Thực
hiện Chương trình làm việc toàn khoá, sáng 1/10, Ban Chấp hành Trung
ương Đảng tổ chức khai mạc Hội nghị lần thứ sáu (khóa XI).
Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí: Trương Tấn Sang - Chủ tịch
nước; Nguyễn Tấn Dũng - Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch
Quốc hội; Lê Hồng Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư
đồng chủ trì Hội nghị.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị.
Tại Hội nghị lần này, các đại biểu sẽ thảo luận, cho ý kiến về các báo
cáo, đề án: Tình hình kinh tế - xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; Tiếp tục sắp
xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; Chính sách, pháp
luật về đất đai; Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo; Phát
triển khoa học và công nghệ; Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ
Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng
và Nhà nước; Báo cáo kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Bộ
Chính trị, Ban Bí thư theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI)
về xây dựng Đảng và một số vấn đề quan trọng khác.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các
đại biểu phát huy dân chủ, trí tuệ, xem xét, thảo luận, quyết định các
vấn đề quan trọng của Đảng và đất nước.
Tổng Bí thư đã gợi mở và nêu vấn đề trọng tâm cần thảo luận tại Hội nghị lần này.
1 - Về kinh tế - xã hội năm 2012 và phương hướng, kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội năm 2013, Tổng Bí thư đề nghị Trung ương tập trung thảo
luận, phân tích kỹ những đặc điểm nổi bật của năm 2012; làm rõ những
kết quả đã đạt được, những hạn chế, yếu kém đang tồn tại và chỉ ra những
nguyên nhân khách quan, chủ quan; dự báo những khả năng sắp tới với
tinh thần thật sự khách quan, khoa học, toàn diện.
Tổng Bí thư
lưu ý: Cần chú ý đối chiếu với những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, nhất
là mục tiêu, nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm
an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng hợp lý, tạo tiền đề cho việc lấy lại
đà tăng trưởng và phát triển nhanh, bền vững trong những năm sắp tới.
Đặc biệt, cần đi sâu phân tích, đánh giá các vấn đề có liên quan đến
việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ tái cấu trúc nền kinh tế.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Phải chăng vừa qua, chúng ta mới chủ yếu tập
trung cho việc chèo chống, đối phó với tình hình khó khăn về tài chính,
ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh và việc làm
cho người lao động... mà chưa ở thế chủ động triển khai các biện pháp
đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thực hiện 3 khâu
đột phá nêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ?”.
Trên cơ sở đánh giá đúng tình hình kinh tế - xã hội năm 2012, Tổng Bí
thư yêu cầu cần xác định những quan điểm phát triển, tư tưởng chỉ đạo,
mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cơ bản, quan trọng nhất cho năm
2013.
Về Đề án "Tiếp tục sắp xếp đổi mới, nâng cao hiệu quả
doanh nghiệp nhà nước”, Tổng Bí thư đề nghị Trung ương tập trung cho ý
kiến: Vì sao lúc này chúng ta vẫn phải tiếp tục sắp xếp, đổi mới doanh
nghiệp nhà nước? Phạm vi nội dung đến đâu? Phải chăng cần dựa trên cơ sở
tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá IX), chọn ra
một số vấn đề lớn, quan trọng để thảo luận và có chính sách, biện pháp
tháo gỡ, khắc phục? Đối với từng vấn đề, cần đi sâu phân tích, đánh giá
tình hình và nguyên nhân; chỉ rõ đâu là nguyên nhân thuộc về chủ trương,
cơ chế, chính sách và đâu là nguyên nhân do tổ chức thực hiện không
đúng, không nghiêm. Từ đó, đề ra chủ trương, biện pháp phù hợp, có tính
khả thi cao, tạo sự chuyển biến thật sự về hiệu quả, sức cạnh tranh của
doanh nghiệp nhà nước trong tình hình mới.
Về vấn đề đất đai,
Tổng Bí đề nghị các đồng chí Ủy viên Trung ương tập trung thảo luận kỹ
để đi đến thống nhất ban hành Nghị quyết của Trung ương định hướng cho
việc nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai.

Các đại biểu dự Hội nghị.
2 - Về phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, Tổng
Bí thư chỉ rõ: Đây là những vấn đề đặc biệt quan trọng, đã được coi là
quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Cách đây 16
năm, Hội nghị Trung ương 2 (khoá VIII) đã ban hành Nghị quyết về định
hướng chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ
đến năm 2010. Lần này, chúng ta bàn về vấn đề đổi mới căn bản và toàn
diện giáo dục và đào tạo, phát triển khoa học và công nghệ, có một loạt
vấn đề đặt ra cần được thảo luận, làm rõ như : Vì sao lúc này phải đổi
mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển khoa học và
công nghệ ? Phạm vi, mục tiêu yêu cầu của mỗi Đề án đến đâu? Đổi mới căn
bản là gì, toàn diện là gì? Nội hàm phát triển khoa học và công nghệ ?
Những chủ trương, chính sách, biện pháp gì cần phải thống nhất ban hành
để lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đổi mới giáo dục - đào tạo và phát triển
khoa học - công nghệ ?...
Để giải đáp được những câu hỏi trên
một cách đúng đắn, cần có sự đánh giá toàn diện, khách quan tình hình
triển khai thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng cũng như
tình hình phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ trong
16 năm qua; qua đó khẳng định những thành tựu, kết quả đã đạt được, chỉ
ra những bất cập, hạn chế, yếu kém còn tồn tại; làm rõ vì sao giáo dục
và đào tạo, khoa học và công nghệ đến nay vẫn chưa thực sự trở thành nền
tảng và động lực cho phát triển? Vướng mắc chính ở chỗ nào?... Trên cơ
sở đó, khẳng định những quan điểm lớn, quan trọng đã được đề ra tại Nghị
quyết Trung ương 2 (khoá VIII) đến nay còn đúng, cần tiếp tục thực
hiện; đồng thời bổ sung, phát triển các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và
giải pháp mới, nhất là những nội dung đổi mới có tính đột phá, căn bản,
toàn diện.

Toàn cảnh Hội nghị.
3 - Một số vấn đề về xây dựng Đảng, tại Hội nghị này, Bộ Chính trị sẽ
báo cáo kết quả bước đầu kiểm điểm tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban
Bí thư theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về
xây dựng Đảng hiện nay" để Trung ương cho ý kiến.
Việc lập lại
Ban Kinh tế Trung ương và việc xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung
ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh chủ chốt của Đảng, Nhà
nước nhiệm kỳ 2016 - 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo, Tổng Bí thư cho
biết, tại Hội nghị này, Trung ương chưa thể bàn về nhân sự quy hoạch cụ
thể mà chủ yếu tập trung cho ý kiến về mục đích, yêu cầu, quan điểm,
nguyên tắc, phương châm, nội dung của việc xây dựng quy hoạch cán bộ cấp
chiến lược. Một số nội dung cần tập trung bàn bạc như: Yêu cầu, tiêu
chuẩn đối với từng chức danh cụ thể; độ tuổi tham gia quy hoạch; số
lượng, cơ cấu của quy hoạch; đối tượng và điều kiện lựa chọn cán bộ đưa
vào quy hoạch; quy trình phát hiện, giới thiệu, lựa chọn và quyết định
nguồn quy hoạch; quản lý và thực hiện quy hoạch. . .
Sau khi Trung ương thống nhất về những vấn đề quan trọng này và Ban
Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết, Bộ Chính trị sẽ chỉ đạo việc
xây dựng quy hoạch cụ thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí
thư và các chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm
kỳ 2016 - 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo.
Tổng Bí thư đề nghị
các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng căn cứ vào Đề án, Tờ trình của Bộ
Chính trị và bằng kinh nghiệm, thực tiễn của công tác xây dựng quy hoạch
cán bộ ở địa phương, bộ, ngành trong những năm qua, nghiên cứu, thảo
luận, đóng góp nhiều ý kiến vào nội dung của Đề án, nhất là những vấn đề
còn có ý kiến khác nhau để đi đến thống nhất cao ban hành Nghị quyết,
tạo tiền đề cho việc thực hiện nội dung của công tác quy hoạch cán bộ
cấp chiến lược.
Theo chương trình, Hội nghị sẽ kéo dài đến ngày 16/10/2012.