Ngô Nhân Dụng
Khi
công ty Google từ chối không tiếp tục làm công việc kiểm duyệt mà chính
quyền Trung Quốc bắt họ phải chịu để được làm ăn ở xứ này, nhiều người
coi đây là một vụ thách thức đối với đảng Cộng Sản Trung Quốc. Nhưng,
tính trên đường dài thì đây cũng là một thách thức đối với mọi người
dân Trung Hoa trong lục địa. Ðặc biệt, là thách thức giới trí thức trẻ
tuổi. Hơn 300 triệu người Trung Hoa đang sử dụng Internet. Dùng
Internet là một bước tiến vào cuộc sống văn minh toàn cầu của thế kỷ
21. Trong hai thế kỷ qua, loài người đã tiến những bước dài trên con
đường sống tự do dân chủ. Giới trí thức Trung Quốc chịu cúi đầu trước
một bạo quyền của thế kỷ 19 cho tới bao giờ?
Tháng Giêng năm 2010, khi Google bắt đầu phản đối chính phủ Bắc Kinh về
những vụ đột nhập vào mạng lưới của họ để ăn cắp các dữ liệu về các nhà
trí thức đối lập, rất nhiều thanh niên Trung Hoa đã can đảm bày tỏ ý
tán đồng hành động đó. Họ dám đương nhiên mang hoa đến đặt trước trụ sở
công ty này ở Bắc Kinh. Trong một ngày, hàng trăm ngàn người bày tỏ ý
kiến trên mạng, đại đa số ủng hộ lập trường của công ty ngoại quốc trẻ
trung này, mà những người sáng lập cũng cùng tuổi với đa số dân Nét ở
Trung Quốc. Một dân Nét đã viết: Nếu Google rút đi, Trung Quốc sẽ trở
về "thời đồ đá” trong thế giới mạng lưới! Chúng ta phải khâm phục những
bạn trẻ can đảm này.
Nhưng các hành động tỏ ý tán thành như trên cũng chỉ có tính cách "phản
kháng bất bạo động” và thụ động. Ba tháng đã qua, Google đã thương
thuyết với chính quyền Trung Quốc nhưng không tìm ra giải pháp nào thỏa
đáng, bây giờ công ty đã tiến thêm một bước nữa: Rút hẳn dịch vụ dò tìm
trên mạng ra khỏi lãnh thổ Trung Hoa lục địa, hướng dẫn các người muốn
dùng dịch vụ tìm kiếm của Google sang mạng lưới của họ ở Hồng Kông.
Chính phủ Bắc Kinh tiếp tục "đánh trả đũa” với "Trường Thành Lửa,”
không cho người dân trong lục địa sử dụng Google. Nghĩa là người dân
Trung Hoa muốn tìm hiểu gì về Tây Tạng, về Thiên An Môn thì chỉ được
coi những tài liệu đã được chính quyền kiểm duyệt.
Cuộc đấu giữa chính quyền Bắc Kinh và Google tiêu biểu cho hai thế lực,
hai quan niệm về văn minh. Một bên là một công ty trẻ mới ra đời được
hơn 10 năm, đi tiên phong trên mặt kỹ thuật, lớn mạnh rất nhanh nhờ
tinh thần khai phá, dám làm và dám chấp nhận rủi ro. Công ty này, ngay
từ khi thành lập, đã chọn một khẩu hiệu: "Không làm ác” (Don't Be
Evil), đề cao mục tiêu đạo đức chứ không còn là thương mại nữa. Bên kia
là một chính quyền độc tài hủ lậu muốn kìm hãm tự do của một dân tộc
với nền văn minh thuộc hàng xưa nhất thế giới. Chính quyền đó cũng là
tàn tích còn sót lại của ý thức hệ Mác xít, đã bị khai tử ngay tại Âu
Châu nơi chủ nghĩa và chế độ này được phát sinh. Cuộc đấu trí giữa hai
bên sẽ đưa tới kết quả nào, nó sẽ định nghĩa đời sống của thế kỷ 21.
Bạo Lực sẽ thắng? Hay sau cùng Ðiều Thiện sẽ thắng?
Nhiều người phê bình hành động của Google là vì hiện nay họ chỉ chiếm
30% thị trường "tra tìm thông tin” ở trong lục địa, cho nên họ có thể
bỏ qua mà không bị thiệt hại bao nhiêu; nếu họ chiếm 70% thị trường thì
có thể họ sẽ hành động khác. Hơn nữa, công ty này không kiếm lợi ở
Trung Quốc được bao nhiêu. Tất cả số thu của họ trong lục địa chỉ chiếm
vài phần trăm tổng số thu nhập hơn hơn hai chục tỷ Mỹ kim trên toàn thế
giới. Do đó, quyết định từ giã thị trường Trung Quốc không khó khăn
lắm. Lời phê bình này chỉ "phỏng đoán” động cơ của công ty Google, gán
cho họ những động cơ xấu nhất. Hơn nữa, nói như trên là quên rằng thị
trường lục địa phát triển rất mạnh, giá trị tính bằng đô la có thể tăng
40% mỗi năm. Khi tính đến tiềm năng đó, thì phải công nhận hành động từ
bỏ một thị trường như vậy là rất can đảm, Google đã đặt nguyên tắc đạo
lý lên trên mưu tính doanh lợi lâu dài.
Thông điệp chính của Google là, "Chúng tôi không chấp nhận đóng vai trò
kiểm duyệt” cho một chế độ độc tài, để hưởng các lợi lộc kinh tế. Ðây
là một thách thức. Thông điệp này có đánh thức giới trẻ Trung Quốc hay
không, và họ sẽ hành động như thế nào, chúng ta còn phải chờ tương lai
mới biết câu trả lời. Bởi vì hành động của cộng sản Bắc Kinh đối với
Google chỉ là một trong nhiều bộ mặt của chế độ này, khi họ kiểm soát
thông tin, đàn áp tư tưởng tự do, bấờt chấp quyền sống và phẩm giá của
người dân Trung Hoa. Chế độ Bắc Kinh cũng kiểm soát các phương tiện
thông tin hiện đại khác, như việc sử dụng Facebook, Twitter, vân vân.
Người dân, và nhất là giới trẻ Trung Hoa, đang phải sống trong một vòng
kiểm tỏa giống như những con cua trong một cái giọ. Trong cái giọ đó,
con cua này tìm cách leo lên đầu con cua kia, nhưng vẫn không bao giờ
leo ra khỏi giọ được. Họ có tự biết như vậy hay không? Chúng tôi nghĩ
là họ có ý thức về điều đó.
Một bài trong tờ Vãn Báo (Báo Buổi Chiều) xuất bản trong lục địa, số ra
ngày 3 tháng 7, năm 2000, có kể một câu chuyện để tự chỉ trích bản tính
thích đấu đá nhau của người Trung Hoa. Bài báo của tác giả Thẩm Xương,
kể một chuyện xảy ra ở New York, có thể do tác giả bịa ra để khuyến cáo
đồng bào của ông tự răn mình.
Có một công ty Mỹ ở New York thuê rất nhiều công nhân ngoại quốc gốc Á
Châu. Cuối năm, ông chủ báo tin sẽ tặng 500 đô la cho các công nhân
giỏi nhất. Ông yêu cầu mỗi nhóm người thiểu số họp lại một người trong
bọn họ để lãnh thưởng.
Nhóm công nhân Nhật họp rất nhanh chóng, đề nghị một người. Ông chủ
cũng đồng ý, vì thấy đó là một công nhân tài giỏi thật. Nhóm người Việt
Nam và nhóm người Hàn Quốc họp lâu mới đưa đề nghị lên. Hai người đó
đều được tặng 500 đô la, nhưng ông chủ biết họ không giỏi giang gì cả.
Người Việt được chọn vì các đồng hương thấy anh ta nghèo nhất, đáng
giúp đỡ! Người công nhân Hàn Quốc thì được bầu vì anh ta tính hiền
lành, ba phải, không làm mất lòng ai bao giờ. Nhưng nhóm công nhân
Trung Hoa thì đến chiều cũng không đề nghị ai cả. Họ không chịu bỏ
phiếu coi ai là người đáng lãnh thưởng. Họ đề nghị xin chia đều 500 đô
la cho tất cả mọi người trong nhóm, tất nhiên bị từ chối. (Bài này được
đăng lại trong sách "Người Trung Quốc và những căn bệnh về nhân cách”).
Thực sự người Trung Hoa có tánh ưa "tranh giành” với nhau về tính nhỏ
nhặt mà không nghĩ được chuyện lớn hay không, chúng ta không dám quả
quyết như tác giả bài báo trên. Nhưng nói đến tật xấu này thì chắc dân
Việt hay người Hoa cũng ngang ngửa như nhau!
Chính quyền cộng sản không phải là triều đại đầu tiên ở Trung Quốc muốn
kiểm soát thông tin và đàn áp tự do tư tưởng của người dân. Vào đời Nam
Tống, Tống Huy Tông (tên Triệu Cấu) đã ra lệnh "cấm tuyệt” không ai
được viết dã sử: "Những kẻ không đắc chí, ẩn nấp khắp nơi, nhòm ngó
việc triều đình, bí mật viết dã sử để rao bán tà thuyết!” Các người làm
blog, bloggers bây giờ cũng không khác gì những nhà viết dã sử đời
trước. Họ cũng "nhòm ngó việc triều đình” và thông báo cho nhau những ý
kiến mà nhà nước coi là "tà thuyết!”
Vào thế kỷ 12 kỹ thuật thông tin còn rất thô sơ, Triệu Cấu tưởng rằng
chỉ ra lệnh cấm là bưng bít được tin tức. Nhưng cuối cùng lịch sử vẫn
biết và vẫn phê phán chế độ hủ bại của ông vua Huy Tông và "thủ tướng”
Tần Cối. Thế kỷ 21, việc cấm người ta "viết dã sử” còn khó hơn nữa.
Những cố gắng "bịt miệng dân” của chế độ cộng sản cuối cùng sẽ thất
bại. Thất bại nhanh hay chậm là tùy theo thái độ và phản ứng của các
thanh niên trí thức đang sống trong các giọ cua đó.
Công ty Google đã đứng ra thách thức chính quyền cộng sản Trung Hoa. Họ
sẵn sàng từ bỏ các lợi lộc kinh tế để giữ tư cách, bảo vệ phẩm giá của
họ. Giới trí thức Trung Hoa có chấp nhận một thử thách như vậy hay
không? Tất nhiên, đây cũng là một câu hỏi đặt ra cho giới trí thức và
thanh niên Việt Nam!
Chúng ta không cần so sánh người Hán với người Việt. Nhưng thế nào cũng
có người đặt câu hỏi rằng "Liệu dân Việt Nam hơn gì người Hán khi phải
đối đầu với một chế độ độc tài chuyên chế hay không?” Chúng ta đang
chứng kiến một cuộc chạy đua xem hai dân tộc Trung Hoa và Việt Nam,
cùng sống dưới các chế độ độc tài cộng sản, xem bên nào sẽ dám đứng lên
phản kháng và đòi tự do mạnh bạo hơn!
Trong lịch sử, dân tộc Trung Hoa, mà đại đa số là người Hán, đã chịu
sống dưới các chế độ độc tài chuyên chế do người "ngoại tộc” đứng đầu
trong nhiều thế kỷ. Thời Nhà Nguyên, người Mông Cổ đã cai trị nước Tầu
trong hơn một thế kỷ. Người Mãn Thanh cũng làm chủ nhân nước Trung Hoa
trong gần 400 năm. Người Việt Nam có thể coi là có ý chí rất quật
cường. Sau khi ý thức dân tộc phát khởi để giành được độc lập vào thế
kỷ thứ 10, không bao giờ người Việt chịu cho ngoại bang cai trị nữa.
Ngay trong thời Pháp thuộc kéo dài 60 năm, không lúc nào thiếu các
phong trào phản kháng. Có thể nói người Việt bất khuất hơn người Hán
khi cần chống ách cai trị của ngoại tộc. Nhưng trước các chế độ độc tài
chiếm đoạt các quyền tự do và xúc phạm đến phẩm giá con người thì chúng
ta chưa biết dân tộc nào thật sự dũng cảm hơn!
Chỉ khi nào chế độ độc tài hủ lậu đó cũng cho thấy họ khiếp nhược đối
với ngoại bang, thì người Việt thế nào cũng phản ứng mạnh! Trong Tháng
Ba năm 2010, người Hán đã làm lễ kỷ niệm chiến thắng của Phục Ba Tướng
Quân Mã Viện vào năm 43, mà báo chí họ gọi là "Anh hùng Vệ quốc.” Không
biết họ nghĩ lúc đó nước Trung Hoa bị ai đánh mà phải có anh hùng vệ
quốc? Một đoàn văn nghệ của cộng sản Việt Nam
đã được tham dự lễ hội này, ngay tại thị xã Ðông Hưng, sát biên giới
Trung-Việt, họ mặc áo dài khăn đóng, chụp hình đăng báo rất đẹp.
Người Việt Nam phải làm gì để tưởng niệm nhớ ơn công đức Hai Bà Trưng đây?
http://www.nguoi-viet.com/
|