Ngô Nhân Dụng
Lần
đầu tiên khi về xã Long Kiến ở miền Cù Lao Ông Chưởng, theo dòng Cửu
Long đi cho tới xã Hòa Hảo, tôi bỗng cảm thấy con người ta cũng đang
sống giữa cõi linh thiêng. Ðời sống hàng ngày hòa vào thế giới thiêng
liêng. Nói thiêng liêng, không phải là thiên đường hay tiên cảnh, mà
chính là cái tâm cung kính hiện ra trong cõi hạ giới này. Mỗi buổi
chiều nghe tiếng Sấm Giảng ngâm nga vang đi khắp thôn xóm. Trong đó là
những lời dậy của tiên tổ bao đời của giòng giống Việt đang cất lên như
những lời ru của mẹ. Chúng ta cảm thấy như phước đức ông bà làm lành
lánh dữ từ bao đời phảng phất trong không gian. Gặp những cô bác nông
dân mặc áo nâu bước theo nhau đi về phía nhà nhà giảng, nghĩ tới những
ông Bụt trong chuyện cổ tích đến từng nhà khuyến thiện.
Ở một
làng quê Bắc Ninh nơi tôi sống những năm dưới mười tuổi, tôn giáo không
chiếm một không gian tinh thần sâu và rộng như vậy. Nhưng đời sống cũng
nhuốm vẻ thiêng liêng vì thái độ cung kính của mọi người khi đối xử với
nhau. Ra ngoài đường gặp những cụ già tóc bạc chống gậy bước đi là tất
cả mọi người cúi đầu, chào lớn tiếng và dừng chân nhường bước. Từ bao
nhiêu thế hệ, tiếng trẻ ê a đọc sách trong nhà cụ đồ, hay trong những
ngôi trường chỉ có một lớp học, đã là dấu hiệu của một xã hội có lễ
nghĩa. Nền trật tự trong làng xóm đặt trên căn bản đạo nghĩa truyền lại
tự nhiều đời. Mọi người đều đồng ý tuân theo các quy tắc sống, chỉ vì
tổ tiên đã sống với nền nếp thuần mỹ như vậy. Ai làm sai đạo nghĩa thì
làng xóm chê cười và tự biết xấu hổ. Trong làng có nhà thờ hay chùa
chiền, nhưng cha mẹ dậy con cái về luân lý có thể không viện dẫn lý do
tín ngưỡng. Người ta phải ăn ở với nhau như thế, như thế, vì làm người
thì phải sống vậy. Một nền luân lý chỉ dựa trên con người, trên bổn
phận giữa con người với nhau, không thần thánh nào can thiệp. Niềm tin
chung chia sẻ với nhau về đạo làm người đã khiến cuộc sống của mỗi
người trở thành có phẩm giá, đáng được tôn kính, giống như trong tôn
giáo nói cuộc sống đã được thánh hóa, trở thành thiêng liêng. Ði tới
đâu gặp người Việt Nam ai cũng sống trong nền nếp như vậy, chúng ta
thấy hồn dân tộc.
Trong vùng đồng bào Hòa Hảo sống, cõi thiêng
liêng cũng không phải hoàn toàn do tôn giáo ngự trị. Ði tới nơi nào
chúng ta cũng thấy những miếu nhỏ dựng bên đường. Mà bên trong tấm màn
đỏ che cửa miếu, không thấy hình tượng tôn giáo mà chỉ có một tấm bản
đồ Việt Nam. Không ai thờ tấm bản đồ như một vị thần. Ðó là hình ảnh
nhắc nhở sợi dây liên kết mỗi người với tất cả mọi người cùng chung
giòng giống Việt Nam. Trong cảnh sống đó, nói đến “hồn thiêng dân tộc,”
người ta biết hồn thiêng đó có thật, đang sống trong chính mình.
Không
biết bây giờ ở nơi nào trong nước Việt Nam người ta có thể cảm thấy một
tình tự sâu xa như vậy? Hơn ba chục năm sống xa quê nhà có lúc tôi chớt
sống trở lại kinh nghiệm cũ, khi thấy người dân một nước chia sẻ với
nhau một tâm hồn. Thái Lan là một xứ nhiều thần thánh. Ði quẹo một góc
đường lại thấy một cái tháp, với hình một ngôi đền thu nhỏ, trông như
các bàn thờ “Ông Thiên” trong sân nhà ở miền Nam Việt Nam. Trong những
“chùa một cột tí hon” đó thường bầy tượng Phật, cũng có khi là hình
những vị thần linh Ấn Ðộ Giáo. Trong khu campus của Ðại Học Mahidol
cũng có những ban thờ như vậy ở đầu cầu hay góc sân. Mấy sinh viên đi
qua cũng nhiều người dừng chân lễ chiêm bái. Không biết họ có cầu khấn
chuyện nhân duyên hay thi cử hay không. Nhưng nhìn hai cô cậu mặc đồng
phục xanh trắng nắm tay nhau vừa bước từ trên cầu xuống bỗng buông ra,
chắp tay, cúi đầu cung kính, rồi quay đi tay lại nắm tay, nói cười ríu
rít tự nhiên như trước, người ngoại quốc có cảm tưởng dân tộc này vẫn
giữ được một nền văn hóa riêng đáng kính trọng.
Văn hóa một dân
tộc gồm cả con người và các thần linh. Tạ Trí Ðại Trường đã viết một
cuốn sách nghiên cứu với tựa đề “Thần, Người, và Ðất Việt.” Niềm tin ở
các giá trị thiêng liêng không nhất thiết thuộc về một tôn giáo nào.
Tôn thờ các thần thánh vì đó là những giá trị đáng gìn giữ cho mọi
người sống thuận thảo, chứ không phải do lòng sợ hãi gây ra. Người ta
có thể sợ các ông công an khu vực, nhưng không ai đem hình họ ra thờ
cả; đem tiền hối lộ chắc ăn hơn. Người nông dân miền Bắc lễ những pho
tượng ở gốc cây đa, gốc đề cũng không phải muốn hối lộ thần linh để xin
xỏ ân huệ. Lòng sùng kính các vị thần, dù là Trời, Ðất hay là Tiên,
Phật, thành hoàng, Thánh Mẫu, có thể phát xuất từ một ước vọng trong
lòng: Muốn hòa cá nhân mình vào trời đất, vũ trụ. Muốn nối kết cá nhân
nhỏ bé của mình với bầu trời, mặt đất, núi sông, với gia đình, tổ tiên,
làng xã, dân tộc. Một khát vọng vươn lên cao, vượt trên cái thân phận
hèn mọn, hữu hạn và vô thường của mình, bằng cách hòa mình vào một cộng
đồng lớn gồm cả con người lẫn thiên nhiên, giữa hiện tại với quá khứ và
tương lai. Ðó là một tình cảm rất cao quý, khi mọi người cùng chia sẻ
chúng ta có một hồn thiên dân tộc.
Người Thái không chỉ dâng
hoa, dâng trái cây trước các ban thờ Phật ngoài đường như vậy, mà còn
đặt hoa trước những bức hình quốc vương nữa. Ở làng Hòa Hảo người Việt
thờ bản đồ Việt Nam, ở Thái Lan họ thờ hình ông vua, cũng là tượng
trưng cho dân tộc họ. Hình quốc vương trưng bầy khắp nơi, dọc các đại
lộ, các góc đường, trước cửa vào đại học, có khi cả quốc vương và hoàng
hậu. Trong những quán ăn bên đường cũng treo hình các hoàng đế Ramaa IV
hay Rama V. Dân vẫn tôn kính các ông vua anh minh từ thế kỷ 19, cùng
thời với vua Thiệu Trị, Tự Ðức ở nước ta, nhưng họ đã gửi con qua Âu
Châu du học hoặc quan sát lâu ngày. Họ có cách nhìn thế giới khác hẳn
các ông vua nhà Nguyễn chỉ biết tôn thờ văn hóa và pháp độ độc tài của
nhà Thanh bên Trung Quốc. Dân tộc Thái được hưởng phúc hàng thế kỷ nhờ
hòa bình liên tục, hồn thiêng dân tộc của họ có thật.
Có lẽ mỗi
quốc gia đều phải tạo ra và chia sẻ với nhau một tấm lòng tôn kính
trang nghiêm như vậy, đối với các định chế, biểu tượng hay niềm tin
tưởng chung. Ít có quốc gia nào phức tạp như hai nước Mỹ và Canada.
Người Mỹ theo đủ các tôn giáo, gay go tranh cãi về chính trị, nhưng hầu
hết ai cũng hãnh diện khi nói tới Washington, Lincoln; ai cũng kính
trọng bản hiến pháp giống như các tín đồ tôn kính thánh thư. Người
Canada không đồng ý với nhau về địa vị nữ hoàng, vị quốc trưởng chính
thức, người nói tiếng Pháp và nói tiếng Anh không ngừng tranh đấu đòi
tiếng nói và văn hóa của mình phải được tôn trọng. Nhưng tất cả mọi
người Canada đều muốn quốc gia phải thể hiện tinh thần công bình; người
công chức phải chính trực; người dân phải tôn trọng luật pháp; và ai
không thể hiện lối sống lễ độ, đức hiếu khách thì chưa phải là “người
mình.” Khi có người ngoại quốc chê bai hệ thống bảo hiểm y tế toàn dân
của Canada thì từ chính trị gia bảo thủ đến cấp tiến đều lên tiếng phản
bác. Vì cả nước họ hãnh diện về định chế công cộng này.
Trong
một quốc gia mà mọi người cùng kính trọng một số định chế và giá trị
chung, thì mỗi người cũng cảm thấy mình được chia sẻ giá trị đó, chính
mình trở thành có giá trị. Mọi người cùng tôn trọng thể thống quốc gia,
phát triển tinh thần công dân đặt công ích lên trên tư lợi, nhờ thế
cũng tôn trọng luật pháp.
Một dân tộc cần những giá trị thiêng
liêng giúp giảm bớt tinh thần cá nhân, óc vị kỷ, một cách tự nhiên. Từ
người trí thức đến người dân quê đều tôn trọng những quy tắc đạo lý
chung, dù bắt nguồn từ những nguyên do khác nhau, thần linh hay thế
tục. Nhờ thế người ta mới tạo nên một “hồn nước.”
Mối tương quan
giữa con người và quốc gia ở nước Mỹ và nhiều nước Âu Châu có tính cách
thuần lý, như đã được ký kết trong những bản hợp đồng. Hồn nước của họ
không cần các thần linh, dù sống hay chết, mà nối kết qua tinh thần
trọng pháp luật. Tại những nước Á Châu người dân không sống với truyền
thống văn hóa thuần lý như vậy.
Dân Thái Lan may mắn, họ chia sẻ
một tấm lòng chung. Họ đều kính trọng một ông vua, nhờ thế cũng tôn
trọng kỷ cương của quốc gia, mặc dù ông vua không bao giờ phải hô khẩu
hiệu hay đọc những bài diễn văn hùng hồn nẩy lửa. Họ mời các thần linh
đến ở từng góc phố, để trẻ em đi qua cũng biết vái lạy. Người trí thức
được tự do thảo luận, báo chí được tự do phê bình chính phủ, nhiều gia
đình còn giữ nếp đưa con trai gửi vào chùa, cạo đầu làm sư trong một
năm. Trong nền nếp đó, nhiều kẻ nổi máu gian tham có khi cũng biết xấu
hổ mà chùn lại, không dám phá vỡ cái trật tự tinh thần chung của dân
tộc. Ở Mỹ và Canada không có những “đại gia” khoe khoang của cải và ăn
chơi để dọa đời, trong khi ai cũng biết họ chẳng có tài cán nào ngoài
cái địa vị được nắm tiền công quỹ trong tay! Vì người ta biết xấu hổ,
và xã hội tự do khiến cái gì xấu cũng được phơi bầy.
Nước Việt
Nam chúng ta chưa bao giờ mất hồn nước, nhưng hiện nay hồn nước rất yếu
ớt sau nữa thế kỷ tai họa vì một chủ nghĩa ngoại lai và một chế độ độc
tài chuyên chế làm bất cứ việc ác nào cũng không ngại, vì họ lấy cứu
cánh “giải phóng giai cấp vô sản thế giới” biện minh cho mọi thủ đoạn
tàn ác. Cộng Sản Việt Nam đã phá vỡ nhiều giá trị thiêng liêng trong xã
hội. Họ nuôi ảo vọng xây dựng xã hội mới, con người mới, từ tín ngưỡng
đến gia đình, đạo lý. Cho nên không ngần ngại cắt đứt những sợi dây vô
hình ràng buộc dân tộc trong cuộc sống chung. Ðó là một tội lớn. Phải
mất hàng thế hệ nữa mới hy vọng phục hồi hồn nước.
Gần đây đã có
những tin mừng. Trong nước mới nổi lên nhưng phong trào hướng về tổ
tiên để kêu gọi lòng yêu nước, bảo vệ giang sơn. Không biết đến bao giờ
thì ở mỗi góc phố có ban thờ treo một tấm bản đồ Việt Nam, như đồng bào
ta vẫn làm ở vùng Hòa Hảo hồi xưa? Nhiều bạn trẻ ở đô thị đã dùng mạng
lưới dõng dạc đòi cho dân Việt có những quyền sống tư do căn bản của
con người. Ðó là những cuộc vận động tinh thần, để tạo nên những khát
vọng chung, nhưng niềm tin tưởng chung, cho mọi người cùng giòng giống
Việt Nam, chứ không nên chỉ coi đó là những hành động chính trị. Giới
trẻ Việt Nam đang muốn thắp lên những ngọn lửa thiêng liêng, muốn hướng
về những lý tưởng vượt lên trên cuộc sống tầm thường hàng ngày. Những
bạn trẻ đứng lên kêu gọi đó cũng khiến chúng ta tin tưởng giống như khi
nhìn thái độ im lặng thản nhiên của các thiền sinh trẻ tu học ở Bát
Nhã, Lâm Ðồng. Họ sẽ đóng góp phần phục hồi những giá trị thiêng liêng,
trong hồn nước Việt Nam. Những giá trị tinh thần là có thật. Mỗi người
hãy phục hồi lại các giá trị trong gốc rễ của chính mình. Sẽ đến ngày
tất cả cùng nhìn thấy hồn thiêng sông núi Việt Nam lại trở về, không
một chủ nghĩa nông cạn, không một chế độ hẹp hòi nào phá được.
Nguồn: http://www.nguoi-viet.com
|