Duy Hoàng viết cho Global Voices
Ngày 22 tháng 10, 2010
Sau đây là bài viết của Duy Hoàng, một thành viên
Đảng Việt Tân. Việt Tân là một tổ chức tranh đấu cho dân chủ với nhiều
thành viên tại Việt Nam và khắp nơi trên thế giới. Mục tiêu của Đảng
Việt Tân là đặt nền tảng dân chủ bền vững tại Việt Nam qua phương pháp
đấu tranh bất bạo động và xã hội dân sự.
Hơn hai năm trước, vào tháng 4 năm 2008 công an Việt Nam đã bắt giữ anh Nguyễn văn Hải, nay 58 tuổi, người từng viết blog dưới bút hiệu Điếu Cày, và giam giữ anh vài tuần lễ mà không công bố.
Thời gian đó cơ quan công lực đã chối không nhắm vào
Điếu Cày chỉ vì những bài viết của anh dù anh là một trong những blogger
được biết đến nhiều nhất trong nước và cũng là một bình luận gia thường
chỉ trích nhà cầm quyền. Qua trang blog trên mạng Yahoo 360, Điếu Cày
phơi bày sự tham nhũng của chế độ, kêu đòi tự do thông tin, và đã từng
là một trong những người Việt Nam đầu tiên chỉ trích tuyên bố của Trung quốc
sát nhập các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà cả Việt Nam lẫn nhiều
quốc gia trong vùng đều dành chủ quyền, vào một khu vực hành chính trực
thuộc bán đảo Hải Nam.
Điếu Cày đã là một ký giả tiên phong của Việt Nam, khi
phong trào dân báo bắt đầu khởi sắc vào năm 2007 khi độ thâm nhập trên
mạng đã đạt khối lượng tối cần trong nước, cũng là lúc địa bàn dịch vụ
Yahoo trở nên phổ cập rộng rãi với các trương mục điện thư miễn phí, các
dịch vụ messenger và blog 360, trong một chuỗi diễn biến khơi mào cho
các nguồn tin độc lập. Điếu Cày và các bạn blogger của anh đã sáng lập
Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do nơi ấn hành một trang điện báo nằm ngoài vòng
kiểm duyệt của nhà cầm quyền.
Thành viên CLBNBTD đã tham gia các cuộc biểu tình chống
đối ngay trước khuôn viên tòa Đại sứ Trung quốc tại Hà nội, và tòa Tổng
lãnh sự Trung quốc tại Sài gòn trong hai ngày Chúa nhật liên tiếp vào
tháng 12 năm 2007. Các cuộc biểu tình rồi cũng bị nhà nước cấm đoán này
đã thu hút hàng trăm thanh thiếu nữ và đã được điều hợp phần lớn từ trên
mạng. Trong một lần biểu tình trước Tổng lãnh sự, một nhân chứng có mặt
tại chỗ đã chụp được tấm hình khi Điếu Cày bị công an kéo lôi khỏi hiện
trường. Tấm hình biểu tượng này đã nhanh chóng được phát tán khắp nơi
trên mạng.
Dù bị hù dọa thường xuyên Điếu Cày vẫn tiếp tục viết
lách cho đến ngày 19 tháng 1, năm 2008, khi xuất hiện bên cạnh các
blogger khác trên bậc thềm Nhà Hát Thành Phố giữa trung tâm Sài gòn. Mặc
đồng phục áo t-shirt, tay còng trong các vòng hình thương hiệu Thế Vận,
những người biểu tình kêu gọi sự chú ý của dư luận trên hành vi xâm
lược và sự chiếm đóng của Trung quốc trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường
Sa cách đây đúng 34 năm trước. Để tỏ thái độ bất hợp tác dân sự, Điếu
Cày đề nghị quần chúng tẩy chay cuộc rước đuốc cho Thế Vận Hội tại Bắc
Kinh đã được dự trù diễn qua Việt Nam ngày 29 tháng 4 năm 2008.
Công an đã bắt Điếu Cày lên làm việc và còn đe dọa rằng
sẽ không chịu trách nhiệm về an ninh bản thân của anh trong trường hợp
gián điệp Trung quốc ra tay ám hại anh.
Trước khi cuộc rước đuốc diễn ra công an đã chính thức
bắt giữ Điếu Cày ngày 19 tháng 4 năm 2008, kết tội anh trốn thuế và
tuyên phạt án tù giam 30 tháng. Các tổ chức nhân quyền lập tức lên án
nhà cầm quyền dùng một tội danh hư cấu để bịt miệng tiếng nói đối kháng
chính trị. Phần nhà nước, họ khư khư khẳng định Điếu Cày là một tội phạm
hình sự và việc kết tội anh không dính líu gì đến chính trị.
Tuần vừa qua các bạn của Điếu Cày đã phấn khởi chờ đón
ngày anh được trả tự do, bằng cả một chiến dịch để vinh danh ngày 19
tháng 10 năm nay, ngày mãn án tù 30 tháng của Điếu Cày, là "Ngày Dân Báo Việt Nam".
Nhưng rồi ngày này đến mà Điếu Cày vẫn không được thả. Theo lời vợ
trước của anh, công an đã đến khám xét nhà cũ của anh và đã nói sẽ tiếp
tục giam giữ anh dưới tội danh mới là "tuyên truyền chống phá nhà nước
XHCN", tội bị cấm theo điều 88 luật Hình sự của Việt Nam.
Đây là một điều trớ trêu. Nhà nước Việt Nam đã từng
khẳng quyết Điếu Cày đã không bị bắt vì những hành động chính trị, nay
lại có vẻ như xác nhận Điếu Cày đang bị trừng phạt chỉ vì những bài viết của anh.
Hơn thế nữa, anh đã ngồi tù từ hơn hai năm rưỡi nay, người ta tự hỏi
vậy thì Điếu Cày đã "tuyên truyền" kiểu nào để phải bị kết tội này?
Trường hợp của Điếu Cày là một điển hình của cái gọi là
"trị sự bằng pháp luật" của Việt Nam đã từng được nhà cầm quyền dùng để
biện minh cho sự kiểm soát chính trị của họ. Những ai ủng hộ quyền tự do
ngôn luận, và mỗi người có phần trong việc bảo vệ sự trong sạch của hệ
thống luật pháp tại Việt Nam cần phải tham gia phong trào đòi Tự Do Cho
Điếu Cày. (Bản dịch của Việt Tân)
|