| Hồi
tháng 5 năm 2007, luật sư Lê Thị Công Nhân đã bị tòa án ở Hà Nội kết án
bốn năm tù giam, ba năm quản chế vì ‘tuyên truyền chống nhà nước
xã hội chủ nghĩa’ và vi phạm điều 88 Bộ luật hình sự (Hình:
AP)
| Xuân Canh Dần, một tin vui: nữ luật sư trẻ Lê Thị Công Nhân được trả tự do sau đúng 3 năm tù giam.
Điều
trớ trêu là chế độ giăng khắp nơi khẩu hiệu "không có gì quý hơn Độc
lập Tự do" lại bỏ tù một nữ thanh niên chỉ vì cô quyết đòi tự do cho
dân tộc mình, cho nhân dân mình. Còn được nhớ mãi lời tuyên bố của cô
luật sư trẻ :"Tôi quyết đấu tranh đòi nhân quyền cho bản thân tôi để từ
đó đòi quyền sống tự do cho toàn thể nhân dân ta; cho dù chỉ còn một
mình tôi, tôi cũng không bỏ cuộc".
Nếu như những người lãnh đạo
cũng thật lòng tôn trọng tự do của nhân dân, cô luật sư Công Nhân ắt sẽ
được trọng dụng để cùng phục vụ xã hội, để nhân dân được hưởng tự do về
mọi mặt, nhất là tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do ứng cử và bầu
cử, tự do tôn giáo, hiện đang quá hiếm hoi, còn là trái cấm trong một
xã hội mang lốt cách mạng.
Một luật sư có công tâm, có trình độ
- cô là thành viên của Đoàn luật sư Hà Nội, cũng là Hội viên hội luật
sư Quốc tế - cô tâm huyết đến thế, thật là một nhân tài đặc biệt, một
hạt ngọc hiếm của xã hội, sao lại có thể bị bỏ tù suốt 3 năm trời, với
một lời kết tội không sao giải thích nổi vì thiếu bằng chứng hiển
nhiên: "âm mưu lật đổ chính quyền"?. Chỉ có một chính quyền mất tự tin,
luôn lo sợ trước sự khinh thường và phẫn nộ của nhân dân, mới có cách
xử sự mù quáng, vùi dập hạt ngọc quý hiếm của dân tộc xuống tận bùn đen
bất công như vậy.
Hôm nay, hạt ngọc quý lại trở về trong bàn tay
thương yêu quý mến của toàn dân. Tất cả lực lượng đấu tranh cho tự do
và dân chủ ở trong và ngoài nước hồi hộp giang tay đón cô luật sư Lê
Thị Công Nhân vào lòng mình, trong nụ cười mở rộng và trong nước mắt
thương yêu.
Chúng ta đau lòng vì không đủ sức bảo vệ cô khỏi tù
đày lâu đến 3 năm. Chúng ta lại vui, rất vui, rất mừng vì cô đã trở về,
trở lại hàng ngũ đấu tranh giữa lúc lực lượng đấu tranh cho dân chủ tự
do đã nhân lên nhiều lần, với khí thế đấu tranh cũng vững mạnh hơn so
với lúc cô vào tù.
Cô sẽ rất vui khi biết rõ có biết bao nam nữ
luật sư noi gương và nối gót cô. Từ lão tướng luật gia Trần Lâm hơn 80
tuổi từng là thẩm phán toà án tối cao, đến luật sư Lê Trần Luật gắn bó
với nỗi oan ức của nông dân bị cướp đất, đến luật sư Trần Đình Triển
vừa làm một cuộc phá án ngoạn mục ở Hà Giang phơi bày bộ mặt dâm ô của
nhóm quan chức CS đầu tỉnh từng dùng một tên hiệu trưởng trùm ma cô để
hòng biến các em nữ sinh ngây thơ làm bầy nô lệ tình dục, cho đến luật
sư Cù Huy Hà Vũ quyết dùng vũ khí pháp luật để kiện người đứng đầu
chính phủ vì thảm hoạ thảm khốc môi trường bùn đỏ có thể gây ra cho đất
nước...
Cô sẽ rất vui khi giới trí thức mà cô là một thành viên
ưu tú đã có cả một mạng Bauxite VN bất khuất, đã có 20 triệu lượt độc
giả, với lực lượng tham gia công khai danh tính là hơn 4 ngàn nhân vật
- giáo sư, kỹ sư, bác sỹ, nhà nghiên cứu, xã hội học, văn nghệ sỹ, nhà
báo, nhà kinh doanh. Tôi dự đoán cô sẽ sớm ghi tên vào bản kiến nghị
tâm huyết chống khai thác bauxite, nhân danh một luật sư vừa được trả
tự do, vừa tăng thêm uy thế cho tập thể, cũng vừa tạo thêm thế mạnh cho
cá nhân mình khi gắn bó với tập thể, điều mà chính quyền quay lưng với
nhân dân rất lo ngại.
Cô Lê Thị Công Nhân sẽ nhận rõ những sự
thật cô bị che dấu suốt trong 3 năm tù. Đó là thái độ "hèn với bành
trướng, ác với nhân dân" qua những phiên toà xử 17 chiến sĩ dân chủ mới
đây. Đó là thêm hàng chục tàu thuyền với gần một trăm ngư dân ta bị bọn
bành trường bắt giữ, đánh đập, xỉ nhục, phá huỷ ngư cụ, đòi tiền
chuộc... ở ngay trên vùng biển của ta, nhưng nhà cầm quyền chỉ phản đối
nhẹ nhàng, cho qua chuyện.
Cô sẽ thấy chính những ông tướng cộng
sản Đồng Sỹ Nguyên, Nguyễn Trọng Vĩnh đã đứng về phía nhân dân và dân
tộc tố cáo hiểm hoạ bán đất bán rừng cho bọn bành trướng.
Rồi
những vụ Thái Hà, vụ Bát Nhã, vụ Tam Toà, vụ Đồng Chiêm... chính quyền
huy động cảnh sát, công an, kết hợp với bọn lưu manh xã hội đen "làm
chiến tranh với dân thuộc mọi tôn giáo", có thể gọi là một kiểu chiến
tranh chống nhân dân, có súng, có đạn, dùi cui, lựu đạn cay, có chó
berger, có thuốc nổ của quân đội để nổ tan Thánh giá, trước đây chưa
từng có.
Và cô Lê Thị Công Nhân sẽ tận mắt thấy rõ xã hội có vẻ
giàu sang hơn, nhà cao cửa rộng hơn, nhưng thực chất đạo đức suy đồi,
xã hội băng hoại từ trên xuống, bất công ghê gớm là đặc điểm nổi nhất,
kẻ cầm quyền trên cao giàu sụ gấp trăm lần đại địa chủ, tư bản thực
dân, vua quan thời xưa. Có nhà quan sát nước ngoài nói "đây là chế độ 1
người làm việc, 9 người phá của"," ngân sách - do tài nguyên và vay
mượn - bị xà xẻo, chia chác vô tội vạ như nông dân làm thịt con bò",
"thị trường tự do định hướng XHCN là ghép cái xấu nhất của chủ nghĩa tư
bản là chạy theo siêu lợi nhuận bất cứ giá nào kể cả tội ác với cái xấu
nhất của CNXH là nền chuyên chế tàn bạo độc đảng; trong khi đó lại loại
bỏ cái tốt đẹp nhất của chủ nghĩa tư bản là cạnh tranh bình đẳng theo
pháp luật, cơ hội đồng đều cho mọi công dân, đồng thời loại bỏ cái đẹp
nhất của CNXH là mong muốn hạn chế và loại bỏ sự bóc lột". Thành ra một
quái thai xã hội đầu Ngô mình Sở không ra cái mô hình gì.
Giới
cầm quyền độc đảng dùng nhà tù để ra oai và đe doạ. Nhưng nhiều chiến
sỹ dân chủ khi ra tù lại kiên định hơn xưa. Nguyễn khắc Toàn, Bùi Minh
Quốc, Phạm Quế Dương, Dương Thu Hương, Hà Sỹ Phu, Lê Hồng Hà, Nguyễn
Thanh Giang, Trần Khuê... là những dẫn chứng rõ rệt nhất.
Cộng
đồng người Việt ở Paris cách đây 2 năm từng tiếp đón bà Trần Thị Lệ, mẹ
luật sư Lê Thị Công Nhân, với lòng quý mến sâu sắc nhất. Bà từng kể khi
sinh ra cô, ba má cô đã cân nhắc đặt tên là gì, chọn tên những bông hoa
thơm, để cuối cùng chọn tên có ý nghĩa cho xã hội, chọn 2 chữ Công và
Nhân, với nghĩa là Công bằng và Nhân ái. Công bằng trong xã hội và Nhân
ái giữa con người. Bà má tin yêu cô con gái của mình không kể xiết. Từ
Paris bà còn sang Bỉ để nói chuyện cho các giới chức Nghị viện châu Âu
hiểu rõ về trường hợp con gái bà và đánh động lương tri thế giới.
Cô Công Nhân, hạt ngọc hiếm quý của nhân dân, của dân tộc càng thêm rực sáng sau 3 năm thử thách trong nhà tù cộng sản.
Cầu
mong cô Công Nhân mau hồi phục sức khoẻ, tận hưởng niềm vui trở về
trong lòng người mẹ thân thương, giữa bạn bè quý mến ngày càng đông đảo.
Hãy
giữ vững niềm tin: Công bằng và Nhân ái mà cô mang tên sẽ được thực
hiện trên Quê hương Việt Nam ta, qua con đường của Tự do và Dân chủ.
Có
món quà nào quý hơn cho cô nữ luật sư Lê Thị Công Nhân, cho nữ giới
nước ta là tự do cho cô được dành lại ngay trước ngày Phụ nữ Quốc tế
8-3, cùng với dịp kỷ niệm cuộc nổi dậy của 2 Bà Trưng.
Chủ nhật, 07 tháng 3 2010 Bùi Tín (Nguồn: VOA)
|