Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2012-10-03
Tiếp tục loạt bài Hội nghị Trung ương 6, bàn về cải tổ giáo dục,
Mặc Lâm lấy ý kiến từ các vị giáo sư đang giảng dạy trong nước đóng góp
cũng như gợi ý những điều cần thiết cho việc làm khó khăn mà Hội nghị
đang bàn thảo.
AFP photo
Các em học sinh tiểu học Hà Nội trong ngày khai trường 05/9/2012
Đang lạc hướng
Trước tiên Giáo Sư Văn Như Cương, hiệu trưởng trường Trung học Lương
Thế Vinh, cho biết ý kiến của ông trong cuộc cải tiến giáo dục lần này:
"Ý kiến của tôi, vấn đề quan trọng nhất của đổi mới giáo dục lần này
là xác định rõ 3 câu hỏi : học để làm gì, học cái gì, và học như thế
nào.
Nền giáo dục của chúng ta đang lạc hướng ở chỗ hiện nay ở Việt Nam là
học để đi thi, để có bằng. Không phải học để hiểu, để làm việc tốt hơn.
Vì thế người ta chỉ chú trọng bằng cấp chứ không chú trọng năng lực
thực sự để làm việc. Đấy là điểm thứ nhất.
Vì học để làm gì sai lệch như thế cho nên học cái gì cũng là một vấn
đề lớn. Hiện nay chương trình học quá nhiều những điều vô bổ không cần
thiết cho những học sinh khu vực phổ thông. Học những cái cao siêu,
những lý thuyết không đi đôi với thực hành, học những cái mà ta gọi là
"hàn lâm” đấy.
Rồi cuối cùng học như thế nào thì cũng vì học để đi thi cho nên cách
học là học lệnh, học tủ, học nhồi nhét, học thêm, học nếm, học một cách
máy móc, thụ động. Như thế cần phải giải quyết để xây dựng nên những xã
hội học tập mà trong đó mọi người khi nào cũng luôn luôn học tập nhưng
không phải để kiếm mảnh bằng để thăng quan tiến chức, mà học tập là để
làm việc tốt hơn. Nền giáo dục phải chuyển hướng theo cách đó, chứ không
phải là học để lấy bằng, học để đi thi.
Đó là ý kiến của tôi trong tình hình giáo dục hiện nay nó đang đi chệch hướng và cần phải uốn nắn như thế nào."
Nhiều điều không ổn
Giáo dục phản ảnh đạo đức xã hội vì vậy khi nhìn sinh hoạt xã hội
hiện nay người dân cảm thấy bất an vì quá nhiều tiêu cực xảy ra trong
đời sống của họ. Giáo sư Hà Văn Thịnh hiện giảng dạy môn lịch sử tại Đại
Học Huế cho biết:
"Nói chung, nếu không thay đổi thì tình hình sẽ bi đát lắm, cực kỳ bi
đát. Ở đây, theo tôi, một là triết lý giáo dục sai, họ chỉ dạy những
con người để đi thi, để vượt qua bằng cấp, rồi lấy bằng quốc tế, rồi thi
tốt nghiệp, thi đại học, chứ không phải con người của cuộc đời. Không
dạy trí năng, không dạy phẩm chất làm người, không dạy cách thích nghi
cuộc sống.
Hai nữa, rất nhiều điều không ổn trong nền giáo dục này, chẳng hạn sự
dối trá. Tôi ví dụ: lịch sử được biên soạn theo chính trị hóa nhưng sự
thật đó là dối trá. Mà lịch sử đã dối trá thì tất cả những điều khác học
sinh cũng dễ dối trá thôi. Làm sao học sinh tin được khi mà lịch sử
không đúng, khi nào cũng thắng, khi nào cũng thành công, chẳng bao giờ
thất bại chẳng bao giờ sai lầm. Điều đó sinh viên học sinh không chấp
nhận được.
Thứ ba nữa là người ta biến học sinh, thầy giáo, cô giáo thành những
cái máy. Học sinh không dám phản biện, không dám nêu ra những gì bất
đồng ý kiến với thầy, với cô mà phải theo sách giáo khoa. Bởi vì cứ nêu
ra bất kỳ bất đồng nào cũng bị cho là "tư tưởng lệch lạc” mà nặng hơn
một chút thì là "phản động”. Vì vậy mà không ai dám nói gì hết, không
dám phản kháng gì cả. Một nền giáo dục mà không dám phản kháng thì chỉ
có chết hay sao?
Theo cách nghĩ của tôi về giáo dục là phải cho sinh viên nghi ngờ,
cho học sinh – sinh viên nghi ngờ trước khi nó công nhận điều thầy giáo
hay điều mà sách giáo khoa nói."
Thiếu phương tiện giảng dạy
Về mục tiêu đào tạo và phát triển công nghệ cũng được Tổng bí thư
nhắc tới nhưng thực tế cho thấy Việt Nam không có những kế hoạch nghiên
cứu theo yêu cầu chung của thế giới, đặc biệt là từ các trường đại học
cũng như các viện khoa học khắp nước. GSTS-KH Nguyễn Thế Hùng, giảng dạy
tại Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho biết:
"Đào tạo khoa học công nghệ thì ở Việt Nam tôi dạy mấy chục năm nay
mà chỉ đào tạo một loại kỹ sư, mà bây giờ kỹ sư muốn đáp ứng nghiên cứu
thì không đáp ứng được. Ví dụ như tôi dạy bên ngành xây dựng là để đáp
ứng vấn đề thiết kế thi công móng thì kỹ sư cũng không đáp ứng được.
Đó là nói các trường công lập, các trường tương đối lớn, chẳng hạn
như bên khối kỹ thuật ở các trường Dại Học Bách Khoa Đà Nẵng, rồi Đại
Học Bách Khoa Hà Nội, Đại Học Bách Khoa TP.HCM. Còn các trường đại học
tư mà một số trường tôi biết thì do đầu vào kém quá, họ dạy những ngành
kỹ thuật mà thiếu các phương tiện vật chất. Thầy cũng rất là thiếu và
phải thỉnh giảng từ các trường công tới dạy. Phòng thí nghiệm cũng không
có, cho nên cuối cùng chất lượng cũng không có. Như vậy bối cảnh hiện
nay trong vấn đề đào tạo không thể nào cạnh tranh được."
Phải đổi mới toàn diện
Giáo Sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, cho biết ý
kiến của ông về phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng xác định là
lúc này phải đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo. GS Chu Hảo
nhận xét về quyết tâm này như sau:
"Nếu nhận thức rằng nền giáo dục của Việt Nam đã bước vào khủng hoảng
từ hơn mười năm nay, và càng ngày càng trầm trọng hơn thì thực sự phải
tiến hành một cuộc cải cách triệt để chứ không phải chỉ là đổi mới. Tôi
nghĩ là để làm một cuộc cải cách thì hết sức khó khăn. Việt Nam đã có 3
cuộc cải cách giáo dục từ xưa tới nay nhưng cuộc cải cách cuối cùng tức
cuộc cải cách thứ ba đến nay vẫn chưa có một tổng kết nào để xem xem
cuộc cải cách ấy nó thực hiện được đến đâu, nó còn vấp những cái gì.
Tiếc thay bên ngành giáo dục chưa làm được việc đó. Việc nền giáo dục cứ
càng ngày càng xuống cấp ở nhiều khía cạnh khác nhau thì ai cũng thấy,
xã hội nhận thấy rất rõ.
Tuy nhiên có những người trong chính quyền phụ trách trực tiếp ngành
giáo dục thì cố tình né tránh sự cải cách. Bởi vì nếu chấp nhận cải cách
có nghĩa là phải thừa nhận rằng giáo dục có khủng hoảng.
Để tiến hành được những cải cách thì việc trước hết phải làm, và khó
làm chứ không phải dễ, là phải đánh giá được một cách đồng thuận xem
thực chất nền giáo dục Việt Nam yếu kém ở chỗ nào. Muốn làm như thế thì
theo ý kiến chúng tôi đề nghị là phải có một cuộc tổng điều tra về giáo
dục để cho những số liệu đấy được đánh giá một cách hết sức khách quan,
chính xác, phân tích một cách rất là kỹ lưỡng thì lúc bấy giờ mới có thể
xác định rất rõ nền giáo dục đó bất cập nhất ở khâu nào và cần phải làm
cái gì trước cái gì sau.
Phải sau khi có một được một đồng thuận trong việc đánh giá cái đã,
chứ bây giờ chưa đồng thuận. Ý kiến của xã hội dân sự, của các nhà khoa
học và của các nhân sĩ thì nói một đàng nhưng mà những ý kiến chính
thống thì nói một nẻo khác. Thành ra khó khăn nhất chính là ở chỗ đánh
giá cho thật khách quan. Sau khi có đánh giá rồi mới thành lập một ủy
ban cái cách giáo dục quốc gia và giao cho cái ủy ban đó cái nhiệm vụ
soạn thảo đề án cải cách."
|