Thứ Sáu, 2024-11-22, 6:24 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Ba » 16 » Hiểm hoạ đến từ đâu?
8:17 PM
Hiểm hoạ đến từ đâu?
Nguyễn Hưng Quốc blog

Không cần có kiến thức hay sự nhạy bén chính trị gì đặc biệt, ai cũng thấy rõ là hiểm hoạ lớn nhất của Việt Nam hiện nay đến từ Trung Quốc.

Phía tây Việt Nam giáp giới với Lào và Campuchia; cả hai đều có quan hệ tương đối tốt với Việt Nam, hơn nữa, rất yếu so với Việt Nam, tuyệt đối không thể gây nên bất cứ sự đe doạ đáng kể đối với Việt Nam. Phía đông thì là biển. Trong tình hình chính trị thế giới hiện nay, không có bất cứ quốc gia nào điên cuồng đến độ vượt cả đại dương bao la để xâm lấn Việt Nam cả. Các nước Đông Nam Á: không. Các nước Âu châu: không. Mỹ: lại càng không.

Duy có biên giới phía Bắc, giáp với Trung Quốc là có vấn đề.

Vấn đề ấy không phải là suy diễn hay suy đoán bâng quơ. Trên thực tế, sau vụ xung đột đẫm máu vào năm 1979, Trung Quốc vẫn không ngừng âm mưu từng bước, từng bước lấn chiếm Việt Nam. Một số cuộc chạm súng lẻ tẻ vẫn thường diễn ra đâu đó trên các vùng biên giới và Trường Sa cho đến năm 1993, lúc hai nước đi đến một thoả thuận chung, trong đó Việt Nam xuống nước nhượng cho Trung Quốc khoảng 720 cây số vuông. Nhưng giải quyết xong hoặc tạm xong các tranh chấp trên đất liền, Trung Quốc liền tăng cường các hoạt động lấn chiếm trên lãnh hải Việt Nam: họ tuyên bố chủ quyền không những trên Hoàng Sa và Trường Sa mà còn cả trên vùng biển vốn thuộc Việt Nam. Song song với những lời tuyên bố ấy, họ còn có những hành động khiêu khích đầy ngang ngược như đánh chìm tàu đánh cá Việt Nam hoặc bắt bớ các ngư dân Việt Nam rồi đòi tiền chuộc như những tên hải tặc.

Bên cạnh các cuộc xâm lấn bằng quân sự như vậy còn có các âm mưu phá hoại bằng kinh tế với nguồn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhiễm độc ùn ùn vượt qua biên giới tràn vào Việt Nam gây ra vô số hậu quả khốc hại khó mà lường hết được trên nhiều phương diện, từ kinh tế đến y tế, xã hội và cuối cùng, chính trị.

Những chuyện như vậy, ai cũng thấy.

Chắc chắn giới lãnh đạo Việt Nam cũng thấy. Hơn nữa, với nguồn thông tin và tình báo dồi dào trong tay, họ càng thấy rõ hơn ai hết. Thỉnh thoảng, một cách bóng gió, họ thừa nhận điều đó. Và họ tiết lộ chính sách đối phó của họ: kiên nhẫn và khéo léo, tránh mọi sự đối đầu nguy hiểm. Ừ, thì cũng được. Một chính sách như vậy cũng là điều dễ hiểu. Trong điều kiện hiện nay, một sự đối đầu về quân sự chỉ có thể dẫn đến thảm bại cho Việt Nam. Một phép lạ kiểu chiến tranh biên giới năm 1979, lúc Trung Quốc còn nghèo và yếu và lúc Việt Nam nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Liên Xô, không thể xảy ra được nữa. Bây giờ Trung Quốc đã quá giàu và mạnh, Việt Nam không những nghèo và yếu mà còn thân cô thế cô, không còn đồng minh nào nhiệt tình giúp đỡ, nếu gây chiến với Trung Quốc, nhất định Việt Nam sẽ bị nghiền nát ngay. Có lẽ ai cũng thấy điều đó.

Có thể thông cảm với chính sách của nhà nước, tuy nhiên, chúng ta vẫn tự hỏi: liệu giới lãnh đạo Việt Nam có thực sự nhìn thấy những hiểm hoạ đến từ Trung Quốc hay không?

Nghi ngờ như thế vì những điều chúng ta chứng kiến tiết lộ một sự thật ngược lại: hình như họ không thấy, không biết, thậm chí, không hề quan tâm đến điều đó.

Không quan tâm nên họ có những hành động mà những người có chút lương tri đều cảm thấy là không thể giải thích được. Sau đây là một số ví dụ đã được phổ biến rộng rãi trên báo chí:

Từ năm 2006, Bộ Công thương Việt Nam giao cho Bộ Công thương Trung Quốc toàn quyền định đoạt nội dung trang báo mạng "Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc” bằng tiếng Việt để họ tha hồ tuyên truyền những điều hoàn toàn bất lợi cho Việt Nam, trong đó, quan trọng nhất, việc khẳng định chủ quyền trên các hải đảo và vùng biển Việt Nam. Ai phát hiện ra điều đó? Không phải các cán bộ nhà nước. Mà là các phóng viên. Khi các phóng viên thông báo cho Bộ, cục trưởng cục Thương mại Điện tử và Công nghệ thông tin, người chịu trách nhiệm về trang web ấy, ông Nguyễn Thanh Hưng, còn phớt tỉnh: "chẳng có gì ghê gớm cả!” rồi nhấn mạnh thêm: "Đó là trang web của Trung Quốc!”. Cho đến lúc dư luận đã quá ồn ào, Thứ trưởng thường trực Bộ Công thương Bùi Xuân Khu mới thừa nhận: "Bộ Công thương Việt Nam đã không sâu sát, quản lý kém thông tin đưa lên trang web hợp tác giữa hai bên”. (1) Chẳng cần thông minh lắm, người ta cũng thấy vấn đề ở đây không phải chỉ là quản lý giỏi hay kém.

Chưa hết. Trong ngày lễ kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cho dựng một tấm biển thật lớn ngay ở ngã tư Phú Nhuận trên đó hình ảnh những người lính đang đứng nghiêm trước lá cờ đỏ sao vàng lại là lính…Trung Quốc! Ngay sau khi vấn đề đã bị phát hiện, tấm biển với hình ảnh lính hải quân Trung Quốc ấy vẫn nằm chình ình thật lâu trên một trong vài tờ báo mạng lớn và đông độc giả nhất Việt Nam: Vietnamnet!

Cũng chưa hết. Ngày 4 tháng 9 năm 2009, trên tờ Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Cộng sản Việt Nam, có bài dịch bản tin từ báo Hoàn Cầu của Trung Quốc nói về việc hải quân Trung Quốc tập trận ở Hoàng Sa và Trường Sa nhằm "bảo vệ tốt biên cương trên biển phía Nam tổ quốc!”

Cũng vẫn chưa hết. Vào đầu năm 2010, nhờ bức thư của hai vị tướng đã về hưu, Đồng Sỹ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh, dư luận trong và ngoài nước lại xôn xao lên về việc 10 tỉnh ở Việt Nam cho các công ty ngoại quốc thuê dài hạn với hợp đồng 50 năm 305.00 hecta đất rừng (tức 3050 cây số vuông, tương đương với diện tích tỉnh Hà Nam!). Ở đây có hai điều đáng lưu ý: một, phần lớn các công ty gọi là "ngoại quốc” ấy là các công ty của Hongkong, Đài Loan và đặc biệt, Trung Quốc; hai, rừng cho thuê ở đây không phải là rừng sản xuất mà là rừng phòng hộ và rừng đầu nguồn; hơn nữa, đến 87% diện tích các khu rừng ấy thuộc các "tỉnh xung yếu biên giới”, có ý nghĩa chiến lược rất lớn trong lãnh vực quân sự. Nói cách khác, việc cho người ngoại quốc, trong đó có người Trung Quốc, thuê dài hạn các khu rừng ấy không những có ý nghĩa lớn lao đến vấn đề nhân công, vấn đề tài nguyên và môi trường mà còn có ý nghĩa nghiêm trọng về quân sự. Đó là lý do khiến nhiều vị tướng lãnh phải lên tiếng.

Khi bị phát hiện và gặp sự phản đối dữ dội, những người lãnh đạo thường nêu lên lời giải thích giống nhau: nhầm! Nhầm vì bất cẩn. Nhưng nếu đã biết Trung Quốc đang âm mưu xâm lấn và chèn ép Việt Nam trên đủ mọi mặt thì có ai lại bất cẩn đến như vậy? Sự bất cẩn ấy cho thấy từ nhân viên cho đến lãnh đạo đều rất vô tâm và vô cảm. Không ai thực sự lo. Không ai thực sự bị ám ảnh bởi hiểm hoạ đến từ người anh em láng giềng tham lam và quỷ quyệt của mình. Không ai thực sự cảnh giác cả.

Theo tôi, chính sự vô tâm và vô cảm ấy cũng là một hiểm hoạ. Hiểm hoạ từ bên trong.

Bạn có nghĩ vậy không?

Chú thích:

(1)Xem bài "Giao trứng cho Trung Quốc” của Huy Đức – Mạnh quân trên blog Osin (đã bị đánh phá), sau, đăng lại trên Diễn đàn X-cafe và nhiều tờ báo mạng khác.

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 555 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 4
Khách: 4
Thành Viên: 0