Chỉnh đốn nội bộ
Sáng ngày 1-10-2012, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng
CSVN khóa XI đã khai mạc tại Hà Nội sớm hơn dự kiến. Hội nghị lần này
rất phức tạp và sẽ kéo dài, theo lời phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn
Phú Trọng: "Có thể nói, ít có Hội nghị Trung ương nào có nhiều nội dung
và dự kiến họp dài ngày như Hội nghị lần này. Hầu hết các vấn đề sẽ bàn
và quyết định đều rất quan trọng, khó và nhạy cảm”.
 Ba đánh một không chột cũng què
Vấn đề khó và nhạy cảm là gì? Những diễn biễn thời sự trong nước thời
gian qua, không khó để nhận định rằng đó chính là "Vấn đề về xây dựng,
chỉnh đốn nội bộ Đảng CSVN”. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói:
"Chúng ta đều biết, cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, là nhân tố
quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng,
của đất nước và chế độ”.
Hội nghị Trung ương 6 Đảng CSVN diễn ra trong bối cảnh căng thẳng
tranh chấp chủ quyền trên biển Đông đang gia tăng. Nhà cầm quyền Cộng
sản Trung Quốc công khai ý đồ độc chiếm toàn bộ biển Đông của Việt Nam
và các nước Đông Nam Á.
Khi cả nước hướng về biển đảo tổ quốc, chung tay góp sức góp của để
xây dựng và bảo vệ chủ quyền, thì Nguyễn Tấn Dũng cùng phe cánh lại mặc
sức bòn rút vơ vét, tư lợi cá nhân, thâu tóm lũng đoạn làm cho nền kinh
tế lao đao, người dân khốn đốn.
Tình thế hết sức nguy cấp, thù trong giặc ngoài đe dọa vận mệnh của
đất nước, của Đảng, và chế độ. Nhiệm vụ lịch sử đặt ra cho Đảng CSVN
trong cuộc chỉnh đốn lần này là "dẹp bè đảng Nguyễn Tấn Dũng”.
Theo nhiều nguồn tin, chính trường Việt Nam đã hình thành một liên
minh đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương
Tấn Sang đấu với phe của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Việc hai ông Trọng
và Sang bắt tay hợp tác là giải pháp tình thế; Ông Nguyễn Phú Trọng với
cương vị là lãnh đạo cao nhất của Đảng CSVN phát động cuộc chỉnh đốn nội
bộ, còn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từng là đối thủ tranh ghế thủ
tướng. Một liên minh đứng đầu là Tổng bí thư đồng thời là Bí thư Quân ủy
Trung ương và Chủ tịch nước kiêm Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng sẽ có ưu
thế tuyệt đối, nắm quyền điều động quân đội.
Phe Nguyễn Tấn Dũng chủ yếu dựa vào sức mạnh của đồng tiền, đó là một
"liên minh ma quỷ” được hình thành do sự chi phối của đồng tiền, đối
với chúng đồng tiền là quyền lực tối thượng. Bọn chúng chia nhau nắm giữ
các chức vụ chủ chốt trong chính phủ, trong ngành an ninh, thâu tóm hệ
thống ngân hàng, các tổ chức kinh tế, chúng câu kết với các tổ chức tội
phạm rửa tiền và Mafia quốc tế. Con gái Nguyễn Thanh Phượng là người
thay mặt Dũng trong các phi vụ làm ăn phi pháp bẩn thỉu. Cánh tay phải
đắc lực của Dũng là trùm mật vụ Nguyễn Văn Hưởng, kẻ được mệnh danh là
tên đồ tể.
Trước khi Hội nghị Trung ương 6 diễn ra, phe Nguyễn Tấn Dũng tạm thời
yếu thế, một số mắt xích quan trọng bị bắt giữ và khởi tố. Đòn tấn công
trước tiên của liên minh Trọng – Sang vào nhóm lợi ích thao túng lũng
đoạn nền kinh tế, tài chính ngân hàng, là mũi tên bắn trúng hai đích:
vừa thanh lọc hệ thống ngân hàng, tổ chức doanh nghiệp, vừa tạo ra uy
thế thượng phong để đem ngã giá chiếc ghế thủ tướng của Nguyễn Tấn Dũng.
Liên minh Trọng – Sang rất thức thời nhận ra sức mạnh của thông tin
"lề trái”; Dường như được thế lực ngầm tiếp sức, cung cấp thông tin, các
trang mạng xã hội đồng loạt tấn công hạ bệ uy tín của Nguyễn Tấn Dũng
và phe cánh. Thế trận "Nội công, Ngoại kích” đang dồn phe Nguyễn Tấn
Dũng vào chân tường.
Dư luận đồn rằng, Hội nghị Trung ương 6 cho in tập tài liệu hơn 300
trang có nội dung "kiểm điểm và phê bình” thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và
Chính phủ do ông ta điều hành. Người dân sẽ không được biết các thông
tin thuộc loại tuyệt mật quốc gia đó, nhưng cái "bia miệng” ngàn đời vẫn
cứ trơ trơ, người dân truyền miệng nhau rằng: "Nguyễn Tấn Dũng làm thủ
tướng ăn bẩn nhất, tài sản của gia đình Dũng phải cỡ giàu nhất Việt Nam,
phen này Dũng sẽ mất chức v.v…”
Không biết thắng thua sẽ thuộc về ai, liệu sức mạnh của đồng tiền có
một lần nữa giúp Dũng thoát hiểm? Nhiều khả năng kỳ này Nguyễn Tấn Dũng
sẽ buộc phải từ chức giữa nhiệm kỳ, hoặc ông ta vẫn tiếp tục ngồi ở ghế
thủ tướng nhưng chỉ còn cái hư danh và mất hết thực quyền. Nếu cuộc đấu
diễn ra quá căng thẳng và quyết liệt thì có thể dẫn tới nhiều đột biến
khó lường, kết quả ngoài dự tính.
Nguyễn Tấn Dũng không phải là người tạo ra thời thế, mà chính thời
thế đã tạo ra một "Đại quan tham” nguy hiểm như Ba Dũng, nói cách khác
Dũng là một sản phẩm "đứa con đẻ” của chế độ này.
Đất nước một lần nữa chịu cảnh thù trong giặc ngoài. Song, tổ quốc và
nhân dân cuối cùng sẽ chiến thắng. Lịch sử hào hùng, truyền thống bất
khuất của người Việt Nam đã chứng minh chân lý bất diệt ấy.
Truyền thống bất khuất
Lịch sử Việt Nam là lịch sử chống thù trong giặc ngoài. Trải qua bao
phen chống giặc ngoại xâm, ý chí và tinh thần dân tộc qua thử thách ngày
càng lớn mạnh, thì ngược lại sự hèn mạt, bạc nhược của giai cấp thống
trị càng tăng lên cùng với sự xa hoa trụy lạc của chúng.
Người Việt Nam kiên cường bất khuất. Tuổi nhỏ Việt Nam, tuổi nhỏ chí
lớn, cậu bé làng Gióng lên 3 tuổi đòi đánh giặc, Trần Quốc Toản tuổi
thiếu niên quyết "phá cường địch, báo hoàng ân”. Tuổi trẻ thanh niên
Việt Nam anh hùng, nức tiếng Triệu Thị Trinh 19 tuổi vùng lên diệt thù,
Nguyễn Huệ 18 tuổi phất cờ đào khởi nghĩa. Phụ nữ Việt Nam lừng danh là
con cháu Bà Trưng, Bà Triệu. Người cao tuổi Việt Nam, tuổi cao chí khí
càng cao, luôn giữ vững và phát huy truyền thống Diên Hồng của hào khí
Đông A.
Dân tộc Việt Nam anh hùng, luôn nêu cao tinh thần đoàn kết chống thù
trong giặc ngoài. Và từ đó, có một niềm tin sắt đá vào chính nghĩa:
"Rút cuộc, lấy đại nghĩa để thắng hung tàn
Đem chí nhân để thay cường bạo” – Trích Cáo Bình Ngô.
Bọn ngoại xâm phương Bắc chưa bao giờ từ bỏ ý đồ cướp nước ta, hiểm
họa ngoại xâm luôn thường trực. Dựng nước đã khó nhưng giữ nước còn khó
hơn, và khó khăn sẽ trở nên bội phần mỗi khi nạn giặc thù từ bên trong
tàn phá đất nước. Kẻ cầm quyền tha hóa, ăn chơi trụy lạc, áp bức bóc lột
dân chúng tận xương tủy, chúng hủy diệt văn hóa. Dân là gốc, Văn hóa là
nền tảng; sức dân bị vắt kiệt, văn hóa bị tận diệt thì nước nhà suy vi.
Khi nước nhà lâm nguy, ngọn cờ sáng ngời chính nghĩa lại giương cao hiệu triệu toàn dân đứng lên đánh đuổi thù trong giặc ngoài.
Cuối thế kỷ 18, chính quyền phong kiến Trịnh – Nguyễn bước vào suy
vi, thối nát, xã hội phong kiến đổ nát, hỗn loạn. Từ trong cuộc đấu
tranh của quần chúng cùng khổ, bùng lên ngọn lửa thiêng của tinh thần
quật khởi thiêu đốt cả thù trong lẫn giặc ngoài.
Mùa xuân năm 1771, cơn bão táp cách mạng đó bắt đầu bùng nổ ở ấp Tây
Sơn, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa là ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và
Nguyễn Huệ. Ngay từ những ngày đầu, cuộc khởi nghĩa nêu cao khẩu hiệu
"lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo” làm ngọn cờ hiệu triệu và tập hợp
quần chúng.
Trong bối cảnh lúc đó, ở Đàng Trong có Trương Thúc Loan nắm quyền
bính, tự xưng làm "Quốc Phó” nhưng thực tế nắm mọi quyền hành. Tập đoàn
Trương Thúc Loan vô cùng tham tàn, giết chóc rất nhiều, bọn chúng thật
như quỷ giữ hút máu dân. Để cô lập kẻ thù chủ yếu, cuộc khởi nghĩa Tây
Sơn lúc ban đầu tập trung mũi nhọn đấu tranh chống tập đoàn Trương Thúc
Loan.
Dưới ngọn cờ sáng ngời chính nghĩa của nghĩa quân Tây Sơn, cuộc đấu
tranh đã tạo thành một sức mạnh đoàn kết quần chúng rộng lớn chưa từng
có, tiến công đánh đổ chính quyền phong kiến Chúa Nguyễn, đánh thắng
cuộc xâm lăng của 5 vạn quân Xiêm. Cuộc khởi nghĩa tiếp tục phát triển
nhanh chóng và mạnh mẽ, tiến tới tiêu diệt chính quyền phong kiến Chúa
Trịnh.
Trước nguy cơ ngai vàng Vua Lê sụp đổ, bè lũ Lê Chiêu Thống đã phản
bội lợi ích dân tộc, quay sang cầu cứu triều đình phương Bắc, chúng rước
20 vạn quân Thanh vào giày xéo đất nước, bám gót giặc trở về Thăng
Long.
Kẻ thù uy hiếp vận mệnh của dân tộc từ bên trong và bên ngoài, cả
phía Nam lẫn phía Bắc. Trước tình thế hiểm nghèo đó, cuộc khởi nghĩa Tây
Sơn nhận lấy sứ mệnh cứu nước chống thù trong giặc ngoài. Nguyễn Huệ
lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu Quang Trung, lập tức thống lĩnh đại
quân tiến ra Bắc đánh giặc. Xuân Kỷ Dậu năm 1789 trở thành xuân đỏ lửa
thiêu lũ giặc.
Quân và dân ta đánh tan 20 vạn quân Thanh xâm lược, chiến thắng oanh
liệt thù trong giặc ngoài. Thắng lợi này tuy lớn nhưng chưa phải là
thắng lợi cuối cùng. Dân tộc ta còn phải trải qua chặng đường dài và
gian khổ để đi tới nền dân chủ – tự do đích thực.
Khát vọng dân chủ
Lịch sử Việt Nam, người dân chưa từng được hưởng một nền dân chủ – tự
do đích thực. Chính quyền này lên thay chính quyền kia, thực chất chỉ
là sự thay đổi của các hình thức cai trị chuyên chế độc đoán; chế độ
phong kiến tập quyền, chế độ quân chủ chuyên chế, chế độ thực dân phong
kiến, và nay là chế độ cộng sản toàn trị.
Người Việt Nam khao khát được hưởng dân chủ – tự do, tin tưởng vào
cuộc đổi thay cho đất nước. Đến lúc đó, các thế lực phản động bán nước
hại dân sẽ không còn điều kiện để tồn tại và phát triển, đất nước sẽ lớn
mạnh khiến cho kẻ thù không dám xâm phạm, người Việt Nam sẽ vươn lên
thoát đói nghèo và tụt hậu.
Việt Nam không phải là tên gọi của cuộc chiến tranh, xung đột ý thức
hệ, tranh chấp vũ tranh, mà Việt Nam là một đất nước, dân tộc tiên tiến
trên thế giới. Bọn thù trong giặc ngoài không thể nào cản được bước tiến
của lịch sử dân tộc ta.
Bước tiến của lịch sử dân tộc đã vượt xa rất nhiều so với những diễn
biến tại Hội nghị Trung ương 6 Đảng CSVN, nơi mà hơn một trăm bộ óc đại
diện cho lợi ích cục bộ phe nhóm đang ráng sức bám trụ, tranh giành lẫn
nhau.
Lịch sử đứng trước bước ngoặt quan trọng.
Trần Vân
Việt Nam, ngày 5 tháng 10 năm 2012
|