Nói người dân cần tin vào lương tâm, vào trách nhiệm của cán bộ, thật ra giống với việc bảo người dân tin vào sự dối trá
Chương mới nhất của Vở hài kịch này, nếu đặt đúng tên, sẽ là "vừa ăn
cắp vừa la làng”. Bởi dù được ngụy trang dưới lớp vỏ ngôn ngữ là "tham
khảo”, "tổng hợp”, "trích dẫn”, hay "xào nấu”, "cóp nhặt”, "cắt dán”,
theo cách gọi của báo chí, thì sự thật không đổi là "tài liệu hội thảo”
đã được biến thành "nghiên cứu khoa học”. Và đó là nghiên cứu khoa học
liên quan đến động đất, có nghĩa là liên quan đến tính mạng và tài sản
của hàng chục vạn người dân sống dưới quả bom nước mang tên thủy điện.
Thật đau cho EVN, cho Bộ Công thương, và thật thương cho chúng ta khi
bản thân người được trích dẫn trong "nghiên cứu khoa học”, TS Lê Trần
Chấn tròn mắt kinh ngạc : "EVN liều thật. Họ đã hợp pháp hóa tài liệu
của hội thảo thành nghiên cứu khoa học…. Họ liều đến mức còn ‘bịa” rằng
trong báo cáo phân tích của tôi đánh giá về Thủy điện Sông Tranh 2”.
Khoảng cách từ "Tài liệu hội thảo” đến "nghiên cứu khoa học” bảo lớn,
thì lớn như nguy cơ từ các đợt rung chấn liên tục từ Bắc Trà My đến
những rung chấn trong lòng người, nói nhỏ, chắc cũng không nhỏ trách
nhiệm của những nhà khoa học, những nhà quản lý đối với tính mạng và tài
sản của người dân.
Hôm kia,
những nhà khoa học đã chứng minh trách nhiệm của mình bằng những khẳng
định xuông "an toàn”, bằng việc trách dân "thiếu hiểu biết”…Hôm qua, sự
la làng lại được cất lên, ráo hoảng, khi quan chức của Bộ Công thương
không đổi sắc mặt khẳng định : Ở đây, Bộ Tài nguyên – Môi trường phải
chịu trách nhiệm trong việc xây dựng báo cáo. Có thể, ngay sau đây, Bộ
Tài nguyên môi trường cũng lại đưa ra một khẳng định. Nhưng tất cả những
màn diễn đó có vẻ là quá muộn đối với sự mất mát lòng tin của người dân
Bắc Trà My và dư luận cả nước. Bởi, trong khi quả bóng trách nhiệm được
đẩy đi đẩy lại, trong khi màn la làng của vở hài kịch mang tên Sông
Tranh 2 cất lên, chỉ riêng việc Quảng Nam lên phương án xấu nhất cho các
hồ chứa nước trong mùa mưa lũ, với riêng Sông Tranh 2 là kịch bản tình
huống vỡ đập, có vẻ là câu trả lời đích đáng về niềm tin với những khẳng
định an toàn, những lời dối trá về trách nhiệm.
3 hồ thủy điện trên sông Vu Gia, Thu Bồn treo trên đầu dân quả bom nước 2
tỷ m3, riêng thủy điện Sông Tranh với những cơn rung lắc từ những trận
động đất phát rồ, tích một quả bom với kích cỡ 750 triệu m3, gấp chẵn 5
lần dung tích phòng lũ của cả 3 thủy điện. Con số đó, vở hài kịch này
chỉ đang chứng tỏ sự mất niềm tin của người dân với các nhà khoa học,
các cơ quan quản lý- giờ đã nghiêm trọng còn hơn nguy cơ mang tên Sông
Tranh 2.
Hoàn toàn không bất ngờ, ngày hôm qua, người dân Biên Hòa nhận thêm một
bài học về chữ "ngờ” trước cái gọi là "lương tâm, trách nhiệm”, khi một
đêm thành tay trắng trước những cơn lũ nhân tạo từ việc xả lũ của Thủy
điện Trị An. Chỉ riêng tại một xã, Vĩnh Hưng, 300 tấn cá lóc, 40 tấn cá
sặt rằn và khoảng 100 tấn cá các loại coi như ra sông ra biển. Đến giờ,
cả người dân và chính quyền địa phương vẫn không hiểu tại sao một tờ
công văn đỏ chót hai chữ "hỏa tốc” mất đến 6 ngày để đi một quãng đường
hơn chục km từ Biên Hòa về Vĩnh Hưng, để đến nỗi khi "hỏa tốc” về đến
nơi thì người dân đã kịp trắng tay.
Giữa những tấm biển "cấm” được chủ dự án dựng lên để ngăn không cho giới
truyền thông tiếp cận với những họng nước phun phe phè hồi tháng 3 ở
thủy điện Sông Tranh 2 đến tờ công văn 6 ngày tại Biên Hòa là to đùng
hai chữ "lương tâm”, "trách nhiệm”. Nói đó là chỉ là sự quan liêu, vô
cảm, thiếu trách nhiệm dường như vẫn còn là quá nhẹ nhàng. Nói người dân
cần tin vào lương tâm, vào trách nhiệm của cán bộ, thật ra giống với
việc bảo người dân tin vào sự dối trá.
Chỉ có một điều người dân tin tưởng. Đó là vở bi hài kịch mang tên Sông Tranh có lẽ còn lâu mới chấm dứt
|