Tường An, thông tín viên RFA
2010-09-25
Cách
đây hai tháng, chúng tôi có loan tin về việc 3 người trẻ tuổi: Đoàn Huy
Chương (tức Nguyễn Tấn Hoành, chủ tịch Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông),
Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh là 2 sinh viên; họ bị công an
bắt giam từ tháng 2 năm 2010.
Hình do Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động VN cung cấp.
Anh Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và chị Đỗ Thị Minh Hạnh.
Cho đến hôm nay đã hơn 7 tháng qua mà họ vẫn chưa được
đem ra xét xử xem họ bị bắt vì tội gì. Đánh dấu 226 ngày họ bị giam giữ Thông
tín viên Tường An liên hệ với thân nhân của 3 người này để xem tình trạng của họ
bây giờ ra sao và gửi đến quý thính giả bài tường trình sau đây.
Sau khi các cơ quan truyền thông và các tổ chức nhân quyền
Quốc tế lên tiếng về việc bắt giữ Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh và
Đoàn Huy Chương, cho tới nay, cơ quan hữu trách tại Việt Nam vẫn hoàn toàn im lặng.
Chị Minh Hạnh, 26 tuổi là 1 sinh viên Kinh Tế, bị bắt
ngày 23/2/2010. Trước khi bị giam giữ, chị Minh Hạnh đã có những dấu tích cho
thấy là đã bị đánh đập trong khi thẩm tra.
Không biết tội gì
Họ bị bắt vì tội gì? Cụ Lê Quang Liêm, hội trưởng hội Phật
Giáo Hòa Hảo Việt Nam, cũng là cha nuôi của anh Hùng và chị Hạnh cho biết:
"Tôi xin nói rõ, Đỗ Thị
Minh Hạnh và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng là con nuôi của tôi. Nó bị bắt từ cuối
tháng 2 năm 2010, tới nay là gần trên 7-8 tháng chưa xét xử. Trong lúc bắt 2 đứa
này thì không có bằng cớ gì hết, có thể nói rằng một cuộc bắt bớ vô cớ.
Đứng trên luật pháp việc này là một việc vi phạm nghiêm trọng quyền làm người
của con người. Đoàn Huy Cương cũng bị bắt vô cớ và giam giữ mãi cho đến bây giờ
vẫn chưa được xét xử, đó cũng là một sự vi phạm mà tôi mới vừa trình bày.”
Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, 29 tuổi là một sinh viên kỹ thuật
công nghệ bị bắt ngày 24/2/2010. Sau khi ra trường, nhìn thấy những bất công
trong đời sống, thương những người dân thấp cổ bé miệng nên anh đã giúp đỡ cho
họ về mặt giấy tờ, đơn từ. Cha mẹ anh bàng hoàng khi nghe tin anh bị bắt. Phải
sau một thời gian dài, Cha anh Hùng, ông Nguyễn Kim Hoàng mới vượt qua được nỗi
sợ hãi và nhận trả lời phỏng vấn của chúng tôi. Ông nghẹn ngào nói lên tâm tình
của người Cha, sự đau xót, nỗi bất lực của mình khi không nhìn được mặt con:
"Tình trạng của Hùng
hôm bị bắt đến nay, từ ra Tết tới giờ có đi thăm, gửi tiền nó thôi. Hôm trước,
khoảng 4 tháng tôi có hỏi rồi, họ nói khi nào thăm được thì cho hay. Rồi mấy
tháng sau, tới ngày nay cũng chưa thăm được, chưa gặp mặt được.
Tôi không biết con tôi có tội tình gì không tôi cũng không biết, cũng không có bản cáo trạng gì để kêu coi nó có tội gì.
Ô. Nguyễn Kim Hoàng, cha anh Hùng
Tôi không biết con tôi có tội tình gì không tôi cũng không biết, cũng không
có bản cáo trạng gì để kêu coi nó có tội gì. Tôi chỉ mong pháp luật Việt Nam
công an phải công bằng cho thăm nuôi như những người khác. Tôi thấy người khác
thăm được mà sao con tôi đã 7-8 tháng rồi mà sao không thăm được. Tôi rất lấy
làm buồn. Cha mẹ nào cũng muốn gặp mặt con, nhưng mà đi không được.”
Quý thính giả đài Á Châu Tự Do chắc không xa lạ gì với
cái tên Nguyễn Tấn Hoành, tức Đoàn Huy Chương, chủ tịch Hiệp Hội Đoàn Kết Công
Nông. Anh Đoàn Huy Chương đã bị bắt giam nhiều lần kể từ năm 2006. Lần bị bắt
giam cuối cùng là ngày 11/2/2010. Chị Mạnh, người phụ nữ chất phác đã theo chồng
từ quê lên tỉnh, hết khám nhỏ đến khám lớn. Sau bao ngày vất vả, ngày 10 tháng
9 vừa qua, lần đầu tiên chị được nhìn thấy mặt chồng sau hơn 7 tháng biệt giam.
Chị cho biết:
"Tháng nào đi thăm
con cũng hỏi thăm hết: ‘Ủa, sao chồng tôi bị nhốt lâu quá mà chưa cho gặp mặt?’
Họ nói là chừng nào gặp mặt họ báo cho biết trước. Hồi sáng này mới được gặp mặt,
7 tháng rồi mới được gặp mặt ảnh. Ba người nhà ngồi, rồi 3 người công an ngồi,
cứ hỏi thăm qua lại gia đình, con cái ra sao, làm ăn ra sao, khỏe không, vậy
thôi. Công an nó ngồi kế bên!”
Nhà nghèo, chồng bị bắt, phải đi làm nuôi hai con nhỏ,
tài sản cuối cùng cũng bị tịch thu, người đàn bà thiệt thà chơn chất chỉ biết
van xin, nhưng tiếng kêu của chị cũng chìm trong vô vọng:
"Của anh Chương thì
1 chiếc xe, 1 cái di động. Con có xuống tận đồn công an xin lại chiếc xe mà họ
nói là tịch thu tài sản không trả. Con nói: ‘Chú ơi, giờ con nghèo khổ, cho con
xin lại chiếc xe để con bán nuôi con.’ Họ trả lời rằng: ‘Tịch thu, dù ai đứng
tên cũng vậy! Tịch thu tài sản!’”
Nhân đạo là một cái tội?
Ông Lê Quang Liêm, Hội trưởng Giáo hội Phật giáo Hòa hảo Thuần túy, đi
giữa đội nón trắng, dẫn tín đồ PGHH diễu hành nhân ngày Lễ hội PGHH tại
An Giang.
Họ có tội hay không có tội? Nếu giúp đỡ những người dân
thấp cổ bé miệng, và những người dân oan mất đất đai là một cái tội thì tương
lai đất nước sẽ ra sao, đó là lời trần tình của cụ Lê Quang Liêm:
"Nó giúp đỡ người
khó khăn, đó là lòng từ bi trong tình người và người. Đó là một điều rất tốt.
Trong một xã hội mà mọi người đều như vậy thì xã hội đó khỏi kiến thiết, khỏi
gì hết. Còn nếu mà những chuyện giúp người khó khăn, giúp người nghèo khổ, giúp
người gặp rắc rối thì tôi xin thưa thật chắc là không ai dám nói hết mà biết
đâu mấy ông cán bộ ổng trả lời được.”
Nó chỉ là những sinh viên đang
đi học, với tinh thần nhiệt huyết của 1 đứa trẻ, thấy trong xã hội có
vài sự bất công thì nó giúp đỡ vậy thôi chứ nó đâu có làm gì?
Cụ Lê Quang Liêm
Theo cụ Liêm, việc giúp đỡ dân oan, người nghèo của Hùng
và Hạnh chỉ xuất phát từ lòng nhân đạo. Những người trẻ này chỉ có tấm lòng yêu
thương và muốn chia sẻ những khó khăn của những người không được may mắn đến trường
như họ mà không hề nghĩ rằng đó là 1 tội phạm, cụ Liêm tiếp:
"Thật sự nếu biểu nó
khai báo thì nó biết gì đâu mà khai báo? Nó chỉ là những sinh viên đang đi học,
với tinh thần nhiệt huyết của 1 đứa trẻ, thấy trong xã hội có vài sự bất công
thì nó giúp đỡ vậy thôi chứ nó đâu có làm gì? Mà bây giờ có đập nó nát xương,
băm nó ra làm chả nó cũng không có gì để khai, mà nói về các tổ chức chính trị
trong nước nó cũng không biết tổ chức gì mà nó cũng không biết của ai. Mà nếu
nói Phật Giáo Hòa Hảo thì nó biết vì bởi vì nó là con nuôi của tôi mà. Mấy anh
Cộng sản muốn điều tra nó về Phật Giáo Hòa Hảo thì hỏi tôi, đời của tôi, tôi chống
Cộng sản, tôi chống công khai.”
Vi phạm nhân quyền
Anh Trần Ngọc Thành ở Mã Lai năm 2010. Hình do anh Thành cung cấp.
Ông Trần Ngọc Thành, chủ tịch Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động
cũng cho biết Ủy Ban Bảo Vệ đã có rất nhiều cố gắng để đem vụ việc này ra công
luận thế giới. Quyết tâm đấu tranh đòi hỏi công lý cho những người bạn trẻ này,
ông nói:
"Tôi thấy rằng trường
hợp của 3 người: chị Đỗ Thị Minh Hạnh, anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, anh Đoàn Huy
Chương là những người yêu nước thương dân; chỉ vì giúp đỡ những người dân lành
mà bị giam giữ 7 tháng, rồi không thông báo tội trạng cho gia đình, không có chứng
cớ buộc tội mà vẫn giam giữ là hoàn toàn không thể chấp nhận được.
Với trách nhiệm của mình thì chúng tôi đã liên tục lên tiếng với nhà cầm
quyền phải trả tự do cho chị Hạnh, anh Hùng, anh Chương và nhiều người yêu nước
khác hiện nay đang bị giam giữ tại Việt Nam. Chúng tôi cũng báo động và kêu gọi
các tổ chức Nhân quyền Quốc tế, tổ chức Ân xá Quốc tế và chính phủ các nước tạo
áp lực lên nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam hãy trả tự do ngay cho những người
yêu nước bị giam giữ.
Chúng tôi không bao giờ bỏ rơi những người bạn của mình đang bị tù đày tại
Việt Nam. Chúng tôi tìm mọi cách để cứu giúp họ để làm sao họ được sớm trả tự
do.”
Đây là một sự vi phạm nghiêm
trọng đối với điều 9 của bản Công ước Quốc tế Nhân quyền về quyền chính
trị và dân sự mà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là 1 thành viên gia
nhập vào ngày 24 tháng 9 năm 1982.
Cụ Lê Quang Liêm
Việc bắt giữ những người trẻ tuổi này là đúng hay sai? Tôn
trọng hay vi phạm luật pháp quốc tế? Có một tòa án nào sẽ đem tất cả vụ án này
ra ánh sáng công lý? Chúng tôi xin mượn câu trả lời của Cụ Lê Quang Liêm năm
nay 91 tuổi, một đời đấu tranh cho công lý để kết thúc bài phỏng vấn này:
"Đây là một sự vi phạm
nghiêm trọng đối với điều 9 của bản Công ước Quốc tế Nhân quyền về quyền chính
trị và dân sự mà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là 1 thành viên gia nhập vào
ngày 24 tháng 9 năm 1982.
Một quốc gia gia nhập vào Công ước Quốc tế, tức là sống với Cộng đồng nhơn
loại thì phải tôn trọng những gì luật pháp đã ban hành, ký kết. Chúng ta cần phải
lên tiếng và kêu gọi thế giới tiếp tay giúp đỡ nhân dân Việt Nam được sống
trong một đất nước Tự do, Dân chủ, Hòa bình và Thịnh vượng.”
|