Luật sư bất đồng chính kiến Lê Thị Công Nhân vừa được về nhà từ trại giam số 5, Thanh Hóa, hôm thứ Bảy 06/03 sau ba năm thi hành án tù vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN.
Tuy vậy, theo bản án phúc thẩm hồi tháng 11/2007, chị còn phải chịu thêm 3 năm quản chế tại gia.
Một ngày sau khi được trả tự do, Lê Thị Công Nhân nói chuyện với BBC, trong đó chị khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi lý tưởng của mình.
BBC: Đầu tiên xin chị cho biết cảm tưởng của mình khi rời trại giam hôm thứ Bảy?
Lê Thị Công Nhân: Cảm tưởng đầu tiên của tôi có lẽ là hơi ghen tị một chút với những người tù bình thường, vì niềm vui của tôi không được trọn vẹn. Mặc dù đã xác định cho bản thân là cái tự do mà mình sắp được hưởng sẽ có giới hạn, nhưng tôi bất ngờ vì thực sự không cảm thấy tự do một chút nào hết.
Công an họ giữ tôi tới tận 11:15 mới cho ra khỏi khu giam và họ áp giải từ đó tới khi về nhà.
Tới nay thì họ vẫn cho nhiều người canh giữ bên ngoài nhà, có gương mặt nhân viên an ninh cũ từ trước tôi nhận ra, và có cả người mới.
Nhưng khi tới nhà, thì tôi rất xúc động, và cả bối rối nữa. Cảm giác nó như là một cơn ác mộng, một cơn ác mộng kéo dài ba năm nay mà chỉ những ai đã từng đi tù về chắc mới có thể chia sẻ được với tôi.
BBC: Một cơn ác mộng kéo dài ba năm như chị định nghĩa thì chắc để lại nhiều dư ấn về cả tâm lý và thể chất?
Lê Thị Công Nhân: Vâng, chắc chắn rồi. Ít có ai qua được những thử thách trong tù và suốt ba năm liền tôi bị mắc chứng đau đầu nặng.
Lúc nào tôi cũng nghe mạch đập ở trên đầu, đó là ảnh hưởng của tâm lý lên sức khỏe.
Tôi còn mắc thêm nhiều chứng bệnh mới, bệnh cũ thì nặng hơn, nhất là mắt đã cận lên tới 6 độ sau ba năm, may mà chưa tăng nhãn áp.
BBC: Bây giờ nghĩ lại, liệu chị có hối tiếc về những gì mình đã làm khiến phải ngồi tù lâu như vậy không?
Lê Thị Công Nhân: Hối tiếc là từ ít khi xuất hiện trong đầu tôi, mặc dù tôi không phải người tốt đẹp hơn người gì. Nhất là khi nói tới những gì tôi đã làm để phải đi tù, thì lại càng không hối tiếc.
Có tiếc chăng, thì là tiếc rằng mình đã không làm được nhiều hơn mà thôi.
BBC: Ba năm là khoảng thời gian khá dài và một ngày đêm thì chắc chắn không đủ để đưa ra một nhận định gì khái quát. Nhưng liệu Công Nhân có nhận thấy thay đổi nào trong cuộc sống xã hội ngày nay hay không?
Lê Thị Công Nhân: Vâng, đây cũng là điều gây cho tôi nhiều suy nghĩ trên con đường từ trại giam trở về nhà. Tôi thấy có một sự phát triển nhất định về mặt kinh tế mà ai cũng có thể nhận ra, đường xá, xây dựng vv...
Nếu như các phương tiện truyền thông của Nhà nước đồng ý truyền đạt các ý tưởng và tiếng nói của chúng tôi thì tôi rất hoan nghênh, nhưng chắc chắn điều đó sẽ không bao giờ xảy ra.
Lê Thị Công Nhân
Nhưng tôi cũng thấy một điều là chất lượng môi trường sống xuống cấp rõ rệt. Đoạn đường đi trên xe với sáu công an áp tải quả thực rất ngột ngạt, chính ra ở trong tù không khí còn trong lành hơn vì trại giam nằm ở giữa một cánh đồng.
Môi trường và giao thông ở Hà Nội thật là kinh khủng, thật là hỗn loạn, nhiều chỗ nhếch nhác và nghèo nàn một cách không đáng có.
BBC: Một câu không thể không hỏi, là dự định đầu tiên của chị khi về đến nhà là làm gì?
Lê Thị Công Nhân: Dự định đầu tiên hoàn toàn là những chuyện rất riêng tư và cá nhân thôi, như đi khám sức khỏe và nghỉ ngơi.
Thực sự tôi rất mệt mỏi.
Về công việc, thì thực sự mà nói, sau 24 tiếng đồng hồ tôi cũng chưa có đủ thời gian để cập nhật thông tin, gặp gỡ các anh chị, cô bác và những người bạn trong phong trào dân chủ để có định hướng một cách cụ thể. Thế nhưng, chắc chắn tôi không bao giờ từ bỏ lý tưởng của mình.
Về mặt phương thức hay kỹ thuật thì tới thời điểm này chắc cũng chưa có nhiều thay đổi so với ba năm trước, nghĩa là chúng tôi vẫn tiếp tục đấu tranh qua ngòi bút và tiếng nói.
Nếu như các phương tiện truyền thông của Nhà nước đồng ý truyền đạt các ý tưởng và tiếng nói của chúng tôi thì tôi rất hoan nghênh, nhưng chắc chắn điều đó sẽ không bao giờ xảy ra.