Các dự án bauxite gặp nhiều khó khăn
Hai dự án
thí điểm khai thác quặng bauxite và chế biến alumina đã được
khởi công tại Tân Rai và Nhân Cơ tuy trong dư luận vẫn còn nhiều
ý kiến trái chiều về hiệu quả của các công trình này.
Cuối tháng Tư
mới đây, Phó Thủ tướng Việt Nam Hoàng Trung Hải cùng đoàn công
tác đã tới thị sát hai dự án này. Cùng đợt với đoàn của ông
Phó thủ tướng, một đoàn khác của một số trí thức trong nước
cũng tới thăm công trường xây dựng nhà máy alumin Tân Rai.
Nhà
văn Nguyên Ngọc từng phản đối khai thác Bauxite Tây nguyên
Nhà văn Nguyên
Ngọc, một người nhiều năm gắn bó và am hiểu Tây Nguyên, có mặt
trong chuyến đi. Ông kể cho BBC nghe những điều 'tai nghe
mắt thấy':
Nhà văn
Nguyên Ngọc: Chuyến đi của chúng tôi kéo dài khoảng một
tuần, từ Hà Nội bay vào TP Hồ Chí Minh, từ đó đi Kê Gà ở
Bình Thuận, là nơi người ta dự kiến xây cảng nước sâu để sau
này xuất khẩu bauxite thì đưa xuống đó. Từ Kê Gà, chúng tôi đi
ngược lên Tân Rai, để xem con đường đó như thế nào.
Trong thời gian đó, trước chúng tôi hai ngày, có một
đoàn công tác của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng vào thăm
các dự án bauxite. Nhưng họ đi Nhân Cơ, Tân Rai rồi mới xuống Kê
Gà, tức là từ trên đi xuống.
BBC: Vậy là
ông đã có mặt cả ở nơi khai thác, sản xuất, lẫn con đường vận
chuyển. Thưa, xin ông cho biết hiện giờ việc thi công nhà máy
alumina Tân Rai như thế nào?
Nhà văn
Nguyên Ngọc: Ở Tân Rai, chúng tôi có gặp gỡ tiếp xúc
với các anh em TKV (Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam) đang xây
dựng nhà máy ở đấy. Chúng tôi không vào trong nhà máy, nhưng
được đọc báo cáo của các anh ở đó, thấy nói đã thực hiện
được 70%-80% công trình rồi. Nhà máy cũng đã thấy có ống
khói.
Họ đang làm
một cái hồ để chứa nước phục vụ nhà máy, rửa quặng v.v.
nhưng có một điều chúng tôi hơi ngạc nhiên là đáng ra phải có
một xưởng rửa quặng, xử lý quặng trước khi đưa vào nhà máy
alumina, thì cơ sở này chưa có. Rồi một cái nữa, là hồ chứa
bùn đỏ gồm tám ngăn, rất quan trọng. Chúng tôi có ra tham quan
thì chưa thấy gì, mới chỉ thấy một khu vực hơi trũng xuống,
được nói sẽ là hồ chứa bùn đỏ, nhưng hiện chưa có gì.
Vậy mà họ đăt
mục tiêu là tháng 11 cuối năm nay sẽ có những mẻ alumina đầu
tiên.
Nói chung,
chúng tôi rất ngạc nhiên và cho là mục tiêu này khó có thể
thực hiện được.
Nhà cửa cho nhân
công Trung Quốc khai thác bauxite được xây dựng tại khu Nhân Cơ, Lâm
Đồng. Hình: CLBNBTD.
BBC: Thưa ông,
công trình Nhân Cơ mới chính thức khởi công vài tháng nay (từ
tháng 2/2010), nhưng công trình Tân Rai thì đã thực hiện từ khá
lâu rồi (từ tháng 7/2008). Vậy nhưng thông tin công bố cho người
dân, thí dụ như trên báo chí, về các dự án này cũng không có
nhiều. Theo ông, đây có phải là một vấn đề không ạ?
Nhà văn
Nguyên Ngọc: Người ta cứ lặng lẽ làm thôi và nếu làm
được thì theo tôi cũng không có vấn đề gì cả. Thế nhưng như tôi
đã nói, nhà máy alumina thì còn tàm tạm, nhưng trước và sau
nó thì chưa có gì, cho nên mục tiêu cuối năm là rất khó.
Chúng tôi không
đi Nhân Cơ, vì có thông tin nói chắc chắn là ở Nhân Cơ chưa làm
gì hết. Năm ngoái chúng tôi đến thì họ đã san mặt bằng, tới
nay được biết cũng chưa có thay đổi gì.
Phải hoãn ngày
thực hiện khởi công dự án Nhân Cơ tới tháng 10, tức tám tháng
sau khi Thủ tướng đã ra lệnh khởi công chính thức. Các anh em
TKV nói nguyên nhân chính là do đàm phán với phía Trung Quốc
chưa xong, bên kia có đưa ra một số điều kiện mới.
Vì vậy Nhân Cơ
còn nằm im.
BBC: Khi tới
Tân Rai, ông có chứng kiến hoạt động của công nhân nước ngoài
không ạ?
Nhà văn
Nguyên Ngọc: Chúng tôi có gặp một số lãnh đạo huyện
Bảo Lâm, là địa phương có dự án Tân Rai. Các anh ấy cho biết
là trước đây mấy tháng, công nhân Trung Quốc có ra ngoài, gây
một số phiền nhiễu cho cộng đồng dân cư. Nay họ đã thống nhất
với nhà máy là không cho số công nhân ấy ra khỏi địa bàn nhà
máy nữa.
Vì thế chúng
tôi không thấy người Trung Quốc nào cả.
Dự án bế
tắc?
BBC: Chúng tôi
có được đọc trên mạng internet một bức thư của một thành viên
khác ở trong đoàn vừa đi thăm Tân Rai, ông Nguyễn Trung. Trong thư,
ông Trung đánh giá hai dự án bauxite hiện nay đang 'bế tắc'.
Không hiểu ông có đồng ý với nhận định đó không ạ?
Nhà văn
Nguyên Ngọc: Cái khó khăn lớn nhất mà chúng tôi thấy
rõ, là không có đường vận chuyển. Đi từ Kê Gà lên Tân Rai theo
đường 28 thì thấy rằng con đường này hết sức dốc đứng và
quanh co. Có đèo kéo dài tới 20 cây số, mà toàn là cua tay áo.
Tôi biết rõ
địa hình Tây Nguyên: hai đầu rất cao, ở giữa lại tương đối bằng
phẳng. Vì vậy từ Bảo Lộc, Đăk Nông ở cực Nam
xuống dưới biển, con đường rất dốc.
Đường 28 không
thể dùng để vận chuyển alumin được vì chở alumin phải sử dụng
xe đặc chủng, kéo container nặng tới 40 tấn. Đường 28 thì quá
nhỏ, quá dốc, rất nguy hiểm.
Ngoài đường 28,
phía Nam đi xuống Kê Gà còn đường 55 nữa. Nhưng đường này ngắn
hơn đường 28 và còn hiểm trở hơn nữa. Do vậy việc vận chuyển
bằng đường bộ sẽ hết sức khó khăn, mà làm đường xe lửa thì
cũng rất tốn kém.
Tôi được biết
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có đưa ra ý kiến rằng có thể
sử dụng đường 14, là đường từ Ban Mê Thuột đi xuống Bình
Phước, Bình Dương rồi xuống cảng Gò Dầu (Bà Rịa).
Để tới đường
14, thì phải đi ngược lên một đoạn. Mà đường 14 hiện nay cũng
chỉ là đường nhỏ, muốn sử dụng thì phải nâng cấp, mà lại
chưa có ngân sách để nâng cấp con đường này.
Tóm lại, tôi
nghĩ ý của anh Nguyễn Trung khi dùng từ 'bế tắc' là để chỉ
các vấn đề về vận tải. Vấn đề về nhà máy này khác thì
cũng giải quyết được thôi, nhưng xong rồi thì chở đi đâu?
Chẳng lẽ sản
xuất xong alumina lại đào đất chôn lại vì không có đường đi đâu
cả?
Mà nãy giờ
chúng ta mới chỉ đề cập các vấn đề kỹ thuật chứ chưa nói
tới khía cạnh kinh tế. Vận chuyển khó khăn như thế thì giá
thành sẽ đội lên rất cao.
Hơn nữa, chúng
ta sẽ chỉ xuất khẩu nguyên liệu sơ chế chứ chưa phải sản phẩm
tinh chế. Giá alumina chỉ bằng 12% giá nhôm. Mà bán bauxite
thì ngoài Trung Quốc ra thì chẳng có ai mua cả. Như vậy chắc
chắn là lỗ.
BBC: Thưa bản
thân ông đã đưa ra nhiều cảnh báo về ảnh hưởng của các dự án
khai thác bauxite với môi trường và không gian văn hóa của Tây
Nguyên. Sau chuyến đi vừa rồi, ông có thấy quan ngại của mình
được giải tỏa phần nào hay không ạ?
Nhà văn
Nguyên Ngọc: Chúng tôi có đến một xóm nhỏ có khoảng
hai chục nhà ở của người K'Hor. Đây là khu tái định cư mà TKV
xây cho người địa phương ở đó, nhưng nhìn nó thì không thể nào
nghĩ đây là làng của người dân tộc được. Mỗi gia đình một cái
nhà ống, trên lợp tôn.
Tôi gặp một bà
cụ ở ngay nhà đầu, thấy bà ấy than là không thể nuôi được
lợn gà, đi làm rẫy thì quá xa, nên chỉ còn cách là đi làm
thuê cho người Kinh ở gần đây thôi. Con cái họ thì nghèo khổ,
không có điều kiện học hành.
Bà con dân tộc
không thể sống trong điều kiện như vậy được. Một thời gian
nữa thì chẳng còn dân tộc, cũng chẳng còn văn hóa.
Trong quá
trình chúng ta đã làm nhiều cái sai lớn. Có thể nói là mình
đã phá nát Tây Nguyên rồi.
Rừng tự nhiên
ở Tây Nguyên đã bị phá hết trong mấy chục năm nay. Một trong
những chức năng của rừng là giữ nước, khi mưa nó không đổ ào
xuống hạ nguồn mà chảy từ từ xuống đồng bằng, thiên nhiên đã
tạo ra rừng tuyệt vời như vậy.
Từ kỹ thuật
tới kinh tế, môi trường, xã hội... nhiều vấn đề vô cùng. Nếu
nhận định là 'bế tắc' thì tôi cho 'bế tắc' là tốt, vì chúng
ta hãy dừng lại đi.
Nhà văn Nguyên
Ngọc
Vấn đề lớn
nhất ở Tây Nguyên hiện nay sau vấn đề rừng là vấn đề nước.
Làm bauxite, phá nát bề mặt, sẽ ảnh hưởng tới nguồn nước Tây
Nguyên.
Tôi khuyến
cáo dừng hết mọi hoạt động khai phá ở Tây Nguyên và ra sức
trồng rừng trở lại trong 100 năm. Có người nói tôi cực đoan
nhưng nếu không làm như vậy thì tan tành hết.
BBC: Những
lời kiến nghị giới trí thức đã đưa ra khá nhiều nhưng như ông
nói, người ta vẫn cứ 'lặng lẽ làm'. Vậy những quan sát và ý
kiến lần này, ông sẽ gửi tới những người có trách nhiệm như
thế nào và liệu họ có lắng nghe hay không?
Nhà văn
Nguyên Ngọc: Chúng tôi phản ánh ý kiến qua Liên hiệp
các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, nơi đã lên tiếng đầu tiên
trong việc phản biện bauxite.
Những điều
chúng tôi kiến nghị cách đây gần hai năm, thì bây giờ đã xảy
ra.
Trong đoàn công
tác vừa rồi của ông Hoàng Trung Hải, có ông Dương Văn Hòa, Phó
Tổng Giám đốc TKV. Ông Hòa có nói rằng từ nay tới 2020 sẽ
không làm thêm một công trình bauxite nào khác nữa ngoài hai công
trình Nhân Cơ và Tân Rai. Tức là TKV cũng đã thấy quá nhiều
khó khăn.
Sau khi chúng
tôi có ý kiến phản biện, Chính phủ đã quyết định là chỉ làm
thí điểm hai dự án. Hiện đang làm Tân Rai (Lâm Đồng), còn Nhân
Cơ (Đắk Nông), theo tôi nếu mà phân tích tốt hơn nữa thì có thể
không làm.
Từ kỹ
thuật tới kinh tế, môi trường, xã hội... nhiều vấn đề vô cùng. Nếu
anh Nguyễn Trung nhận định là 'bế tắc' thì tôi cho 'bế tắc' là
tốt, vì chúng ta hãy dừng lại đi.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/05/100518_nguyenngoc_bauxite.shtml
Cập nhật ( 25/05/2010 )
|