Phan Lưu Quỳnh phỏng dịch theo
"Vietnam’s Murky Media Picture"
Bridget O'Flaherty, The Diplomat 10/3/2011
Một nghị định mới về công tác báo chí, xuất bản đang bị khắp nơi chỉ
trích như một biện pháp để xiết chặt thêm quyền tự do báo chí tại Việt
Nam. Nhưng tình hình có vẻ phức tạp hơn không như nhiều người đang
nghĩ.
Những diễn biến trong nhiều tuần qua đã gây bất lợi cho tự do báo chí ở
Việt Nam. Hồi cuối tháng Giêng, một phóng viên của tờ NLĐ ở miền Nam đã
chết sau khi bị tẩm xăng và đốt. Cuối tháng qua, một luật mới về hoạt
động báo chí đã bắt đầu có hiệu lực nhằm phạt vạ các nhà báo vì những
vi phạm không được xác định rõ ràng, và buộc họ phải tiết lộ nguồn cung
cấp tin tức. Và chỉ cách đây vài ngày, một tổng biên tập của một tờ báo
mạng mang tên Vietnamnet, có tiếng là khá thẳng thắn (ít nhất là ở Việt
Nam), đã "từ chức" trong một trường hợp bí ẩn, không đưa ra một lý do
nào để giải thích quyết định này.
Người Việt hải ngoại thường đưa lên mạng những tin tức về đất nước họ
đang định cư qua trang Facebook, và mặc dù bị giới hạn, tin tức đã loan
truyền nhanh chóng về việc ông Lê Hoàng Hùng bị kẻ gian đột nhập vào
nhà đốt cháy như thế nào khi ông đang ngủ. Trong một cuốn tiểu thuyết
tuyệt vời về cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất, Người Mỹ Thầm Lặng
(The Quiet American), nhà văn Graham Greene đã mỉa mai giới báo chí Hoa
Kỳ vì họ mang đầu óc "hoài nghi thiếu chín chắn". Bây giờ dường như hầu
hết mọi người ai cũng là một kẻ hoài nghi.
Một cư dân mạng ghi nhận, "Không hiểu sao tôi lại nghĩ rằng cái tin này
sẽ không được đăng trên báo chí trong nước", điều này phản ánh quan
điểm của nhiều người. Người ngoại quốc ở Việt Nam thường có khuynh
hướng cho rằng báo chí trong nước để phục vụ tuyên truyền. Nhưng trong
khi trên trang đầu của tờ nhật báo bằng Anh ngữ, Vietnam News, có thể
có một ý thích là hay đăng tải những tin tức khoe khoang về các quan hệ
hữu nghị chặt chẽ với Việt Nam, chẳng hạn như Burkina Faso, thì thực tế
là khi nhiều người cũng cho rằng một nhà báo Việt Nam bị ám sát vì các
bài phóng sự điều tra cho thấy toàn cảnh bức tranh thật ra rất phức tạp.
Rất nhanh chóng sau khi tin tức về vụ tấn công ông Hùng đươc biết đến,
nhiều tổ chức nhân quyền liền đưa ra những lời kêu gọi đòi phải điều
tra đúng mức, trong khi nhiều tổ chức khác ghi nhận thành tích can đảm
điều tra và vạch trần tham nhũng của ông ta. Nhưng còn có nhiều tình
tiết liên quan đến vụ án này không hẳn như những gì đã được biết vào
lúc ban đầu. Vợ ông Hùng thú nhận là đã đốt ông ta như một lối trả đủa
đi quá trớn xảy ra ngoài ý muốn sau khi ông Hùng nhất định không chịu
bán nhà để trả món nợ 50 ngàn đô la mà vợ ông đã thua bạc ở Cambodia.
Theo ông Geoffrey Cain, một nhà nghiên cứu của chương trình Fulbright
đồng thời cũng là một người chuyên phân tích báo chí thì, "Gần như tất
cả những người cung cấp tin tức cho tôi đều nghi ngờ rằng vụ ám sát này
là để trả thù các bài phóng sự điều tra của ông Hùng, ngay cả trước khi
vợ ông ta ra đầu thú. Ông Hùng không phải là một tay gạo cội trong giới
nhà báo Việt Nam, và lại càng không phải là loại đối tượng để người ta
nhắm vào ám hại bằng một cách trả thù gây quá nhiều chú ý ... hành động
trả thù các nhà báo một cách khủng khiếp thì chưa từng xảy ra ở Việt
Nam."
Tuy chuyện trả thù một cách quá lộ liễu trắng trợn thường thì có thể
không xảy ra, nhưng Việt Nam vẫn còn rất nhiều hạn chế trên quyền tự do
báo chí. Chẳng hạn như Tổ chức Phóng viên không biên giới xếp Việt Nam
vào hạng 165 trên tổng số 178 quốc gia—đứng trên Bắc Hàn, nhưng lại
đứng dưới Lybia về tự do báo chí.
Nhưng còn nhiều điều hơn thế nữa trong ngành báo chí ở Việt Nam chứ
không phải chỉ có chuyện đơn giản là nhà nước độc quyền vấn đề thông
tin. Mặc dù nhà nước làm chủ tất cả các phương tiện truyền thông, do đó
cũng do nhà nước kiểm soát, nhưng có nhiều tờ báo lại do nhiều cơ quan
chính quyền khác nhau sở hữu.
Như Catherine McKinley, nguyên là một thông tín viên của Dow Jones tại
Hà Nội, trong một tài liệu nghiên cứu hồi năm 2008 mang tựa đề "Có thể
nào báo chí quốc doanh giám sát tham nhũng một cách có hiệu quả?", đã
chỉ ra cho thấy rằng các tờ báo đặt trụ sở tại TpHCM ở miền Nam—cách xa
guồng máy cai trị của đảng tại thủ đô—thường đầy rẫy những thiên phóng
sự điều tra nóng hổi và ít tuyên truyền trắng trợn. Thật vậy, tờ Thanh
Niên và Tuổi trẻ (cả hai đều sở hữu bởi Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí
Minh là tổ chức thanh niên do đảng trực tiếp lãnh đạo), thường đăng tải
những bài phóng sự điều tra về các đề tài liên quan đến môi trường —và
thậm chí đôi khi về cả tham nhũng.
Đúng vậỵ, McKinley cho là nhà nước đã nhận thức rằng tham nhũng là một
vấn nạn lớn nhất họ phải đối phó, và công khai yêu cầu báo chí hãy theo
đuổi điều tra những câu chuyện tham nhũng.
Nhưng lại lần nữa, toàn cảnh bức tranh rất u ám khó hiểu. Trở lại năm
2008, có hai nhà báo điều tra vụ tham nhũng ở Bộ Giao thông Vận tải bị
bắt giữ vì tội "lạm dụng quyền lực" sau khi đưa tin về vụ tai tiếng
PMU18, mà hàng triệu đô la tiền viện trợ bị cho là đã được dùng bởi các
đảng viên đem đi cá độ bóng đá.
Trên thực tế thì tuy nhà nước có thể cảm thấy thoải mái với các vụ tham
nhũng nhỏ hơn, dính dáng đến các cán bộ địa phương bị điều tra— nhiều
tờ báo cùng đưa tin, và ông Hùng là một nhà báo kỳ cựu đối với các vụ
này ở đồng bằng sông Cửu Long—nhưng các vụ tham nhũng nghiêm trọng lại
là một chuyện khác.
Và dĩ nhiên là nhà nước có thể nhanh chóng đưa ra lệnh nghiêm cấm báo
chí không được tường thuật về bất cứ đề tài nào mà họ muốn. Hồi năm
ngoái, trong lúc Hà Nội đang kỷ niệm 1000 năm Thăng Long thì một kho dự
trữ pháo bông lớn dành cho lễ bế mạc của dịp liên hoan kéo dài 10 ngày
bị phát nổ bất ngờ, khiến 4 người bị thiệt mạng. Một ngày hội thả diều
đang được tổ chức trong lúc đó tại Sân vận động Mỹ Đình, có nghĩa là
báo chí đã nhanh nhẩu đăng tải tin tức lên trên các trang mạng của
họ. (Một đám khói lớn bay trên bầu trời thành phố giống như một thứ
quảng cáo cho không)
Nhưng chỉ trong vòng vài giờ sau khi được đưa lên, thì những tin tức đó
lại bị hầu hết các tờ báo mạng lôi xuống; chỉ có trên Twitter, Facebook
và nhiều blog khác nhau là có các tin tức hoặc hình ảnh của vụ nổ đó.
Báo chí sau đó đưa lên các bản tin đã được tẩy xoá sửa lại và chỉ có
một tờ báo, Tiếng nói Việt Nam, là vẫn chú trọng vào các cánh diều "dễ
thương" hơn là làn khói den bay lượn chung quanh. Bàn tay của nhà nước
tuy vô hình nhưng rất rõ ràng.
Gần đây hơn nữa là trường hợp của tổng biên tập báo VietnamNet Nguyễn
Anh Tuấn. Theo nhiều nguồn tin yêu cầu được dấu tên cho biết thì việc
ông ta bị cách chức không phải là một điều đáng ngạc nhiên.
Cách chức ông ta, viện cớ là để ông ta có thể chuyển ngành sang nhận
một chức vụ nhà nước ít "lôi thôi" hơn, được biết là đã có sự chuẩn bị
từ năm ngoái. lý do phần lớn là do tờ báo của ông ta hay đưa tin về các
đề tài nhậy cảm như khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, chuyện vỡ nợ của tập
đoàn đóng tàu quốc doanh Vinashin, các tin tức về Trung Quốc và—có lẽ
là quan trọng nhất—chuyện liên tục kêu gọi cho có dân chủ và minh bạch
hơn ngay trong chính nội bộ đảng.
Nếu điều trên là đúng, thì nó hợp với thói quen của đảng là đưa các
tổng biên tập sang nhận các công việc chính quyền nhàm chán và chỉ định
các quan chức thay vì nhà báo vào các chức vụ quan trọng trong ngành
báo chí.
Một đồng nghiệp cũ của ông Tuấn yêu cầu đừng tiết lộ tên tuổi nói rằng
"Anh ta rất tài giỏi, có tầm nhìn xa, nhưng không được nhiều người ưa
thích. Không phải chỉ là việc anh ta có nhiệt tâm muốn đẩy mạnh hơn với
những bài báo ủng hộ việc cởi mở hơn nữa trong đảng và nhà nước. Cái
bản tính tương đối hào nhoáng cầu kỳ của anh ta chắc chắn đã làm khó
chịu nhiều kẻ ngồi ở phía trên trong cái hệ thống u ám tàn nhẫn này".
Và bây giờ, các nhà báo có một luật báo chí mới rất mơ hồ cũng từ những
kẻ đang ngồi ở phía trên để mà lý lẽ với họ. Nghị định 02/2011/NĐ-CP đã
bắt đầu có hiệu lực kể từ cuối tháng Hai, nhưng đã được loan báo trên
báo chí trong nước hồi tháng Giêng.
Tổ chức Giám sát Nhân quyền, trong một thông cáo báo chí ngày 24/2,
gọi đây là "thêm một đòn tấn công nữa vào quyền tự do bày tỏ tư tưởng
tại Việt Nam” và chỉ trích các điều khoản của nghị định này là "quá sức
mơ hồ và chung chung”, trong đó cho phép phạt vạ các nhà báo và toà
soạn của họ từ 50 đến 2000 đô la.
Theo nghị định mới thì các nhà báo luôn luôn phải tiết lộ nguồn gốc họ
đã lấy tin, trong khi nhiều cơ quan nhà nước bây giờ lại có thẩm quyền
điều tra và trừng phạt các vụ vi phạm. Theo tổ chức Giám sát Nhân quyền
thì điều này là một ý tưởng quá kém cỏi, nhất là trong một đất nước mà
vấn đề tham nhũng đang là một "dịch bệnh".
Nó cũng có thể làm nhầm lẫn các quy định, vì cái bản chất đôi khi hỗn
loạn trong việc phối hợp công tác giữa các cơ quan và bộ máy chính
quyền quan liêu, chậm chạp, thiếu tổ chức ở Việt Nam.
Nhưng cũng có một điểm sáng sủa. Như một nhà báo Việt Nam đã vạch ra
trong lúc chuyện vãn rằng, nghị định này cũng bao gồm điều khoản trừng
phạt các cơ quan chính quyền nào không chịu giúp đỡ báo chí khi được
yêu cầu. Điều này có thể tạo ra nhiều hệ lụy trong một đất nước nơi mà
quan chức nhà nước phải thận trọng khi nói chuyện với các nhà báo, hoặc
là vì họ không biết họ được phép nói gì, hoặc là họ sợ bị coi là đần
độn, hoặc chỉ vì họ không thèm quan tâm đến.
Do nhà nước làm chủ, luôn bị quấy rầy, đàn áp và bắt bớ chắc chắn là
những nét đặc biệt của báo chí Việt Nam. Nhưng quan hệ phức tạp giữa
các nhà báo và chính quyền cho thấy đây không phải chỉ là vấn đề tuyên
truyền.
|