Bùi Tín - Cơn
khát này là cơn khát dầu mỏ, một nhiên liệu quý cho mọi quốc gia trong
thời công nghiệp hóa. Quốc gia đang khát dầu mỏ một cách cấp bách với
quy mô lớn là Trung Quốc.
Tình trạng thiếu dầu và nhiên liệu trên một đất nước khổng lồ với gần 1 tỷ rưỡi dân đang là một vấn đề báo động cấp quốc gia.
Theo thông kê của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA - International Energy
Agency) hiện Trung Quốc tiêu thụ đến 10,4 % sản lượng dầu mỏ toàn thế
giới, nhưng chỉ tự túc được có 47%, phải nhập đến 53 %, lại từ rất xa.
Theo tính toán của các nhà kinh tế Trung Quốc, với đà công nghiệp hóa
hiện nay, nhu cầu về năng lượng của Trung Quốc sẽ tăng lên gấp đôi trong
15 năm tới. Nạn khát dầu của Trung Quốc hiện nay đã trầm trọng, với
thời gian sẽ càng nghiêm trọng gấp bội. Đây là vấn nạn mang tính chất
sinh tử của quốc gia, khi nhóm lãnh đạo đang có tham vọng sớm vươn lên
hàng siêu cường toàn diện của thế giới, thậm chí thành siêu cường số một
trong một thời gian không xa.
Cơn khát dầu và tham vọng siêu cường giải thích thái độ của Bắc Kinh đối
với vùng biển Đông của Việt Nam, vùng biển mà các nước Đông Nam Á mong
muốn được gọi một cách chính xác là vùng biển Đông Nam Á. Nhóm lãnh đạo ở
Bắc Kinh nhiều lần lớn tiếng khẳng định đây là vùng biển Trung Hoa hoàn
toàn thuộc chủ quyền duy nhất của Trung Quốc, không thể tranh cãi, còn
nhấn mạnh là thuộc vùng quyền lợi cốt lõi của Trung Quốc. Gần đây cuồng
vọng của Trung Quốc tăng thêm khi được biết trữ lượng dầu và khí đốt ở
biển Đông thực tế còn lớn hơn phỏng đoán trước đây rất nhiều. Bộ Lãnh
thổ và Tài nguyên Trung Quốc thông báo có đến 38 túi dầu mới đã được
phát hiện trong vùng biển Đông, những túi lớn nhất ở ngay trong quần đảo
Trường Sa.
Tham vọng cực lớn của Trung Quốc sẽ đưa Trung Quốc đến đâu?
Rõ ràng đó là một tham vọng quá đáng, mù quáng, vượt quá xa thế và lực
của Trung Quốc, đi ngược lại với pháp luật quốc tế, trái với Luật về
biển của thế giới, trái với quyền lợi và chủ quyền của các nước láng
giềng. Một số nước Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Philippines và
Brunei đã lên tiếng bác bỏ yêu sách ngang ngược của Trung Quốc ở vùng
biển Đông. Ngay cả Đài Loan mà Bắc Kinh coi như một tỉnh của họ cũng
tranh chấp thẳng cánh với lục địa về một số đảo trong vùng biển này.
Với Việt Nam, Trung Quốc đã lôi kéo được nhóm lãnh đạo cộng sản, trói
buộc họ bằng những xiềng xích «16 chữ vàng», «Bốn Tốt», nhưng Bắc Kinh
đang vấp phải sự chống đối ngày càng mạnh của một xã hội công dân đang
lừng lững tiến bước.
Một cản trở lớn cho tham vọng của Bắc Kinh là từ hơn một năm nay, Hoa Kỳ
tuyên bố vùng biển Đông là vùng hàng hải quốc tế, là vùng gắn chặt với
quyền lợi quốc gia của Hoa Kỳ và nhiều nước khác, đồng thời Hoa Kỳ đã
kịp thời hành động để giành lại thế mạnh ở châu Á, trong vùng Đông Nam
Á, Đông Bắc Á, cả vùng Đông và Tây Thái Bình Dương, với hàng loạt tàu
chiến hiện đại, thao diễn quân sự, tập trận chung với các nước đồng minh
Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Philippines, Indonesia, Ấn Độ, còn cung cấp
vũ khí mới cho Đài Loan.
Hình Reuters
Tất cả những sự kiện trên đã không cảnh tỉnh được Bắc Kinh. Trước đây họ
ngộ nhận rằng Hoa Kỳ bị kẹt bởi 2 cuộc chiến tranh ở Iraq và
Afghanistan, bị cuộc khủng hoảng tài chính quấy rầy nên sẽ bỏ trống châu
Á. Việc Hoa Kỳ trở lại châu Á trên thế mạnh làm cho họ cay cú, hung
hãn, phát cuồng, gây sự với các nước khác. Gần đây nhất, Bắc Kinh công
khai ngăn cản Ấn Độ đưa tàu chiến vào thăm hữu nghị vùng biển và cảng
Việt Nam, còn cảnh cáo công ty dầu ONGC Videsh của Ấn Độ chuẩn bị khoan
dầu ở 2 lô 127,128 thuộc vùng biển tỉnh Phú Khánh. Người phát ngôn Hồng
Lỗi của phía Trung Quốc ngang ngược tuyên bố ngày 19/9: «Bất cứ nước
nào thăm dò dầu ở vùng này không có phép của Trung Quốc là vi phạm chủ
quyền và lợi ích quốc gia của Trung Quốc, là bất hợp pháp».
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ của Viện quan hệ quốc tế thuộc Đại học
Phúc Đán là Giáo sư Thẩm Đình Lập cũng lên giọng dậm dọa: «Ấn Độ cần nhớ hành động của họ tại Nam Hải (!) sẽ đặt Trung Quốc tới bờ của giới hạn». Phó chủ tịch Viện quan hệ quốc tế Vinh Ưng còn cay cú nói liều rằng: «Việc
Ấn Độ xâm nhập vùng này là do phía Việt Nam muốn quốc tế hóa vấn đề, họ
nhượng cho phía Ấn Độ đến 70% lợi nhuận khoan dầu, do đó mà Ấn Độ lao
vào nơi mà hãng dầu lớn của Anh British Petrolium đã phải từ bỏ».
Phía Trung Quốc còn cho rằng có bàn tay của Hoa Kỳ thôi thúc Ấn Độ chọi
lại với Trung Quốc. Phía Ấn Độ đã lập tức phản pháo Bắc Kinh; báo chí
New Delhi bác bỏ lời lẽ ngang ngược vô căn cứ của phía Trung Quốc, Công
ty ONGC Videsh khẳng định thực hiện hợp đồng như đã ký với phía Việt
Nam, coi như phản đối của Bắc Kinh là vô giá trị.
Vậy mà trong vấn đề này báo chí chính thức ở Hà nội vẫn im thin thít.
Trước đó Bắc Kinh đã vấp phải sự phản đối khá mạnh của Philippines.
Tháng trước, khi Tổng thống Phi Benigno Aquino gặp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào ở
Bắc Kinh, ông từng nói rõ các vấn đề tranh chấp ở biển Đông phải được
giải quyết giữa 2 nước, và có những vấn đề chung phải được giải quyết
theo con đường đa phương. Ông bác bỏ mưu thâm của Bắc Kinh là chỉ có họp
song phương, nhằm bẻ từng chiếc đũa một và gạt Hoa Kỳ ra khỏi vùng
này.
Trong dịp này Trung tướng Juancho Sabban, tư lệnh quân đội Philippines,
nói rõ sẽ tăng cường hải quân trong vùng biển quốc gia và sẽ trang bị vũ
khí cho tàu đánh cá để bảo vệ ngư dân của mình trong vùng biển thường
bị tàu Trung Quốc thâm nhập. Rõ ràng chính quyền Philippines đã tỏ ra
cứng cỏi, đàng hoàng hơn chính quyền ở Hà Nội. Báo chí Philippines gần
đây nói nhiều đến mối liên hoàn Hoa Kỳ - Ấn Độ - Nhật Bản - Úc, tất cả
cũng là bạn liên minh thân thiết của Philippines, trong chủ trương chung
ngăn chặn sự bành trướng phi pháp của chế độ độc đoán ngày càng bị cô
lập ở Trung Quốc.
Trung Quốc dù cho nuôi cuồng vọng dù lớn đến đâu nhưng trái pháp luật
quốc tế, trái đạo lý, giữa thời đại mới, khi các chế độ độc đoán độc
đảng theo nhau sụp đổ tơi bời dù một thời hét ra lửa, cũng chỉ như húc
đầu vào đá. Xem ra còn lâu những cái đầu bành trướng và tay chân của họ
mới có thể nhận ra lẽ tất yếu ấy. Để xem cơn khát dầu và cuồng vọng siêu
cường sẽ dẫn họ và bộ hạ theo chân họ phiêu lưu đến đâu mới là giới
hạn.