Tuyên bố chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam được đưa ra thảo luận tại hội nghị quốc tế ở Quảng Ngãi diễn ra ngày 27/4.
Hội thảo, với chủ đề "Chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - khía cạnh lịch sử và pháp lý” là hội thảo quốc tế đầu tiên về chủ quyền biển đảo của Việt Nam được tổ chức tại tỉnh miền Trung, nơi có nhiều ngư dân gặp rắc rối khi đánh bắt ở quanh hai quần đảo trên.
Hội thảo do Đại học Phạm Văn Đồng cùng một số cơ quan khác tổ chức.Báo trong nước cho biết hội thảo này có sự góp mặt của nhiều các nhà nghiên cứu từ nhiều nước, trong đó có những nhân vật tên tuổi như Giáo sư Carlyle Thayer, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, Giáo sư Renato Cruz DeCastro..., nhưng không có hiện diện của các học giả Trung Quốc.
Tờ Thanh Niên trong tin đăng ngày 27/4 cho biết luận điểm chung của nhiều học giả có mặt tại hội nghị, là Trung Quốc đã "vi phạm luật pháp quốc tế" khi chiếm Hoàng Sa năm 1974 và một số bãi ngầm ở Trường Sa năm 1988.
'Bất hợp pháp'
Tiến sỹ Nguyễn Nhã, một nghiên cứu gia về Hoàng Sa và Trường Sa nói tại hội thảo: "Chúng ta có nhiệm vụ chứng minh sự thực lịch sử mà Việt Nam đã xác lập chủ quyền quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa”.
Bản tham luận hơn 100 trang của ông Nhã mà BBC tiếng Việt có giữ phiên bản dựa trên nhiều lập luật dựa trên các bằng chứng lịch sử để bác bỏ yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo này.
Tài liệu này ghi nhận Việt Nam đã "chiếm hữu thật sự mang tính nhà nước liên tục và hòa bình qua các thời đại" các quần đảo trên từ "những năm đầu thế kỷ XVII đến thủy quân đi cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền từ năm 1816".
"Vấn đề hiện nay là Việt Nam nêu rõ cơ sở pháp lý để huy động sự hợp tác của quốc tế nhằm giúp Việt Nam cũng như cả khu vực ASEAN trong việc giải quyết tranh chấp trên biển Đông."
Giáo sư Jonathan London, giảng dạy tại Đại học Hong Kong
Tập tài liệu của ông Nhã cũng trích dẫn những chứng cứ khác nhau để chứng minh rằng chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là được quốc tế công nhận, đồng thời bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc: "Nghị quyết 2625 ngày 24 tháng 10 năm 1970 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc quy định bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào đạt được bằng đe dọa hay sử dụng vũ lực sẽ không được thừa nhận là hợp pháp."
Bản tham luận của ông Nhã cũng nhắc đến tuyên bố năm 1958 của Trung Quốc về lãnh hải của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, vốn đã được thủ tướng Phạm Văn Đồng chấp thuận qua công hàm, tuy nhiên ông này nhấn mạnh tuyên bố trên "xác định rõ ràng các đảo bị tách biệt với lục địa bởi biển cả, chứ không phải là vùng nước lịch sử."
Đồng ý quan điểm
Các chuyên gia nước ngoài có mặt tại hội thảo được báo trong nước dẫn lời nói bày tỏ sự đồng ý với quan điểm của Việt Nam về chủ quyền.
Theo tờ Thanh Niên, Giáo sư Jonathan London từ Đại học Hong Kong cho rằng quan điểm của Việt Nam về chủ quyền đối với Hoàng Sa - Trường Sa là "hoàn toàn hợp lý."
Theo ông, "vấn đề hiện nay là Việt Nam nêu rõ cơ sở pháp lý để huy động sự hợp tác của quốc tế nhằm giúp Việt Nam cũng như cả khu vực ASEAN trong việc giải quyết tranh chấp trên biển Đông”.
Tuy nhiên ông London cũng đặt vấn đề Việt Nam cần cải thiện pháp quyền và quyền con người nếu như muốn có sự trợ giúp của quốc tế.
Hội nghị đã bế mạc ngày 27/4.
Ngày 28/4, các đại biểu có mặt tại cuộc họp sẽ được mời ra thăm huyện đảo Lý Sơn dự Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, tham quan các di tích lịch sử trên đảo gắn liền với các hoạt động thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.