Ngô Nhân Dụng
Ngày
hôm qua, Luật Sư Lê Thị Công Nhân lại bị công an Cộng Sản bắt cóc đem
về "bót,” chỉ có mấy ngày sau khi được thả. Họ thay nhau thẩm vấn cô
hơn 4 giờ, cuối cùng chỉ cốt để ngăn cản không cho tiếp một phóng viên
ngoại quốc đã hẹn gặp để phỏng vấn cô. Hành động của công an Cộng Sản
vẫn chứng tỏ chế độ này không có một khái niệm nào về liêm sỉ, không
biết xấu hổ, không biết ngượng. Nó cũng chứng tỏ họ sợ thông tin, sợ sự
thật, sợ những người dám nói sự thật.
Cô Lê Thị Công Nhân là một
người đáng khâm phục. Cô là mẫu người bất khuất. Vì cô nhiệt thành tin
vào mục đích của cuộc đời mình. Bước ra khỏi nhà tù Cộng Sản, cô vẫn
tươi cười, thản nhiên, vẫn quyết dấn thân suốt đời tranh đấu cho dân
Việt Nam được sống tự do. Thanh niên Việt Nam có thể noi gương cô. Nhìn
vào tấm gương của cô, thế hệ trẻ ở nước ta sẽ vững tin sẽ có ngày mọi
người đều được sống tự do dân chủ.
Niềm tin đó rất cần thiết. Vì
hiện nay thanh niên nước ta đang bị lôi kéo vào cuộc sống đam mê vật
chất, để chỉ nghĩ đến mình, không quan tâm đến người khác. Trong cuốn
Lạc Ðường của nhà văn Ðào Hiếu, một nhân vật tuyên bố: "Hồi trẻ tôi
thường nghĩ: Làm người thì phải có lý tưởng, phải tin vào một cái gì đó
và phải biết ước mơ... Hàng triệu thanh niên cũng nghĩ như tôi vậy.
Nhưng thật tội nghiệp cho thế hệ thanh niên ngày nay... khi lịch sử đã
chứng minh rằng lý tưởng chỉ là cái mớ giẻ rách...” Ông Ðào Hiếu đã lớn
lên ở miền Nam, học trong hệ thống trường học chế độ Việt Nam Cộng Hòa.
Chính trong hệ thống học đường đó, ông được các thầy cô dậy sống theo
một lý tưởng. Ông đã theo mấy giáo sư mà tin tưởng vào đảng Cộng Sản,
hoạt động nội thành có công, được gia nhập đảng. Sau năm 1975 ông có
lúc được trọng dụng, nhưng hoạn lộ không bằng phẳng vì tính bộc trực,
không chịu luồn cúi. Nhưng tại sao một người trên 65 tuổi đó lại tỏ ý
chán chường như câu "lý tưởng chỉ là cái mớ giẻ rách”? Nhà văn còn kêu
gọi mọi người, "Ðừng tin ai, đừng trung thành với ai, đừng hy sinh vì
cái gì cả... (C)ả lũ chúng ta đang bị lừa.” (Lạc Ðường, in 2008, trang
118).
Ðời sống của cô Lê Thị Công Nhân là những lời khẳng khái
bác bỏ ý tưởng bi quan yếm thế đó. Thái độ bình tĩnh và nụ cười tự
nhiên của cô là một thông điệp hùng hồn nhưng rất giản dị: Chúng ta có
thể sống với lý tưởng. Trong lịch sử nhân loại không thiếu gì những vụ
lừa đảo, những vụ lừa đảo hàng loạt, lừa đảo cả một thế hệ, lừa đảo một
nửa loài người cũng được. Nhưng cuối cùng, suốt lịch sử, loài người vẫn
giữ niềm tin vào những giá trị cao hơn cuộc sống cá nhân mình. Cứ té
ngã rồi lại đứng dậy. Loài người vẫn nuôi nhiều giấc mộng lý tưởng. Và
đó là lý do chúng ta vẫn tiếp tục sống, tiếp tục mưu cầu hạnh phúc, xây
dựng một xã hội loài người tốt đẹp hơn.
Chúng ta cảm ơn những
người như Lê Thị Công Nhân, vì cô đang tặng cho tuổi trẻ Việt Nam một
thứ mà xã hội đang thiếu: Niềm vui sống với một lý tưởng. Dân ta đang
cần sống với niềm tin. Nói theo kiểu Phan Bội Châu đời xưa, chúng ta
vẫn cần "Chấn Dân Khí.”
Hơn một thế kỷ trước đây, trong cuốn Lưu
Cầu Huyết Lệ Tân Thư (lá thư mới viết bằng máu và nước mắt, từ quần đảo
Lưu Cầu), năm 1903, Phan Bội Châu nói tới ba nhu cầu thay đổi của nước
ta: Học thuật, Nhân tài, và Dân khí. Ðổi Học thuật, giống như ngày nay
chúng ta nói phải học hỏi khoa học kỹ thuật tiến bộ của nhân loại.
Dưỡng Nhân tài, cũng giống như nhu cầu cải thiện giáo dục và đào tạo
thanh niên. Phan Bội Châu viết: "Trong ba điều nói trên thì chấn dân
khí là (việc cần làm) trước hết.” (Phan Bội Châu Toàn Tập, xuất bản
1990, cuốn 1, trang 145).
Cụ Phan nhận thấy: "Dân khí nước ta bị
suy giảm quá tệ.” Cụ nêu lên các triệu chứng: Quen thói sợ hãi; thiếu
hiểu biết; người dưới làm điều đê tiện mà không biết hổ, chịu sự ô nhục
mà không biết thẹn; người trên lo trang sức cho đẹp mắt, giữ hủ lậu cho
yên thân.” Tình trạng dân khí đầu thế kỷ 20 như thế. Hiện nay có thấy
tốt hơn hay không, chỉ các nhà trí thức trong nước Việt Nam mới trả lời
được.
Phan Bội Châu mô tả tình trạng Dân Khí tồi tệ, nói có
những kẻ "Nghe một lời nói khác mình thì khiếp sợ như nghe sấm sét;
thấy một người làm khác mình thì cho là quái lạ như Thục khuyển phệ
Nhật, Việt khuyển phệ tuyết.”
Phản ứng của các lãnh tụ đảng Cộng
Sản khi thấy Nguyễn Văn Ðài, Lê Thị Công Nhân đứng lên dõng dạc đòi dân
Việt Nam được quyền sống như những con người; đúng là họ khiếp sợ như
nghe sấm sét! Ðám công an Cộng Sản thấy các ông Nguyễn Thanh Hải, cô
Phạm Thanh Nghiên bầy tỏ ý kiến chống Trung Cộng chiếm Hoàng Sa, Trường
Sa thì cũng kinh ngạc không khác gì những con chó ở nước Thục cất tiếng
sủa khi trông thấy mặt trời, con chó ở nước Việt thì sủa vang lên khi
thấy tuyết; vì những loài chó này ít khi được nhìn thấy các "vật lạ” đó.
Trong
thế kỷ trước, Phan Bội Châu đã đặt câu hỏi: Muốn chấn dân khí, phải làm
thế nào? Một điều bất ngờ đối với những người Việt sống sau Cụ Phan 100
năm, là câu trả lời của Cụ Phan rất có tính thời sự. Cụ chỉ nêu lên hai
việc phải làm. Một: "Cốt yếu là phải tuyệt đường hối lộ để khích lệ
lòng liêm sỉ.” Hai: "Phải bớt lệnh áp bức để cổ võ chí khí cương cường.”
Khi
đọc hai câu trong tựa đề bài này, chắc nhiều vị độc giả không nghĩ đó
là những phương thuốc trị bệnh cho nước Việt Nam do Phan Bội Châu đề
nghị từ thế kỷ trước:
"Tuyệt đường hối lộ,” và "Bớt lệnh áp bức.”
Cụ
Phan không nêu lên hai việc cần thiết đó như là những khẩu hiệu chống
chế độ thực dân Pháp, hoặc chống triều đình nhà Nguyễn nhu nhược hủ
lậu. Nhưng cụ coi đó là 2 việc cần làm để giúp cho "dân khí” nước ta
phấn chấn. Chấn Dân Khí nghĩa là làm sao con người Việt Nam không hèn
nhát, không ỷ lại, không ích kỷ, không sợ cường quyền. Hai cụ Phan Châu
Trinh và Phan Bội Châu đều coi việc chấn dân khí là quan trọng nhất
trong công cuộc phục hồi phẩm giá và danh dự cho dân tộc Việt Nam. Một
trăm năm sau, điều này vẫn đúng.
Phan Bội Châu coi chống tham
nhũng là phương tiện: Phải chấm dứt nạn tham nhũng hối lộ, thì mới tập
cho người dân Việt biết thế nào là liêm sỉ. Liêm sỉ mới là cứu cánh.
Trong một xã hội mà giới trẻ lớn lên thấy muốn gì cũng phải có tiền; và
nếu có tiền thì cái gì cũng mua được; trong xã hội như vậy, thanh niên
sẽ mất hết khái niệm về đức liêm sỉ. Trước đây nửa năm, công an Lâm
Ðồng bắt đầu tấn công quậy phá các tăng ni trẻ tu tập ở Tu viện Bát
Nhã; lúc đó đã có người đánh tiếng rằng vụ rắc rối này có thể thu xếp
được. Người ta đưa điều kiện là phải đưa ra một triệu đô la Mỹ. Nhưng
các thiền sinh trẻ tuổi ở Tu viện Bát Nhã đã từ chối. Nếu ngỏ lời kêu
gọi lạc quyên, thì dù nêu ra bất cứ lý do nào, họ có thể được Phật tử
khắp thế giới quyên góp, chắc cũng đủ gần triệu Mỹ kim, có thể mặc cả.
Nhưng họ không làm.
Vì họ không thể đóng vai những người đi đưa
tiền hối lộ, "cho tiện công việc”. Họ đang tập lối sống chính trực,
lương thiện, và muốn khuyến khích mọi người sống chính trực, lương
thiện. Nếu đưa tiền hối lộ thì chẳng khác gì tự phủ nhận lý tưởng sống
của mình! Họ ở lại tu viện Bát Nhã để làm gì nếu chính lý tưởng của
mình đã bị mất? Họ không đưa tiền hối lộ, vì họ yêu nước Việt Nam. Theo
đúng lời khuyên của cụ Phan Bội Châu, họ chứng tỏ ở trong nước Việt Nam
hiện nay còn rất nhiều người vẫn giữ vững liêm sỉ. Trên đời không phải
cái gì cũng mua được! Các tăng ni Bát Nhã đã làm gương cho giới trẻ
Việt Nam. Phan Bội Châu viết rõ ràng: "Con đường hối lộ chưa chặn hẳn
thì dân khí không sao chấn được!” (Toàn Tập, cuốn 1, trang 146).
Cô
Lê Thị Công Nhân, trong một hoàn cảnh khác, cũng nêu tấm gương sáng cho
giới trẻ nước ta, theo đúng lời khuyên thứ hai của Phan Bội Châu. Cô và
các nhà tranh đấu dân chủ khác đang đòi chính quyền Cộng Sản bớt áp bức
những người dân bị oan khuất và các nhà trí thức bất đồng ý kiến. Chính
họ đang "cổ võ ý khí cương cường” cho thế hệ các thanh niên đang lớn
lên. Nói theo lối cụ Phan, những cuộc tranh đấu đòi tự do dân chủ của
giới trí thức nước ta, từ Nguyễn Huệ Chi, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Ðan Quế hay
Thích Quảng Ðộ, Nguyễn Văn Lý đều "chống áp bức” để giúp cho người dân
Việt Nam hết sợ hãi. Khi đó, "công luận vững như sắt đá, chính lý sáng
từ cổ kim; búa rìu không uy hiếp nổi, uy quyền không đe dọa được.”
(trang 147)
Phan Bội Châu viết lá thư "Lưu Cầu” này ở Huế, nhưng
mượn tên hòn đảo Nhật Bản này vì số phận của dân họ cũng giống nước
Việt Nam lúc đó. Lưu Cầu, Riu Kiu, vốn là một vương quốc độc lập không
thuộc giống dân Nhật, đã bị Nhật Bản chiếm nhiều lần và bị sáp nhập từ
năm 1879, đổi tên là quần đảo Xung Thằng (Okinawa), họ mất nước từ đó
tới nay.
Nhiều người Việt Nam cũng đang lo mối nguy mất nước,
lúc này đọc lại những lời huyết lệ của cụ Phan còn thấy hợp. Muốn nước
đứng vững và tiến lên, trước hết phải chấn hưng "dân khí.” Phải nâng
cao tinh thần tự tin và nuôi dưỡng lý tưởng của thanh niên. Lý tưởng
không phải là "những cái giẻ rách.” Lý tưởng có thật. Nó giúp cho đôi
mắt của Lê Thị Công Nhân lúc nào cũng sáng ngời. Lý tưởng biến các tăng
ni trẻ Bát Nhã thành những hạt giống Bồ Ðề. Và chính vì những lý tưởng
vị tha, Ðức Giám Mục Ngô Quang Kiệt khuyên các giáo dân từ Vinh lên đưa
tiễn ngài hãy thắng mọi sợ hãi. "Chúng ta phụng vụ trong Ðức Tin chứ
không phải trong sợ hãi.” Trên đường sang Roma chữa bệnh ngài cũng yêu
cầu mọi người hãy can đảm "nói sự thật” mà không sợ đàn áp. Ðó là những
bản tuyên ngôn "Chấn dân khí” gửi đến tuổi trẻ Việt Nam.
Chúng
ta thấy ở trong nước Việt Nam còn bao nhiêu người nuôi đức tin mãnh
liệt, tin vào vào lẽ phải và sự thật, tin tưởng vào phẩm giá con người,
tin con người có khả năng hướng vào điều thiện. Tất cả chúng ta có thể
lạc quan. Thanh niên Việt Nam có thể sống với lý tưởng; và họ rất đáng
sống với lý tưởng. Năm 1903 Phan Bội Châu còn phải chứng kiến nước ta
sống dưới ách đô hộ của thực dân Pháp và lũ quan lại hủ bại nhà Nguyễn.
Nửa thế kỷ sau, dân Việt Nam đã đứng lên phá bỏ gông xiềng. Chế độ Cộng
Sản sẽ tàn lụi không khác gì các chế độ thực dân và phong kiến.
http://www.nguoi-viet.com/
|