Thứ Bảy, 2024-11-23, 9:20 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2012 » Tháng Mười Một » 16 » “Không hoàn thành thì rút lui”
2:53 AM
“Không hoàn thành thì rút lui”

 ĐVO - Tiếp xúc cử tri TP.HCM trước kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIII, khi đề cập đến vấn đề chống tham nhũng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói về mình: "Các đồng chí bầu tôi, tôi biết phải làm gì. Khi thấy mình nhu nhược thì tôi sẽ làm đơn xin nghỉ. Nhân dân đã giao nhiệm vụ thì phải hoàn thành, còn thấy mình không hoàn thành thì rút lui”.
Những chia sẻ thẳng thắn, chân thành của Chủ tịch nước khiến người ta cảm động. Đó cũng là điều mà nhân dân trông chờ ở đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp: nếu không làm được thì nghỉ. Đó là việc bình thường ở một xã hội văn minh – nói như đại biểu Dương Trung Quốc tại phiên chất vấn hôm nay, cũng là việc thường thấy ở các bậc tiền hiền thời xưa. 
 
Theo quan niệm của Nho giáo, người quân tử thường được coi là người hành động ngay thẳng, công khai theo lẽ phải và không khuất tuất vụ lợi cá nhân. Người quân tử là người có đầy đủ các đức tính trong ngũ thường, gồm Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Trong đó, Nhân là quan trọng nhất: người với người đối xử với nhau trên cơ sở tình thương yêu. Tình thương yêu được cụ thể hóa bằng những nguyên tắc: cái gì bản thân mình không muốn hoặc người khác không muốn thì không làm. Mình muốn đứng vững thì làm cho người khác đứng vững; mình muốn thành đạt thì giúp đỡ cho người khác thành đạt. Ngoài ra, người quân tử phải có tri thức để suy xét và hành động, mọi việc làm luôn nhất quán với những gì đã nói. 
 
Trong lịch sử, đã có rất nhiều những bậc hiền nhân quân tử có lòng ưu dân ái quốc, đã từ bỏ mọi danh lợi, cáo quan về ở ẩn khi cảm thấy mình không còn ‘hữu dụng’. Đó là người thầy của muôn đời Chu Văn An, là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, là thi hào Nguyễn Khuyến… 
 
Khi mà chức tước gắn với lợi ích, bổng lộc, cũng như với truyền thống coi "làm quan” là một sự thành đạt duy nhất đáng kể, việc từ chức (cáo quan) là rất khó khăn. Chẳng những rườm rà về thủ tục, việc từ chức ở ta còn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho gia đình, người thân, phe nhóm. Nói cách khác, việc từ chức ở Việt Nam hiện nay khó thực hiện vì sự ràng buộc lợi ích cá nhân. 
 
Trong khi việc từ chức ở ta còn rất nặng nề, thì đối với các nước phát triển, việc từ chức rất dễ dàng. Bởi không làm việc này người ta có thể làm việc khác. Chẳng hạn như cựu Tổng thống Mỹ B.Clinton, khi còn đương chức, lương bình quân khoảng 200.000 USD/năm. Nhưng khi về nghỉ, đi làm diễn giả, có thể kiếm tới 300.000 USD/giờ. Như vậy, một giờ làm việc bằng lương Tổng thống trong trong một năm rưỡi. 
 
Còn tại Việt Nam, nếu một vị bộ trưởng nào đó xin từ chức thì không dễ có một vị trí tốt hơn. Bởi nhiều người ngoài việc "làm quan” ra, đâu có biết làm gì khác, trong khi chốn quan trường là nơi mưu sinh, là nguồn sống, ngoài lương ra còn vô số những bổng lộc khác. 
 
Như vậy, chỉ khi nào chốn quan trường không còn là chốn mưu sinh, không còn nhiều bổng lộc; hệ thống giám sát quyền lực được tổ chức lại, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu; cụ thể hóa trách nhiệm và quyền hạn trong hệ thống công quyền…, may ra lúc đó từ chức mới có thể trở thành văn hóa chính trị. 
 
Còn hiện tại, nhân dân chỉ biết kêu gọi những cán bộ yếu kém, không đủ năng lực và phẩm chất học tập các bậc tiền nhân, hành xử theo lối của người quân tử: không hoàn thành nhiệm vụ thì nên rút, để người khác thay, đừng nên tham quyền cố vị. Cảm thấy mình không còn giúp được gì cho dân, cho nước thì nên tự nguyện xin nghỉ, như chia sẻ thẳng thắn của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
 
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 817 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 40
Khách: 40
Thành Viên: 0