Thứ Sáu, 2024-03-29, 3:13 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Năm » 21 » Hà Nội che dấu sự xung đột trên Biển Đông?
2:51 PM
Hà Nội che dấu sự xung đột trên Biển Đông?

Trung Điền

Ngày 11 tháng 5 vừa qua, nhân khai mạc Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN lần thứ 4 nhóm họp tại Hà Nội, Tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng quốc phòng và cả tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng quốc phòng Cộng sản Việt Nam đã phủ nhận tin tức liên quan đến những "xung đột gần đây giữa hải quân Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc” trên biển Đông. Theo bản tin của DPA thì Tướng Thanh cho rằng mối quan hệ giữa Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc hiện nay "rất tốt với tinh thần đối tác và hợp tác chiến lược toàn diện”. Phùng Quang Thanh còn nói rằng, Hà Nội sẽ làm hết sức để kềm chế chính họ và không để cho những "thế lực thù địch” bên ngoài khích động hay tạo ra những rạn nứt trong mối quan hệ Việt – Trung.

Trong khi đó, Nguyễn Chí Vịnh, một nhân vật thân Trung Quốc và đang nổi lên trong Bộ quốc phòng, thì bác bỏ xác suất có thể xảy ra cuộc xung đột võ trang trên Biển vì cho là sẽ bất lợi cho mọi phía. Đối với những ngư dân Quảng Ngãi bị bắt giữ, Nguyễn Chí Vịnh cho rằng "vì rất khó để phân biệt ranh giới rõ ràng khi đánh bắt cá ở vùng biển Đông nên mới xảy ra vụ tàu ngư dân bị Trung Quốc bắt”. Phát biểu vừa kể của những người đứng đầu bộ máy quân đội là ông Thanh lẫn ông Vịnh, cho thấy là Cộng sản Việt Nam đã không những phủ nhận những "xung đột” gần đây mà còn cố tình đổ cho "các thế lực thù địch bên ngoài” dựng ra những xung đột để kích động hai bên.

Theo tin tức của Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế (International Institute for Strategic Studies – IISS) có văn phòng tại London đưa ra hôm đầu tháng 5 vừa qua thì đã có cuộc "bao vây” tàu Ngư Chính 311 của Trung Quốc bởi 60 chiếc tàu của hải quân Cộng sản Việt Nam. Ngày 18 tháng 3 năm 2010, từ Tam Á thuộc tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đã đưa tàu Ngư Chính 311, có trọng tải 4,600 tấn, là tàu tuần tra thủy sản lớn nhất Trung Quốc đến Biển Đông, cùng với tàu tuần tra 202. Khi tàu Ngư Chính 311 hiện diện trên vùng biển gần Trường Sa vào ngày 8 tháng 4 thì bị 20 chiếc tàu nhỏ của Cộng sản Việt Nam bao vây, và đến ngày 10 tháng 4 con số này lên đến 60 tàu. Các tàu của Cộng sản Việt Nam bao vây sát tàu Ngư Chính 311 khoảng 200 mét nhưng chưa ra tay hành động. Tuy nhiên đến ngày 12 tháng 4 thì 60 chiếc tàu của Cộng sản Việt Nam đã đột ngột rút lui, tạo một sự kinh ngạc cho thủy thủ tàu Ngư Chính 311, theo sự mô tả của một ký giả Trung Quốc đi theo tàu này.

JPEG - 7.6 kb
Tàu Ngư Chính 311 của Trung Quốc

Lý do Hà Nội phải cho rút khẩn cấp 60 chiếc tàu đang bao vây tàu Ngư Chính 311 là vì Cộng sản Việt Nam nghe tin có một đoàn tàu 10 chiếc thuộc hạm đội Đông Hải của Trung Quốc, trong đó có các tàu khu trục lớn, và hai tàu ngầm tấn công loại Kilo, đi qua eo biển Miyako vào ngày 10 tháng 4 để xuống phía Biển Đông. Mục tiêu của Trung Quốc khi đưa đoàn tàu của Hạm Đội Đông Hải tức tốc đến Biển Đông ngay sau khi đoàn tàu thứ nhất vừa mới trở về vào cuối tháng 3 năm 2010, là nhằm nhắn gởi Hà Nội lời cảnh cáo: không được "giỡn mặt” bao vây tàu Ngư Chính 311. Nếu tiếp tục bao vây thì đoàn tàu chiến Trung Quốc sẽ đến Trường Sa để giải vây tàu Ngư Chính 311, và có thể tấn công một số căn cứ của Cộng sản Việt Nam trên Trường Sa như Trung Quốc đã từng tấn công và chiếm đóng quần đảo Mischief Reef của Phi Luật Tân vào năm 1994, khi hải quân Phi bắt giữ 55 ngư dân Trung Quốc trên vùng biển của đảo này.

Vì Cộng sản Việt Nam ra lệnh chấm dứt bao vây tàu Ngư Chính 311 nên cuộc "xung đột” đã không xảy ra, và đoàn tàu chiến của Trung Quốc ngừng lại ở phía Nam Đài Loan để "tập trận” tại đó. Mười ngày sau khi xảy ra cuộc "xung đột” hụt này, tướng Phùng Quang Thanh dẫn một phái đoàn quân sự sang thăm Bắc Kinh từ ngày 21 đến 28 tháng 4. Phái đoàn viếng thăm rất hùng hậu, gồm đại diện Bộ tư lệnh hải quân, Bộ tư lệnh biên phòng, Bộ tư lệnh phòng không và các Bộ tư lệnh Quân khu 1, Quân khu 2, Quân khu 3. Phùng Quang Thanh được Lương Quang Liệt, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đón tiếp và sau đó đưa đi gặp Tập Cận Bình, Phó chủ tịch Trung Quốc (người có nhiều tiềm năng thay Hồ Cẩm Đào vào năm 2012) và Từ Tài Hậu, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc.

Tờ Quân đội Nhân dân Cộng sản Việt Nam tường thuật về chuyến đi của Phùng Quang Thanh là cơ hội để hai bên "cùng nhau bàn bạc các giải pháp về quản lý, bảo vệ biên giới; tăng cường tuần tra liên hợp giữa hải quân hai nước, tiến tới phối hợp diễn tập tìm kiếm cứu nạn, rà phá thủy lôi, chống cướp biển...". Riêng Phùng Quang Thanh thì nói với ông Lương Quang Liệt rằng "mối quan hệ Việt-Trung là quan hệ song phương quan trọng nhất hiện nay”.

Trong lúc phái đoàn Phùng Quang Thanh đang có mặt tại Bắc Kinh thì một phái đoàn khác của Cộng sản Việt Nam cũng đang viếng thăm và trao đổi với đại diện quân đội Trung Quốc. Đó là phái đoàn của Lê Quang Bình, chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh Quốc hội Cộng sản Việt Nam, đến Trung Quốc từ ngày 24 tháng 4 đến 3 tháng 5 năm 2010. Trong cuộc gặp gỡ giữa Lê Quang Bình với Phó Đô đốc Hải quân Tôn Kiến Quốc, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, Tôn Kiến Quốc đã nói rằng Trung Quốc không đồng ý Cộng sản Việt Nam quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, hai phía nên bình tĩnh và đối phó vấn đề này thận trọng, tránh ảnh hưởng đến tình hình chung của quan hệ Trung - Việt. Lê Quang Bình đã trả lời rất yếu ớt rằng chỉ hy vọng là hai bên quân đội đạt đồng thuận càng sớm càng tốt vì an ninh ổn định, hữu nghị và hợp tác.

Qua những diễn biến của các sự kiện nói trên, thái độ của Trung Quốc vẫn ngang nhiên coi Biển Đông là sân sau của họ, như họ đã từng tuyên bố chủ quyền 80% diện tích Biển Đông trong đạo luật công bố vào năm 1992. Đương nhiên Hoa Kỳ và hầu hết các quốc gia đều không ai công nhận chủ trương này của Trung Quốc. Nhưng riêng Cộng sản Việt Nam thì đã không nhất quán trong hành xử về chủ quyền trên Biển Đông, nên người dân Việt Nam, đặc biệt là những ngư dân miền Trung, đã phải hứng chịu nhiều nghiệt ngã trong những năm vừa qua.

Thứ nhất là từ lâu nay, Cộng sản Việt Nam đã không dám lên tiếng chống lại các hành động bá quyền trên Biển Đông, thậm chí còn ra tay đàn áp và khống chế những ai dám kêu gọi chống lại Trung Quốc. Chính vì sự im lặng này mà Bắc Kinh coi như Hà Nội đã đồng tình với chủ trương của Bắc Kinh đưa ra vào năm 1992.

Thứ hai là do những áp lực chống đối trong nội bộ đảng và dư luận gần đây, Hà Nội phải bắt đầu lên tiếng chỉ trích những hành động ngang ngược của Bắc Kinh đối với ngư dân, nhưng hoàn toàn không có một hành động nào để bảo vệ ngư dân hay bảo vệ chủ quyền như Mã Lai, Phi Luật Tân, Nam Dương đã quyết liệt chống trả, khiến cho các tàu Hải quân Trung Quốc không dám đến gần vùng biển của các nước này.

Thứ ba là một bộ phận hải quân Cộng sản Việt Nam đã không chấp nhận sự bá quyền của Bắc Kinh và đã đối kháng lại. Sự kiện 60 chiếc tàu nhỏ bao vây tàu Ngư Chính 311 của Trung Quốc từ ngày 8 đến 12 tháng 4 là một hành động phản kháng cần thiết. Thế nhưng lãnh đạo Cộng sản Việt Nam sợ làm phật lòng đàn anh nên ra lệnh rút lui. Thậm chí họ còn né tránh và phủ nhận sự xung đột này. Cả Phùng Quang Thanh và Nguyễn Chí Vịnh đều đổ cho các "thế lực thù địch bên ngoài” kích động để gây chia rẽ quan hệ Việt – Trung.

Cộng sản Việt Nam tạo ấn tượng rằng họ đang tân trang vũ khí để chiến đấu như mua máy bay của Nga, mua hỏa tiễn của Do Thái. Có vũ khí trong tay mà cái đầu không dám chiến đấu, không dám có hành động đối đầu để bảo vệ dân mình thì tân trang vũ khí để làm gì? Sự kiện Phùng Quang Thanh, Nguyễn Chí Vịnh từ chối vụ xung đột vừa qua, trong khi Nhật Bản và chính những thủy thủ đi trên tàu Ngư Chính 311 đã cho biết có cuộc xung đột này, phải chăng não trạng của Bộ chính trị Cộng sản Việt Nam đang có vấn đề?

Trung Điền
20/5/2010

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 488 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0