Thứ Hai, 2024-12-23, 8:55 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2011 » Tháng Chín » 27 » “Không ai dọa được Nhà nước!”
7:49 AM
“Không ai dọa được Nhà nước!”

Hữu Nguyên

Có một thực trạng khá phổ biến trong hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) từ rất nhiều năm qua là chuyện thiếu công khai minh bạch thông tin cũng như trách nhiệm giải trình của các đơn vị này, của cơ quan chủ quản trước nhân dân. Vì vậy, các DNNN vẫn thường chiếm giữ "thế thượng phong” khi làm ăn có lãi thì họ cho đó là sự thành công của doanh nghiệp, còn lúc thua lỗ thì lại đổ cho là phải "gánh vác” quá nhiều trách nhiệm xã hội và "điệp khúc” quen thuộc của họ là đòi hỏi Nhà nước phải giải cứu.

"Bài ca tăng giá” luôn trở thành giai điệu thường trực của các DNNN. Kinh doanh xăng dầu là một trong những ví dụ rất điển hình cho hiện tượng này. Chiếm giữ những nguồn lực quan trọng của đất nước, được hưởng nhiều ưu đãi để có thể hoàn thành trách nhiệm "độc quyền” thực hiện nghĩa vụ xã hội, đảm bảo ổn định việc cung ứng xăng dầu cho nền kinh tế và sinh hoạt tiêu dùng của nhân dân, nhưng khi khó khăn, đáng lẽ phải tìm cách giải quyết sao cho hợp tình hợp lý, thì những quan chức được Nhà nước tin cậy giao trọng trách đã vội vàng đưa ra lời đe dọa: "Có nguy cơ tan vỡ toàn bộ hệ thống xăng dầu do Bộ Công thương quản lý”.

Nhiều người dân đồng cảm với Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ khi ông chỉ thẳng ra thái độ và kiểu cách phát biểu đó của những người giữ trọng trách trong ngành kinh doanh xăng dầu của quốc gia là sự "đe dọa Nhà nước”. Ngay lập tức ông Huệ đanh thép khẳng định: "Nhà nước không dọa ai và cũng không ai dọa được Nhà nước”. Không khó để hiểu khái niệm "Nhà nước” mà ông Huệ dùng ở đây là "Nhà nước của dân, do dân và vì dân” khi ông thẳng thắn nói rõ quan điểm điều hành giá xăng dầu của Bộ Tài chính mà ông là người đứng đầu: "không phải vì lợi ích của các doanh nghiệp đầu mối mà phải vì quyền lợi của hơn 80 triệu người dân Việt Nam”. Mà thực ra các doanh nghiệp đầu mối mà ông Huệ nói tới ở đây là ai? Đó phải chăng là những DNNN đang chiếm độc quyền tới 90% thị trường xăng dầu trong cả nước và nguồn vốn, tài sản, quyền lực cũng như hàng loạt các chính sách ưu đãi mà họ thường xuyên được hưởng là do Nhà nước giao cho, cũng có nghĩa là được nhân dân ủy thác thông qua sự quản lý của Nhà nước. Thế nhưng họ đã không quan tâm tới các lợi ích của người dân, cũng như tới các chính sách quốc gia mà Chính phủ đang ra sức thi hành để tìm cách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Bằng các giải trình "tù mù” khó hiểu, các doanh nghiệp này liên tục đòi hỏi tăng giá vì lý do họ đang phải gánh lỗ quá nhiều, quá lâu. Các tính toán lỗ lãi của các doanh nghiệp này cũng như của Bộ Công thương từ khá lâu nay chưa hề được công bố công khai, minh bạch và hầu hết cơ quan chức năng cũng như người tiêu dùng không biết mình đang trả tiền cho những khoản gì trong mỗi lít xăng dầu. Như thế rõ ràng là không sòng phẳng, "độc quyền” lại kèm theo khả năng "làm giá” sẽ khiến cho người tiêu dùng bất lợi và tất nhiên một khi Nhà nước vẫn chưa có cơ chế kiểm soát hữu hiệu thì cơ chế giá theo kiểu "xin – cho” sẽ vẫn luôn là vùng hoang dã cho các nhóm lợi ích trục lợi.

2011_230_15_xang.jpg
Người tiêu dùng không biết mình đang trả những khoản gì trong mỗi lít xăng dầu

Không riêng gì lĩnh vực xăng dầu, trong nhiều lĩnh vực kinh tế trọng yếu khác của đất nước, một khi có hiện tượng độc quyền và thiếu kiểm soát của Nhà nước thì hiện tượng lạm quyền để phục vụ cho nhóm lợi ích cũng đang ngày càng trở nên phổ biến. Trong chuỗi sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, khi người nông dân – chủ nhân đích thực của những hạt gạo – không được sự giúp đỡ hiệu quả của Nhà nước để có thể đòi quyền định đoạt giá trị của hạt gạo do mình làm ra thì đương nhiên, giá cả của hạt gạo sẽ nằm trong tay các doanh nghiệp độc quyền. Khi đó, số đông người trồng lúa lại phải cay đắng chấp nhận đứng vị trí cuối cùng trong bảng phân phối lợi nhuận, chưa kể họ còn phải gánh chịu hầu như tất cả các rủi ro của thị trường cũng như của thời tiết. Nhà nước khi chưa có đủ công cụ và những nhân tố chủ chốt đủ tầm, đủ năng lực để kiểm soát tình hình thì vẫn luôn phải hứng chịu các "bài ca” kể lể vừa thành tích, vừa khó khăn, vừa đòi hỏi… Riêng trong lĩnh vực lúa gạo thì lại là "bài ca” giảm giá. Mặc dù năm nào các doanh nghiệp cũng được Nhà nước hỗ trợ tài chính để thu mua tạm trữ lúa gạo cho nông dân nhưng hầu như không bao giờ giá thu mua đảm bảo cho nông dân được lợi nhuận tối thiểu 30% như yêu cầu của Chính phủ. Một trong những nội dung của bài "bài ca” cũng mang một phần tính chất của sự "đe dọa” Nhà nước khi nó luôn cảnh báo về nguy cơ khó có thể đảm bảo an ninh lương thực nếu như Nhà nước không đáp ứng các "đòi hỏi” của những doanh nghiệp độc quyền. Trong khi chủ thể của việc đảm bảo an ninh lượng thực quốc gia lẽ ra phải chính là người nông dân. Nếu các chính sách về lợi ích liên tục làm nản lòng người nông dân, khiến họ từ bỏ nghề trồng lúa thì lấy gì để đảm bảo an ninh lương thực?

Các chuyên gia đều cho rằng, để có sự sòng phẳng và tốt cho cả các bên về lâu dài thì cần phải đặt các DNNN vào thế buộc phải cạnh tranh bình đẳng với tất cả các thành phần kinh tế khác. Muốn làm được điều này, một trong những yếu tố tiên quyết là phải có cơ chế công khai, minh bạch hoạt động của các DNNN. Các cơ quan quản lý nhà nước, kiểm soát hoạt động của DNNN phải từ bỏ cơ chế xin – cho. Cơ chế xin – cho và sự "tù mù” trong việc quản lý, kiểm soát hoạt động của DNNN đã mang lại vô vàn hệ lụy mà một trong những hệ lụy rõ nhất là các DNNN luôn rơi vào tình trạng "lời thật lỗ giả” thông qua các báo cáo thiếu trung thực theo kiểu "con khóc mẹ cho bú”, càng khóc to càng được bú nhiều. Thậm chí, đến khi "mẹ lừng khừng không cho bú nữa, con lại có thể sẵn sàng dùng lời lẽ nặng nề "đe dọa” mẹ”.

"Nhà nước không đe dọa ai” là một Nhà nước minh bạch, hoạt động vì lợi ích của dân, được nhân dân giám sát thông qua Hiến pháp và pháp luật bởi các cơ quan dân cử và chức năng truyền thông. "Không ai đe dọa được Nhà nước” khi những quan chức hành xử nhân danh Nhà nước thật sự công bằng, đúng pháp luật, vì quyền lợi của quốc gia và lợi ích của nhân dân. Không một ai có thể đe dọa được các quan chức nhà nước liêm chính khi họ hành xử chức trách đúng pháp luật, đúng chuyên môn nghiệp vụ và không bị ràng buộc bởi cơ chế xin – cho. Họ không bị "méo mó” bởi các giải trình bất cập và càng không bị chi phối bởi sự "liên minh” lợi ích với các DNNN quen với việc coi trọng lợi ích riêng tư của mình hơn là trọng trách trước nhân dân cũng như với nền kinh tế quốc gia.

Theo ĐĐK

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 657 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Chín 2011  »
SuMoTuWeThFrSa
    123
45678910
11121314151617
18192021222324
252627282930
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 10
Khách: 10
Thành Viên: 0