Bùi Tín
Ngày 24-3 tới, tòa án Hà Nội mở phiên tòa xét xử luật sư Cù Huy Hà Vũ
về tội danh "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt
Nam”.
Ngày 10-3 vừa qua tòa án Hà Giang đã sử dung "luật rừng” để xử án 2
em nữ sinh Nguyễn Thị Hằng và Nguyễn Thị Thanh Thúy, cố tình lẫn lộn nạn
nhân và tội phạm, biến 2 em nạn nhân vị thành niên thành tội phạm, chạy
tội cho nhóm quan chức cộng sản. Nhóm này do viên chủ tịch tỉnh Nguyễn
Trường Tô cầm đầu thật sự là bọn tội phạm đầu sỏ của vụ án, và vụ án lẽ
ra phải gọi chính xác là "Dùng quyền lực ép các nữ sinh vị thành niên
làm nô lệ tình dục”.
Đây là sự đổi trắng thay đen hèn hạ, trị người ngay, bênh bọn gian
manh, để lại một vết nhơ lớn không sao gột rửa trong nền tư pháp đảng
trị bẩn thỉu và nhục nhã.
Rất có khả năng chế độ độc đảng lại áp dụng "luật rừng” với luật sư Hà Vũ.
Luật sư Ngô Bá Thành, luật sư dưới 2 chế độ, từng là đại biểu Quốc hội ở Hà Nội từng thốt lên:"Ở Việt Nam ta đã có cả một rừng luật nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng!”. Năm 2008, Chánh án Toà án Nhân dân tối cao Trịnh Ngọc Dương tuyên bố xanh rờn ngay trước Quốc hội: "Ở nước ta xử đúng cũng được, xử sai cũng được, xử hòa cũng được, xử thắng cũng được”, quả là một nền tư pháp tùy tiện, xoay như chong chóng !
Thế nhưng tình hình đã thay đổi. Phiên tòa ở Hà Giang là ở tỉnh nhỏ,
xa Hà Nội. Các em nữ sinh ngây thơ non dại, gia đình các em không có
thanh thế xã hội, quốc tế không hề biết đến. Tuy vậy vụ án phi lý này
vẫn có thể bị xã hội đòi hỏi phải xem xét lại một cách quang minh chính
đại, khó mà dập cho tắt ngấm được.
Vụ án Hà Vũ là vụ án lớn. Hà Vũ là một nhân vật ngay thật, có tính
cách mạnh mẽ, học vấn uyên thâm, từng tốt nghiệp ở Pháp, từng nghiên cứu
ở Hoa Kỳ, thuộc dòng họ lớn, có quá khứ trong sáng, yêu nước đằm thắm,
thương dân sâu đậm. Giới trí thức quý anh. Giới trẻ phục anh. Giới luật
sư tin anh. Người tốt bênh anh, chỉ có kẻ xấu ghét bỏ anh.
Ra
tòa, tự anh thừa sức cãi lý để bảo vệ mình vô tội. Vợ anh, chị luật sư
Dương Hà tin chồng, thấu hiểu luật, cũng thừa sức bảo vệ anh vô tội. Lão
tướng luật sư Trần Lâm, từng là thẩm phán Tòa án Tối cao, cũng thừa đủ
tâm và tầm để biện hộ cho anh. Luật sư Trần Đình Triển từng phá án tại
toà án Hà Giang, buộc chánh án hủy bỏ phiên tòa sơ thẩm để mở lại cuộc
điều tra từ đầu, cũng sẵn sàng biện hộ cho anh. Hơn thế, dư luận quốc tế
rất quan tâm đến phiện tòa này. Luật sư Nguyễn Xuân Phước ở Hoa Kỳ đã
chuyển hồ sơ và đơn khiếu kiện của gia đình anh Hà Vũ đến Ủy ban Nhân
quyền của Liên Hiệp Quốc. Ngày 13-3, luật sư nổi tiếng Lewis Gordon Chủ
tịch Trung tâm Luật Bảo vệ Môi trường – Environmental Defender Law
Center – đã gửi thư cho chính phủ Việt Nam yêu cầu hủy bỏ việc xử án phi lý này.
Mong rằng dư luận nước ta, nhất là các công dân của thủ đô Hà Nội,
hãy tỏ rõ sự quan tâm đến vụ án này. Bạn Kami trên mạng thông tin của
mình kêu gọi bạn bè và nhân dân mấy ngày tới, mỗi người hãy mang một bó
hoa, gửỉ một lá thư, một tờ thiếp đến nhà anh Hà Vũ trên đường Điện
Biên, tỏ rõ sự ủng hộ anh. Cử chỉ nhỏ nhưng tác dụng lớn, không ai ngăn
cấm nổi.
Sáng thứ năm 24-3, hãy đến đông đảo trước trụ sở Tòa án
Hà Nội, 43 Hai Bà Trưng, với yêu cầu tòa án xử đúng luật, công khai, để
báo chí trong và ngoài nước tham dự, yêu cầu bắc loa ra ngoài tòa án,
truyền hình tại chỗ cho đông đảo đồng bào theo dõi. Các bạn trong ngành
tư pháp nên theo dõi chặt chẽ từng thái độ, cử chỉ, lời nói của từng
thẩm phán, của đại diện Viện kiểm sát, đặc biệt là Chủ tọa Hội đồng xét
xử, để xem các nhân vật này có theo đúng Luật tố tụng hình sự hay không,
có luận án nghiêm chỉnh, khách quan, công bằng hay không, có chỉ tuân
theo pháp luật hay không? có kết tội theo chứng cứ hay không, có lắng
nghe lời trình bày của bị cáo và các luật sư hay không. Nghĩa là nhân
dân cần đóng đúng vai trò là trọng tài, giám sát kỹ xem bộ máy xét xử có
công tâm, có cầm cân nảy mực thật sự trong quá trình xử án hay không?
Xin chúc anh luật sư Cù Huy Hà Vũ khỏe, vui, cứ việc làm thơ, rung
đùi, ung dung thư thái, tâm hồn luôn tự do. Tôi biết 14 người trong Bộ
Chính trị đang lo nghĩ hơn anh nhiều. Họ rất sợ công luận đang thức
tỉnh, sợ dư luận thế giới đối với vụ án này. Bộ máy xét xử anh đang lo
ngại, vì tìm mãi mới có người liều nhận tham gia phiên tòa, họ rất sợ
đóng vai thẩm phán, công tố viên và nhất là chủ tọa Hội đồng xét xử.
Ở Liên Xô cũ và Đông Đức cũ, sau khi chế độ độc đảng sụp đổ, đã có
nhiều "thẩm phán nhân dân” tìm gặp các chiến sỹ dân chủ từng bị họ kết
án để tỏ lòng kính trọng, ăn năn hối lỗi; năm 1993, có một nguyên chánh
án ở Odessa từng xử án đưa nhiều trí thức đi trại cải tạo khủng khiếp ở
Siberia còn tự sát vì bị lương tâm cắn rứt.