Trước
những căng thẳng gia tăng tại biển Đông, đã có nhiều tiếng nói từ các
nước có liên quan trong khu vực và từ cơ quan lập pháp Hoa Kỳ yêu cầu
Mỹ tham gia một cách tích cực hơn vào việc tìm ra giải pháp cho tranh
chấp này.
AFP photo
Bộ
trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt (P) bắt tay Bộ trưởng
Quốc phòng Mỹ Robert Gates tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á tại
Singapore ngày 03 tháng 6 năm 2011.
Vai trò của Mỹ
Thời gian gần đây, người ta thấy ngày càng nhiều những lời kêu gọi
Mỹ phải can thiệp nhiều hơn vào khu vực này để đóng vai trò như một lực
lượng cân bằng với một Trung Quốc có tiềm năng quân sự áp đảo đối với
các nước đòi chủ quyền khác trong ASEAN.
Trong buổi tọa đàm về biển Đông vào ngày 13 tháng 6 tại Washington, thượng nghị sĩ Jim Webb đã nói:
"Tôi nghĩ chính phủ đã có những phản ứng quá yếu trước vấn đề
này. Chúng ta nói không đứng về bên nào trong vấn đề chủ quyền có nghĩa
là chúng ta đã tỏ rõ lập trường. Theo tôi chúng ta nên làm việc trong
một diễn đàn đa phương để giải quyết vấn đề.
Đây không chỉ là vấn đề chủ quyền mà còn nhiều tương lai kinh tế
ở đó. Vì vậy Hoa Kỳ cần phải tham gia như một lực lượng cân bằng để đưa
vấn đề này ra thảo luận. Việc Mỹ đứng lên và cho thấy khả năng lãnh đạo
của mình để đưa vấn đề ra bàn thảo là hết sức quan trọng.”
Việc Mỹ đứng lên và cho thấy khả năng lãnh đạo của mình để đưa vấn đề ra bàn thảo là hết sức quan trọng.
TNS Jim Webb
Ngay các nước có chủ quyền trên biển Đông thuộc khối ASEAN là
Philippines và Việt Nam cũng đã bày tỏ mong muốn có sự tham gia của Mỹ
vào vấn đề này. Tổng thống Philippines hồi đầu tháng sáu đã lên tiếng
kêu gọi Mỹ giúp kiềm chế tham vọng của Trung Quốc trên biển Đông vì khả
năng quốc phòng của Philippines quá yếu so với Trung Quốc.
Trong hội thảo về an ninh biển Đông diễn ra tại Washington hôm 20
tháng 6 vừa qua, các học giả Việt Nam cũng cho rằng Mỹ nên tham gia để
giữ gìn hòa bình và ổn định trên biển Đông bởi Mỹ cũng có những lợi ích
trong khu vực. Luật sư Nguyễn Duy Chiến, thuộc học viện Ngoại giao Việt
Nam nói:
"Vấn đề Biển Đông có những khía cạnh rất là quan trọng mà tất cả
các nước đều có lợi ích, ví dụ duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông,
hoặc là thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các nước về Biển Đông
thì cái này nó cũng đáp ứng lợi ích của nhiều nước.
Và ví dụ như Mỹ thì họ cũng có lợi ích trong vấn đề duy trì hòa
bình ở Biển Đông, và có lợi ích trong vấn đề tự do hàng hải. Do đó sự
đóng góp của tất cả các nước, trong đó có Mỹ, vào việc duy trì và tăng
cường hòa bình và ổn định ở Biển Đông là rất cần thiết, và cái này hoàn
toàn là đáng hoan nghênh.”
Mối liên hệ kinh tế - chính trị
Bản đồ khu vực ở biển Đông, nơi chính phủ Philippines đã tố cáo tàu
quân sự Trung Quốc dỡ vật liệu xây dựng trái phép. AFP photo
Đã có những lo ngại căng thẳng trên biển Đông có thể dẫn đến xung đột
vũ trang giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực. Nhưng nếu xung đột
có xảy ra, liệu Mỹ có thể can thiệp?
Theo giáo sư Renato Cruz De Castro, thuộc trường đại học De La Salle
của Philippine thì điều này cũng rất khó nói bởi những khó khăn từ
chính nước Mỹ.
"Điều duy nhất mà chúng ta có thể làm là cùng nhau tìm cách hạn
chế Trung Quốc, và tất nhiên là phải dựa vào sức mạnh của Mỹ. Tuy nhiên
nếu nhìn vào những gì mà nước Mỹ đang phải đối mặt, nhất là thâm hụt
ngân sách thì chúng ta không thể không đặt câu hỏi là liệu Hoa Kỳ sẽ
vẫn còn là cường quốc trên biển Thái Bình Dương trong vòng 3 cho tới 5
năm tới hay không?
Và trong trường hợp đó thì chỉ còn cách là chấp nhận những cái gì
không tránh khỏi một học thuyết Monroe của Trung Quốc đối với Đông Á.”
Tất nhiên Philippines đã có một hiệp ước quân sự với Mỹ mà theo đó
nếu như tàu hay lãnh thổ của Philippines bị tấn công thì Mỹ sẽ phải bảo
vệ đồng minh của mình. Nhưng nếu tấn công xảy ra đối với các khu vực
đang tranh chấp giữa nhiều nước thì Mỹ lại không thể ra tay bảo vệ
Philippines theo hiệp ước quân sự đã ký.
Theo một phân tích gia Đông Nam Á là tiến sĩ Ian Storey thì Mỹ có
thể can thiệp tích cực hơn bằng cách gia tăng sự có mặt của mình trong
khu vực.
"Mặc dù đúng là thực tế nước Mỹ đang phải đối mặt với khó khăn về
kinh tế và ảnh hưởng tới ngân sách của họ. Nhưng Bộ trưởng quốc phòng
Mỹ Robert Gates đã nói rõ là Mỹ cam kết về mặt quân sự trong khu vực,
sẽ tăng thêm sự có mặt của mình tại khu vực, và thắt chặt quan hệ với
các nước khác trong khu vực.”
Nếu nhìn vào những gì mà nước Mỹ đang phải đối mặt, nhất là thâm hụt
ngân sách thì liệu Hoa Kỳ sẽ vẫn còn là cường quốc trên biển TBD trong
vòng 3 cho tới 5 năm tới hay không?
GS Renato Cruz De Castro
Hồi giữa tháng sáu, Mỹ đã điều tàu chiến USS Chung Hoon, là tàu
chiến hiện đại nhất của mình đến biển Đông và biển Sulu phía tây
Philippines để theo dõi các hoạt động tự do hàng hải trong khu vực.
Mỹ cũng tham gia diễn tập với hải quân Philippine vào hôm 28 tháng 6 tại biển Sulu vốn chỉ cách biển Đông bởi đảo Palawan.
Lập trường của Mỹ?
Tàu sân bay USS George Washington dẫn một tàu tuần dương tên lửa và ba
tàu khu trục của Nhật Bản trong thời gian Mỹ-Nhật tập trận quân sự ở
Thái Bình Dương vào ngày 10/12/2010. AFP
Tuy nhiên lập trường của chính phủ Mỹ từ trước tới nay đối với vấn đề
biển Đông vẫn là không đứng về bất cứ bên nào đòi chủ quyền tại biển
Đông.
Vì vậy, sự can thiệp của Mỹ vào việc giải quyết tranh chấp là rất
hạn chế. Giáo Sư Donald Emmerson, Giám đốc diễn đàn Đông Nam Á của đại
học Stanford, Hoa Kỳ nhận xét:
"Mỹ không nên can dự bằng bất cứ cách nào cho thấy là Mỹ đang ủng
hộ một bên nào đó trong tranh chấp này, vì việc này sẽ có tác dụng
ngược, sẽ làm tình hình thêm xấu và sẽ làm cho việc giải quyết vấn đề
thêm khó khăn. Tôi cũng không thấy có bằng chứng nào cho thấy là Mỹ sẵn
sàng làm điều này.
Đây là một trường hợp vô cùng phức tạp, và Mỹ không nên tham gia
bằng bất cứ cách nào để có thể làm cho người ta hiểu là Mỹ bênh vực một
bên nào đó.”
Theo giáo sư Emmerson thì ngay cả đề nghị để Mỹ làm trung gian cho các đối thoại giữa các bên liên quan cũng là không nên.
Việc Mỹ không phê chuẩn công ước về luật biển của Liên Hiệp Quốc
(UNCLOS) hiện cũng bị coi là một cản trở cho việc Mỹ can thiệp tích cực
hơn vào vấn đề biển Đông. Giáo sư Emmerson giải thích:
"Việc không phê chuẩn công ước này có nghĩa là nếu trong trường
hợp Mỹ phải có lập trường nào trong vấn đề tranh chấp đi chăng nữa thì
cũng phải tuân thủ theo công ước về luật biển mà Mỹ không tham gia, và
điều này cực kỳ quan trọng.”
Đã có những thượng nghị sĩ kêu gọi việc phê chuẩn công ước này nhưng
theo các phân tích gia thì điều này khó có thể xảy ra vì phe bảo thủ
của Mỹ sẽ không muốn những hoạt động trên biển của Mỹ bị hạn chế bởi
công ước này.
Mặt khác, mặc dù chính phủ của tổng thống Obama rất muốn được phê
chuẩn công ước này nhưng với cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra vào năm
tới thì, theo giáo sư Emmerson, những nỗ lực chính trị trong chính
trường Mỹ sẽ được dồn vào các cuộc vận động tranh cử.
Và cuối cùng, tất nhiên dù Mỹ có muốn tham gia tích cực hơn nữa vào
vấn đề biển Đông thì cũng không thể quên là Trung Quốc vẫn luôn có thái
độ cứng rắn trong vấn đề này, tức là không muốn Mỹ can thiệp vào các
tranh chấp trên biển Đông.
Mỹ không nên can dự bằng bất cứ cách nào cho thấy là Mỹ đang ủng hộ một
bên nào đó, vì việc này sẽ có tác dụng ngược, sẽ làm tình hình thêm xấu
và sẽ làm cho việc giải quyết vấn đề thêm khó khăn.
GS Donald Emmerson
Cho đến lúc này, những gì mà người ta có thể nhìn thấy từ phía Mỹ
vẫn chỉ là những lời tuyên bố về lợi ích của Mỹ trên biển Đông, kêu gọi
các bên kiềm chế và ủng hộ một giải pháp hòa bình cho tranh chấp này.
Tuy nhiên, rõ ràng với những diễn biến gần đây trên biển Đông, những
hành động này của Mỹ dường như vẫn không đủ để trấn an các nước trong
khu vực đang bị lấn lướt bởi sức mạnh quân sự và kinh tế của Trung
Quốc.