Thứ Năm, 2024-03-28, 5:32 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2012 » Tháng Năm » 4 » HẬU VĂN GIANG: SẼ ĐỔ MÁU TRÊN DIỆN RỘNG!
9:17 PM
HẬU VĂN GIANG: SẼ ĐỔ MÁU TRÊN DIỆN RỘNG!

Thường Sơn,  theo Phía Trước

Hậu Văn Giang – lịch sử cưỡng chế đất đai ở Việt Nam lại bước sang một trang sử mới. Kể từ đây, đổ máu diện rộng trong phản ứng đất đai sẽ là hệ lụy không thể tránh khỏi vào thời kỳ ung thư giai đoạn cuối. Hệ lụy đó sẽ chỉ kết thúc với thất bại thuộc về một phía – hoặc nhân dân, hoặc chính quyền.

Hoang tưởng quyền lực

"Thong tin vu viec tai du an khu đo thi van giang, hung yen, đe nghị cac co quan bao chi het suc can nhac, than trong, ton trong phap luat, khong thong tin chu quan, mot chieu, khong kich đong, lam nong van đe, khong su dung cac hinh anh đot lua, tu tap đong nguoi, luc luong cong an, quan đoi rao lang, xo xat, khong đe cap chuyen bat, đanh thuong tich cong an. Khong neu so nguoi tham gia tu tap. Xin tran trong cam on su cong tac cua cac anh chị”.

Cùng thời điểm xảy ra vụ việc cưỡng chế đất đai ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên vào ngày 24/4/2012, trong máy điện thoại di động của bộ phận lãnh đạo các tờ báo in và báo điện tử ở Việt Nam đã hiện ra dòng tin nhắn như trên. Những câu chữ lộn xộn về chính tả và nội dung như vậy đã có thể khiến người nhận tin ngạc nhiên hoặc lập tức liên tưởng ngay đến loại tin rác xuất phát từ những chủ thể có tình trạng tâm thần không bình thường, nếu chúng không được kết lại bằng một địa chỉ cụ thể: Vụ Báo chí.

Dù không thuyết minh là Vụ Báo chí thuộc cơ quan nào, nhưng ở Việt Nam chỉ có một cách hiểu duy nhất: Ban Tuyên giáo Trung ương. Trên sân khấu chính trị và đối mặt với khán giả mà đa phần thuộc về tầng lớp bị "cưỡng bức cảm xúc”, Ban Tuyên giáo Trung ương là một trong những diễn viên thể hiện nổi bật nhất thủ pháp độc thoại.

Chiến dịch cưỡng bức giải tỏa lấy đất sạch cho "dự án sinh thái lớn nhất Việt Nam” Ecopark vào buổi sáng ngày 24/4/2012 vì thế cũng trở nên một trong những kịch bản sân khấu được làm đậm nhất sắc màu áp chế của nó – như sự tri ân vốn thường được thao diễn của một nhà nước vẫn được đặc tả "của dân, do dân và vì dân”.

Lần cưỡng chế này, khác hẳn với tất cả những chiến dịch cùng tính chất trước đây, đã được hoàn chỉnh kịch bản một cách không thể chê trách được. Để ngay sau khi chiến dịch này kết thúc, giới chức chính quyền Hưng Yên đã hoan hỉ thông báo về sự "thành công” trong việc tống khứ nông dân khỏi ruộng vườn của họ.

Báo chí đã phải im miệng. Một lần nữa, trong không biết bao nhiêu lần từ khi những người mang danh nghĩa cộng sản ở Việt Nam tuyên bố Đổi mới, báo chí đã buộc phải im lặng.

Trừ tờ báo Đầu tư (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) mau mắn hưởng ứng chính sách cưỡng chế nông dân bằng một bài đăng tải vuốt ve lợi ích của Công ty Việt Hưng – chủ đầu tư dự án Ecopark, ba tờ báo Người Cao Tuổi, Sài Gòn Tiếp Thị, Tầm Nhìn đã bị Ban Tuyên giáo "rút phép thông công” ngay sau những bài viết mô tả một phần sự thật trên cánh đồng Xuân Quan. "Báo chí bị kiểm duyệt” là một xác nhận của Đài RFI về câu chuyện đó.

Không thể hiểu khác hơn là nếu để tự do phát ngôn như cái bản ngã vốn tự do thái quá của báo chí, Văn Giang sẽ biến thành Tiên Lãng thứ hai với sự xuất hiện của một thế giới bình luận và phản biện hết sức cách biệt vối "lề đảng”. Tính chất phản ứng tự phát của những khán giả không tự nguyện, cũng như hình ảnh gậy gộc tóe máu trong tay của những người nông dân khi phải trực tiếp cảm nhận từng phần cơ thể của mình bị lưỡi dao độc tài cắt lóc, luôn tạo nên cảm giác quá bất an đối với một chính quyền đang phải chịu đựng sự hành hạ của cơn ung thư di căn.

Chỉ có điều, cơ chế chịu trách nhiệm tập thể đã thường khiến cho căn bệnh ung thư đó, dù có kịch độc, vẫn giống như hình ảnh của một cái chết đến từ từ với tất cả thái độ mãn nguyện của nó. Nguyễn Tấn Dũng và những đồng sự thân thiết trong ê kíp đầy tai tiếng về tham nhũng của ông ta, có thể đã chưa hình dung đủ sâu sắc về ý nghĩa của thời kỳ cuối căn bệnh ung thư là như thế nào.

Từ trước tới nay, người ta đã phải kinh ngạc về rất nhiều trường hợp quan chức vẫn lao như thiêu thân vào vòng tội lỗi với giá treo cổ luôn cận kề. Khái quát hơn, hiện tượng này có thể dành cho cả một cơ chế, một chính quyền, một tập thể của những cá nhân đã chưa bao giờ nghĩ rằng bản thân họ lại giống như thiêu thân khi áp chế dân chúng. Đơn giản là trong não trạng của họ, quyền lực và tâm lý quyền lực là cứu cánh duy nhất đối với họ. Căn bệnh hoang tưởng quyền lực cũng sinh ra từ đó, mau chóng trở nên tồi tệ không kém gì bệnh ung thư di căn.

Sẽ còn đổ máu   

Trong hoàn cảnh không còn có thể tiếp tục mị dân hơn nữa, dĩ nhiên người tổng đạo diễn của cái sân khấu không cần đến khán giả đã làm tất cả những gì trong khả năng còn lại của anh ta. Ở Văn Giang, người ta chỉ còn nhận ra duy nhất một mắt xích bị cắt rời: công tác vận động quần chúng.

Không có hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên hay những tổ chức hội đoàn xã hội khác, cuộc cưỡng chế đã trở thành sân khấu độc  diễn của giới cảnh sát và ông bầu chủ đầu tư. Kinh nghiệm về chiến thuật tác chiến đã cho thấy với quân số áp đảo 3/1, "ta” thường dễ dàng áp đảo "địch”, hoặc 3.000 cảnh sát vũ trang có tổ chức đã hoàn toàn lấn át 1.000 nông dân tay không và manh mún.

Chiến thuật hiệp đồng binh chủng đã trở nên bài bản từ trên xuống dưới. Những diễn viên chính đều đã xuất hiện trên sân khấu, kịch bản chuyển tiếp và chuyển hóa giữa các vai diễn được đạo diễn một cách nhuần nhuyễn. Cấp ủy và chính quyền, cảnh sát và dân phòng, tuyên giáo và vở kịch câm dưới hàng ghế công luận…, tất cả đã làm nên một hiệu ứng sân khấu trọn vẹn.

Nếu thiếu chăng, chỉ là bóng tối sau cánh gà. Trong vùng bóng tối đó, khuôn mặt tổng đạo diễn chương trình không một lần hiện ra. Nhưng cũng như mọi vở kịch trên đời và mọi thứ hoạt náo trong suốt lịch sử tồn tại của các sân khấu, người nông dân hiểu rằng không thể có một vở kịch từ trên trời rơi xuống. Mà bàn tay đạo diễn lại đến từ những người có năng lực nhất của quốc gia để có thể biến thủ pháp cưỡng chế trở thành một nghệ thuật chính trị về tính độc tôn.

Sự thỏa hiệp giữa các đạo diễn cao cấp đã được hoàn tất sau vụ Tiên Lãng. Còn sau vụ nữ đại biểu quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến bất ngờ bị phanh phui mà đã làm dội lên dư luận về một cuộc chiến "Ba Tư”, người ta cũng không nhận ra sự xuất hiện của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Thay vào đó là những người thừa hành mẫn cán của đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong đó đáng kể nhất là vai trò của Bộ Công an, Thường vụ Quốc hội, Ban Tuyên giáo cùng một số tờ báo.

Trước cả vụ Tiên lãng, vai trò và quyền thế khuynh loát của Nguyễn Tấn Dũng có thể đã quá đủ để Bộ Chính trị, từ Nguyễn Phú Trọng, Lê Hồng Anh đến những thành viên cấp dưới như Đinh Thế Huynh, hoặc bỏ phiếu thuận, hoặc cúi mặt với phiếu trắng trước bất kỳ một cuộc cưỡng chế đất đai có quy mô nào, nhất là nếu việc cưỡng chế lại gắn bó với lợi ích của một nhóm kinh tế – chính trị gia đặc thù nào đó.

Khác hẳn với Tiên Lãng tự phát, Văn Giang lại là một cuộc đảo chính không chính thức, không tuyên bố, được phát động bởi chính quyền nhằm giành giật quyền lực từ tay nhân dân.

Kể từ đây, lịch sử cưỡng chế đất đai ở Việt Nam lại bước sang một trang sử mới. Kể từ đây, các chính quyền địa phương sẽ không còn bị Tiên Lãng đe dọa như một ám ảnh trong cơn mộng du ban ngày. Kịch bản và những kinh nghiệm cưỡng chế ở Văn Giang sẽ được truyền tụng, xưng tụng trong giới chức chính quyền và trong giáo trình huấn luyện tại các trường đào tạo cảnh sát, để khi một địa phương nào đó cần sân khấu hóa hành động, họ sẽ chỉ việc lấy lại, mô phỏng lại những gì mà những đồng chí và đồng đội của họ đã tiến hành thắng lợi ở Văn Giang, với tín hiệu đồng thuận duy nhất từ Bộ Chính trị chứ không phải từ những nông dân bị cướp đất.

Và cũng kể từ đây, đổ máu diện rộng trong phản ứng đất đai sẽ là hệ lụy không thể tránh khỏi vào thời kỳ ung thư giai đoạn cuối. Hệ lụy đó sẽ chỉ kết thúc với thất bại thuộc về một phía – hoặc nhân dân, hoặc chính quyền.

© 2012 TCPT

 

***

Văn Giang hậu cưỡng chế

Theo BBC

Nhà văn, nhà thơ và nhà biên kịch quê Văn Giang Nguyễn Thị Hồng Ngát vừa trở lại thăm quê, một tuần sau vụ cưỡng chế gây tranh cãi để giải phóng mặt bằng trong khuôn khổ dự án đô thị sinh thái.

Bà đã có bài viết về chuyến đi trên blog cá nhân với tựa đề ‘Về lại Văn Giang’.

BBC xin đăng lại nguyên văn bài viết này với sự đồng ý của tác giả. Các tựa đề phụ do BBC đặt.

Sáng thứ 7 ( 28-4) nhân được nghỉ lễ 4 ngày, mình thấy sốt ruột phần vì nghe tin ông cụ thân sinh (96 tuổi) mệt, phần cũng muốn nhìn ECOPARK sau ngày 24-4 xem ntn, mình về lại Văn Giang.

Ngang qua ECOPARK mình đi chậm lại, nhìn quanh thấy không khí vắng vẻ dù lúc ấy khoảng 9-10h sáng. Phía xa- mình đếm được 5 ngôi nhà cao tầng bề thế dường như sắp xây xong. Trên mặt đường phía cống Xuân Quan bà con lại bày mía, rau củ quả ra bán… Bề ngoài, mọi sự lại trở về với cuộc sống thường nhật. Nhưng mình chắc rằng bên trong mỗi ngôi nhà ở đây câu chuyện giải tỏa ngày 24-4 hẳn vẫn còn được nhắc đến.

Về nhà ở Mễ Sở, hỏi các bà cô và mọi người có biết chuyện gì xảy ra ở Văn Giang hôm vừa rồi không. Không. Không biết gì cả. Ừ, các bà cô mình chỉ biết xem TV, không đọc báo, không nghe đài- giả như có nghe cũng chả thấy họ nói gì đến Văn Giang thì làm sao mà biết. Mình cũng không nói gì thêm.

Buồn.

Hỏi chuyện bí thư

Chiều, không đừng được nên bảo con cháu đèo lên nhà Bí thư Văn Giang ở ngay làng bên, trước là Phó Bí thư thời em trai mình còn tại vị. Chất vấn sao ngày 24 lại để như thế, như thế? Đáp ” Vì đổi dự án lấy hạ tầng , người ta đã chi 1500 tỷ làm đường xá, nay đến lúc phải giải tỏa để trả đất cho người ta”v..v..(lời giải thích hoàn toàn khớp với thông tin Tỉnh công bố ). Và thêm : 1720 hộ đồng ý nhận đền bù từ những năm trước rồi, chỉ còn 166 hộ thôi. Bên cạnh sự đền bù (135.000đ/m chứ không phải 100.000đ) còn có nhiều chính sách hỗ trợ khác : cho mua căn hộ, cho con em đi học, đi lao động nước ngoài, bù tiền dỡ bỏ v..v. Mình hỏi Tỉnh có công bố những ưu đãi này ra với các báo lề phải không mà chả thấy báo nào viết? Có công bố. Họ có viết hay không cũng không biết nữa.

Mình bảo 135.000đ/m cũng vẫn quá rẻ. Đáp "Do Qui định của Chính phủ hồi đó như thế.” Vậy thì cái qui định của Chính Phủ (không biết dựa vào đâu để ra con số 135.000đ/m kia) cũng là không thỏa đáng. Mình bảo thế. Mình băn khoăn rằng để giải tỏa mấy héc ta đất làm gì mà phải huy động lắm công an thế, trông ghê thế khiến ai nhìn vào cũng thấy nản, thấy đau lòng. Đáp: chị không biết chứ dân họ cũng ghê lắm, toàn ném chai xăng với gạch bẻ đôi, vỡ cả lá chắn, tóe cả máu tay công an đấy.

Ôi, phiá này thì bảo công an ghê , phiá kia bảo nhân dân cũng ghê.. .thế thì mình chả còn biết nói ntn. Nhưng nhìn chung, nhân dân có ghê gì đi chăng nữa thì mọi người vẫn đứng về phía họ. Bởi họ chẳng có gì ngoài mảnh đất mưu sinh. Giờ đất mất, lấy gì sinh sống? Dư luận thời nào thì cũng chỉ thương người nghèo, người bị thiệt thòi chứ chả ai thương người giàu bao giờ.

Hỏi thêm: năm 2003, dự án ECOPARK xuất phát điểm từ đâu ra? Từ TRÊN CHÍNH PHỦ. Chính phủ về thăm và gợi ý Văn Giang là nơi lý tưởng làm Khu đô thị sinh thái… Cả huyện Văn Giang quê mình rồi sẽ là Khu đô thị cấp 4. Từ Nông dân sẽ trở thành Thị dân! Ôi, Đó quả thật là giấc mơ lãng mạn!

Chuyện cựu bí thư

Nói thêm về ông em trai mình- (người từng làm Chủ tịch và Bí Thư Văn Giang -năm 2009 thì nghỉ hưu- NXD blog đưa tin) Nhà mình chỉ có mình và cậu ấy là 2 chị em ruột .

Sau khi phục viên từ binh chủng Hải quân, em mình làm Chủ nhiệm HTX nông nghiệp và cứ thế, phấn đấu lên từ đó.

Cậu em mình chẳng quan tâm nhiều đến con đường làm VHNT của chị, chả biết chị viết gì và làm được gì. Ngược lại, mình cũng chẳng quan tâm lắm đến vị trí "quan huyện” của cậu ấy. Đó là một sự thực. Mỗi người mỗi việc chẳng mấy liên quan đến nhau và cũng chả giúp được gì cho nhau dù chị em rất thương quí nhau. Mình nhìn con đường trên mặt đê dọc huyện Văn Giang thấy rải nhựa rất đẹp qua các xã. Đoạn riêng ở thôn mình, xã mình thì nham nhở, lồi lõm đặc biệt đoạn qua làng mình đất vẫn lầm lên mưa xuống lầy lội rất bẩn. Chả biết trách ai bây giờ? Nếu có trách thì cũng muộn rồi. Quan nhất thời dân vạn đại. Lúc có tí quyền chức không lo được cho làng xã, cho người thân, lúc hết chức thì chỉ có…ngồi đó mà nhìn.

Mình cũng chả biết nói gì thêm qua vụ giải tỏa đất đai ở Văn Giang. Chỉ cầu mong sẽ không còn ở đâu phải "dàn quân” ra để cưỡng chế đất đai như ở Văn Giang quê mình nữa thôi.

Dù đúng sai phải trái gì đi nữa thì đây cũng là một nỗi buồn lớn.

Mùng 1-5-2012

Bài viết đã được đăng trên blog hongngatfilm.com.

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 767 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0