Phương Bích
- Tôi đã dự liệu trước, rằng cái đơn kiện của Bùi Hằng lần trước vì
phải chép tay nên không tránh khỏi sai sót, vì vậy chưa thể tiến hành
khởi kiện được. Lần này thằng Bùi Nhân lên Thanh Hà, cốt chỉ để đưa cái
đơn kiện in sẵn cho Bùi Hằng ký. Kiểu gì lần này họ cũng không thể bắt
Bùi Hằng chép tay lại lần nữa, không có cái lý nào bắt như vậy cả.
Như mọi lần, chúng tôi theo Bùi Nhân lên Thanh Hà. Dọc đường mới hay,
cái sổ thăm nuôi hiện con gái Bùi Hằng ở Sơn Tây đang cầm. Mặc dù chị em
nó đã hẹn sẽ gặp nhau ở Thanh Hà, nhưng sao tôi vẫn thấy lo lắng. Ngồi
bên cạnh thằng Nhân, mọi người liên tục giục nó liên lạc với chị nó, nỗi
lo lắng càng tăng khi nghe nói chị nó bị đau nên chờ bác sĩ khám xong
sẽ đi. Đến đường rẽ vào Trại Thanh Hà, cô con gái của Bùi Hằng chính
thức báo tin không lên được. Chúng tôi dừng xe để thằng Nhân gọi điện
hỏi tay phó giám đốc trại, nhưng tay này từ chối, bảo không có sổ thăm
nuôi thì không được gặp mẹ!
Người khác nghe thấy chắc phẫn uất lắm. Một thằng bé dù to xác nhưng vẫn
là một đứa trẻ, cứ phải bay ra bay vô từ nam ra bắc đi thăm mẹ mà họ
lạnh lùng bảo, không có sổ thì không được gặp mẹ nó. Làm sao lại có cái
thứ đạo luật nào vô lương tâm đến thế ở trên đời?
Không suy nghĩ gì nhiều, thời gian là vàng bạc, chúng tôi quay đầu xe
quyết định đi Sơn Tây để lấy sổ thăm nuôi. Lúc đó đã gần trưa ngày 3
tháng 4.
Cái câu trên trang của bác Bọ Lập: "đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh"
cứ ám ảnh tôi bấy lâu nay. Giờ thì chẳng cần chờ đến lúc về sau. Nghĩ
đến quãng đường đi và về gần trăm cây số chỉ để lấy một cái cuốn sổ vô
tri vô giác, tôi thấy mình có lý để mà căm ghét những kẻ đang lợi dụng
luật pháp để hành hạ người dân như thế này.
Do chưa biết đường nên chúng tôi phải vừa đi vừa hỏi. Thiết bị định vị
chẳng có tác dụng mấy vì dữ liệu không cập nhật. Khoảng cách 45 km không
phải là xa, nhưng giao thông ở Việt Nam thì chẳng nói trước được điều
gì. Tôi mệt mỏi và buồn bực ngồi trên xe, chẳng buồn quan sát xung
quanh. Chỉ khi đến bến phà tôi mới nhỏm lên nhìn.
Những ký ức xa xưa từ hồi sơ tán ùa về, khi tôi nhìn thấy cái lối đi mới
mở trên lòng sông cạn để dẫn xuống bến phà. Những chiếc ô tô nghiêng
ngả ì ạch bò trên cát, con phà nhỏ với chiếc ca nô lai dắt đang nổ máy
phành phạch nhả khói khét lẹt, nước sóng sánh bên mạn phà.... Tất cả mọi
người nhảy xuống xe ngắm nhìn quang cảnh. Tôi ngồi chết dí trên xe, gặm
nhấm nỗi buồn không cắt nghĩa nổi. Chiến tranh kết thúc gần 40 năm mà
đất nước vẫn thế này ư? Nơi này đâu xa Hà Nội mấy, chỉ chừng sáu bẩy
chục ki lô mét.
Xe đến Sơn Tây đã quá trưa. Suốt dọc đường, Bùi Nhân gọi hàng chục cú
điện thoại cho cô chị nhưng vô vọng. Mọi người phán đoán có sự can thiệp
của ai đó. Nhưng thật khó hiểu, họ là những người ruôt thịt, còn chúng
tôi chỉ là người dưng, lại lặn lội đưa con em họ đi thăm người nhà họ
kia mà?
Chúng tôi kiên nhẫn chờ Bùi Nhân gọi điện thêm dăm cuộc, đoán cô chị cố
tình lánh mặt vì lúc sáng, khi thông báo không lên Thanh Hà được thì Bùi
Nhân có nói sẽ lên Sơn Tây để lấy sổ.
Ở lại lâu không tiện vì chúng tôi lạ nước lạ cái, mà cái trò bẩn thì khó
lường. Đoán chắc mỗi bước đi của chúng tôi đều được thông báo chặt chẽ.
Thậm chí có kẻ công khai phóng xe máy (không đội mũ bảo hiểm thì chỉ có
thành phần bất hảo hoặc công an) đuổi theo xe, vừa đi vừa giơ điện
thoại chụp ảnh chúng tôi.
Chúng tôi đành quay về Hà Nội. Xe ra khỏi Sơn Tây gần 10 cây số thì cô
em gái Bùi Hằng gọi điện cho thằng Nhân. Không biết họ nói với nhau
những gì, chỉ thấy thằng Nhân đang cố ghìm cơn giận. Nó nhất định đòi
xuống xe, một mình bắt xe ôm quay lại Sơn Tây để lấy sổ.
Một ngày trôi qua thật vô ích, tốn kém công sức và tiền bạc của những
người đã có lòng đóng góp giúp đỡ hai mẹ con Bùi Hằng. Họ tưởng làm thế
này là chúng tôi sẽ nản chí ư. Họ thật lầm to. Điều đó chỉ càng chứng tỏ
sự ngu dốt và bất chấp luật pháp cũng như đạo lý của họ, và càng thôi
thúc chúng tôi đấu tranh đến cùng mà thôi.
Tôi quên chưa nói một điều. Không phải quên mà là chưa có thì giờ để
nói. Cách đây hơn nửa tháng, tôi nhận được lời nhắn nhe có ý cảnh cáo
rằng công an đang lập hồ sơ để đưa tôi vào trại với Bùi Hằng. Tôi nói
thẳng với tay công an khu vực về điều này và khẳng định - không dễ vu
khống tôi để bắt tôi đi cải tạo giáo dục như Bùi Hằng.
Tôi biết hơn chục ngày trước, trên mạng lan truyền tin đồn sẽ có biểu
tình lớn của dân oan bị mất đất. Khỏi phải nói, mọi người lên mạng phàn
nàn rằng bị an ninh bám theo nhằng nhằng, quấy rầy dữ quá. Đến khi vợ
chồng bác Trâm Khánh bị an ninh dùng xe máy chặn trước cửa không cho ra
ngoài suốt mấy ngày liền thì người ta không chịu được nữa, kêu giời lên:
cái bọn phường này nó loạn thần kinh mất rồi.
Tôi lại nói với ông công an khu vực, tôi mà chủ tịch nước, tôi sẽ cho
mấy cái ông cứ xua quân đi theo dõi những người dân lương thiện nghỉ
việc hết. Họ không đi lo dẹp tệ nạn xã hội để yên dân, lại cứ đi lo canh
mấy ông bà già trói gà không chặt như chúng tôi là sao?
Sáng ngày 4 tháng 4, mặc dù tôi bảo thuê taxi đi cho an toàn, nhưng
Người Buôn Gió tiếc tiền nên lấy xe máy chở Bùi Nhân lên Thanh Hà. Gần
trưa thì nhận được tin Trại Thanh Hà không cho Bùi Hằng ký đơn. Và trong
cơn bức xúc, Bùi Hằng đã nói với con trai, nếu quyền con người của cô
ấy không được tôn trọng, cô ấy sẽ tự sát để phản đối.
Như vậy, tất cả những việc làm để nhằm tố cáo việc bắt giữ Bùi Hằng trái
phép đã bị ngăn chặn công khai và trắng trợn. Bị giam giữ suốt hơn 4
tháng nay, Bùi Hằng không được gặp luật sư, viết đơn khiếu nại thì không
nhận được sự trả lời, không được ký đơn kiện. Tôi tự hỏi nếu mẹ con Bùi
Hằng không có những người bạn, không được bà con trong và ngoài nước
ủng hộ thì số phận họ sẽ ra sao?
Đương nhiên là chúng tôi sẽ đấu tranh đến cùng để yêu cầu thả Bùi Hằng.
Điều này không phải cho cá nhân Bùi Hằng, mà còn cho tất cả những người
biểu tình chống Trung Quốc đã bị o ép trong suốt thời gian qua.