẫn nhà tranh vách đất, tháng nào cũng hàng ngàn hộ đứt bữa. Hàng năm Trung ương phải xuất hàng ngàn tấn gạo trong kho dự trữ chiến lược để cứu đói cho các địa phương. Nhiều con đường ở một số thành phố cấp I, cấp II vẫn ổ voi, ổ gà lởm chởm, mưa xuống là ngập lụt. Giá điện, giá xăng, giá nước sinh hoạt tăng liên tục làm người dân khốn đốn. Thịt độc, rau độc, thuốc giả, gạo giả… làm người dân vừa ăn vừa nơm nớp sợ.

Nguyên nhân tình trạng GDP một đường, cuộc sống một nẻo là do trong "tổng sản phẩm quốc nội” gọi là GDP ấy đó có rất nhiều thứ có trên thực tế, nhưng hiệu quả thì không. Ví dụ các dự án xây dựng kéo dài, các quy hoạch Khu đô thị đã xây cơ sở hạ tầng, nhưng không kêu gọi được đầu tư; rồi các dự án đầu tư hàng trăm ngàn tỷ đồng như cảng nước sâu, sân bay… không phát huy hiệu quả kinh tế. Đã có sân bay Nha Trang, Cam Ranh cách đó năm ba chục cây số, lại đầu tư xây dựng sân bay "quốc tế” Phú Yên! Rồi cảng nước sâu Chân Mây Thừa Thiên Huế, đầu tư hàng ngàn tỉ đồng, xây xong để đấy, mỗi năm chỉ có vài chuyến tàu chở than đá, chở khách du lịch, hay xây chợ mấy năm rồi mà không có vào người mua bán; Đường quốc lộ, tỉnh lộ vừa tốn hàng trăm tỷ đồng xây dựng, nâng cấp, qua một mùa mưa lại hư hỏng, lại đầu tư sửa chữa cũng hơn chừng ấy tiền; thậm chí kinh phí đầu tư để sữa chữa công trình mới thi công xong đã hư hỏng v.v… Rồi bao nhiêu nhà máy bao bì xi măng, nhà máy gạch men sứ, nhà máy đường, ximăng lò đứng, lò quay, nhà máy tinh bột sắn, khu du lịch… "trời ơi đất hỡi”, thua lỗ triền miên, huyện nào, tỉnh nào cũng có khu công nghiệp v.v… và v.v… Tất cả vốn đầu tư không hiệu quả ấy đều được tính hết vào GDP. Ngoài ra, nạn "chạy dự án”, tăng đầu tư bất cứ giá nào nhiều năm nay đã trở thành một "mốt” làm ăn thời thượng của nhiều quan chức. Càng đầu tư nhiều tỷ lệ phần trăm ăn chia bên A, bên B, bên C… càng nhiều! Bệnh thành tích nặng nề cũng thúc đẩy đầu tư bất cứ giá nào. Càng đầu tư nhiều thì GDP tỉnh càng cao, càng có thành tích, lãnh đạo lại giàu có thêm, dại gì không làm!

Như vậy, tăng GDP mấy năm trở lại đây là nhờ tăng đầu tư xây dựng cơ bản cho các dự án không có hiệu quả đủ các lĩnh vực, chứ chất lượng cuộc sống của người dân thì không được tăng tương ứng. Càng đầu tư nhiều thì GDP càng cao và tốc độ tăng GDP cũng càng cao, và GDP bình quân đầu người càng tăng, địa phương càng được đánh giá "phát triển cao”. Nhưng GDP đó không phản ảnh được chất lượng phát triển.

Chất lượng phát triển của một địa phương thể hiện ở các chỉ tiêu sau đây: Thặng dư, lợi nhuận bổ sung vốn để tái đầu tư, sản phẩm mới và sức cạnh tranh, khả năng phát triển thị trường trong và ngoài nước, thu nhập thực tế của nhân dân thành thị nông thôn tạo nên sức mua của xã hội, đặc biệt là môi trường trong sạch. Bây giờ tỉnh nào nếu kiểm tra cũng phát hiện ra những vụ "Vê Đan” gây ô nhiễm rất trầm trọng môi trường sinh sống của người dân. Các xí nghiệp công nghiệp, các bệnh viên lớn nhỏ đều thải trực tiếp nước thải ra sông, ao hồ, ảnh hưởng trầm trọng đến chất lượng cuộc sống của cộng đồng. Ở miền Trung hiện nay phần lớn các tỉnh công nghiệp quy mô nhỏ, chắp vá, công nghệ lạc hậu, sản phẩm chất lượng thấp, không có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, dẫn đến nhiều doanh nghiệp thua lỗ kéo dài. Tỷ trọng lao động nông-lâm-ngư nghiệp vẫn chiếm trên 70%, lao động thất nghiệp ở nông thôn còn nhiều. Chỉ số GDP bình quân đầu người cả nước được công bố là 650 – 1000 USD/người/năm, nhưng thực tế thì đa phần hộ dân nông thôn 6 miệng ăn mỗi năm làm ra hạt lúa củ khoai, con cá chưa đầy ba bốn triệu đồng, nghĩa là bình quân mỗi tháng 100- 150 ngàn đồng/nhân khẩu! Nền kinh tế vẫn trong tình trạng tự cung tự cấp, ít mặt hàng vươn ra thị trường trong nước và quốc tế mà chỉ đóng khung trong địa bàn tỉnh, huyện! Đây mới là vấn đề chủ yếu của sự tăng trưởng GDP.

Vì thế chúng tôi đề nghị chính quyền các cấp, cơ quan thống kê và các cơ quan liên quan phải bớt dối trá, phải nghiêm túc trong việc tính toán GDP của các địa phương, hướng vào những chỉ tiêu như: chất lượng cuộc cuộc sống người dân, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, thặng dư, lợi nhuận, sức cạnh tranh, khả năng phát triển thị trường trong và ngoài nước; phải điều tra cụ thể thu nhập thực sự của nhân dân thành thị nông thôn – nghĩa là phải tạo ra GDP xanh. Chứ như bây giờ GDP là cái để tuyên truyền, để lòe dân, tuyên truyền, xưng tụng nghe rác tai lắm!

Theo: Blog Ngô Minh.

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 662 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 401
Khách: 401
Thành Viên: 0