VRNs (02.02.2013)
– Người Việt – Ðã có ít nhất đã có 55 vị giám mục và linh mục thuộc
Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã ký tên trên bản kiến nghị đòi đảng CSVN
bỏ điều 4 Hiến Pháp và trả lại các quyền tự do cho người dân.
Ðến ngày
31 tháng 1, 2013, chỉ sau một tuần lễ phát động rộng rãi chiến dịch vận
động mọi người Việt Nam khắp nơi ký tên vào bản kiến nghị kêu gọi Ðảng
CSVN bỏ độc quyền cai trị đất nước, đã có hàng ngàn người đòi trả lại
cho người dân các quyền căn bản như đã quy định trong Hiến Chương Liên
Hiệp Quốc và Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị mà chế độ
Hà Nội đặt bút ký cam kết tôn trọng nhưng không thi hành trong thực tế.
Trong số
những người đã ký tên, người ta đọc thấy tên của 52 linh mục, một số khá
đông quý vị linh mục ở giáo xứ Thái Hà, Hà Nội, và đông nhất là thuộc
giáo phận Vinh.
Người ta
cũng đọc thấy trên đó có tên Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, nguyên tổng
giám mục tổng giáo phận Hà Nội hiện đang nghỉ hưu ở đan viện Châu Sơn,
Ninh Bình.
Hai giám
mục cũng ký tên trên bản kiến nghị là Giám Mục Nguyễn Chí Linh, phó chủ
tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam và là giám mục giáo phận Thanh Hóa; Giám
Mục Nguyễn Thái Hợp, chủ tịch Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình của Giáo Hội
Công Giáo Việt Nam, giám mục giáo phận Vinh.
Ngoài ra còn rất nhiều giáo dân Công Giáo cũng ký tên trên bản kiến nghị này hoặc đề rõ là giáo dân Công Giáo hoặc không nêu ra.
Người ta
đã từng thấy rất nhiều buổi thắp nến cầu nguyện cho tự do tôn giáo, cho
những người bị tù tội vì vận động dân chủ hóa đất nước được tổ chức ở
các nhà thờ ở Hà Nội, Sài Gòn và đặc biệt là giáo phận Vinh với hàng
ngàn người tham dự.
Mới đây 13
tín đồ Công Giáo và một tín đồ Tin Lành đã bị chế độ Hà Nội vu cho tội
"Âm mưu lật đổ” rồi kết án từ 3 năm tù đến 13 năm tù trong một phiên xử
bất công ở Nghệ An ngày 9 tháng 1, 2013.
Họ chỉ sử
dụng quyền tự do phát biểu để bày tỏ lòng yêu nước khi tham dự các cuộc
biểu tình chống Trung Quốc bá quyền, hoặc các cuộc biểu tình đòi tự do
tôn giáo và đòi trả tài sản cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã bị nhà
cầm quyền cướp đoạt.
Trong số
những người sốt sắng ký tên vào bản kiến nghị gồm đủ mọi thành phần xã
hội và ở khắp nơi, một số không ít là các đảng viên, tướng lãnh, sĩ quan
trong quân đội CSVN. Nhiều người trong số đó từng nắm các vị trí quan
trọng trong cả Quốc Hội và guồng máy nhà nước.
Sau nhiều
lần thăm dò sửa đổi bản Hiến Pháp có từ năm 1992 mà nay họ tự thấy không
còn thích hợp, đảng và nhà nước CSVN đã đưa ra một bản dự thảo cho Hiến
Pháp mới. Trong đó vẫn giữ nguyên điều khoản dành độc quyền cai trị đất
nước cho đảng CSVN hiện đang bị rất nhiều người đả kích kịch liệt là
phản dân chủ và đi ngược lại quyền con người.
Các điều
khoản liên quan đến các quyền của người dân đều có cái đuôi "theo sự quy
định của pháp luật” để dùng cái Luật Hình Sự để bỏ tù người dân.
Người dân
cũng không có quyền làm chủ mảnh đất mà mình cư ngụ qua cái sở hữu chủ
mơ hồ "toàn dân” để đám cầm quyền của đảng CSVN mặc quyền thao túng. Các
cuộc nghiên cứu những năm gần đây đều xác nhận tham nhũng trong lãnh
vực đất đai là nghiêm trọng nhất tại Việt Nam.
Bản kiến
nghị gồm 7 điểm viết rằng, "Nếu Hiến Pháp thực sự do nhân dân quyết định
thì việc định trước vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội thuộc về một tổ
chức chính trị hay một tầng lớp là trái với quyền làm chủ của nhân dân,
quyền con người, quyền công dân và ngược với bản chất của một nhà nước
pháp quyền.”
"Chủ thể
nào lãnh đạo xã hội sẽ do nhân dân bầu chọn ra trong các cuộc bầu cử tự
do, dân chủ, định kỳ. Một chính đảng thực sự có chính nghĩa, phục vụ lợi
ích của nhân dân sẽ không lo bị thất bại trong các cuộc bầu cử như vậy.
Hiến Pháp của Liên Xô năm 1977 quy định ở Ðiều 6 vai trò lãnh đạo của
đảng Cộng Sản đối với nhà nước và xã hội đã không tránh được sự sụp đổ
của chế độ Xô Viết khi không còn lòng tin của dân.” (TN)
Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=161258&zoneid=2#.UQukZ79thQR
|