Chủ Nhật, 2024-12-22, 5:25 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Bảy » 11 » Giáo dục Việt Nam: bao giờ khởi sắc?
8:15 AM
Giáo dục Việt Nam: bao giờ khởi sắc?

Thời học cấp hai, tôi may mắn được một cô giáo dạy giỏi thành phố dạy môn Văn. Ấn tượng đầu tiên của tôi về cô là ngay trong tiết học đầu tiên, khi vừa bước chân vào lớp, cô đã tuyên bố "Tôi sẽ không dạy các em về Văn học Cách mạng vì cái thứ văn chương đó chẳng cần học cũng hiểu, ý của nó sờ sờ ra đấy, các em về nhà tự đọc khắc biết. Chẳng lẽ tôi lại dạy các em những bài văn miêu tả trẻ con ăn cắp lựu đạn của Tây hay những chuyện vớ vẩn như lấy thân mình làm đuốc sống? Tôi sẽ dạy các em Văn học lãng mạn vì nó hay và khó hơn nhiều”. Thế là lũ học sinh ngơ ngác chúng tôi được bay bổng trong những bài giảng của cô về đề tài tình yêu quê hương đất nước, tình yêu gia đình, tình yêu nam nữ không những đầy ắp tính nhân bản và lãng mạn, mà còn vô cùng trong sáng và đẹp đẽ của các tác giả Thế Lữ, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Huy Cận hay nhóm Tự lực Văn đoàn thay cho những bài thơ chính trị giả dối, khô khan như hô khẩu hiệu của Tố Hữu, Hồ Chí Minh.

Giờ đây, ngồi nhìn lại bảng điểm thời đại học, tôi hiểu hơn, càng biết ơn và ngưỡng mộ suy nghĩ của cô giáo tôi thời ấy. Mặc dù chuyên ngành tôi học trong mấy năm đại học chẳng liên quan gì đến chính trị cả, nhưng một phần tư thời gian và số môn học mà nhà trường nhồi nhét cho sinh viên theo quy định của Bộ Giáo dục là về chính trị: Kinh tế chính trị, Chủ nghĩa Cộng sản khoa học, Quân sự, Triết học Mác- Lênin, Lịch sử Đảng… Như vậy là bao nhiêu thế hệ người Việt Nam, từ khi còn là đứa trẻ ngây thơ ở bậc phổ thông cho đến khi trưởng thành ở bậc đại học và sau đại học đều bị nhồi sọ cái chủ thuyết không tưởng Xã hội chủ nghĩa và tư tưởng thống trị của Đảng. Bao nhiêu thời gian, tiền bạc, công sức, chất xám của cả một xã hội, của bao nhiêu lớp người đều bị ngành Giáo dục phung phí cho việc truyền bá tư tưởng và quyền lợi chính trị của Đảng cầm quyền. Chuyên môn nghề nghiệp không được coi trọng, kiến thức không được cập nhật với tình hình phát triển khoa học trên thế giới, học không đi đôi với hành, tư duy độc lập và sự sáng tạo cũng không thể phát huy vì đằng nào thì Đảng cũng quyết định tất cả mọi mặt trong cuộc sống. Một nền Giáo dục như vậy thì con người Việt Nam bao giờ mới hội nhập được với lực lượng lao động chất xám trên thế giới hay chỉ suốt đời đi làm thuê, bán sức lao động rẻ mạt cho các nhà đầu tư nước ngoài trên chính mảnh đất quê hương mình?

Thực tế cho thấy, Việt Nam đã không đào tạo được những con người có thể cạnh tranh trên toàn cầu. Hãy nhìn vào nền Giáo dục của những nước châu Á khác như Ấn Độ chẳng hạn. Sau bao năm rập khuôn kinh tế Xã hội chủ nghĩa, vào những năm 80, Ấn Độ quyết định từ bỏ con đường này và cải tổ toàn bộ hệ thống Giáo dục. Ngay khi Mỹ sản xuất chiếc máy vi tính đầu tiên, sinh viên Ấn Độ bắt đầu được học những kiến thức mới nhất về kỹ thuật vi tính. Trong khi tiếng Nga là ngoại ngữ gần như duy nhất được dạy trong trường phổ thông ở Việt Nam thì trẻ em Ấn Độ học tiếng Anh ngay từ lớp một. Nhờ vậy mà chỉ trong một thập niên, Ấn Độ nhanh chóng trở thành thị trường cung cấp các chuyên viên vi tính cho toàn thế giới. Những kỹ sư vi tính của Ấn Độ được nhận vào làm việc tại các công ty lớn như Nokia, IBM, Microsoft, Intel, Toshiba, Apple ở khắp nơi trên thế giới. Thậm chí, để tận dụng tối đa chất xám của Ấn Độ, các công ty lớn như Microsoft, Nokia, Intel còn lập những trung tâm nghiên cứu & phát triển (R&D) ngay tại Ấn Độ. Trong khi Việt Nam chỉ có thể xuất khẩu lao động cơ bắp thì Ấn Độ xuất khẩu lao động chất xám với mức lương cao gấp cả trăm lần so với lương của người Việt Nam. Quyết tâm từ bỏ nền kinh tế Xã hội chủ nghĩa và cải tổ Giáo dục đã đưa Ấn Độ vươn lên đứng hàng thứ 11 trong kinh tế thế giới.

Còn Trung Quốc thì sao? Năm 1980, Đặng Tiểu Bình quyết định đưa sinh viên Trung Quốc đi khắp thế giới để học những kỹ thuật mới của phương Tây. Trung Quốc trở  thành quốc gia có số sinh viên du học tại Mỹ cao nhất. Giáo dục tại Trung Quốc dần dần bỏ bớt những nội dung chính trị và chú trọng khoa học kỹ thuật. Sách giáo khoa lịch sử tại Thượng Hải chỉ có một dòng nhắc đến Mao chủ tịch, và một trang về Đảng cộng sản Trung Quốc. Nhờ vậy, trong vòng 30 năm, nền kinh tế của Trung Quốc đứng hàng thứ ba trên thế giới chỉ sau Mỹ và Nhật Bản. Cũng giống như ở Ấn Độ, các công ty đa quốc gia như Microsoft, Intel, Airbus…đều thành lập những trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Trung Quốc để tận dụng chất xám của nước này.

Việt Nam mãi tụt hậu và nghèo đói vì đã bỏ lỡ cơ hội quý giá trong cạnh tranh trên thị trường lao động chất xám thế giới. Với hệ thống Giáo dục hiện nay, Việt Nam không thể đào tạo được những chuyên viên có tay nghề cao. Công ty Intel tại Việt Nam đã có lần nói rằng trong 4000 đơn xin việc, họ chỉ tuyển chọn được có 40 người, tức là chỉ có 1% đáp ứng được yêu cầu trình độ kỹ thuật. Ngay tại thị trường lao động trong nước mà Việt Nam còn không đủ khả năng đáp ứng thì còn nói gì đến việc vươn ra thị trường lao động trên thế giới?


Nhiều người cố tự hào cho rằng Việt Nam vẫn có những học sinh đoạt các giải thưởng Olympic thế giới hàng năm đó thôi? Theo tôi, đấy chỉ là những hiện tượng lẻ tẻ. Hậu quả của Giáo dục Việt Nam phải được đánh giá trên một bình diện rộng. Hơn nữa, liệu những em học sinh đó có tiếp tục phát huy được trí tuệ của mình ở Việt Nam không hay lại bị thui chột đi? Bởi lẽ, nếu nhân tài được trọng dụng và có đủ điều kiện để phát huy thì giờ này Việt Nam hẳn đã có một vài giải thưởng Nobel và các phát minh, sáng chế hay ít ra cũng có những công trình nghiên cứu khoa học uy tín trên thế giới rồi. Không làm được điều đó nên nền Giáo dục mới phải đào tạo ra những ông Tiến sĩ giấy hòng lừa bịp dân đen chứ?

Cái mốt du học đang tràn lan ngày nay càng không thể là cứu cánh cho nền Giáo dục lụn bại nước nhà. Chỉ có một tỷ lệ nhỏ những gia đình có tiền ở thành phố mới có thể cho con mình đi "tỵ nạn giáo dục” ở nước ngoài. Còn đại bộ phận dân chúng vẫn phải chấp nhận nền giáo dục cổ lỗ sĩ ấy. Hơn nữa, những sinh viên học xong từ nước ngoài trở về liệu sẽ được trọng dụng ra sao khi chất xám vẫn bị coi rẻ ở Việt Nam? Ngoài việc tự làm giàu cho bản thân, họ làm sao đóng góp kiến thức để xã hội tiến bộ khi cả một guồng máy khổng lồ vẫn quay theo ý Đảng mà họ chỉ là một hạt cát? Đó là chưa kể nhiều sinh viên học xong ở nước ngoài, ngán ngẩm với chế độ đãi ngộ bất công ở Việt Nam đã tìm cách ở lại nước sở tại, đóng góp chất xám cho xã hội ấy. Cứ cái đà này thì Việt Nam chẳng còn mấy nhân tài để "sánh vai được với các cường quốc năm châu” như "điều Bác Hồ dạy” mà tôi bị bắt phải thuộc lòng từ khi mới biết chữ.

Tôi nhận thấy con người ở Việt Nam bị ép buộc phát triển một cách duy ý chí và phải thích nghi với xã hội nhiễu nhương ấy. Trong khi ở Mỹ, tôi thấy điều ngược lại, nghĩa là xã hội phải phát triển sao cho mọi nhu cầu của con người đều được đáp ứng. Người ta tìm đủ mọi cách, bằng tiến bộ khoa học nhằm tạo ra những thứ phục vụ con người, bằng các chính sách xã hội nhằm tạo ra một môi trường thoải mái và thuận lợi nhất cho con người. Pháp luật và các hoạt động chính trị đều phải đáp ứng quyền lợi của mọi thành phần trong xã hội. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy người ta đề ra chính sách quan tâm, ưu ái cho cả những cô gái mang thai vị thành niên để những cô gái trẻ người non dạ này không phải bỏ học giữa chừng hay bị phân biệt đối xử. Ở Việt Nam ta, những cô gái như vậy chắc sẽ bị cả gia đình lẫn xã hội chê cười, khinh bỉ và nếu có bỏ học thì cũng chẳng có ai thèm đếm xỉa.

Muốn Giáo dục thay đổi, cũng giống như những ngành nghề khác trong xã hội Việt Nam, nhất thiết phải loại bỏ hoàn toàn hệ thống tư tưởng "Đảng trị”. Để làm được vậy thì nền kiến trúc thượng tầng bao gồm chính trị và pháp luật phải được thay đổi toàn bộ. Xã hội Việt Nam phải là một xã hội "Pháp trị”, trong đó con người được đặt ở vị trí trung tâm. Mọi hoạt động xã hội hay chính trị đều phải coi con người là đối tượng phục vụ chứ không phải đối tượng bị trị hay kìm kẹp. Bên cạnh những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc, hệ thống Giáo dục cần xây dựng chương trình theo lối tư duy tự do, sáng tạo và coi trọng thực hành, áp dụng lý thuyết vào thực tiễn như thế giới đang làm.

Không thể để dân tộc Việt Nam, nòi giống Việt Nam tiếp tục bị đầu độc bởi một nền Giáo dục mà thực chất chỉ là phương tiện thực hiện đường lối "ngu dân” của Đảng. Không thể để con người Việt Nam tiếp tục bị bóc lột sức lực, đi làm công nhân, giúp việc nhà hay làm cô dâu bất đắc dĩ cho những dân tộc khác mà trí tuệ của họ không hơn gì ta. Không thể để nhân tài Việt Nam tiếp tục bị vùi dập và buộc phải đem nguồn chất xám quý báu cống hiến cho nước khác trong khi tương lai nước nhà còn đen tối. Tất cả những khát vọng đó chỉ có thể đạt được khi chúng ta đủ quyết tâm, cùng nhau gột rửa những tư tưởng thống trị của Đảng ra khỏi xã hội và hợp sức tìm cho Việt Nam một con đường mới.

Nước Mỹ, ngày…tháng…năm…

Giấc Mơ Xanh và một người bạn
(Nguồn: Nhật Ký Giấc Mơ Xanh)
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 690 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 5
Khách: 5
Thành Viên: 0