ALAN PHAN Thấm thoát đã năm hết Tết đến. Mùa của các dự đoán kinh tế cho 2013 bắt đầu. Các chuyên gia kinh tế kiếm cơm nhờ mùa này. Cá nhân tôi có 12 tờ báo đặt hàng; chưa kể đến những diễn thuyết tham luận tại
các diễn đàn và hội thảo. Khi tôi từ chối vì thực ra không còn gì để dự
đoán…ai cũng ngạc nhiên. Như Tết mà không có bánh mứt dưa hành, Xuân
không có trẩy lộc mai đào…và báo Xuân không có dự đoán.
Các năm
trước, những chuyên gia kinh tế kiếm tiền quá dễ. Trừ những anh chị
phải lạc quan vì nhận chỉ thị hay tiền thưởng, bất cứ ai vô tư phán xét
đều thấy rõ lối đi của chiếc xe kinh tế Việt.
Quá dễ để tiên đoán
Doanh nghiệp nhà nước làm chủ thể lãnh đạo? Tất cả kinh nghiệm từ OPM
(tiền người khác) qua 5 ngàn năm lịch sử cho thấy sự lãng phí tham ô là
hệ quả tất yếu (và người chủ thực sự của đồng tiền phải cày lưng trả nợ
trong một thời gian dài).
67% tiền đầu tư của quốc gia cho vào
bất động sản ư? Bong bóng phải phình căng và ngày bể bụng là chuyện thời
gian. Rồi 82% phần trăm nợ ngân hàng xuất xứ từ thế chấp BDS? Khi bong
bong BDS vỡ, thì các mùi hôi thối chôn vùi trong đống rác phải xì theo.
Không thể có kết luận nào khác.
Trong khi đó, nguồn vốn thực
của các ngân hàng bị méo mó vì sở hữu chéo, vì công ty sân sau của các
chủ ngân hàng, vì "quan hệ” quan trọng hơn tính khả thi của dự án… Ngày
mà mọi người liên quan phải chốt sổ kết toán phải là ngày của chuông báo
tử.
Còn thị trường chứng khoán? Khi giá cả tùy thuộc vào đội
lái tàu và tin đồn hay hỏa mù, thì sớm hay muộn, các nhà đầu tư chính
thống phải chào thua và bỏ chạy. Trên nguyên tắc, một canh bạc bịp không
thể kéo dài vì số lượng người ngu thường có giới hạn.
Lạm phát, lãi
suất và tỷ giá? Khi chánh phủ qua Ngân Hàng Nhà Nước quyết định các con
số và được Cục Thống Kê hổ trợ đắc lực, xa rời mọi can thiệp của thị
trường, thì hoang tưởng xâm nhập cơ thể và cả quốc gia phải "lên đồng”
và mọi người thi nhau ca múa.
Thị trường là một thế lực cứng đầu
Tôi về Việt Nam vào 2007 với tất cả háo hức của một đứa con vừa tìm về
nhà. Chỉ 6 tháng sau, tôi bắt đầu thấy rõ những thủ thuật qua những con
số thống kê thoa nắn, những chiêu tiếp thị vô trách nhiệm và những lòng
tham cá nhân không kiểm soát. Tôi viết về những dự đoán không lấy gì làm
sáng sủa và những quyền lực đang cầm lái cho chiếc xe kinh tế phản bác
với những lạc quan hồ hởi kiểu viết biểu ngữ. Dù tôi sai về thời điểm
(tôi nghĩ 2010 là năm bản lề) nhưng trận bão năm Thìn 2012 cũng đã đến
với một cường độ Việt Nam chưa hề trải nghiệm.
Tôi kể lại
chuyện cũ không phải để khoe vì thực ra mọi chuyên gia kinh tế có chút
hiểu biết đều đi đến kết luận như tôi (tuy có vài người không tiện nói).
Tôi nói ra để mọi người hiểu là chuyện dự đoán cái vũng lầy mà chúng ta
đang mắc cạn ở đây không gì là khó khăn. Một sinh viên mới ra trường
cũng có thể luận giải được điều này.
Tóm lại, chúng ta sẽ bắt đầu 2013 với một chiếc xe đang kẹt cứng trong bùn.
Định hướng nào đây, bác Mao ơi?
Dĩ nhiên có rất nhiều giải pháp để kéo chiếc xe ra khỏi đầm lầy. Chúng
ta có thể kêu mấy cha tư bản ở xa (Âu Mỹ Nhật IMF..) đem chiếc xe câu
tối tân đến kéo thoát. Chúng ta có thể chạy qua nhờ anh hàng xóm (TQ)
dùng chiếc bán tải. Nhưng dĩ nhiên, ông Alan đã nói là "không gì là miễn
phí”. Chúng ta phải cân nhắc so sánh giá cả phải trả, kể cả bổng lộc
chức quyền của mọi người trong phe nhóm . Chúng ta cũng có thể về nhà,
bắt mẹ đĩ phải lấy "vàng” hay "đô la” cho phe ta đem bán? Hay chúng ta
có thể quyết định tử thủ vì lý tưởng vĩ đại, sống trên xe và chơi giữa
đầm lầy như Bắc Triều Tiên.
Dĩ nhiên, tôi đoan chắc là không
chuyên gia kinh tế nào có thể…dự đoán nổi cái giải pháp sẽ được chọn
lựa. Vì tình hình hiện nay đã không còn là …kinh tế, mà là chánh trị.
Chánh trị ở xứ này thì không ai có dự đoán chính xác, ngoài 5, 10 người
sẽ "đóng cửa bảo nhau”.
Vì thế, khi các báo yêu cầu tôi viết
một bài về… ”dự đoán kinh tế cho 2013” thì tôi chỉ mỉm cười. Sau 5 năm
đi về thường xuyên ở đây, nhân vật quyền lực nhất mà tôi quen biết là
..ông bảo vệ trong khu chung cư tôi sống. Tôi nghĩ ông cũng như 99.99%
các người Việt hoàn toàn không can dự và hay biết gì về quyết định ảnh
hưởng đến đời sống của ông và kinh tế Việt năm 2013 và 5, 10 năm sau đó.
Tôi quen làm khán thính giả cho rất nhiều vở kịch suốt 67 năm qua tại
rất nhiều hí viện. Có nhiều vở kịch nồng hơn mắm ruốc…nhưng tôi bị cấm
không được bỏ về sớm. Phần lớn đạo diễn và diễn viên đều ghét nhà phê
bình. Nhưng mọi thứ rồi cũng thành thói quen. Mizaru, Kikazaru, Iwazaru…
(a)
Alan Phan
Bài viết hiện tại đã bị đục bỏ trên trang nhà của Alan Phan.
|