
Thư Cho Con
Khí Phách Người Tù Lương Tâm
và Sự Hèn Hạ Của Thái Thú Tàu Nô
Ngày 18 tháng 3 năm 2009
H,
Nhóm phóng viên Khối 8406 FNA tường trình từ Huế, ngày 15-03-2010,
cho biết theo một "quyết định” của tòa án tỉnh Hà Nam Linh mục Nguyễn
Văn Lý, 64 tuổi, được cho "tạm đình chỉ hình phạt tù 12 tháng kể từ
ngày 15 tháng 3, 2010 đến ngày 15 tháng 3, 2011” với lý do "bị tai biến
mạch máu não gây liệt 1/2 người phải trên bệnh nhân có tiền sử huyết áp
cao nhiều năm, tiên lượng bệnh diễn biến bất thường, nguy cơ đột quỵ
rất cao.” Linh mục đã được xe cứu thương của trại giam Ba Sao (còn gọi
là trại Nam Hà), huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, đưa ra khỏi trại lúc 4 g
sáng, tới Huế lúc 4g30, ghé Ủy ban nhân dân phường Vĩnh Ninh để làm thủ
tục giao cha Lý cho nhà cầm quyền địa phương quản lý.
Tại đây Chủ tịch Phường, tên là Chánh (không rõ họ) tuyên bố với cha Lý:
1-không được nói hay làm bất cứ điều gì chống lại nhà nước;
2-có biểu hiệu vi phạm pháp luật như thế, chúng tôi sẽ lập biên bản;
3-ra khỏi phường phải xin phép!
Cha Lý trả lời:
"Tôi
nói thẳng với quý vị điều tôi đã từng nói trước đây với người của nhà
nước, của tòa án, của trại giam: tôi không bao giờ nhận mình là phạm
nhân cả, mà chỉ là tù nhân lương tâm. Xin quý vị nhớ cho!” Ðến khi được
đưa đến tận phòng mình đã ở gần 3 năm trước đây tại Tòa Tổng Giám Mục,
cha Lý vừa cười vừa nói với ông Chủ tịch phường: "Ông có nhớ cách đây
ba năm, tối ngày mồng hai Tết năm 2007, ông đã lừa tôi bằng cách gõ cửa
xin vào thăm tết mà đằng sau là cả một toán công an tràn vào bắt tôi
không?” Ông ta trả lời "Nhớ nhớ chứ!!”.
Hình LM Nguyễn Văn Lý tại Tòa Tổng Giám Mục Huế hôm 15-3-2010 do thân nhân LM Lý gửi đến RFA.
Chỉ vài giờ sau khi từ trại giam về đến Huế, mặc dù tình trạng sức
khoẻ không được tốt và còn mệt mỏi, Linh Mục Nguyễn Văn Lý vẫn trả lời
phỏng vấn của đài RFA. Dịp này, Ngài ngỏ lời cảm ơn bà con và bạn hữu
đã nhiều năm hiệp thông, cầu nguyện và giúp đỡ cho Ngài, trước khi cho
biết: "...Tôi không bao giờ chấp nhận bản án đã kết án tôi, cho nên
suốt 3 năm nay tất cả các giấy tờ liên quan, dầu một giấy nhỏ nhất chỉ
là một giấy mua hàng thôi, mua quà, mua thức ăn hàng ngày thôi, tôi
cũng vẫn ký là ‘tù nhân lương tâm’.”
Tối cùng ngày, Ngài trả lời Trà Mi của đài VOA: "...Xin nói ngay là
không phải tôi được trả tự do, mà là tạm đình chỉ thi hành án để chữa
bệnh... Tôi không nhận bản án. Tôi cũng không coi mình là phạm nhân, mà
luôn coi mình là tù nhân lương tâm... Trong biên bản, tôi cũng ký là
một tù nhân lương tâm, chứ tôi không nhận mình là một phạm nhân.” Về
căn bịnh mà theo đó Ngài được công an cho về để chữa trị, một độc giả
tên NGUYEN (Germany) đã góp ý trên DCV Oline [14/3/2010] rằng: "Tôi
được biết Linh mục Nguyễn văn Lý có một khối u trong não, không biết là
ác tính (Carcinom) hay bướu hiền (Gutartig) hoặc chỉ là một Angiom,
chắc chắn trong thời gian ở bệnh viện công an Hà Nội, csVN biết rất rõ
đây là khối u gì, chỉ sợ là csVN biết trước Ngài sẽ chết nếu không cho
chữa chạy nên cho về để chết ở nhà để khỏi mang tiếng, sự kiện thả Ngài
một cách bất ngờ nói lên điều này. Mau mau tìm cách can thiệp cho Ngài
đi ngoại quốc chữa trị.”
Hình như không mấy người bận tâm đến điều đó, nên khi trả lời Trà Mi
về hành động công an bịt miệng Ngài giữa phiên tòa, Ngài nói: "Trước
tòa, tôi đã có sẵn các câu để phát biểu, cũng có những lời để chứng
minh rằng ở Việt Nam hiện nay không tự do dân chủ, nhất là tự do ngôn
luận... Nhưng tôi biết rằng không thể nói được. Cho nên tôi phải chọn
một thái độ là đọc thơ. Thì hành động bịt miệng đó đã nói lên nhiều hơn
những điều mà mình định nói. Tôi chỉ đọc đi đọc lại 4 câu thơ thôi, chứ
không làm gì bạo lực cả. Tất cả những ai chứng kiến phiên tòa đều biết
rằng tôi chỉ đọc thơ chứ có làm gì đâu. Họ nói tôi xô ngã hai công an.
Ðó là vu khống chứ lúc đó tôi đã tuyệt thực qua ngày thứ 8 rồi làm sao
đủ sức xô ngã hai công an? Người ta đã bịt miệng tôi 4 lần tất cả” Ngài
cũng cho biết thêm: "Ðã chọn con đường tù đày để làm việc thì càng ở tù
tôi càng tỉnh táo và khôn ngoan hơn thôi. Những người đấu tranh bất bạo
động thì càng ở tù thì càng mạnh hơn. Ðối phương càng bắt bớ càng yếu
hơn. Chuyện tù đày là cái giá phải trả của những người đấu tranh chân
chính.”
Còn nhớ, 9 ngày trước đó, 6/3/2010, Luật sư Lê Thị Công Nhân được
trả tự do và cũng đã ghi ngay trên biên bản trình diện về quản chế tại
địa phương câu viết ngắn gọn "Tôi không chấp nhận bản án tòa đã tuyên
cho tôi trong đó có phần quản chế này” trước khi ký tên. Sau đó, ngày
9/3/2010, khi bị bắt trên đường đi mua sắm cô cũng đã từ chối viết bản
tường trình về việc vừa bị bắt và cho biết trong trại giam cô còn không
làm điều này theo lệnh của công an. Nhân định về những chuyển biến dồn
dập xảy ra đó, hôm 12/3/2010, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ
(USCIRF) tuyên bố Việt Nam lại tiếp tục tái phạm về nhân quyền và tự do
tôn giáo bằng việc tạm giữ Lê Thị Công Nhân. Ông Leonard Leo, Chủ tịch
USCIRF cho biết: "USCIRF lên án công an quấy rối và tạm giam Lê Thị
Công Nhân bằng ngôn từ mạnh nhất có thể. Cô trình bày tương lai tốt
nhất của Việt Nam và không phải là mối đe dọa đối với chính quyền. Cộng
đồng quốc tế cần phải hành động để đảm bảo rằng cô không bị trao đổi từ
nhà tù này sang nhà tù khác. USCIRF cũng kêu gọi phóng thích vô điều
kiện Lê Thị Công Nhân và những người ủng hộ cách ôn hòa về nhân quyền
và tự do tôn giáo, bao gồm cả Cha Nguyễn Văn Lý và Nguyễn Văn Ðài.
Chúng tôi thúc giục Ðại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam lặp lại lời kêu gọi này
và gặp gỡ Lê Thị Công Nhân”. Phần Bộ Ngoại giao Mỹ, ngày 11/3, trong
bản báo cáo thường niên về nhân quyền trên thế giới, cũng đã chỉ trích
việc Hà Nội gia tăng đàn áp các nhà bất đồng chính kiến.
Ðối với tin Linh mục Lý được ra tù trị bịnh Ông Brittis Edman,
chuyên viên nghiên cứu Việt Nam của Tổ chức Ân xá Quốc tế nói: "Linh
mục Lý trước hết không nên bị án tù. Sự thả tự do cho ông nên vĩnh viễn
và vô điều kiện và ông nên được cho phép chữa bệnh đàng hoàng, đúng
đắn... Bước khả quan nho nhỏ này xảy ra trên căn bản của một tình trạng
nhân quyền đang bị tồi tệ hẳn đi, với 16 nhà bất đồng chính kiến đang
bị tù chỉ nội trong sáu tháng qua, và hằng chục người khác hiện đang bị
giam cầm vì chỉ trích chính sách nhà nước.” Ngoài ra, Tổ chức Ân xá
Quốc tế cũng tiếp tục kêu gọi Nhà nước Việt Nam sửa đổi hay hủy bỏ phần
an ninh quốc gia trong Luật Hình sự, vì đạo luật này thực chất là nhắm
vào chuyện bắt giam và bịt miệng những nhà bất đồng chính kiến. Nhà
nước Việt Nam phải cho phép những người bất đồng chính kiến ôn hòa hoạt
động, phải cho phép sự tranh luận, tự do ngôn luận và hội họp phù hợp
với sự cam kết của Việt Nam theo luật quốc tế, và thả tự do cho tất cả
các tù nhân lương tâm. Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới trụ sở tại
Paris, cũng ra thông cáo hoan nghênh việc trả tự do tạm cho cha Lý,
nhưng tỏ ý mong muốn là vị linh mục này sẽ được chữa trị mà không có sự
canh gác của công an, đồng thời kêu gọi nhà cầm quyền đừng đưa linh mục
trở vào tù. Về phần tổ chức Human Rights Watch của Mỹ thì cho rằng việc
trả tự do tạm cho Linh mục Nguyễn Văn Lý là một bước theo đúng hướng,
nhưng kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho "hàng trăm người
khác đang bị giam cầm một cách vô lý chỉ vì đã bày tỏ chính kiến hoặc
tín ngưỡng một cách ôn hòa”. Mặt khác, theo tổ chức này, việc cho cha
Lý tạm ngưng thi hành án để được chữa trị vẫn chưa làm giảm đi tình
trạng nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam. Hơn nữa, Bà Maran Turner, Giám Ðốc
Freedom Now, một công ty luật trụ sở tại thủ đô Washington đóng vai trò
luật sư quốc tế bênh vực cho LM Nguyễn Văn Lý, thì việc Cha Lý được
phóng thích là điều vui mừng, nhưng, bà nhấn mạnh, Việt Nam vẫn còn
nhiều thách thức về nhân quyền. Nhà nước Việt Nam vẫn tiếp tục bỏ tù
nhiều nhà dân chủ khác.
Phần người Quốc gia Việt Nam ở hải ngoại, hầu như tất cả mọi người
được tin Luật sư Lê Thị Công Nhân được ra khỏi nhà tù nhỏ đều bày tỏ
lòng cảm mến và sư ngưỡng phục sâu xa. Ðối với Lê Thị Công Nhân, trong
một lá thư ngỏ đăng trên DCV Online, ngày 14/3/2010, Trần quang Hạ đã
cho biết: "Chị được cảm mến vì tinh thần đấu tranh bất bạo động và được
ngưỡng mộ vì niềm tin không lay chuyển. Khi chị trong tù, hình
Luật sư Lê Thị Công Nhân
chị đã được in thành tem, tên chị đã biến thành lời hát, lời chị nói
cũng được trích dẫn. Chị là nguồn cảm hứng cho nhiều thanh niên về tinh
thần dân chủ, là gợi mở tự hào dân tộc về những người phụ nữ Việt, chị
được ngưỡng mộ là kết quả tất nhiên... Trong trả lời phỏng vấn đài RFA
chị có nói đã mất đi những người bạn. Tôi cảm nhận được nỗi buồn mất
bạn, nhất là tình bạn gắn bó nhau từ thời thơ ấu. Ba năm tù đã làm chị
mất đi vài người bạn, họ xa lánh vì sợ hãi chứ nhất định không xa lánh
vì lý tưởng của chị. Nhưng cũng trong những năm ấy, chị đã có hàng
triệu người bạn khác mà chị không biết, chị đã chinh phục hàng triệu
trái tim bằng chính nhân cách của mình. Mong chị hãy vui lên, hãy chấp
nhận những mất mát vì chính đó là điều mà xã hội lề phải mong muốn.
Người ta không khuất phục được chị thì ít ra sau 3 năm tù, phải để họ
đạt được một điều gì chứ?... Chị vừa về đã có điện thoại các cơ quan
truyền thông lớn gọi phỏng vấn. Chị bị tạm giữ 4 tiếng đồng hồ thế giới
cũng biết, chị mua sắm mọi người cũng biết, bài nào nói về chị cũng
đứng đầu danh sách số lần đọc nhiều nhất... Sự quan tâm như thế nói lên
sự khẳng định hình ảnh Lê Thị Công Nhân. Chị đã làm nhiều hơn những gì
mọi người mong muốn”.
Phải chăng vì vậy mà nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam tạm thả linh
mục Lý và không dám tiếp tục sách nhiễu Luật sư Lê Thị Công Nhân để
tránh "Ðòn CPC” mà Hoa Kỳ đang chuẩn bị trừng phạt CSVN, để mong dư
luận lãng quên đi phần nào thời cuộc nóng bỏng đang càng lúc càng dồn
dập hơn những lời công kích của các tướng lãnh, trí thức và các tầng
lớp dân chúng bất mãn, trên khắp các lãnh vực... Xin liệt kê một số
trường hợp cụ thể:
1. Phong trào dân oan đòi đất bị chiếm đoạt mà vô số đảng viên cán
bộ từ địa phương đến trung ương đều có tội, không cách gì giải quyết
được, trong đó có nhiều tên lãnh đạo hàng đầu Ðảng và Nhà nước Cộng hòa
Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và con cháu đang trở thành những quý tộc đỏ
hoang dâm vô độ không cách gì kềm chế và che giấu được...
2. Nạn tham nhũng tràn lan trong hàng ngũ lãnh đạo mà không tòa án
nào dám rớ tới, như vụ PMU 18; vụ PCI ăn hối lộ của Nhựt Bổn, mà tội
phạm Huỳnh Ngọc Sĩ cho dầu có xử phúc thẩm tăng án gấp đôi cũng vẫn
chưa êm; vụ Securency ở Úc đã được phía Úc thông báo tỷ mỷ mà vẫn chưa
dám khởi tố... Ngay cả cán bộ cao cấp đụng tới cũng phải đi tù, cho dầu
nạn nhơn mang quân hàm tướng công an lâm bịnh trầm trọng cũng phải nằm
trên "băng ca” hầu tòa, lãnh án...
3. Ðảng và Nhà nước CSVN bị tấn công tới tấp vì không bảo vệ được
chủ quyền dân tộc đối với biên cương và hải phận, không bảo vệ được ngư
dân đánh cá bị "hải tặc” mặc binh phục Trung Cộng đánh đập, cướp bóc.
Sinh viên học sinh thanh niên đòi "Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam”
chỉ bị dập tắt giai đoạn, để rồi Nhà nước mới đây cũng phải nhìn các
nón áo mang chữ "Hoàng Sa Trường Sa Việt Nam” được phân phát cho đồng
bào mặc, đội, giữa đám đông thăm đền Ngọc Sơn mà công an không sao ngăn
chặn nổi [xem hình].


Người mặc áo và đội mũ "HS. TS. VN.” trong số khách đi thăm đền Ngọc Sơn.
4. Các blogger kể tội khiếp nhược của Ðảng và Nhà nước Cộng hòa Xã
hội Chủ nghĩa Việt Nam càng lúc càng có thêm người tham gia, có đông
đảo người đọc, mà Ðảng và Nhà nước coi như bó tay trong chuyện tìm cách
phá sập các Diễn Ðàn Internet, qua đó mọi tội lỗi của Ðảng và Nhà nước
được loan truyền rộng rãi; đặc biệt qua các vụ Thái Hà, Ðồng Chiêm,
Loan Lý... Bát Nhã... khiến nỗi bất mãn trong lòng các tín đồ Thiên
Chúa Giáo, Phật Giáo... vượt quá tầm kiểm soát, có cơ nguy làm sụp đổ
chế độ trong thời gian ngắn...
5. Việc khai thác bauxite càng lúc càng lộ rõ mặt thật nô lệ Bắc
Kinh của Nguyễn Tấn Dũng, Nông Ðức Mạnh..., những Thái thú gia nô của
Bắc Kinh, khiến một số không nhỏ thành viên khác trong Bộ Chánh trị e
ngại đụng tới. Ðiều này cũng hiện rõ trong chuyện bỏ phiếu bắt giam các
ông Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Ðịnh và Lê Thăng
Long, được Nguyễn Ngọc Giao, người trí thức lâu nay đứng về hàng ngũ
CSVN, cho biết nguyên văn: "Sự thực trong cuộc bỏ phiếu nói trên, không
phải bốn, mà chỉ có ba người bỏ phiếu bắt giam, đó là các ông Nông Ðức
Mạnh, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng. Bốn người bỏ phiếu chống (ông
Nguyễn Minh Triết và ba người khác); tám người còn lại trong Bộ chính
trị không bỏ phiếu.” [lần trước Nguyễn Ngọc Giao nói không đúng, sau
khi phối kiểm lại đã đính chánh như trên, nhưng vẫn chưa dám nêu tên 3
người chống]. Ðiều này cho thấy Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Ðũng đã
đứng hẳn về phía Trung Quốc trong thế tranh ghế Tổng Bí Thư, hay ít ra
cũng là Thủ tướng, trong kỳ Ðại hội Ðảng XI đầu năm tới [2011].
6. Nạn cho thuê rừng của 10 tỉnh bị phát giác là thứ tội lỗi trầm
trọng đến độ trên mạng Bauxite Việt Nam, xuất hiện thêm bài viết nhan
đề "Thêm một lão tướng phản đối cho thuê đất rừng: Thư của Thiếu tướng
Nguyễn Hữu Anh gửi UBTVQH” đăng ngày 9-3-2010, cho biết về diện tích
rừng cho thuê, có đoạn: "...Trong một thời gian ngắn, ở một không gian
khá rộng trên địa bàn 10 tỉnh, miền Bắc có, miền Trung - Tây Nguyên có,
miền Nam có, có cả những địa bàn hiểm yếu về quốc phòng, an ninh, kinh
tế, 10 tỉnh đã cho trên 10 doanh nghiệp nước ngoài chủ yếu là Trung
Quốc, Ðài Loan, Hồng Kông thuê dài hạn (50 năm) đất rừng có cả rừng đầu
nguồn để họ kinh doanh rừng, với diện tích trên 305.000 hecta = 3050
cây số vuông tương đương diện tích đất một tỉnh như Hà Nam. Việt Nam
đất đã hẹp, người lại đông, vài ba chục năm nữa dân số có thể lên tới
120 triệu người, dân miền núi, dân nông thôn lấy đất ở đâu để canh tác?
Một việc làm động trời vậy mà các ông Chánh văn phòng UBND và Giám đốc
sở kế hoạch đầu tư Lạng Sơn còn dám cao giọng nói là không có gì đáng
lo ngại! Ðã thẩm định kỹ càng! Ðã cân nhắc lợi hại! Không vi phạm gì
chủ trương chính sách chung...”. Như vậy là không một tiếng súng 10
tỉnh của đất nước đã lọt vào tay Tàu. Vấn nạn này còn lộ rõ hơn khi
Diễn Ðàn Bauxite Việt Nam có thêm bài viết của NH, nhan đề "Thư bạn
đọc: Kính gửi các bác Ðồng Sỹ Nguyên, Nguyễn Trọng Vĩnh, Nguyễn Hữu
Anh!” trong đó có đoạn: "...hiện nay, đất ven biển Ðà Nẵng cũng đã cho
nước ngoài (có cả Trung Quốc, Ðài loan...) thuê 50 năm. Cháu mong rằng
việc các tỉnh, thành phố cho nước ngoài thuê đất ven biển 50 năm ở
những địa bàn hiểm yếu về quốc phòng, an ninh, kinh tế cũng cần được
Trung ương kiểm tra, thống kê và ngăn chặn kịp thời vì vấn đề Biển Ðông
của chúng ta đang ‘rất nóng’... Việc cho nước ngoài thuê đất rừng, đất
ven biển hình như mang lại siêu lợi nhuận về kinh tế cho nên các tỉnh,
thành phố đã coi nhẹ vấn đề an ninh quốc gia, hay còn một lý do nào
khác nữa mà sao cháu thấy họ đua nhau cho thuê nhiều đến thế...? Một vị
lãnh đạo cao nhất của thành phố trực thuộc Trung ương đã trả lời và
phân tích cho cử tri, khi họ thắc mắc về việc thành phố cho nước ngoài
thuê 50 năm quá nhiều đất ven biển: ‘chúng ta chẳng phải làm gì cả mà
lại có tiền thu được từ việc cho thuê đất và từ các dịch vụ kinh doanh
của họ thì sướng quá chứ còn kêu ca, thắc mắc cái gì. Thành phố chỉ cho
thuê có 50 năm chứ có bán đâu mà sợ mất Nước!’ Cháu thấy câu trả lời,
phân tích của vị lãnh đạo này sao mà giản đơn quá, và hình như là còn
chưa xứng tầm nữa phải không các bác?” Nên nhớ, sau vụ xung đột đẫm máu
vào năm 1979, Trung Quốc vẫn không ngừng âm mưu từng bước, từng bước
lấn chiếm Việt Nam. Bây giờ như vậy đó.

Á Hậu Thụy Vân, Tiến Lộc và Lưu Thành Ðạt - ba diễn viên chính của phim sặc màu Tàu. (Hình: VNX)
7. Trên khía cạnh văn hóa, từ nhiều năm trước dân chúng đã bất mãn
khi nhìn thấy pho tượng Lý Thái Tổ ở bên bờ Hồ Hoàn Kiếm là sự mô phỏng
rõ rệt hình ảnh một ông vua Tàu trong phim bộ Trung Quốc! Nay, vấn đề
đã trở nên vô cùng tệ hại khi bộ phim sẽ được trình chiếu kỷ niệm "Ngàn
Năm Thăng Long”, kỷ niệm ngày vua Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long, khai
sinh ra thành Thăng Long trong một chuỗi lịch sử quan trọng nối nhà
Ðinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý lại là bộ phim do Tàu thực hiện với đạo
diễn và kỹ thuật của phim trường Tàu. Theo bản tin của VNExpress ngày
16 tháng 3 năm 2010 thì "Ðạo diễn nổi tiếng Trung Quốc Cận Ðức Mậu đảm
nhận công việc dẫn dắt các diễn viên Việt Nam hoàn thành bộ phim ‘Lý
Công Uẩn - Ðường tới thành Thăng Long’ với những cảnh quay hoàn toàn
tại phim trường Hoành Ðiếm... Phim được bấm máy ngày 13 tháng 12 năm
2009 và hoàn tất các cảnh quay vào cuối tháng 3 năm nay... Diễn viên
Trung Quốc chỉ tham gia vai quần chúng...” Nhưng, bên cạnh số diễn viên
Việt Nam trông y như Tàu [xem hình], cảnh quần chúng Tàu tràn ngập màn
ảnh sẽ đưa tới những hệ lụy nào? Nó không chỉ khiến dân chúng thủ đô
bất bình mà toàn dân Việt không thể không lên án đám Thái thú đang cầm
quyền cai trị Việt Nam là những gia nô hèn hạ, những tội đồ của Tổ Quốc
Việt Nam. Còn nhớ, ngày 30 tháng 8 năm 2007, Lê Ðức Tiến, giám đốc hãng
phim quốc doanh VietNamfilm hùng hồn tuyên bố làm một phim nhựa kỷ niệm
1000 năm Thăng Long về Lý Công Uẩn tới nơi tới chốn để "không xấu hổ
với tiền nhân”. Bây giờ chuyện xảy ra như vậy Tiến có xấu hổ không? Hỏi
cũng là cách trả lời rồi vậy!
Hẹn con thư sau,
Giáo Già