Nội dung dự thảo các văn kiện của Đại hội 11:
Một sự thụt lùi nguy hiểm!
· Cương lĩnh chính trị 2011 chỉ xào lại Cương lĩnh chính trị 1991 vừa độc tài bảo thủ lẫn thần phục Bắc kinh
· Coi nhân dân như con nít nên đã mớm: "Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta"
· Vực dậy khu vực kinh tế nhà nước làm chủ đạo là nuôi tham nhũng và tạo gánh nặng cho nhân dân
Âu Dương Thệ

Hội nghị Trung ương (HNTU) 12 vừa bế mạc sáng ngày 28.3 sau gần 7 ngày
làm việc. Đây có thể coi là Hội nghị quan trọng nhất để chuẩn bị cho
Đại hội (ĐH) 11 vào đầu tháng 1-2011. HNTU 12 đã bàn cụ thể về các dự
thảo của các đề tài chính của ĐH 11: Cương lĩnh Chính trị của ĐCSVN
trong giai đoạn từ 2011, Báo cáo chính trị , Chiến lược phát triển kinh
tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020; sửa đổi Điều lệ Đảng, phương hướng công
tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XI.
Nhóm độc tài bảo thủ và thần phục Bắc kinh đang nắm chủ động
Trong các dự thảo đã được đưa ra thảo luận thì có ba vấn đề bao trùm đó
là: Phương hướng công tác nhân sự ở các cấp cao nhất trong ĐCSVN và Nhà
nước của đảng này như: Bộ chính trị (BCT), Tổng bí thư (TBT), Chủ tịch
nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội (QH) và các ủy viên Trung ương đảng
(TUĐ) khóa 11; Cương lĩnh chính trị mới cho giai đoạn từ 2011„sửa đổi"
từ Cương lĩnh chính trị 1991; Báo cáo Chính trị khóa 10. Theo thông lệ
của ĐCSVN, TBT đương nhiệm Nông Đức Mạnh cũng là Trưởng Tiểu ban nhân
sự lo việc đề nghị và tuyển chọn các nhân vật vào các ghế cao nhất
trong Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, sau hai nhiệm kì làm TBT nên trong
khóa 11 sắp tới Nông Đức Mạnh sẽ không còn giữ chức vụ gì chính thức
nữa. Vả lại trong suốt 10 năm qua tuy là TBT nhưng ông Mạnh chỉ như cái
bóng của nguyên TBT Đỗ Mười và cựu CT nước Lê Đức Anh. Cho nên ông Mạnh
không còn uy thế nhiều trong việc tuyển chọn nhân sự ở các cấp cao. Có
chăng lúc này ông Mạnh chỉ tìm cách dùng ảnh hưởng của mình để vận động
cho cậu ấm Nông Quốc Tuấn được vào TUĐ.
Hai dự thảo
quan trọng khác là Cương lĩnh chính trị cho giai đoạn từ 2011 và Báo
cáo chính trị thì do Ủy viên BCT kiêm Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng
thống lãnh. Vì ngoài chức vụ Chủ tịch QH, Nguyễn Phú Trọng trong thời
gian qua còn là „Phó Trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban Cương lĩnh và
Báo cáo Chính trị tại Đại hội lần thứ XI". Tuy chỉ là „Phó" của Tiểu
ban này, nhưng ai theo dõi cũng biết ông Trọng mới là người chính.
Như vậy ông Trọng và những người thân tín ở trong BCT và TUĐ đã bao
thầu ba lãnh vực có tính cách quyết định của HNTU 12. Do đó vào thời
điểm này họ cũng là những nhân vật nắm vai trò quyết định cho ĐH 11 sắp
tới. Nghĩa là nhóm này đang giữ trong tay quyền quyết định về mục tiêu
và phương hướng lâu dài của ĐCSVN, đồng thời cũng là người giải thích
tình hình và thành quả hoạt động của khóa 10.
Các sự
kiện nêu trên cho thấy, nhóm bảo thủ và thần phục Bắc kinh (BK) chung
quanh Nguyễn Phú Trọng đang được coi là những người có quyền lực nhất
không chỉ chủ động ba vấn đề chính đã được đem ra thảo luận trong HNTU
12 là nhân sự mới ở các cấp cao nhất, Cương lĩnh chính trị giai đoạn từ
2011 và Báo cáo chính trị. Trong thực tế phải nói là, tiếng nói của
nhóm này có ảnh hưởng quyết định lên toàn bộ các lãnh vực liên quan tới
sự phát triển của VN trong các thập niên tới cũng đã được bàn tới trong
HNTU 12, như „Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội" cho 10 năm tới và
sửa đổi Điều lệ Đảng. Vì hai lãnh vực này tùy thuộc vào mục tiêu và
phương hướng của Cương lĩnh chính trị mới và cũng tùy thuộc vào một số
nhân vật mới có thế lực mạnh nhất sẽ được chọn trong ĐH 11. (xem Âu
Dương Thệ, Hội nghị Trung ương 12: Đại hội 11 phục vụ ai, đàn áp ai?
trong www.dcpt.org)
Cương lĩnh mới nhưng vẫn xưa như trái đất
Khi những người độc tài bảo thủ và thần phục BK đã cầm trịch sinh hoạt
chính trị của ĐCS thì tất yếu mục tiêu và hướng đi cũng đã được xác
định theo hướng này. Vì thế các đường nét chính như mục tiêu và hướng
đi của Cương lĩnh chính trị 1991 vẫn được giữ nguyên cho Cương lĩnh
chính trị 2011, đó là xây dựng VN theo con đường mòn „định hướng XHCN."
Khẳng định này đã được ghi rõ trong Điểm 1 của Thông báo HNTU 12. Định
hướng XHCN ở đây phải được hiểu trước hết là duy trì chế độ độc đảng
dưới sự lãnh đạo toàn diện của ĐCSVN. Như thế, nghĩa là những người
độc tài bảo thủ đang có quyền lực vẫn phản ứng như những con nhím cúi
đầu co cụm lại khi bị đe dọa, chứ không dám đứng dậy nhìn thẳng những
thực tế chính trị quan trọng đã diễn ra trên thế giới, đó là sự tan rã
cũa Liên xô và sự sụp đổ của các nước CS ở Đông Âu từ cuối thập niên 80
của thế kỉ trước, và sự hình thành một chuỗi các nước dân chủ đa nguyên
đang đem lại tự do và hạnh phúc cho các dân tộc này.
Việc tiếp tục tròng cổ nhân dân trong quĩ đạo độc tài toàn trị đã được
cựu TBT Đỗ Mười, tuy không còn giữ chức vụ gì chính thức nhưng vẫn là
người có quyền uy rất lớn trong nhóm lãnh đạo hiện nay, đã kiêu ngạo
nhấn mạnh trong bài „Không có Đảng, không có công cuộc đổi mới ở Việt Nam" được phổ biến rộng rãi vào dịp kỉ niệm 80 năm thành lập ĐCSVN đầu tháng 2:
„Ðảng
phải lãnh đạo việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chiến lược kế
hoạch kinh tế - xã hội, xây dựng và tổ chức thực hiện công tác cán bộ…
Ðảng lãnh đạo tất cả, không trừ mặt nào. Ðối với lực lượng vũ trang,
Ðảng ta có trách nhiệm lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt."
Trung thành với chỉ thị này nên chỉ ít ngày sau Nguyễn Phú Trọng đã
tuyên bố với thông tấn xã Ấn Express vào cuối tháng 2: „Từ thực tế thì thấy là chúng tôi thực hiện một đảng vẫn là hiệu quả nhất„. Và còn hống hách tước quyền quyết định của nhân dân VN: „Chúng tôi nói là ở Việt Nam chưa thấy sự cần thiết khách quan cần phải có chế độ đa đảng".
Cho nên không là điều lạ lùng, trong Cương lĩnh chính trị mới do nhóm
Nguyễn Phú Trọng soạn thảo đã tự định đoạt thay dân tộc, khinh thường
và coi nhân dân như con nít nên đã mớm câu: „Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta"!
Ít nhất là có hai lí do giải thích tại sao Cương lĩnh chính trị 2011
vẫn chỉ lập lại Cương lĩnh Chính trị 1991: 1. Quyền lực và tiền bạc đã
bán mất lương tâm, làm tê liệt đầu óc phán đoán và làm mù lòa tầm nhìn
của nhóm có quyền-tiền hiện nay trong BCT. 2. Hiện nay sự lệ thuộc vào
BK đã tới mức độ khiến họ không còn có thể chủ động được nữa. Như mọi
người biết, Cương lĩnh Chính trị 1991 thoát thai từ khi nhóm cầm đầu
lúc đó là Đỗ Mười và Lê Đức Anh đã sang Thành đô (Trung quốc -TQ) cầu
hòa với Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân (9.1990) và họ tin rằng
ĐCSTQ trụ được thì ĐCSVN cũng trụ được. (Xem bài của người viết, Hội
nghị Trung ương 12:Đại hội 11 phục vụ ai,đàn áp ai ?). Nhưng họ bắt dân
tộc ta phải trả giá rất đắt và nguy hiểm là, từ đó đến nay VN ngày càng
lệ thuộc vào TQ trên mọi lãnh vực từ kinh tế, chính trị, ngoại giao tới
ý thức hệ. Trong khi đó BK từng bước lấn chiếm đất liền, thôn tính các
hải đảo, đe dọa hải phận và hiện nay còn đang bòn rút tài nguyên ở ngay
nhiều miền của VN.
Cũng chính vì thế cho nên trong các
dự thảo về Cương lĩnh chính trị phần nói về chủ trương và đường lối
đối ngoại cho giai đoạn tới thì lại chỉ được nhắc đến rất chung chung
trong Thông báo HNTU 12. Họ đã không dám cho nhân dân VN biết rõ, ai là
bạn, ai là thù của VN trong giai đoạn hiện nay và các giải pháp để gìn
giữ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ như thế nào. Có nghĩa là họ không dám
động tới chân lông người anh cả phương Bắc!
Điều đáng
để ý nữa là đã có sự thụt lùi và ngoan cố trong tư duy của nhóm soạn
thảo Cương lĩnh chính trị 2011 dưới quyền của Nguyễn Phú Trọng. Điểm 1
trong Thông báo HNTU 12 khi nói về Cương lĩnh chính trị 2011 đã lập lại
nhiều lần cụm từ „thời kì quá độ lên CNXH". Nhưng tuyệt nhiên không nói
là thời gian quá độ này còn kéo dài bao lâu. Vì suốt trên 60 chục năm
cầm quyền họ vẫn sử dụng cụm từ này và nay họ vẫn loay hoay ở trong đó,
mặc dù thế giới CS đã tan biến từ hơn hai thập kỉ! Nghĩa là ở VN hơn 60
năm nay không ai thấy niết bàn hay thiên đàng (theo nghĩa chính trị)
mặt mũi ra làm sao, nhưng chỉ thấy đàn áp, đói nghèo, tụt hậu, tham
nhũng và bạo ngược. Không biết nhóm cầm đầu còn treo bảng, trương cờ
thịt dê bán thịt chó đến bao giờ?
Trong kinh tế thì đi thụt lùi
Thông báo HNTU 12 còn cho thấy, không chỉ tiếp tục cột chặt đất nước
vào một chủ nghĩa đã phá sản, những người bảo thủ và thần phục BK trong
ĐCSVN còn ngang ngược công khai phục dậy „kinh tế nhà nước làm chủ
đạo". Thật vậy, cũng trong Điểm 1 Thông cáo HNTU 12 đã nói rõ hướng đi
và chính sách kinh tế mà Cương lĩnh chính trị 2011 đã đề ra:
„Về vị trí, vai trò của các thành phần kinh tế trong thời kỳ quá độ lên
chủ nghĩa xã hội, dự thảo Cương lĩnh xác định : Các thành phần kinh tế
hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền
kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và
cạnh tranh lành mạnh. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế nhà
nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc
của nền kinh tế quốc dân"
Nếu so với tình hình
một số năm gần đây thì việc công khai chủ trương vực dậy khu vực kinh
tế nhà nước (còn gọi là doanh nghiệp nhà nước –DNNN) giữ vai trò chủ
đạo trong sinh hoạt kinh tế là một sự thụt lùi nguy hiểm và là một sự
thách đố đối với nhân dân VN và thế giới, đồng thời là một gánh nặng
rất lớn cho nền kinh tế vẫn còn òi ẹp của VN!
Do việc
các DNNN mỗi năm vẫn ngốn hàng chục ngàn tỉ đồng từ tiền thuế của nhân
dân và được ưu đãi mọi thứ, nhưng các DNNN vẫn làm ăn thua lỗ và là ổ
tham nhũng của các tham quan. Việc duy trì các DNNN đã gây ra những bất
công và bất lợi cho kinh tế tư nhân, cạnh tranh bình đẳng trong nội địa
bị phá hủy, cạnh trạnh với bên ngoài bị thua thiệt, khiến cho sự tăng
trưởng kinh tế chỉ phục vụ lợi ích phe nhóm và không bền vững. Cho nên
trong vài năm qua đã có những cuộc thảo luận trong đảng và các giới
chuyên viên về việc có nên để DNNN làm chủ đạo hay cần giảm bớt vai trò
của các DNNN.
Nhưng nay với chủ trương không chỉ tiếp
tục duy trì mà còn tăng cường vai trò của kinh tế nhà nước trong các
hoạt động kinh tế như đã ghi rõ trong dự thảo Cương lĩnh chính trị 2011
cho thấy, những phần tử độc tài bảo thủ đã không thèm để ý tới những
cảnh báo và khuyên bảo có lí có tình của các chuyên viên ở trong và
ngoài đảng.
Tuy nhiên, nếu đứng trong tư thế và lợi ích
riêng của những người cầm quyền độc tài bảo thủ, thì đây là vấn đề sinh
tử của họ. Họ thừa biết các tập đoàn và tổng công ti của nhà nước làm
ăn thua lỗ và ngân sách nhà nước phải bù lỗ hàng năm những số tiền kếch
sù, đồng thời là nơi nuôi dưỡng tham nhũng và bòn rút tài sản của nhân
dân. Nhưng xét về mặt chính trị dưới góc cạnh quyền lợi của phe nhóm
cầm quyền thì các DNNN lại là phương tiện tối cần thiết để họ củng cố
và mở rộng quyền lực. Các DNNN không chỉ cung cấp các khoản tiền khổng
lồ cho các tổ chức kinh tài của đảng, giúp họ chi tiêu tiền bạc không
bị kiểm soát cho các mục tiêu đen tối. Các DNNN còn là nơi chia của và
chia ghế cho những phe có quyền lực. Hần hết các ghế trong các ban quản
trị và ban giám đốc các DNNN đều nằm trong tay các người có thế lực
đang tại chức hay đã về hưu. Các tập đoàn kinh tế và tổng công ti là
những nơi để những cán bộ có quyền lực tự do tham nhũng, xà xéo công
quĩ mà không sợ bị kiểm soát. Chủ trương cho vực dậy kinh tế nhà nước
giữ vai trò chủ đạo như trong dự thảo Cương lĩnh chính trị mới đã được
Đỗ Mười báo hiệu vài tuần trước HNTU 12:
„Vì tất
cả những lẽ đó, chúng ta nhận thức rằng càng thực hiện cơ chế thị
trường thì càng cần tăng cường vai trò lãnh đạo của Ðảng và quản lý của
Nhà nước".
Như thế, một khi đã quyết định vực dậy
kinh tế nhà nước làm chủ đạo có nghĩa là, những người độc tài bảo thủ
đã đặt ưu tiên cho sự độc quyền của đảng và phe nhóm cầm quyền. Do đó
cạnh tranh bình đẳng, công bằng xã hội - vẫn được coi là các nền tảng
sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội- đã bị thủ tiêu hoặc trở thành
thứ yếu. Ngoài ra, đây còn là chủ ý dung túng và bảo vệ tệ trạng tham
nhũng vì nó mang lại lợi ích nhiều mặt cho những kẻ có quyền lực. Điều
này đã trả lời rõ ràng câu hỏi: Động lực nào đã thúc đẩy nhóm bảo thủ
độc tài không chỉ làm sống lại mà còn làm mạnh hơn chủ trương tiếp tục
để kinh tế nhà nước làm chủ đạo? – Vì dân giầu nước mạnh hay vì lợi ích
phe nhóm?
Chính sách nội trị vẫn duy trì đàn áp và bịt miệng
Cương lĩnh chính trị 2011 cũng đưa ra chủ trương và chính sách nội trị.
Nhưng hoàn toàn không có gì mới cả, toàn liệt kê những chuyện „biết rồi
khổ lắm nói mãi" như „dân chủ XHCN", „đại đoàn kết dân tộc", duy trì
Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), „pháp quyền XHCN" và „xây dựng Đảng trong
sạch". Về các điểm này Thông báo HNTU 12 ghi:
„xây
dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc,
củng cố và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất; xây dựng nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng
Đảng trong sạch, vững mạnh."
Nhưng đối chiếu với
thực tế của xã hội XHCN hiện nay sau hơn nửa thế kỉ xây dựng thì ai
cũng thấy, đây là một xã hội cực kì phản động và phản dân chủ nhất trên
thế giới, cùng với các chế độ CS ở Trung quốc, Bắc Hàn và Cuba. Trong
đó đảng bao biện và độc quyền mọi thứ, QH –như Nguyễn Phú Trọng thừa
nhận- chỉ thực hiện các đường lối của BCT, tức là nhóm cầm đầu chế độ
toàn trị. Còn vai trò phản biện và kiểm tra của MTTQ cũng giống như để
chuột kiểm tra mèo! Pháp quyền XHCN, như mọi người đã thấy từ năm này
sang năm khác, từ vụ việc này sang vụ việc khác (Tổng cục 2 bộ Quốc
phòng, PMU 18, CPI (Nhật), Securency (Úc) …) luôn luôn được giải thích
tùy tiện. Luật pháp chỉ nhằm bao che và bảo vệ các quan tham nhũng, nếu
bất đắc dĩ phải xoa dịu và mua chuộc dư luận thì dùng thủ đoạn thí tốt
hay bắt vài cá con, nhưng các cá xộp vẫn nhởn nhơ. Các chuyên viên, trí
thức thì bị cấm phản biện công khai, còn báo chí thì phải theo „lề
phải„ do Ban Tuyên giáo chỉ huy.
Các tệ trạng xã hội ở
VN hiện nay đã cho thấy, ĐCSVN sau hơn nửa thế kỉ cầm quyền đã trở
thành một tổ chức tập trung những phần tử độc tài, đàn áp nhân dân, cầu
lợi, tham nhũng đầy túi và đứng trên pháp luật! Vì thế mới đây một tổ
chức quốc tế có uy tín đã xếp VN gần như đội sổ về tham nhũng ở Á châu.
Cho nên việc lập lại mục tiêu „dân chủ XHCN" như trong dự thảo Cương
lĩnh chính trị 2011 đã đề ra, nếu đối chiếu với thực trạng hiện nay của
nhân dân VN chỉ là đàn áp, tù đày và bịt miệng dân. Nguyễn Phú Trọng,
lí thuyết gia hiện nay của chế độ, đã quên lời khuyên của người sáng
lập ĐCSVN:
„Các chú diễn giảng hai tiếng dân chủ
sao mà rắc rối, dài dòng thế? Dân chủ thật ra có nghĩa là: để cho dân
được mở miệng. Dân chủ là đừng bịt miệng dân„.
‡
Nói tóm lại, phân tích nghiêm túc các bản dự thảo của các văn kiện
chính vừa được thảo luận và quyết định trong HNTU 12 và sắp được trình
trong ĐH 11 thì hầu như hoàn toàn cũ, bảo thủ và lỗi thời, từ mục
tiêu, phương hướng tới các biện pháp. Theo dõi các dự thảo đã được thảo
luận trong HNTU 12 người ta thấy một sự thụt lùi hàng cả thế kỉ trong
tư duy của nhóm có quyền lực. Vì thế đã đưa tới thụt lùi trong cách
giải quyết các lãnh vực nội trị, kinh tế và ngoại giao.
Cương lĩnh chính trị của một chế độ cũng như cái nền móng một ngôi nhà.
Nếu nền móng vững thì ngôi nhà xây lên mới vững chắc và lâu bền được.
Cương lĩnh chính trị 2011 vừa được thảo luận trong HNTU 12 đã cho thấy
các bản chất: 1. Bám vào một học thuyết đã bị thực tế phủ nhận trên
bình diện thế giới từ hơn hai thập niên qua. 2. Một chế độ xây dựng
quyền lực chỉ dựa trên bạo lực, đàn áp, dối trá, tham nhũng và bất công
đối với nhân dân. 3. Cho nên lệ thuộc vào ngoại bang là một điều tất
yếu không thể tránh được.
Một chế độ xây dựng trên nền
tảng sai lầm và phản động cả trong tư tưởng lẫn phương pháp hành động
thì không thể nào vững chắc và lâu bền được!
Nếu các
văn kiện lạc hậu và sai lầm này được thông qua trong ĐH 11 sắp tới thì
sẽ là một tai họa thảm khốc cho dân tộc ta trong giai đoạn trước mắt.
Nó sẽ cản trở sự phát triển của đất nước, phá hoại đoàn kết dân tộc, mở
cửa mời Bắc kinh thực hiện tiếp tục sách lược bành trướng lãnh thổ,
thôn tính các hải đảo và bòn rút tài nguyên của VN. Như vậy đây còn là
một thách đố lớn đối với nhân dân VN, đặc biệt là các chuyên viên, trí
thức, thanh niên, lão thành cách mạng còn tâm huyết và đảng viên tiến
bộ ! ♣
Mục Thời sự Tạp chí Dân chủ & Phát triển điện tử: www.dcpt.org hay www.dcvapt.net
|