Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2012-10-03
Tiếp tục loạt bài Hội nghị Trung ương 6, Mặc Lâm phỏng vấn Luật
gia Lê Hiếu Đằng, nguyên phó chủ tịch MTTQ TP HCM về nội dung nhằm chấn
chỉnh đảng trong nghị trình bàn thảo của hội nghị.
Photo courtesy of vinhphuc.gov
Hội nghị trung uơng Đảng lần thứ 6 hôm 02/10/2012
Bên cạnh các mục tiêu kinh tế, giáo dục và xã hội Tổng Bí Thư Nguyễn
Phú Trọng nhấn mạnh đến các hiệu quả của kiểm điểm phê và tự phê của
đảng viên.
Phê và tự phê không còn hiệu quả
Mặc Lâm : Xin được cảm ơn Luật gia Lê Hiếu Đằng đã
dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn ngày hôm nay. Thưa, là một đảng viên
cao cấp, ông nhận xét thế nào về nghị trình làm việc của hội nghị lần
này?
Ngoài công tác chấn chỉnh đảng, hội nghị còn cho thấy sự quan tâm
đối với kinh tế, xã hội và cả giáo dục nữa, liệu có một kỳ vọng gì đó
khi hội nghị chính thức bắt tay vào chi tiết, thưa ông?
Luật gia Lê Hiếu Đằng : Vấn đề quyết định trong kinh tế, xã
hội, giáo dục cũng là yếu tố con người mà thôi. Nó phụ thuộc vào năng
lực lãnh đạo của nhà cầm quyền. Đã có nhiều nghị quyết, rồi nhiều lần
đổi mới nhưng vẫn không có tiến bộ, thậm chí có những bước thụt lùi. Tôi
nghĩ đó là vì yếu tố con người, có nghĩa là Đảng không có cơ chế để có
thể sử dụng những nhân tài của đất nước vào trong các cương vị quan
trọng, bởi vì trước hết muốn vào đó thì phải là đảng viên.
Trong khi đó có những người có tài nhưng Đảng không dung nạp. Vấn đề
này trước đây Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đã có đề cập, thí dụ ông nói
"tại sao không có bầu cử người ngoài đảng?” Những kẻ bất tài vô tướng
muốn tiến thân buộc phải vo tròn, phải nịnh nọt để mà chui vào đảng cái
đã, tức là phát triển chủ nghĩa cơ hội xin vào đảng.
Nó khác với thời kỳ chiến tranh, vì thời chiến tranh anh vào đảng thì anh phải gương mẫu, anh phải ra trước lằn đạn.
Bây giờ vào đảng có nghĩa là gắn với quyền lợi, với chức vụ, vì vậy
mà đội ngũ cán bộ lãnh đạo hiện nay chui vào đảng trước đã, rồi từ
phường lên quận, quận lên thành phố, hoặc là từ các ngành lên. Như vậy
cho nên không có người tài, tức là nhân sự để quyết định những vấn đề
quan trọng của xã hội lại không phải là những nhân tài.
Tình hình kinh tế hiện nay nó gắn với các nhóm lợi ích, trong khi
người tài thì người ta thường trung thực, người ta có những ý kiến khác,
cho nên những nhóm lợi ích sẽ loại trừ họ. Họ không thể nào chiếm được
một cương vị lãnh đạo cao được.
Mặc Lâm : Thưa ông, một trong những sinh hoạt quan trọng
của Đảng CSVN là "phê và tự phê”, và trong dịp này Tổng bí thư cũng có
kêu gọi là báo cáo kết quả những việc phê và tự phê vừa qua, vậy theo
ông thì hiện nay tình hình này như thế nào, thưa ông?
Tôi đã từng dự nhiều buổi kiểm điểm phê và
tự phê trong cơ quan cũng như trong những cấp khác nhau, nhưng tôi cho
rằng "không có hiệu quả”. Luật gia Lê Hiếu Đằng
Luật gia Lê Hiếu Đằng : Tôi đã từng dự nhiều buổi kiểm điểm
phê và tự phê trong cơ quan cũng như trong những cấp khác nhau, nhưng
tôi cho rằng "không có hiệu quả”. Phải nói như vậy. Bởi vì làm sao mà
những đảng viên bình thường có thể dám phê bình những đảng viên có chức
vụ nắm trong tay sinh mệnh của mình? Còn ngang cấp với nhau thì hiện nay
có tình trạng xuề xòa, bởi vì anh nào cũng có khuyết điểm cả, anh nào
cũng có chỗ nhược cả, thành ra nương nhẹ nhau để người khác nương nhẹ
cho mình. Đó là tình trạng hết sức phổ biến, thành ra tôi cho rằng tự
phê bình và phê bình bây giờ không có hiệu quả nữa.
Trong những năm gần đây tệ nạn tham nhũng thật ra đâu phải là trong
đảng phát hiện, mà là do báo chí và người dân người ta phát hiện. Điều
đó chứng minh rằng những sinh hoạt nội bộ kiểu phê và tự phê không còn
hiệu quả nữa mà phải có những biện pháp để lôi ra công luận những việc
đó thì Đảng mới chú ý, chứ còn trong nội bộ thì dứt khoát là không.Vai
trò hiện nay của báo chí, của các hệ thống thông tin kể cả các mạng
internet là rất quan trọng, và đó là cái quyền được thông tin của người
dân. Theo tôi, tôi không tin phê và tự phê sẽ có hiệu quả.
Vần đề đất đai
Mặc Lâm : Còn một vấn đề rất quan trọng mà cả nước đang chú
ý, đó là tranh chấp đất đai giữa chính quyền và nông dân. Vấn đề này
mỗi ngày một nóng hơn, đã gây ra những biến động rất nguy hiểm, và người
dân tập trung khiếu kiện ngày càng đông ở khắp cả 3 vùng miền của đất
nước, thế nhưng trong lần họp này thì không thấy TBT chú ý nhấn mạnh đến
việc này. Đây có thể là một điều gì đó vẫn còn thiếu sót, ông có nhận
thấy như vậy hay không?
Luật gia Lê Hiếu Đằng : Trong chương trình họp thì tôi thấy
báo chí đăng cũng có nói là có một sáng kiến để chuẩn bị sửa đổi luật
đất đai nhưng mà vẫn theo cái hướng là đất đai vẫn thuộc quyền quản lý
của nhà nước. Sở dĩ hiện nay xảy ra những vụ khiếu kiện về đất đai tụ
tập đông người, thậm chí là biểu tình phản đối, như trường hợp ông Đoàn
Văn Vươn, hay là ở đồng bằng sông Cửu Long mới đây trong lúc người dân
chưa đồng tình để mà giải tỏa thì người ta đi khiếu kiện lại bắn trọng
thương vài người dân.
Tôi nghĩ như vậy là không được. Kẽ hở là vấn đề không chịu chấp nhận
quyền sở hữu tư nhân về đất đai. Với tất cả các nước người ta đều có 3
quyền là sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân về đất đai.
Tại sao ở thành phố anh công nhận quyền sở hữu về tư liệu sản xuất như
là máy móc, nhà cửa đối với những người công thương, mà ở nông thôn nông
dân vốn là người đã hy sinh rất nhiều trong chiến tranh, chịu rất nhiều
thiệt thòi mà bây giờ lại không có quyền, một cái quyền hết sức quan
trọng và cơ bản, đó là quyền sở hữu về đất đai? Nơi cha ông họ đã dổ mồ
hôi nước mắt ra để xây dựng vậy mà bây giờ bổng nhiên trở thành của nhà
nước.
Trong chương trình họp thì tôi thấy báo
chí đăng cũng có nói là có một sáng kiến để chuẩn bị sửa đổi luật đất
đai nhưng mà vẫn theo cái hướng là đất đai vẫn thuộc quyền quản lý của
nhà nước. Luật gia Lê Hiếu Đằng
Trở thành của nhà nước thì nhà nước cao hứng muốn thu hồi lúc nào thì
thu hồi, nhất là thông qua các cấp chính quyên ở cơ sở, rồi các chính
quyền tỉnh, thành phố, rồi quận huyện rất là dễ tự tiện.
Nó sẽ làm cho người dân bất bình, gây nên vấn đề bức xúc cực kỳ cho
người dân, làm cho người ta khiếu kiện tụ tập là chuyện đương nhiên.
Thái độ hành xử của chính quyền dùng lực lượng công an, quân đội để đàn
áp thì lại là một sai lầm nữa. Vấn đề này chỉ có thể giải quyết bằng
việc điều chỉnh chính sách cho phù hợp lòng dân, nhất là nông dân vốn là
những người đã hy sinh trong cuộc chiến tranh vừa qua.
Mặc Lâm : Xin cảm ơn ông Lê Hiếu Đằng đã giúp cho chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này.
|