Thứ Ba, 2024-11-05, 8:36 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Mười » 5 » Hội chứng Một ngàn
11:56 AM
Hội chứng Một ngàn
Nhà văn Võ Thị Hảo
Gửi cho bbcvietnamese.com từ Hà Nội
Hà Nội đang làm đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long với các khoản chi phí khổng lồ, cùng hàng chục hoạt động rầm rộ.

Như thế là đã đến ngày kết thúc của cả một thời gian dài khoảng 8 năm chuẩn bị cho đại lễ một ngàn năm Thăng Long Hà Nội.
Một cuộc phát động lớn yêu cầu cả nước hướng tới kỷ niệm một ngàn năm Thăng Long Hà Nội (TLHN) đã được khởi phát từ lâu nay.
Theo tư liệu mà báo chí công bố thì có tới 65 công trình thuộc về các lĩnh vực văn hoá xã hội, chính trị, lịch sử, giáo dục... được thực hiện để chào mừng đại lễ này.
'Đại lễ mừng cụ Thủ đô'
Khoảng 54 hoạt động chính dự kiến diễn ra trong 10 ngày đại lễ. Bắn pháo hoa trên 29 điểm. Khoảng 250 buổi biểu diễn của các đoàn nghệ thuật trong nước và khoảng 38 buổi của các đoàn ngoài nước...
Cuộc diễu binh lớn khoảng 30 ngàn người.
Cuộc múa hát của khoảng 10 vạn người và vô số cuộc khác. Các cuộc này, rất nhiều, rất lớn, rất tốn tiền, nhưng đều có nội dung na ná như nhau.
Đại loại là ca ngợi đảng, ca ngợi đất nước một cách rất hời hợt, ca ngợi TLHN, ca ngợi Lý Thái tổ sáng suốt dời đô về Thăng Long chứ không để ở Hoa Lư...
Đại loại là múa may quay cuồng na ná nhau. Thế nào cũng có hình tượng rồng rồi dải vải lượn rồi người nọ nâng người kia lên làm "hình tượng” trông rất sống sít...
Đại loại là để... ”cúng cụ”. Chắc chắn là không thể chệch định hướng. Mà cách gì cũng phải dính tới chữ "ngàn năm TLHN” để moi được tiền ngân sách. Càng hoành tráng càng được nhiều tiền.
Đồng nào lên rừng đồng nào xuống phố đồng nào vào túi ai thì là cái chuyện trời biết, dân biết, nhưng dân không được bàn mà dân cũng không được kiểm tra...
Là mừng tuổi cụ Thủ đô đấy.
'Sắc màu trong và ngoài biên cương'
Cả Hà Nội đi đâu cũng rồng. Lắm rồng quá thể. Ngoài những con rồng nhan nhản đâu đó, trên nhiều cửa ngõ vào phố còn thấy lắp những con rồng mỏng dính bằng đèn nhấp nháy của Trung quốc (TQ) treo lên lưng chừng giời, hai con châu đầu vào nhau thi nhau khạc lửa đỏ loè như hù doạ..
Khắp Hà Nội đâu đâu cũng cờ hoa đỏ rực. Màu đó được giải thích chính thống là màu máu. Màu đó trông cũng đỏ rực giống như biển cờ hoa đại lễ đang diễn ra cùng ngày trên dải đất phương Bắc ngoài biên cương.
Đại lễ ngàn năm TLHN trùng ngày quốc khánh TQ. Họng súng chinh phạt và chiếc lưỡi bò từ đại lục thì vẫn lăm le ngoài biển đông kia!
Trang phục người Việt Nam thì 99% là mua giá rẻ từ người Trung Quốc rồi. Hoa quả VN cũng chủ yếu là của TQ. Hàng hoá cũng thế. Hội chợ xúc tiến thương mại mở ở các quận huyện cũng rất nhiều người TQ sang bán hàng TQ.
Trước cửa nhà tôi, có hội chợ thương mại, rất nhiều người TQ đứng bán hàng, thông thạo cả hai thứ tiếng. Có một nhóm người rao bán dao TQ. Vót gỗ như thái chuối. Anh ta hớn hở rao: Dao đặc biệt đây! Đặc biệt đây! Chặt thịt, chặt xương trâu, xương bò, xương ma cà rồng, xương người... đây...”.
Sắc màu Trung quốc đang ngập tràn nước Việt. Theo nhận định của nhiều người thì chưa bao giờ văn hoá Việt Nam lại lệ thuộc văn hoá Trung quốc như bây giờ.
Từ cách trang phục lễ hội, từ phim ảnh trên truyền hình cho tới các lễ rước, các pho tượng, cách hành lễ, cách cấu trúc đền chùa... Ngay cả cách khấn vái người ruột thịt cũng vậy.
Đã thoát Bắc thuộc từng ấy năm rồi, khấn cho ông bà, ông vải tổ tiên mà rất nhiều người lại cứ phải khấn bằng chữ Hán, đốt sớ bằng chữ Hán, trong khi ông bà, ông vải một chữ Hán bẻ đôi không biết!
Kìa nhìn xem con cháu tâm sự những điều thiêng liêng thành kính trứơc bàn thờ tổ tiên, thổ lộ những ước mong với đấng sinh thành mà lại chọn cái ngôn ngữ đánh đố ông bà tổ tiên, khen chẳng biết chửi không hay, như vậy có khác gì là vừa nô lệ, vừa bất kính hay không?!
'Một ngàn lẻ một cái ăn theo'
Dù thế nào thì đại lễ cũng đã và đang diễn ra. Tận mười ngày. Hà Nội đã tắc đường từ nhiều ngày trước. Khi tôi viết bài này, mây đen sầm sì và trời đang mưa.
Lại nghĩ đến chuyện có người toan quyết định bắn mây, đuổi mưa để thực hiện đại lễ không phải chạy mưa. May mà một quan chức Chính phủ đã tuyên bố là hoãn cuộc bắn mây này lại. Có mưa thì dời vào sân Mỹ Đình. Dù có tốn kém thì cũng còn đỡ tốn kém hơn món bắn mây!
Dù thế nào thì, theo số liệu công bố trên báo chí, ít nhất khoảng 94 ngàn tỉ đồng tiền thuế của dân VN – cái sắc dân vẫn đứng trong hàng những nước nghèo nhất trên thế giới - đã được chi ra cho đám rồng rắn và đại lễ, cho cái hội chứng "một ngàn lẻ một cái ăn theo"ấy.
Giả sử một phần trong số đó không phải là từ ngân sách, mà từ túi tiền cá nhân thì cũng vậy thôi, chung quy cũng từ ngân quỹ cộng đồng cả. Số tiền đó được chi để mừng TLHN ngàn năm tuổi.
Khoảng 1/10 tổng thu nhập quốc dân/năm đấy. Tám năm chuẩn bị với những cuộc phát động toàn quốc. Trên tượng đài thậm xấu xí ở gần bờ hồ Gươm có cái bảng điện tử đếm ngược thông báo từng ngày để giục giã mọi người.
Có vẻ trong mấy năm qua, không còn việc gì to tát đáng làm hơn kỷ niệm ngàn năm TLHN. Ít nhất đó là về mặt ấn tượng. Vì nó chiếm quá nhiều thời lượng trên các ngả phố, trên các phương tiện truyền thông và trên đầu lưỡi mọi người có quyền ăn, quyền nói.
'Lão làng là giá trị?'
Cho đến bây giờ, tôi vẫn không ngừng tự hỏi: ngàn năm là gì nhỉ? Tại sao lại có đại lễ mừng một ngàn năm? Ngàn năm được mừng thì một năm, hay trăm năm cũng đáng mừng chứ. Vấn đề phải là mừng cái gì đã đạt được trong một ngàn năm đó chứ không phải chỉ là mừng tuổi. Lão làng là một khái niệm, không thể nhầm với một giá trị.
Ngày dời đô có quan trọng đến thế không? Nếu Lý Công Uẩn không dời đô, mà kinh đô vẫn ở Hoa Lư, hay ở một nơi khác, thì chẳng lẽ nó không có giá trị sao...?
Có thể tôi là kẻ lẩn thẩn. Thì phải hiểu đại lễ là lễ mừng thọ một cụ. Đấy là cụ Thủ đô.
Cả một đại lễ tốn kém gần trăm ngàn tỉ đồng ấy, trong thời buổi đất nước đói khó, mà chỉ để mừng tuổi cho một TLHN thôi sao?
Có rỗng không? Nếu chỉ để mừng tuổi? Như câu khẩu hiệu đã đề ra.
Xét về mặt bình đẳng khái niệm, thì một kinh đô ngàn năm tuổi và một năm tuổi khác nhau chỗ nào? Một ngàn năm tuổi có quyền tự hào. Còn một năm tuổi cần phải hổ nhục vì sự kém già hay sao?
Cái làm nên giá trị của một vật, một người, không phải số tuổi của nó. Mà chính là giá trị của nó. Ai cũng biết điều đó.
Theo lẽ công bằng mà nói, thì cái để tự hào không phải là tuổi, mà là chất lượng.
Một thành phố mới hình thành một năm nhưng ở đó có những công trình kiến trúc nghệ thuật thẩm mỹ đẹp, có giá trị trường tồn theo thời gian, chất lượng sống của công dân cao cả về vật chất và tinh thần, có dân chủ và tự do, thì thành phố ấy hoàn toàn có quyền tự hào hơn một thành phố có cả năm ngàn năm tuổi mà hoang tàn, bẩn thỉu nhếch nhác, bị xoá đi mọi di sản văn hoá, chất lượng sống thấp kém...
Vì thế, nếu chỉ vì số năm mà tự hào, chỉ mừng tuổi thôi, thì là tự hào về một khái niệm rỗng.
Nhân dân chỉ được, khi có cơ sở để mừng về chất lượng sống cao và văn hoá cao được gói trong ngàn năm tuổi ấy kia.
Nếu không, càng chi nhiều tiền chỉ để mừng tuổi, nhân dân càng mất.
'Yêu nước? Không yêu nước?'
Khắp nơi nơi là những biểu ngữ, khẩu hiệu đỏ chói đề: Mừng 1000 năm TLHN. Tại nhiều thôn xã phố phường, xã thôn có người đi hàn những cái ống cắm cờ trước cổng mỗi nhà, bằng một đoạn ống nứơc, không cần hỏi ý chủ nhà. Được giao tận tay một lá cờ và lời yêu cầu cắm, với một khoản tiền nộp để lấy cọc và cờ, ở cái nơi tôi biết, là 25 ngàn đồng.
Tôi cất lá cờ đi và tự hỏi: lẽ nào cứ cắm cờ là yêu nứơc. Thế cái người xả thân bắt cướp, không kịp cắm cờ là không yêu nước sao?
Lẽ nào cái cử chỉ yêu nước, nó vốn phải nằm trong trí tuệ, trong hành vi của mỗi người, thì lại chỉ cần cắm một lá cờ lên trước cổng là xong?
Nếu một người mà hành vi dối trá, tham lam, thô bỉ, vô văn hoá, ích kỷ, thiếu ý thức cộng đồng, nhưng chỉ việc cắm một lá cờ lên cái ống gang trước nhà, là được cấp chứng chỉ yêu nước, thì quá dễ đấy nhỉ?!
Thế nên, cả nước ngập cờ trong những ngày lễ lạt, thế mà dân vẫn nghèo khó, tham nhũng dối trá ngập tràn và bao nhiêu tệ nạn xã hội khác. Sự thờ ơ ích kỷ và vờ vịt thống lĩnh số đông.
Nếu chúng ta yêu nước bằng trí tuệ và hành vi, không phải chỉ bằng cách đối phó và giả dối, thực trạng đất nước chắc chắn sẽ khá hơn thế này.
Cái khó nhất là hành vi và tâm thức. Không phải là chuyện vờ vịt để đối phó. Cứ vờ vịt mãi, người Việt thành nạn nhân và thành vô cảm rồi thành nô lệ. Chẳng ai cứu được.
Ai dám bảo không cắm cờ có nghĩa là không yêu nước?
'Ta mạnh nhất thế giới'
Tôi lại nhớ thời sau 1975, "thắng Mỹ", VN trong một thời gian dài đã công khai vỗ ngực: VN mạnh nhất thế giới.
Và thế là khởi đầu kỷ nguyên đói kém tụt hậu trong hoà bình, cho rằng bản thân ta là hoàn hảo, cho đến một ngày VN bên bờ nguy ngập, phải "đổi mới hay là chết”. Thời đó, vật vã lắm VN mới qua khỏi hội chứng "ta mạnh nhất thế giới”. Đổi mới đã cứu VN nhưng rồi đổi mới lại chững lại.
Bây giờ thì VN lại có hội chứng nhất thế giới. Từ những vật vặt vãnh như bánh chưng, chai lọ... cũng muốn nhất.
Chẳng ai muốn và đầu tư cho văn hoá và tinh thần để nhất thế giới cả. Hình ảnh quan chức hầu hết chỉ là lễ lạt, là khởi công, động thổ và răn dạy điều gì đó mà rất nhiều khi là nói một đằng làm một nẻo.
Quá hiếm hoi cái diễm phúc dân được thấy hình ảnh quan chức cầm quyển sách trên tay đọc. Nhà quan chức cũng không nêu gương những thú chơi tinh thần tao nhã đượm mùi trí tuệ thượng lưu mà tầng lớp cai trị xã hội tối thiểu phải có.
Thì thiên hạ cũng thế. Nhà giàu, có đầu tư thì đầu tư cho khởi công động thổ, mua quan bán tước, mua những kẽ hở, cho các cuộc thi hoa hậu, trăm ngàn kiểu gái ngon mắt... và cho... bóng đá. Còn thừa thời gian thì nói chuyện tục tĩu...
Thực ra bóng đá có những hấp dẫn, nhưng mặt trái của nó là ma túy của nhân dân để quên đi những sự không được phép quên trên đời này. Vì nếu những cái đó mà quên, e rằng con người không hơn gì con... muỗi.
Và nhân đại lễ ngàn năm TLHN, bao nhiêu là cái một ngàn ăn theo. Nào một ngàn trang sách, một ngàn hương vị, một ngàn góc nhìn, một ngàn con rồng... một ngàn nhà báo cũng đến Hà Nội nhân đại lễ. Vậy là hình thành hội chứng "một ngàn" và để cung ứng cho nó là số tiền được vung tay chi...
'Moi mắt rồng lấy ruby?'
Vậy là hội chứng "một ngàn"xuất hiện với một ngàn lẻ một sự ăn theo hội chứng "một ngàn". Để thực hiện nó, để nó xuống phố, thật mới thấy một ngàn lẻ một cái tài của người VN, đặc biệt là của một số người có quyền lực định đoạt cái gì đó dính dáng đến cộng đồng.
Ai đó thật có sáng kiến hãm hại hoặc khai tử nốt chứng tích văn hoá TLHN bằng cách sơn vàng lên mặt nhà phố cổ, cậy gạch lên lát lại những vỉa hè và Hồ Gươm... Cái sáng kiến này về mức độ hữu ích cũng xứng đáng là sự hoàn tất cái đuôi của chiến dịch trùng tu các đền chùa miếu mạo cổ và kết quả là... xoá vết tích văn hoá để chứng tỏ có ngàn năm TLHN...
Hào phóng và giàu có quá. 2.000 viên ngọc rubi tự nhiên được nhập từ châu Phi về để gắn mắt cho lũ rồng đúc, làm quà lưu niệm cho các đại biểu mừng đại lễ! Khoảng 1.000 con và chi phí khoảng 800 USD/con.
Nhiều người nước ngoài nói các bác VN nghèo gần đội sổ thế giới mà vung tay quà cáp hào phóng quá nhỉ! Mà quà như thế, ngoài việc moi mắt rồng lấy hai viên ruby đi đánh nhẫn (đại loại thế), thì đại biểu cũng không nhận được một tác phẩm có giá trị thẩm mỹ cao.
Dư luận đã đặt nhiều dấu hỏi về hiệu quả và cách thức chi tiền cho đại lễ (mong rằng dư luận chỉ đa nghi, ngờ oan cho một số người có trách nhiệm chứ các bác ấy trong sáng lắm và yêu nứơc lắm?!).
Nhà giáo - nhân sĩ Phạm Tòan thốt lên: đây là một vụ tiêu tiền vô tội vạ. GS Tương Lai cảnh báo: hỡi công dân, văn hóa đang lâm nguy!
'Có ai hỏi dân không?'
Nếu đã chi tới 1/10 GDP cả nước để mừng tuổi cho một thành phố, dù đó là thủ đô, thì đã tạo ra một tiền lệ để các tỉnh thành huyện quận trong nước noi theo để có thể tổ chức vô vàn những đại lễ. Không đại lễ thì cũng là trung lễ và tiểu lễ và vô số cách moi tiền ngân sách.
Vì cái gì mà chẳng có tuổi. Đã mừng tuổi này thì phải mừng tuổi khác. Thiếu gì cách để chi tiền dân.
Có ai đó đã đưa ra một phát kiến quan trọng dành cho các bậc tham nhũng sử dụng làm tuyệt chiêu trong mấy năm gần đây: để xoá chứng tích tham nhũng, cách hay nhất là đổ vào... những "trận cười”..., đại loại như những cuộc lễ hội, múa may, tiệc tùng... xong lễ hội, mọi chứng tích "tan xác pháo”, chẳng bắt tội được ai. Để "gió cuốn đi”.
Rồi mà xem. Thành phố một năm tuổi cũng đáng mở đại lễ lắm chứ. Sao lại không đại lễ? Sao lại bất công thế? Làm như trên đời chỉ có mỗi Hà Nội là thành phố thôi hử? Nào, mỗi làng mỗi xã, mỗi địa phương, dù ít tuổi, nhiều tuổi, đều có giá trị của nó. Đừng nói ai hơn ai. Làm sao không mừng tuổi?
Lấy chứng lý gì để bác bỏ, nếu TPHCM cũng đề nghị tổ chức một đại lễ mừng "Sài Gòn, TP Hồ Chí Minh" chừng ấy năm tuổi và phải chi khoảng 1/10 GDP hoặc hơn vì TP này đông dân hơn và đóng góp GDP lớn nhất trong cả nước?
Chi từng ấy tiền chỉ cho dịp đại lễ mừng tuổi một thành phố, sao mà nhẹ tênh vậy? Có "đầy tớ” nào trưng cầu ý kiến "chủ” không? Có ai hỏi ý kiến những người dân nghèo đói ở vùng sâu vùng xa?
Có ai hỏi ý kiến những trẻ em phải bỏ học vì nghèo? Có ai hỏi ý kiến rất nhiều người bị ốm đau không dám bén mảng đến cổng bệnh viện, chịu chết khổ sở ở nhà vì không có tiền chữa bệnh?
Có ai hỏi những bệnh nhân nặng phải nằm chen chúc lên nhau trong một chiếc giường và thiết bị y tế thiếu đủ thứ, còn bị y bác sĩ tha hồ ‘hành” để phải lót tay hòng sống sót?
Trong khi đất nước còn nghèo, và ngay cả ở một nước đã giàu, cũng rất khó chấp nhận việc vén tay áo chi khoảng một phần mười GDP chỉ cho một dịp đại lễ!
'Nước mắt đã cạn'
Trong khi viết những dòng này, bóng của hàng ngàn dân Kontum gầy guộc phải đu dây qua sông Pôkô, cứ chao chát trước mặt tôi.
Dòng sông ấy nổi tiếng thời chiến tranh ở miền Nam, nơi có những đồng bào ngày đêm bớt miếng ăn liều mạng sống nuôi giấu cán bộ, đưa đò qua sông, góp phần làm nên "thắng Mỹ" và để nhiều cán bộ có được vị trí ngày hôm nay.
Họ vốn chẳng phải diễn viên xiếc. Xưa liều mạng sống để giúp cán bộ. Nay liều mạng sống vì chẳng có cầu. Đu dây như khỉ như vượn qua sông để đi học, để kiếm miếng ăn mà thôi.
Và những cô gái VN đang xếp hàng trước cửa một số trung tâm môi giới hôn nhân hoặc đợi được bán hoặc bị lừa bán ra nước ngoài thì sao? Chút nữa, họ sẽ gần như bị lột truồng ra trước các ông bà mối và những kẻ chọn lựa. Nhiều trai tráng VN cũng thế chấp nhà cửa, vay lãi nặng để được đi lao động xuất khẩu ở nước ngoài.
Họ có thể làm nô lệ, bị đánh đập, bị bỏ đói hoặc không được trả lương. Họ có thể nhận lấy những ông chồng tâm thần đui què mẻ sứt. Cũng không loại trừ một số người và trẻ em người mất tích sau những cuộc xuất khẩu cho những lò mổ chuyên buôn bán phủ tạng người..
Gái điếm Việt rẻ. Giá người Việt xuất khẩu rẻ. Mà danh dự người Việt cũng chưa thấy đắt... Thế thôi.
Với phần lớn dân số VN, nếu có thêm một ít tiền đầu tư cho cuộc sống đỡ khốn khổ, nếu tăng cường việc làm và phúc lợi xã hội từ những việc tiết kiệm các khoản chi lãng phí, chắc chắn đời sẽ đổi khác...
Tất cả những hình ảnh đó chao qua chao lại trước mắt tôi, nhoà cái màu đỏ rực của đại lễ này.
Có nhiều người đã cố gắng bỏ công sức cho một đại lễ tươm tất. Nhưng những người nghèo, những người bị oan khuất, đất mẹ Việt đang bị rút ruột, khóc đã lâu quá rồi. Hình như đã cạn nước mắt.
Nhưng khóc là vẫn khóc. Không thể vì đại lễ mà hết khóc. Không thể cạn nước mắt mà hết khóc. Người ta bảo, hết nước mắt thì khóc ra máu đấy. Đừng vì đại lễ mà quên!
Bài viết nêu quan điểm riêng của nhà văn, nhà báo Võ Thị Hảo, đang sống ở Hà Nội.
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 622 | Added by: danchu | Rating: 2.0/1
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 210
Khách: 210
Thành Viên: 0