Thứ Sáu, 2024-03-29, 8:36 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Tư » 30 » HÒA HỢP VỚI AI, HÒA GIẢI CÁI GÌ?
6:01 PM
HÒA HỢP VỚI AI, HÒA GIẢI CÁI GÌ?

Phạm Trần

Bỗng dưng vào dịp kỷ niệm ngày 30-4 năm nay, sau 35 năm miền Bắc xé bỏ "Hiệp Định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” ký ngày 27/01/1973 tại Ba Lê để đánh chiếm miền Nam bằng võ lực rồi  đặt cả nước dưới quyền cai trị độc tài của đảng  Cộng sản Việt Nam thì nhiều người trong và ngòai chính quyền ở Việt Nam lại lên tiếng than như thở hắt ra rằng :  tại sao cho đến bây giờ mà hai bên, kẻ thắng và người bại, vẫn chưa hòa hợp và đòan kết được với nhau?

Nhưng trước khi trả lời cho  câu hỏi "tại sao chúng ta đã  có thể gác lại qúa khứ với kẻ thù mà chưa hòa hợp và đòan kết được với người cùng con một Mẹ” thì người Cộng sản hãy sờ lên gáy mà tự hỏi : "Vì đâu mà người ta chưa tin tôi và tôi có tội  tình gì với dân tộc không, tôi có kỳ thị, có nói mà không làm, hay  có đúng tôi chỉ muốn bắt tay với những người sẽ  tùng phục và làm theo lệnh của tôi nên chưa ai muốn ngồi chung bàn với  tôi?”


Bà Nguyễn Thị Bình

Trước khi bàn thêm nữa, hãy đọc ít lời của Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Bộ trường Ngọai giao của cái gọi là Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam  (có tên gọi quen thuộc là Việt Cộng) và nguyên Phó Chủ tịch Nước.

Bà Bình nói với báo Tuần Việt Nam ngày 28-4 (2010) : "Về vấn đề hòa giải hòa hợp dân tộc: thực tế là từ đầu, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam đã giương cao ngọn cờ đoàn kết dân tộc nhằm tập hợp mọi người Việt Nam không phân biệt giai cấp, tôn giáo, dân tộc, cùng nhau chống xâm lược, bảo vệ độc lập và thực hiện thống nhất nước nhà.

Cuộc chiến đấu càng thắng lợi, kẻ thù càng suy yếu, cô lập là cơ hội cho nhiều lực lượng chính trị ở Miền Nam chống Mỹ, không tán thành chính quyền Thiệu... được hình thành. Có thể xem đây là quá trình phân hóa, hòa giải....


Và năm 1972, sau 4 năm đàm phán tại hội nghị Paris, các bên đã đi đến thỏa thuận: Mỹ sẽ rút quân hoàn toàn ra khỏi Miền Nam; còn vấn đề chính trị Miền Nam sẽ do các bên Việt Nam giải quyết. Để thực hiện điều nầy, một Hội đồng hòa giải, hòa hợp dân tộc sẽ được thành lập để chuẩn bị cuộc Tổng tuyển cử ở Miền Nam. Hội đồng hòa giải, hòa hợp dân tộc gồm 3 thành phần: chính quyền Sàigòn, chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam và các lực lượng chính trị khác.


Chúng ta giành thắng lợi hoàn toàn ngày 30/4 với kết quả một thành phố Sài Gòn nguyên vẹn và sau giải phóng Miền Nam, không hề có "tắm máu" chính là nhờ chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc của  Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Hòa giải, hòa hợp dân tộc xuất phát từ truyền thống khoan dung, nghĩa nghĩa tình của dân tộc ta từ xưa.”


AI ĐẺ RA MẶT TRẬN GIẢI PHÓNG ?


Bà Bình nói như nước chảy mà không biết mình đã bóp méo lịch sử rất vụng về.

Thứ nhất, tổ chức được gọi là Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam (MTGPMN) ra đời ngày 20 tháng 12 năm 1960, chẳng qua cũng chỉ là tổ chức ngọai vi của  đảng Cộng sản Việt Nam. Việc thành lập tổ chức này đã được thảo luận trong Đại hội toàn quốc lần thứ 3 của Đảng Lao động Việt Nam (5-10/09/1960), đổi tên thành đảng Cộng sản sau này.

Theo tài liệu phổ biến chưa hề bị phủ nhận thì : "Tại đại hội, Tôn Đức Thắng (Chủ tịch Nước) đã nói rằng Mặt trận sẽ được dựa trên các khái niệm của Lenin về liên minh 4 giai cấp, nhưng để phù hợp với sự phức tạp của xã hội miền Nam, Mặt trận cần bao gồm cả các nhóm tôn giáo và dân tộc khác nhau; mục tiêu đấu tranh của Mặt trận phải rộng để kêu gọi được đông đảo quần chúng; Mặt trận cần nhấn mạnh các chủ trương dân tộc và cải cách, đặt ra mục tiêu cuối cùng là sự xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, dân chủ và phồn vinh. Cũng như tiền thân Việt Minh của nó, Mặt trận mới này sẽ cần được tổ chức thành nhiều cấp, từ ủy ban trung ương đến các tổ chức ở cấp làng; chủ nghĩa cộng sản sẽ không được nói đến. Mặt trận đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam và Trung ương cục Miền Nam. Những người cộng sản miền nam hoạt động dưới danh nghĩa Đảng Nhân dân cách mạng Việt Nam, hoạt động công khai và là thành viên tham gia Mặt trận.”

Trong khi đó, Báo cáo Chính trị của Lê Duẩn, Tổng Bí thư đảng lúc đó viết : "Hiện nay, Đảng ta đang đứng trước những nhiệm vụ lớn lao: đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, củng cố miền Bắc thành cơ sở ngày càng vững chắc cho cuộc đấu tranh giành thống nhất Tổ quốc; ra sức hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị tàn bạo của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai; thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, xây dựng một nước Việt-nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.”


Ai đẻ ra Mặt trận Giải phóng Miền Nam?

Sau cùng là  Nghị quyết của Đại hội III đã xác nhận chủ trương xâm lăng miền Nam của Hồ Chí Minh nhằm 2 mục tiêu : "Một là, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Hai là, giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và bọn tay sai, thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước.” (Nghị quyết ngày 10-9-1960)

Như vậy rõ ràng MTGPMN chỉ "có tiếng mà không có miếng”. Vì vậy  khi chính phủ miền Bắc quyết định đem quân xâm lăng miền Nam thì Quân đội Nhân dân đã biến thành Quân đội Giải phóng để che mắt thế giới.  Vì vậy, không ai thấy lá cờ đỏ sao vàng của miền Bắc trưng lên ở trong Nam trong suốt 20 năm chiến tranh.

Mãi  cho đến  sau khi có cuộc tổng tuyển cử trong cả nước được thực hiện ngày 25 tháng 4 năm 1976  đưa đến việc thành lập nước  Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam do đảng CSVN độc tôn, độc quyến lãnh đạo thì lá cờ này mới trưng ra ở trong Nam.

Lá cờ hai màu xanh, đỏ với ngôi sao vàng ở giữa của MTGPMN và Chính phủ Việt Cộng của Bà Bình đã bị ném vào sọt rác không chút tiếc thương cho những con người Việt Nam đã khuất vì sự lừa dối của lá cờ này.

Cái "Chính phủ” Việt cộng của Bà cũng tan hàng rã đám không kèn không trống từ đây.  Sau đó, đến phiên tổ chức có vỏ mà không có ruột MTGPMN  đã phải âm thầm ngậm miệng cay đắng được cho phép chui  vào  Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho an phận kể từ ngày 31 tháng 1 năm 1977.

Cũng rất mỉa mai là hành động "biến anh bộ đội thành anh lính giải phóng” dối trá này đã không che được  mắt nhân dân Việt Nam ở cả hai miền đất nước. Vì vậy khi người ta thấy anh lính "bộ đội giải phóng giả” ngồi trên chiếc xe tăng phất cờ của Chính phủ giả mạo "Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam” tiến vào sân Dinh Độc Lập ở Sài Gòn ngày 30-4-1975 thì hình ảnh "chiến thắng” ấy đã trở thành trơ trẽn, kệch cỡm và bẽ bàng nhất trong những giờ phút cuối cùng của cuộc chiến.


Lính "bộ đội giải phóng gỉa” ngồi trên chiếc xe tăng phất cờ của
chính phủ giả mạo "Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam”


Cần nhắc lại là  tháng 6/1969 đảng CSVN đã đẻ ra cái Chính phủ ma "Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam”,  sau cuộc tấn công thất bại nhưng đẫm máu giết hại dân lành vô tội hơn lính Việt Nam Cộng hòa nhưng lại được người Cộng sản hô hóan lên là "cuộc tiến công nổi dậy” của đồng bào miền Nam vào dịp Tết Nguyên đán Mậu Thân năm 1968.
 
Chính phủ "du mục” này được thành lập do kết hợp giữa Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam do Trịnh Đình Thảo làm chủ tịch.

Sự nhục nhã bị hòa vào với miền Bắc để nhận sự kìm kẹp và kiểm soát không nương tay của đảng CSVN đã khiến cho những người kháng chiến cũ trong Nam tiêu biểu như hai ông Nguyễn Hộ, Nguyễn Văn Trấn bất bình.

Thứ nhì, khi Bà Bình tự tuyên dương cho chủ trương hòa giải, hòa hợp dân tộc của MTGPMN  và nói rằng "Cuộc chiến đấu càng thắng lợi, kẻ thù càng suy yếu, cô lập là cơ hội cho nhiều lực lượng chính trị  ở Miền Nam chống Mỹ, không tán thành chính quyền Thiệu... được hình thành” là Bà đã tự biên, tự diễn.

Lực lượng Công sản chỉ có cơ hội tiến quân chiếm Sài Gòn, sau ngày các bên ký Bản Hiệp định Paris 1973, khi người Hoa Kỳ, đồng minh chính yếu của VNCH quyết định bỏ cuộc và giảm viện trợ cho miền Nam từ trên 1 tỷ dollars xuống còn lối 700 triệu. Trong khi quân Cộng sản tiếp tục được khối Liên Xô và Trung Hoa viện trợ súng đạn và lương thực cho quân tiến đánh miền Nam, khi chữ ký của Nguyễn Duy Trinh, Bộ trưởng Ngoại giao của miền Bắc (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) chưa ráo mực tại bàn hội nghị ngày 27-01-1973.

Do đó, khi Bà Bình nói rằng : "Cuộc chiến đấu càng thắng lợi, kẻ thù càng suy yếu, cô lập là cơ hội cho nhiều lực lượng chính trị  ở Miền Nam chống Mỹ, không tán thành chính quyền Thiệu...”  là Bà không nói thật. Bởi vì ở trong Nam trong thời kỳ chiến tranh, ngoài các nhóm quần chúng và tôn giáo bị cán bộ Cộng sản nằm vùng xâm nhập, gây rối lẻ tẻ, không có "lực lượng chính trị nào” có khả năng lấn át chính quyền VNCH, nói chi đến thành phần không hề có quần chúng ủng hộ là "Lực lượng thứ Ba” của nhóm Tổng thống  hàng giặc, Dương Văn Minh.

Thứ ba, khi Bà Bình khoe rằng Sài Gòn, sau ngày 30-4-1975  "không hề có "tắm máu" chính là nhờ chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc của  Đảng, Nhà nước và nhân dân ta” thì Bà cũng cố tình không nói đến những hình thức "tằm máu” khác.  Đó là chính sách đánh lừa hàng trăm ngàn quân-cán-chính của VNCH đem đi tập trung cải tạo-lao động làm cho không biết bao nhiêu người miền Nam phải bỏ thây nơi rừng thiêng, nước độc, gia đình tan nát.


Tập trung cải tạo

Kinhtemoi
Ðuổi dân đi kinh tế mới

Rồi Bà cũng không nhớ gì đến hàng ngàn gia đình của những người bị đi tù "cải tạo” đã bị đấy đọa đói khổ ở các khu đất "người không qua, ma không tới” có tên mỹ miều là "vùng kinh tế mới”?

Bà cũng cố tình nhắm mắt trước nạn hải tặc tấn công và sóng dữ làm chết cà trăm ngàn thuyền nhân, trong số có cả ngàn đàn bà, trẻ em vô tội vượt biển tìm tự do sau 30-4-1975.

Còn tội ác 10 năm kinh tế kiệt quệ, phá sản của người Cộng sản đã bắt dân phải hứng chịu từ 1975 đến 1986  thì Bà Bình đổ cho ai?

Hơn nữa, Bà cũng cần phải tự hỏi mình câu này : Nếu miền Bắc không xua quân xâm lăng miền Nam thì làm gì có chuyện Quân đội Mỹ và quân đội ngoại quốc khác phải nhẩy vào cuộc chiến giúp nhân dân VNCH  bảo vệ miền Nam ?

LỰC LƯỢNG THỨ BA

Khi được hỏi về thành phần lực lượng thứ ba trong cuộc chiến và lý do tại sao chưa thấy ai viết gì về  "công lao” của những người này, Bà Bình ngụy biện : "Nhiều người ngại nói đến lực lượng ba... Theo tôi lực lượng này đã có sự đóng góp nhất định vào thắng lợi của nhân dân ta. Đó là một thực tế.

Năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch, là tổ chức rộng lớn được thành lập theo chủ trương của Đảng. Năm 1969, có Liên minh các lượng dân tộc, dân chủ, hòa bình của Luật sư Trịnh Đình Thảo ra đời.


Đến năm 1972, nhiều cá nhân và nhóm chính trị rất đa dạng được hình thành: Có ngưới và nhóm do Mặt trận vận động tổ chức, có cá nhân, nhóm không có liên hệ với Mặt trận, nhưng hoạt động hướng theo mục tiêu đấu tranh của Mặt trận... Đó là lực lượng ba. Bà Ngô Bá Thành, Luật sư Trần Ngọc Liểng... là một trong những lực lượng đó. Trong nhóm ông Dương Văn Minh cũng có người của lực lượng ba ..v.v..


Từ Pháp, một số số Việt kiều do chúng ta vận động cũng đã về miền Nam, như bà Tôn Nữ Thị Ninh, anh Trần Hà Anh, chị Thái Thị Ngọc Dư...”


Tất cả những thành phần theo đóm ăn tàn này đều vô danh tiểu tốt không đại diện cho ai. Họ không có quần chúng và chỉ biết dựa hơi vào một số Tu sĩ tôn giáo  biết lợi dụng chiến áo vỏ tu để hoạt động chính trị như một số tu sỹ Chùa Ấn Quang và Thượng tọa Thích Trí Quang, Nư sư Hùynh Liên hay phía Công giáo của nhóm Linh mục Phan Khắc Từ.

Phóng viên của Tuần Việt Nam hỏi tiếp : "Thưa bà, vì sao dần dần lực lượng thứ ba ít được nhắc tới?”.

Bà Bình vá víu : "Khi chiến tranh chấm dứt, hòa bình được lập lại, giang sơn thu về một mối, Mặt trận xem nhiệm vụ lịch sử của mình đã hoàn thành, cùng với Mặt trận Tổ quốc ở miền Bắc, thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nước CHXHCN Việt Nam cũng từ đó ra đời. Tình hình của Liên minh và các tổ chức khác cũng như vậy.”

Ngoài ra còn có một nguyên do khác là không phải ai cũng hiểu về đấu tranh bí mật. Vì không nắm được thông tin nên có những người ngại nói về nó.”

Đúng ra là "lực lượng thứ ba” chỉ có cái tên được dựng lên bởi các phần phần tử cơ hội chính trị muốn được nổi tiếng hay chia phần khi chiến tranh kết thúc. Do đó, họ bị nhân dân khinh thường và bị thời gian và lịch sử đào thải là chuyện không đáng ngạc nhiên.

TẠI SAO CHƯA AI MUỐN VỀ GIÚP VN?

Báo Tuần Việt Nam hỏi : "Khi nói về mục tiêu hòa hợp dân tộc, có  thể thấy đó là  nỗi khắc khoải của số đông người dân Việt Nam ở  trong nước và ở nước ngoài. Có người gợi ý, nên chăng những người chiến thắng - những người trong nước, nên chìa tay ra trước?”

Bà Bình che dấu sự thiếu thành thật của đảng CSVN : "Nhiều người từng ra đi, đã trở về. Dĩ nhiên cũng còn nhiều người vẫn chưa hiểu rõ chính sách của Nhà nước, hoặc còn mặc cảm... hoặc có một số, tôi tin không nhiều, vẫn giữ một thái độ thù địch đối với chế độ, đối với đất nước.

Nếu nghĩ rằng những người "chiến thắng" phải chủ  động ra tay trước, thì thực tế Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã chìa tay ra, tạo điều kiện để người Việt Nam khắp nơi có thể trở về, xây dựng quê hương.


Với  Mỹ, chúng ta sẵn sàng "gác" qua khứ, để hợp tác, nhìn về tương lai, thì không lý do gì, với người cùng một dân tộc, cùng một tổ quốc, mà không thể hòa hợp, đoàn kết với nhau để xây dựng tương lai cho đất nước mình.”


Nói như Bà Bình thì chính sách được gọi là "hòa hợp” hay "đòan kết dân tộc” của đảng CSVN có gì bí hiểm đâu mà "chưa hiểu rõ” ?

Người Việt lưu vong không muốn trở về giúp nước vì đảng đã chứng minh thiếu thành thật qua Nghị quyết 36-NQ/TW: "Về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài", ban hành ngày 26 tháng 3 năm 2004.

Điểm then chốt là đảng CSVN chỉ muốn "hòa hợp” vào với đảng  mà chưa muốn "hòa giải” thật lòng với mọi người, kể cả những người bất đồng ý kiến trong nước và đang sống trong lòng chế độ.

Các vụ đán áp những người đấu tranh bất bạo động yêu cầu  nhà nước thực thi các quyền hiến định như dân chủ, tự do  và tự do tôn giáo đã chứng minh nhà nước không coi Hiến pháp và các luật lệ ra gì.

Khi nhà nước nói tôn trọng quyền tự do báo chí, tự do được thông tin của người dân thì lại không cho  ra báo tư nhân. Khi đảng nói nhà nước ta là nhà nước pháp quyền thì lại chà đạp lên pháp luật mà đi. Và khi nhà nước khoe có dân chủ và tự do thì tại sao lại sợ phải tranh cử với một đảng thứ hai ?

Ngoài ra khi Bà Bình khoe đảng đã "chìa tay ra” để đón "Việt kiếu” về thăm quê hương nhưng có bao nhiêu người đã quay về  giúp nước ?

Con số trên 300 ngàn Trí thức Việt Nam có khả năng đa dạng ở nước ngòai là nguồn tài sản cả đời đảng cũng chưa đào tạo được. Nhưng nhà nước đã có chính sách và lòng thành thật "chiêu hiền đãi sĩ” chưa hay chỉ muồn lợi dụng, vắt chanh bỏ vỏ và ganh tị  như là một thói quen xấu ra trong tư duy chưa gột sạch được ?

Vì vậy, khi nói đến "hòa hợp” thì phải biết hòa hợp với ai, hay "hòa giải” cái gì chứ không thể nói suông hay  nói cho sướng miệng mà trong lòng anh lại giấu sẵn cả trăm ngàn con dao lưỡi bén để chờ cơ hội ăn tươi nuốt sống người ta. -/-

Phạm Trần
(29/04/2010)
Category: Chính trị | Views: 741 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0