Chủ Nhật, 2024-11-24, 10:38 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Chín » 27 » Giáo xứ Loan Lý tiếp tục bị Cộng sản đàn áp
6:56 AM
Giáo xứ Loan Lý tiếp tục bị Cộng sản đàn áp

(Bản tin ngày 26-09-2009)

            Như trong bản tin “Giáo xứ Loan Lý bị CS thẳng tay đàn áp” (19-09-2009), sau khi huy động một lực lượng hùng hậu đè bẹp được vài trăm giáo dân tay không, đa phần là phụ nữ, để ăn cướp giữa thanh thiên bạch nhật ngôi trường của họ, “đảng CS quang vinh”, qua tay nhà cầm quyền địa phương, tiếp tục sách nhiễu, hăm dọa Giáo xứ Loan Lý. Những giáo dân hăng hái và can đảm trong đêm 13 và ngày 14-09 đều được “bạn dân” “hỏi thăm sức khỏe”, nhiều người gặp trắc trở trong chuyện sinh nhai. Các giáo dân sống trong tâm trạng buồn bã và hoang mang tột độ.

            Mặt khác, trên các phương tiện truyền thông, nhà cầm quyền đang có chiến dịch vu khống và cách ly Giáo xứ Loan Lý. Chẳng hạn sáng ngày 21-09-2009 (theo lời kể của linh mục Phaolô Trần Khôi, quản xứ Sáo Cát bên cạnh), một giáo dân của ngài đang ngồi uống cà-phê trong quán, bỗng nhiên được “mời” lên Ủy ban xã Lộc Hải và sau đó được chở đi không rõ mục đích. Hóa ra người ta chở ông tới ngôi trường Loan Lý vừa bị cưỡng đoạt để phỏng vấn ông trước ống kính. Trong hoàn cảnh như bị bắt cóc này, vị giáo dân Sáo Cát đã trả lời hai câu hỏi như sau:

            1. Ông có cảm nghĩ gì về trường học Nhà nước mới lấy lại ? Đáp: Tôi không có ý kiến, vì tôi không thuộc Giáo xứ Loan Lý (Câu hỏi này được nhắc lại tới hai ba lần).

            2. Trường này sơn quét lại có đẹp không ? Đáp : Đẹp !

            Sau đó, giáo dân này thông tri cho cha quản xứ của mình, đồng thời cho biết có một giáo dân thuộc Giáo xứ Lăng Cô (dưới sự cai quản của linh mục Gioan Nguyễn Đức Tuân) cũng bị phỏng vấn như vậy. Thành ra trong thánh lễ lúc 18g chiều cùng ngày 21-09, linh mục Trần Khôi đã cảnh báo giáo dân Sáo Cát của mình về âm mưu CS dùng người Công giáo để đánh người Công giáo, đồng thời ngài dự cảm đài truyền hình CS sớm muộn sẽ đưa lên vụ việc. Quả đúng như thế, trên ti-vi Huế tối hôm đó, người ta thấy ông giáo dân Lăng Cô -tên Thắng- đã trả lời rất «ngon lành», đúng ý nhà cầm quyền. Chỉ có điều là nhà đài không cho khán giả biết tay giáo gian này là phó Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thị trấn Lăng Cô, một công cụ rất đê hèn của CS. Còn vị giáo dân Sáo Cát dĩ nhiên là không được «vinh dự» như vậy.

            Hôm sau, tại trường Tiểu học thị trấn Lăng Cô (cơ sở 1), một cô giáo trường tự nhiên gọi một em học sinh nhỏ thuộc Giáo xứ Sáo Cát rồi đưa em tới trường mới bị cướp (nay là cơ sở 2) để phỏng vấn em trước ống kính. Em nầy vừa không biết gì vừa quá sợ hãi, đã trả lời lắp bắp nên chưa thấy xuất hiện trên TV ! Tưởng cũng nên nhắc lại là ông hiệu trưởng tên Trần Văn Lộc cùng ban giám hiệu trường Tiểu học Lăng Cô, sau khi chặn cửa lớp trường Loan Lý chiều ngày 13-09, đã tham gia vào vụ cướp trường khuya hôm đó. Vài hôm sau, nhà «mô phạm xã hội chủ nghĩa» này (không biết có phải cùng loại với ông hiệu trưởng trường THPT Việt Vinh, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, cướp trinh nữ sinh vị thành niên chăng ?) lại lên truyền hình, cho biết Giáo xứ Loan Lý không có giấy tờ chứng minh sở hữu ngôi trường nên nhà nước lấy lại là phải.

            Quả là sau khi được xây dựng từ năm 1956 và hoạt động cho đến năm 1975, trường Loan Lý đã không có giấy và đã không cần giấy xác nhận sở hữu chủ nào, một là vì tổng thống Ngô Đình Diệm đã cấp toàn bộ khu vực (nay thuộc xã Lộc Hải, huyện Phú Lộc) cho toàn bộ giáo dân Loan Lý (di cư từ bên kia Cửa Tùng vào Nam) làm nơi xây dựng nhà ở cùng các cơ sở cộng đồng, hai là vì chế độ Việt Nam Cộng hòa chẳng bao giờ đi ăn cướp đất đai của dân chúng lẫn cơ sở văn hóa của tôn giáo như chế độ Việt Nam Cộng sản hiện nay. Ngoài ra, việc tồn tại trên 50 năm của ngôi trường mà không có tranh chấp cũng đủ là một bằng chứng về quyền sở hữu.

            Kể ra, năm 1995, nhà cầm quyền Cộng sản tại xã Lộc Hải có thông tri cho các hộ dân và các tập thể tôn giáo khai báo đất đai cùng các cơ sở của mình để gọi là «được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất» (cấp sổ đỏ). Giáo xứ Loan Lý lúc ấy đã thành thật và rõ ràng khai báo với nhiều bằng chứng (chủ yếu là nhân chứng) về diện tích đất nhà thờ cùng các cơ sở liên hệ, nhưng ban địa chính thuộc Ủy ban Nhân dân xã không thừa nhận và từ chối cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho giáo xứ. Lý do là để sang đoạt cho khách sạn Hương Giang (tài sản của bí thư Hồ Xuân Mãn, nằm kế cận đất nhà thờ), song ý đồ cướp bóc này -xảy ra năm 1999- đã thất bại thê thảm vì sự đoàn kết sinh tử của giáo dân và cha quản xứ Cái Hồng Phượng lúc ấy.

            Việc nhà cầm quyền CS yêu cầu các tập thể tôn giáo khai báo tài sản đất đai để «được cấp sổ đỏ» nhưng rồi từ khước hay lần lữa cấp, thật ra là ý đồ muốn biết rõ những gì các Giáo hội đang sở hữu để khi cần thì cướp lấy (với lý do không có giấy xác nhận quyền sử dụng đất) hoặc đổi chác (bằng một mảnh đất hay cơ sở kém giá trị hơn), hoặc cấp sổ đỏ với cái giá là thái độ thỏa hiệp im lặng của các lãnh đạo tinh thần.

            Nay thì Giáo xứ Loan Lý đang đứng trước một nguy cơ khác, đó là nguy cơ bị mất ngôi nhà làng (còn gọi là Phòng họp, 63m2) nằm bên dốc lên nhà thờ, sát cạnh quốc lộ 1A (xin xem bản đồ và hình). Nhà làng này (cũng là nhà giáo xứ, vì Loan Lý là giáo xứ toàn tòng, nghĩa là toàn người Công giáo cả) từ lâu nay đã cho phòng giáo dục địa phương «mượn» làm trường mẫu giáo. Nay thì nhà cầm quyền địa phương bắn tiếng sẽ tịch thu cho đủ bộ. Ngoài ra, họ dự định tái thực hiện ý đồ bất thành năm 1999: lấy cho được đất của nhà thờ, phần độn cát kề cận bờ biển. Quả là một đe dọa lớn lao !

     Dù sao, vốn từng đương đầu với bọn cướp ngày luôn sẵn mưu gian và cường lực, đặc biệt từ năm 1999, giáo dân Loan Lý không bao giờ ngỡ ngàng trước lối hành xử thô bạo của Cộng sản, vì họ (và mọi người Việt Nam) đều biết rõ bản chất của CS từ xưa tới nay là gian ác tàn độc, chẳng khi nào thay đổi. Họ cũng biết rằng qua vụ việc tại giáo xứ của họ cũng như vô vàn vụ việc tại Tổng Giáo phận Huế và khắp cả Việt Nam từ 1954 đến nay, chính sách tôn giáo của CS (mà nó chuyên gọi kiểu lừa gạt là «chính sách tự do tôn giáo») luôn «trước sau như một» (chính từ ngữ CS), nghĩa là luôn nhắm mục đích tiêu diệt mọi Giáo hội bằng đủ phương cách, khi mạnh khi yếu, khi tiến khi lùi, khi nặng tay khi nhẹ tay, khi bá đạo khi vương đạo (nhưng đa phần là bá đạo), tùy lúc, tùy nơi, tùy người, tùy hoàn cảnh, tùy toan tính chính trị, miễn cuối cùng làm cho tôn giáo bị xóa sổ, ra tê liệt hay biến chất hoàn toàn. CS không bao giờ có chuyện bàn bạc song phương và đối thoại đôi bề để giải quyết các vấn đề, các liên hệ với nhân dân, nhất là với tôn giáo. Và kinh nghiệm cho thấy mọi cố gắng và thiện chí đối thoại với CS chẳng bao giờ thành công cả. Chỉ có những kẻ nhờ thỏa hiệp đổi chác (nhất là bằng sự im lặng) mà được CS cấp ban cho những thứ thực ra là của mình, mới tưởng là mình «đối thoại thành công» với Cộng sản !

            Nhìn bức tường cao dày từ đây che kín ngôi trường thân yêu đầy kỷ niệm với cổng mở ra hướng khác, giáo dân Loan Lý biết CS đã quyết tâm chiếm hẳn nó rồi và sẽ không bao giờ cho con em họ sử dụng nó trong ngày Chúa nhật nữa, thành ra họ chỉ mong Bản quyền Giáo phận lên tiếng kết án hành vi bất công thô bạo (chứ không chỉ bày tỏ nỗi bức xúc lẫn niềm thông cảm) và cương quyết đòi lại di sản do cha ông họ và chính họ tạo lập. Họ cũng mong linh mục chủ chăn Ngô Thanh Sơn lần này sẽ cương quyết cùng con chiên bảo vệ những cơ sở và phần đất còn lại, vốn là công lao mồ hôi xương máu của bao thế hệ giáo dân Loan Lý.

            Nhóm Phóng viên FNA Khối 8406 tường trình từ Huế ngày 26-09-2009

            Kỳ sau : Lần giở lại hồ sơ đất đai tài sản Giáo xứ Loan Lý

--------Dưới đây là một số bản tin, thông báo và nhận định liên hệ--------

Tường thuật vắn tắt buổi gặp gỡ giữa Phái đoàn Toà Tổng Giám mục Huế với Ban Tôn giáo Tỉnh Thừa Thiên - Huế về “vụ việc Loan Lý” ngày 22-09-2009

http://tonggiaophanhue.net

            Như mọi người đã biết, “Vụ việc Loan Lý” đã xảy ra trong những ngày 11,12,13,14 tháng 9 năm 2009. Trong thời gian nầy, Đức Tổng Giám Mục Stêphanô Nguyễn Như Thể và Đức Giám Mục Phụ Tá Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng đang đi công tác tôn giáo tại Đài Loan và Phi Luật Tân.

            Khi trở về Tổng Giáo Phận ngày 20-09-2009, Đức Tổng Giám Mục Huế đã nhanh chóng gặp gỡ Ban Tôn Giáo của Chính Quyền Tỉnh Thừa Thiên- Huế.

            Cuộc gặp gỡ được diễn ra tại trụ sở Ban Tôn Giáo Tỉnh Thừa Thiên - Huế vào lúc 10 giờ sáng ngày 22-09-2009.

            Phái đoàn cùng đi với Đức Tổng Giám Mục Huế đến gặp Ban Tôn Giáo Tỉnh Thừa Thiên - Huế, gồm có các linh mục sau đây:

            - Linh mục Nguyễn Đức Tuân, quản xứ giáo xứ Lăng Cô, kiêm Hạt trưởng Hạt Hải Vân, nơi có giáo xứ Loan Lý,

            - Linh mục Lê Quang Quý, quản xứ giáo xứ Trí Bưu, kiêm Hạt trưởng Hạt Quảng Trị,

            - Linh mục Lê Thanh Hoàng, quản xứ giáo xứ Phanxicô,

            - Linh mục Phan Xuân Thanh, quản xứ giáo xứ Gia Hội

            - Linh mục Ngô Thanh Sơn, quản xứ giáo xứ Loan Lý, nơi vụ việc đã xảy ra.

            Ban Tôn Giáo Tỉnh Thừa Thiên - Huế gồm có các vị sau đây:

            - Ông Dương Viết Hồng, Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Thừa Thiên - Huế,

            - Ông Nguyễn Tài Tuệ, Phó ban Tôn giáo tỉnh Thừa Thiên - Huế,

            - Ông An, Trưởng phòng Hành chánh Ban Tôn giáo tỉnh Thừa Thiên - Huế,

            - Cô thư ký của Ban Tôn giáo tỉnh Thừa Thiên - Huế.

     Trong buổi gặp gỡ nầy, Đức Tổng Giám Mục Huế đã thẳng thắn nói lên nỗi bức xúc của ngài, cũng như của Tổng Giáo Phận Huế, về cách thức Chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế giải quyết “vụ việc Loan Lý” vừa qua.

     Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng từ trước tới nay, mọi việc liên quan đến tôn giáo tại tỉnh nhà, Toà Tổng Giám Mục đã nỗ lực tìm con đường đối thoại để mọi việc được diễn tiến tốt đẹp; nhưng lần nầy, Chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế đã không đối thoại, mà đơn phương hành động, lại còn dùng bạo lực quá đáng đối với một giáo xứ nhỏ bé, làm tổn thương nặng nề tình cảm tôn giáo và làm mất lòng tin trong dân công giáo, vì thế, nhiều điều đáng tiếc đã xảy ra.

            Đức Tổng Giám Mục còn đưa ra nhận xét rằng khi chứng kiến cách hành động của Chính quyền Tỉnh Thừa Thiên - Huế trong “vụ việc Loan Lý” nầy, người ta có cảm tưởng như Chính quyền đang thay đổi chính sách tự do tôn giáo, cách riêng đối với người công giáo.

            Ông Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Thừa Thiên - Huế lắng nghe những ý kiến của phái đoàn Toà Tổng Giám Mục Huế. Ông cũng tỏ ra rất tiếc vì sự việc xảy ra quá nhanh chóng, và hứa sẽ trình các vấn đề lên cấp trên. Ông cũng đưa ra những báo cáo của Chính Quyền Thị Trấn Lăng Cô, nhưng không được kiểm chứng về phía dân Loan Lý.

            Buổi gặp gỡ trao đổi kéo dài một tiếng đồng hồ.

            Song song với việc làm nầy, Đức Tổng Giám Mục Huế đã gửi một phái đoàn đến thăm giáo xứ Loan Lý, để chia sẻ những nỗi lo âu của bà con giáo dân Loan Lý và để lắng nghe những nỗi bức xúc của họ trong vụ việc đau buồn nầy.

            Trang tin của Tổng Giáo Phận Huế ngày 24-09-2009

Phái đoàn Toà Tổng Giám Mục Huế thăm Giáo xứ Loan Lý

http://tonggiaophanhue.net

            Thứ năm, 24-09-2009. 21:04. Hôm nay, ngày 24 tháng 9 năm 2009, thời tiết không được tốt, mưa nặng hạt khi xe chúng tôi lên đường. Trên xe, có Đức Giám mục Phụ tá Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng, Cha Antôn Dương Quỳnh, Hạt trưởng Hạt Thành phố Huế, Cha Bênêdictô Lê Quang Viên, Quản lý Toà Tổng Giám mục, vừa là tài xế, và tôi, linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang, đặc trách Truyền thông của Tổng Giáo Phận Huế..

            Xe phải vượt qua hơn 60 km, băng ngang hai con đèo Phước Tượng và Phú Gia, không chạy nhanh được vì trời xấu.

            Sau gần 1 giờ 30 phút, chúng tôi mới đến Giáo xứ Loan Lý. Trước sân nhà thờ, đã có một số khá đông giáo dân chực sẵn. Chúng tôi được Linh mục Quản xứ, Cha Phaolô Ngô Thanh Sơn, và đại diện Hội Đồng giáo xứ đón tiếp ngay khi xuống xe.

            Không có những tràng vỗ tay. Nét mặt mọi người xem ra đầy ưu tư và lo lắng. Chuông nhà thờ đổ hồi... Một số giáo dân khác tiếp tục tiến về thánh đường.

            Sau khoảng năm phút dừng lại trong phòng khách của nhà cha Quản xứ, Đức Cha Phụ tá được mời vào Nhà thờ, nơi giáo dân đã chờ sẵn, chiếm gần hết các dãy ghế.

            Đức Giám mục Phụ tá thinh lặng quỳ gối trước Mình Thánh Chúa, cầu nguyện chốc lát.

            Cha quản xứ giới thiệu Phái đoàn của Toà Tổng Giám mục Huế với anh chị em giáo dân và nói lên niềm vui và an ủi khi được Đức Tổng Giám mục Giáo phận gởi đoàn đến thăm giáo xứ Loan Lý, sau những ngày đầy lo âu và buồn thảm nầy.

Đức Giám mục Phụ tá Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng trong Nhà thờ Giáo xứ loan Lý

            Đức Giám mục Phụ tá bắt đầu lên tiếng chào hỏi Cha quản xứ, quí chức, và toàn thể anh chị em giáo dân. Ngài ân cần hỏi xem có ai bị "mất tích" hay bị "liệt giường" sau sự cố đêm 13 và ngày 14 vừa qua không. Cám ơn Chúa, không có một ai, chỉ một số bị xây xát nhẹ!

            Đức Cha thông tin cho bà con biết là ngày hôm qua, Đức Tổng Giám mục đã hướng dẫn một phái đoàn đến gặp Ban Tôn giáo và thẳng thắn nói lên "nỗi bức xúc và ngỡ ngàng trước cách thức giải quyết đơn phương và thô bạo của Chính quyền về một sự việc liên quan đến tôn giáo mà không có trao đổi, đối thoại và bàn bạc trước với Giáo quyền địa phương".

            Đức Cha Phụ tá tiếp tục ca ngợi lòng dũng cảm của giáo dân dám nói lên sự thực trước bạo lực và tinh thần kỷ luật để không rơi vào tình trạng bạo động. Ngài cũng mời gọi anh chị em giáo dân nên có một niềm tin sắt đá vào quyền năng của Thiên Chúa và sự quan phòng của Ngài, luôn xác tín rằng tất cả mọi hoàn cảnh xảy đến với chúng ta: vui hay buồn, may mắn hay rủi ro, đều ở trong bàn tay của Cha trên trời.

            Là một người công dân, chúng ta có quyền đấu tranh cho chân lý và công bằng xã hội. Nhưng cũng đừng quên chúng ta còn là "công dân Nước Trời", là con của Thiên Chúa, nên chúng ta không có quyền giữ trong tâm hồn chúng ta sự hận thù. Thiên Chúa còn đòi chúng ta một hành động anh hùng, là sẵn sàng tha thứ cho mọi người, kể cả kẻ thù của chúng ta.

            Trong tâm tình siêu nhiên đó, Đức Cha Phụ tá mời gọi mọi người đứng lên hát Kinh Hoà bình của Thánh Phanxicô Assisi: "Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa, để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm..."

Bà con giáo dân Loan Lý hát Kinh Hoà Bình trong cao thượng và phó thác vào Chúa, mặc dầu trong lòng, vẫn còn quá đau khổ... như chúng ta thấy trên các gương mặt

            Tiếng hát giòn giã và sốt sắng của cộng đoàn đã trả lại cho mọi tâm hồn sự thanh thản, an bình, hạ nhiệt.

            Lúc ở bên ngoài nhà thờ, Đức Cha Phụ tá tiếp tục lắng nghe những thao thức, trăn trở cho những ngày sắp tới của nhiều nhóm khác nhau.

            Nụ cười đã bắt đầu nở trên những khuôn mặt, như chúng ta thấy trong tấm ảnh đầy sống động - không ai mà không cười, chỉ có em bé nhỏ được mẹ bồng trên tay, thì xem ra vẫn đăm chiêu vì không hiểu được vì sao mà ông bà, cha mẹ, anh chị của mình cười... - chụp chung trước tiền đường của Nhà thờ Loan Lý.

Sau những ngày quá đau buồn và tê tái vì thô bạo, vì bất công... nụ cười “trong Chúa, với Chúa và vì Chúa” đã xuất hiện lại nơi “Giáo xứ Loan Lý Anh hùng” nầy, khi bà con tín hữu được Đức Tổng Giám mục Huế gởi Phái đoàn đến thăm viếng, hiệp thông và ca ngợi niềm tin sắt đá , tinh thần kỷ luật và lòng yêu mến siêu nhiên của họ.

            Khoảng 10 giờ, đoàn chúng tôi rời Loan Lý trở lại Huế, cũng trong những giọt mưa rơi như khi ra đi lúc 07 giờ, nhưng giờ đây, khi từ giã Giáo xứ Loan Lý Anh hùng ra về, chúng tôi như cảm được có những giọt mưa đang rơi trong hồn mình.

            Linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang

            Tường thuật và ghi các hình ảnh ngay tại chỗ, ngày 24-09-2009

BIẾN CỐ LOAN LÝ - THÊM MỘT HÀNH ĐỘNG BẤT CÔNG

TRONG XÃ HỘI HIỆN NAY.

Linh mục Phaolô Trần Khôi, Giáo xứ Sáo Cát. 23-09-2009

            Nhận được Thông báo chính thức số 65/2009/TTGMH của Toà Tổng Giám mục Huế ra ngày 23 tháng 09 năm 2009 về “VỤ VIỆC LOAN LÝ”, Giáo xứ Sáo Cát hoàn toàn thống nhất với Tòa Tổng Giám mục “để tỏ bày nỗi bức xúc và ngỡ ngàng trước cách thức giải quyết đơn phương và thô bạo của chính quyền về một sự việc liên quan đến tôn giáo mà không trao đổi, đối thoại và bàn bạc trước với giáo quyền địa phương” (trích Thông báo số 65/2009/TTGMH).

            Khuya 13 và ngày 14 tháng 09 năm 2009, đã xảy ra một biến cố đặc biệt liên quan tới CƠ SỞ TÀI SẢN TÔN GIÁO CỦA GIÁO XỨ LOAN LÝ đã bị lực lượng chính quyền từ cấp thị trấn Lăng Cô đến cấp tỉnh Thừa Thiên, rắp tâm cưỡng đoạt bằng một sức mạnh hùng hậu bất hợp luật chưa từng thấy bao giờ tại thị trấn Lăng Cô nói riêng, và huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên, Huế nói chung !

            Đến nay, hầu như khắp nơi ai cũng có thể biết rõ sự thật từng chi tiết cùng với hình ảnh tường thuật biến cố đặc biệt nầy nhờ các phương tiện truyền thông đại chúng toàn cầu.

            Mới đây đã có nhiều bài viết về biến cố Loan Lý. Nơi đây, chúng tôi dừng lại vài phút về biến cố Loan Lý đặc biệt nầy trong tương quan với các giá trị đáng quan tâm.

1. Biến cố Loan Lý trong tương quan với các văn bản pháp quy của Nước CHXHCNVN.

2. Biến cố Loan Lý và thể diện chính quyền

3. Biến cố Loan Lý và ngành giáo dục thị trấn Lăng Cô

4. Biến cố Loan Lý và công bằng xã hội

5. Biến cố Loan Lý và đạo đức học

6. Biến cố Loan Lý và luật hình sự

***

            1. Biến cố Loan Lý trong tương quan với các văn bản pháp quy của Nước CHXH CNVN.

            - Mọi người phải tôn trọng Hiến pháp và Pháp luật để bảo vệ sự công bằng cho người khác. “Sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật” (HP điều 31). “Tôn trọng và chấp hành Hiến pháp và Pháp luật” (HP, điều 109). “Các cơ quan Nhà nước,... và mọi công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống... các vi phạm Hiến pháp và pháp luật. Mọi hành động xâm phạm... quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân đều bị xử lý theo pháp luật” (HP điều 12).

            - “Nghiêm cấm việc xâm phạm tài sản tôn giáo” (x. Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo, số 21/2004/PL-UBTVQH11, điều 26, ra ngày 18 tháng 06 năm 2004).

            * Lực lượng hùng hậu của chính quyền từ cấp thị trấn đến Tỉnh Thừa Thiên đã cưỡng đoạt cơ sở tài sản tôn- giáo của Giáo xứ Loan Lý không căn cứ pháp lý, không chứng từ lịch sử và không ngay tình là một hành động nghịch Hiến pháp và Luật pháp !

            2. Biến cố Loan Lý và thể diện chính quyền

            Bộ mặt của Chính quyền bị xấu hẳn do những người cán bộ đã không tôn trọng các điều khoản Hiến pháp và Luật pháp, nên họ đã cố tình quyết định và hành động bất hợp luật trong việc cưỡng đoạt cơ sở tài sản tôn giáo của giáo xứ Loan Lý, làm cho Chính quyền mất đi uy tín thể diện trong dân và quần chúng tôn giáo.

            * Lực lượng hùng hậu của chính quyền các cấp đã cố tình cưỡng đoạt cơ sở tài sản tôn giáo của Giáo xứ Loan Lý là một hành động nghịch Hiến pháp và Luật pháp, đã làm cho thể diện Chính quyền xấu đi. Cần phải sửa sai hành động bất hợp luật của cán bộ trong biến cố nầy để bảo vệ thể diện Chính quyền.

            3. Biến cố Loan Lý và ngành giáo dục thuộc thị trấn Lăng Cô

            Ngành giáo dục cần đi đúng Nghị định 43 "quy hoạch hệ thống trường ốc đúng môi trường, và thi hành quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Không dùng nơi sinh hoạt tôn giáo để làm trường ốc”.

            Ngành giáo dục cần trở về lại bản chất ngay chính, lương thiện, trí thức, không để rơi vào tình trạng bất lương trong giáo dục. Bản chất giáo dục đòi hỏi sự lương thiện trong khi chính Ban Giám hiệu trường lại cố tình đồng lõa với lực lượng chính quyền cưỡng đoạt cơ sở tài sản tôn giáo của Loan Lý làm Trường của mình một cách không lương thiện!

            “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu” (Hiến pháp điều 35). “Phát triển giáo dục” phải chăng là đi cướp đoạt cơ sở tài sản tôn giáo của Loan Lý để mở rộng cho nhu cầu của mình, và lấy đó làm vinh dự, và cho rằng đó là sự phát triển giáo dục? Các cán bộ thẩm quyền thị trấn Lăng Cô, Ban Giám hiệu trường Tiểu học Lăng Cô, đang có đủ đất đai và môi trường cho học đường, đã không đem hết tài năng và sức lực, với chức quyền bổng lộc của Nhà nước để ra công làm công việc phát triển quy hoạch hệ thống trường ốc cho ngành giáo dục của thị trấn theo Nghị định 43 của Chính phủ nên đã nhúng tay vào những hành động sai trái: cưỡng đoạt cơ sở tài sản tôn giáo của Loan Lý bất hợp luật !

            * Ngành giáo dục thị trấn Lăng Cô đã đồng loã với lực lượng hùng hậu của chính quyền, cưỡng đoạt cơ sở tài sản tôn giáo của Giáo xứ Loan Lý để làm trường của mình, là một hành động nghịch Hiến pháp và Luật pháp, nghịch với đường lối của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã làm cho ngành giáo dục mất đi phẩm tính lương thiện. Cần phải sửa sai hành động của Ban Giám hiệu trong biến cố nầy.

            4. Biến cố Loan Lý và công bằng xã hội

            - Để bảo vệ công lý và công bằng xã hội, Hiến pháp đòi hỏi “thực hiện công bằng xã hội” (Hiến pháp, điều 3). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến công du đầu tháng 03-2008 tại các nước Anh, Ai-len và Đức, đã mạnh dạn tuyên bố với chính giới và báo giới Âu châu rằng tại Việt Nam, Nhà nước đang xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh!

            Mọi hành vi "chiếm dụng, chiếm đoạt, tước đoạt, cưỡng đoạt, cướp đoạt" vì bất cứ lý do nào mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu đều không có giá trị pháp lý, tự nó bị vô hiệu và do đó, đều vi phạm Hiến pháp, Luật pháp và quyền con người, quyền của tập thể, vi phạm công bằng xã hội…. Ngay cả "Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác (nhà giáo dân Loan Lý bị xâm nhập trong biến cố), nếu người đó không đồng ý" (Hiến pháp điều 73). " Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái pháp luật, quyền sở hữu đối với tài sản của mình ". (Luật dân sự điều 169). "Không ai có thể bị tước đoạt tài sản của mình cách độc đoán" (Tuyên ngôn Quốc tế của Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền đã khẳng định, số17).

            Các cán bộ có thẩm quyền trong chính quyền các cấp và ngành giáo dục thuộc thị trấn Lăng Cô đã cưỡng đoạt bất công, bất hợp luật trên chính cơ sở tài sản tôn giáo của Loan Lý. Không có luật pháp nào của Nước CHXHCNVN chấp nhận hành động bất hợp luật đó. Hiến pháp đòi hỏi “thực hiện công bằng xã hội” (Hiến pháp, điều 3).

            * Lực lượng hùng hậu của chính quyền các cấp đã cố tình cưỡng đoạt cơ sở tài sản tôn giáo của Giáo xứ Loan Lý là một hành vi nghịch Hiến pháp và Luật pháp, đã đi ngược với công bằng xã hội. Cần phải sửa sai các cán bộ chính quyền và Ban Giám hiệu, họ phải chịu trách nhiệm về hành động của mình trong biến cố nầy.

            5. Biến cố Loan Lý và đạo đức học

            Ngoài các văn bản pháp quy đã được Nhà nước chính thức phổ biến, một sự thật sơ cấp nhất đáng mọi người quan tâm đang lưu hành hiện nay trong chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo dành cho các học sinh, đặc biệt tại trường Tiểu học thị trấn Lăng Cô: Trong “Vở Bài tập Đạo đức 3”[1], ở mục bài tập 2: “a/ Tài sản của người khác là của riêng mỗi người nên cần được tôn trọng. Xâm phạm chúng là việc làm vi phạm pháp luật. Mọi người cần tôn trọng. b/ Tự ý sử dụng khi chưa được phép: “không nên làm”. Ở mục bài tập 3 : “Em đã biết tôn trọng tài sản của người khác chưa?”… Bài tập kết luận và học thuộc lòng: Tài sản của mỗi người thuộc về riêng họ. Tự ý sử dụng tài sản của người khác là thiếu tự trọng và vi phạm pháp luật. Cơ sở tài sản tôn giáo của Giáo xứ Loan Lý cần phải được tôn trọng.

            * Lực lượng hùng hậu của chính quyền các cấp đã cố tình cưỡng đoạt cơ sở tài sản tôn giáo của Giáo xứ Loan Lý là một hành động nghịch với Đạo đức học. Cần phải sửa sai hành động phi đạo đức của lực lượng chính quyền và Ban Giám hiệu trong biến cố nầy.

            6. Biến cố Loan Lý và luật hình sự

            Nhìn lại biến cố đặc biệt của Loan Lý đêm khuya 13 và ngày 14 tháng 09 năm 2009, một biến cố đặc biệt liên quan tới CƠ SỞ TÀI SẢN TÔN GIÁO CỦA GIÁO XỨ LOAN LÝ đã bị chính quyền từ cấp thị trấn Lăng Cô đến cấp tỉnh Thừa Thiên rắp tâm cưỡng đoạt bằng một sức mạnh hùng hậu bất hợp luật chưa từng thấy bao giờ tại thị trấn Lăng Cô nói riêng và huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên, Huế nói chung. Biến cố ấy :

            - Có còn "nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, luật pháp" của Nước CHXHCNVN nữa không ? (x. HP, điều 12).

            - Có còn là "mọi hành động xâm phạm... quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân đều bị xử lý theo pháp luật” không (HP, điều 12)?

            - Có phải “Các cơ quan Nhà nước,... phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật” không ? (HP, điều 12).

            - Có phải Đài Phát thanh Tiếng Nói Việt Nam sáng ngày 17-04-2009 nói rằng: “Những người bảo vệ luật pháp lại vi phạm pháp luật” !?

            - Mọi hành vi chiếm đoạt, tước đoạt, cưỡng đoạt, cướp đoạt cơ sở tài sản tôn giáo hay quyền sở hữu của Giáo xứ Loan Lý, dù bất cứ lý do gì, khi người ta không đồng ý, tự nó đều vô hiệu và nghịch với Hiến pháp, Luật pháp và đạo đức.

            - Chiếu luật, sẽ bị quy trách Luật Hình sự của Nước CHXHCNVN các điều sau đây: điều 133 -tội cướp tài sản; điều 135 -tội cưỡng đoạt tài sản; điều 137 -tội công nhiên chiếm đoạt tài sản; điều 139- lợi dụng chức vụ quyền hạn hoặc lợi dụng cơ quan tổ chức để chiếm đoạt tài sản.

            * Lực lượng hùng hậu của chính quyền các cấp đã cố tình cưỡng đoạt cơ sở tài sản tôn giáo của Giáo xứ Loan Lý là một hành động nghịch với mọi giá trị và tự nó bị vô hiệu pháp lý, phải chịu trách nhiệm về hành động của mình trước pháp luật trong biến cố nầy.

            * Thông báo số 65/2009/TTGMH đã chính thức “tỏ bày nỗi bức xúc và ngỡ ngàng trước cách thức giải quyết đơn phương và thô bạo của chính quyền về một sự việc liên quan đến tôn giáo mà không trao đổi, đối thoại và bàn bạc trước với giáo quyền địa phương” (trích Thông báo số 65/2009/TTGMH).

            Trước những hành động bất công và nghịch lại với mọi giá trị đó, Giáo xứ Sáo Cát hoàn toàn không chấp nhận.

            Cùng với Toà Tổng Giám mục Huế, Giáo xứ Sáo Cát hiệp thông với Cha Quản xứ và Giáo xứ Loan Lý trong những nỗi đau thương nầy vì nhưng thương tích thể xác và tinh thần phải chịu đựng trước những hành động “THÔ BẠO” ấy!

            Xin mọi người cùng với Tòa Tổng Giám mục lên tiếng để “hiệp thông cầu nguyện cho giáo xứ Loan Lý cũng như cho công bằng và sự thật được tôn trọng trên quê hương Việt Nam của chúng ta” (trích Thông báo số 65/2009/TTGMH).

            Linh mục Phaolô Trần Khôi, Giáo xứ Sáo Cát.

            Chú thích của Phóng viên FNA: Bài trên đây -cho tới lúc này- bị từ khước đăng vào trang web của Tổng giáo phận Huế do linh mục Emmanuel Nguyễn Vinh Gioang phụ trách. Lý do: nói nặng lời !?! Linh mục Trần Khôi là vị chủ chăn duy nhất tại Tổng Giáo phận Huế đã cùng giáo dân đòi lại được (chứ nhất định không xin lại) ngôi trường của mình vào năm 2008, sau khi vượt qua nhiều khó khăn từ bên trong lẫn bên ngoài. Ngôi trường này đã bị CS trưng dụng từ năm 1975.

 (

Vài hình ảnh đầy tính bi hùng và biểu tượng đêm 13 rạng ngày 14-09-2009

tại Giáo xứ Loan Lý

Còn tiếp….

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 838 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Chín 2009  »
SuMoTuWeThFrSa
  12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
27282930
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 9
Khách: 9
Thành Viên: 0