"…Sợ Trung Quốc chỉ là một lý cớ. Lý do thực sự đã khiến những người
lãnh đạo đảng cộng sản chọn lệ thuộc Trung Quốc, với những hậu quả bi
đát cho quyền lợi và thể diện quốc gia, chỉ là chỗ đứng và lòng tham
của chính họ…”
Nhiều
dấu hiệu gần đây cho thấy chính sách ngoại giao của Việt Nam đang có
khuynh hướng giảm bớt ảnh hưởng Trung Quốc và gia tăng quan hệ hợp tác
với Hoa Kỳ. Việt Nam tăng cường không quân và hải quân mà công dụng chủ
yếu chỉ là để, nếu cần, đương đầu với Trung Quốc. Bộ ngoại giao Việt
Nam lập trang web lãnh thổ và lãnh hải với nội dung và ngôn ngữ ngày
càng thêm tính phản bác đối với lập trường của Trung Quốc trên Biển
Đông. Phong trào phản đối khai thác bôxít Tây Nguyên đã ít nhiều được
sự nâng đỡ và bảo vệ của ít nhất một thành phần cầm quyền trong đảng
cộng sản. Những người dân chủ Việt Nam vẫn bị đàn áp, và sự đàn áp còn
gia tăng hẳn mức độ thô bạo trong thời gian gần đây, nhưng những bài
báo chống Trung Quốc không còn là lý do và chủ đề của những cuộc thẩm
vấn. Rõ rệt hơn nữa, chính quyền đã bật đèn xanh, và trong một chừng
mực nào đó, yểm trợ cho những cuộc hội thảo trong đó các diễn giả hô
hào tách khỏi sự lệ thuộc Trung Quốc và nhanh chóng tiến tới thế hợp
tác chiến lược với Hoa Kỳ. Những sự kiện này có tác dụng chắc chắn là
tăng cường một khuynh hướng đã được tuyệt đại đa số nhân dân, kể cả các
đảng viên cộng sản, tán thành từ lâu.
Lý do của chuyển động chính trị quan trọng này khá dễ hiểu. Ban lãnh
đạo cộng sản thừa hiểu rằng quỵ lụy đối với Trung Quốc chẳng có lợi gì
cả mà chỉ khiến Trung Quốc gia tăng sự chèn ép, hơn thế nó còn khiến họ
ngày càng bị cô lập và chống đối không những bởi nhân dân mà còn ngay
chính trong nội bộ đảng. Không ai, dù là người đối lập với đảng cộng
sản, muốn Việt Nam bất hoà với nước láng giềng khổng lồ phương Bắc
nhưng mọi người đều đã hiểu rằng muốn được yên thân với Trung Quốc và
giữ được lãnh thổ và lãnh hải thì cũng phải làm như các nước trong
vùng, nghĩa là tranh thủ cảm tình và hậu thuẫn của thế giới, đặc biệt
là Hoa Kỳ.
Vậy tại sao đảng cộng sản lại cố bám lấy Trung Quốc và không quả
quyết sáp lại với Hoa Kỳ? Giải thích thông thường mà ban lãnh đạo cộng
sản muốn dân chúng tin là một chọn lựa như vậy có thể đưa đến nguy cơ
làm Trung Quốc nổi giận và làm càn. Nhưng nổi giận chưa bao giờ là một
chính sách đối ngoại. Còn làm càn thì Trung Quốc có thể làm gì? Biên
giới trên đất liền đã thỏa thuận xong và đã cắm mốc, dù là với giá đắt
cho Việt Nam. Khả năng Trung Quốc đưa quân tràn qua xâm lấn hoàn toàn
không có. Trên biển, điều tối đa Trung Quốc có thể làm là đánh chiếm
nốt những đảo còn lại của Việt Nam trong quần đảo Trường Sa. Điều này
thực ra Trung Quốc cũng không thể làm và không dám làm. Trường Sa không
nằm trong tầm hoạt động của không quân Trung Quốc và một hành động
ngang ngược như vậy, chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc bị lên án và tẩy
chay với những thiệt hại khó lường cho họ. Để bù lại họ được thêm cái
gì? Chính quyền Trung Quốc rất thực tiễn và thừa biết rằng Trung Quốc
cần thế giới hơn là thế giới cần Trung Quốc. Đó là chưa kể họ đang phải
đương đầu với một tâm lý lo ngại ác cảm đối với Trung Quốc đang ngày
càng gia tăng trên thế giới.
Tóm lại, không có lý do gì để phải sợ một phản ứng thô bạo từ phía
Trung Quốc cả. Lý do thực sự khiến những người kế tiếp nhau cầm đầu
Đảng Cộng Sản Việt Nam không muốn tách rời khỏi vòng ảnh hưởng của
Trung Quốc để sáp lại với Hoa Kỳ chỉ giản dị là vì họ không muốn, dù
thấy điều đó hoàn toàn an toàn và có lợi cho đất nước. Và họ không muốn
chỉ vì họ nghĩ rằng hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ và phương Tây không sớm
thì muộn cũng sẽ khiến họ bắt buộc phải từ bỏ chế độ toàn trị một đảng.
Cần chấm dứt một hiểu lầm đã kéo dài quá lâu theo đó Trung Quốc muốn
và ép Việt Nam phải tùy thuộc họ. Điều này trái ngược hẳn với tất cả
những gì đã xẩy ra và mọi tài liệu đã được biết.
Sợ Trung Quốc chỉ là một lý cớ. Lý do thực sự đã khiến những người
lãnh đạo đảng cộng sản chọn lệ thuộc Trung Quốc, với những hậu quả bi
đát cho quyền lợi và thể diện quốc gia, chỉ là chỗ đứng và lòng tham
của chính họ.
Thông Luận
© Thông Luận 2010