Thứ Ba, 2024-11-05, 8:57 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Mười » 10 » Lịch sử sắp sang trang
11:09 PM
Lịch sử sắp sang trang
Ông Nguyễn Gia Kiểng là Thường Trực Ban Lãnh Đạo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, một chính đảng đối lập có thực lực, được biết đến như những người Việt Nam khởi xướng tinh thần Hoà Giải và Hoà Hợp Dân Tộc. Ông cũng là tác giả cuốn sách Tổ Quốc Ăn Năn gây nhiều tranh cãi.

Độc giả có thể tham khảo thêm Dự án Thành Công Thế Kỉ 21 - chương trình làm lại đất nước của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.

Lời Tòa Soạn Việt Luận Trước khi ông Nguyễn Gia Kiểng, thường trực ban lãnh đạo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, sang thăm viếng Úc để tiếp xúc với các chí hữu và thân hữu vào hạ tuần tháng 10 này, bán tuần san Việt Luận, phát hành tại Úc, đã phỏng vấn ông Kiểng về một số vấn đề liên quan đến hiện tình và tương lai đất nước.

Việt Luận: Trong bài viết mới nhất "Bắt đầu một giai đoạn thay đổi dồn dập” đăng trên Việt Luận gần đây, ông nhận định Mỹ đã trở lại Biển Đông và lưu ý các lực lượng dân chủ VN về khúc quanh quan trọng này. Có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ trở lại Biển Đông cũng sẽ là Mỹ trở lại Việt Nam?

Ông Nguyễn Gia Kiểng: Mọi quan sát viên đều có thể thấy là Mỹ đang tăng cường nhanh chóng sự hiện diện trong vùng với sự đồng tình của các nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam. Có những sự kiện tuy nhỏ nhưng đặc biệt đáng chú ý như việc Mỹ sắp họp với bốn nước hạ lưu sông Mê Kông - Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan - đang khốn khổ vì Trung Quốc xây các đập giữ nước trên thượng nguồn. Mỹ hoàn toàn không có quyền lợi quốc gia nào trên sông Mê Kông. Mỹ chỉ gặp để nghe các nước này trình bày những bức xúc và yêu cầu của họ. Bốn quốc gia này cần Mỹ vì bị Trung Quốc "cướp nước". Một chỉ dấu khác cũng khá rõ ràng là những lời tuyên bố của các quan chức Trung Quốc. Họ không giấu sự tức giận, họ nói thẳng ra là Việt Nam đang muốn dựa vào Mỹ để chống họ, và họ hăm dọa. Về phía Mỹ thì ngoại trưởng Hillary Clinton dõng dạc tuyên bố Mỹ đã trở lại Đông Nam Á. Nhưng đối với Mỹ trở lại Đông Nam Á chỉ có nghĩa là trở lại Việt Nam mà thôi vì họ chưa hề ra đi và vẫn còn hiện diện rất mạnh trong vùng. Năm nước chính trong vùng - Indonesia, Thái Lan, Mã Lai, Singapore và Philippines - đều đã là những đồng minh thân thiết của họ. Tiến trình sáp lại với Mỹ và tách dần khỏi ảnh hưởng Trung Quốc của chính quyền CSVN thực ra đã bắt đầu từ gần hai năm nay, chính xác là từ ngày 31-12-2008 khi Việt Nam và Trung Quốc cắm xong mốc biên giới trên đất liền, từ đó Việt Nam được giải tỏa khỏi đe dọa bị gặm nhấm đất đai; nó đã đạt tới cao điểm trong tháng 7 vừa qua với Diễn Đàn Khu Vực ASEAN tại Hà Nội.

Việt Luận: Nhiều người lo ngại rằng một khi sáp lại với Mỹ, để phòng ngừa điều mà họ gọi là "diễn biến hòa bình" CSVN sẽ gia tăng đàn áp lực lượng dân chủ VN hoặc sẽ tung ra nhiều đòn chính trị hoả mù khác để kiềm chế hoặc vô hiệu hóa phong trào dân chủ. Ông nghĩ sao về sự lo âu này?

Ông Nguyễn Gia Kiểng: Không nên sợ chính quyền CSVN gia tăng đàn áp. Họ không hề nương tay với đối lập dân chủ Việt Nam cho tới nay. Họ đã hành động ở mức hung bạo nhất mà họ có thể làm. Họ không thể gia tăng hơn mức độ đàn áp. Trái lại càng sáp lại với Hoa Kỳ và phương Tây thì họ càng phải giảm bớt sự thô bạo. Nên lưu ý một nhượng bộ quan trọng gần đây của Hà Nội: theo ông Phạm Gia Khiêm, từ nay vấn đề nhân quyền tại Việt Nam được coi là một vấn đề để thảo luận giữa Mỹ và Việt Nam. Như thế từ nay, Hà Nội sẽ phải trả lời về những vi phạm nhân quyền chứ không thể ngụy biện xấc xược rằng đó là một vấn đề nội bộ của Việt Nam như trước nữa. Áp lực của Mỹ, và các nước phương Tây nói chung, đối với Việt Nam về vấn đề nhân quyền chắc chắn là sẽ phải gia tăng dù chính quyền các nước đó có muốn hay không bởi vì dư luận, báo chí, các tổ chức nhân quyền, nói chung là xã hội dân sự, sẽ buộc các chính quyền của họ phải can thiệp mạnh hơn cùng với sự gia tăng hợp tác.

Điều đáng lo ngại hơn nhiều là những đòn chính trị hỏa mù. Nhiều nhân vật và tổ chức đối lập cuội sẽ được chính quyền cộng sản đạo diễn, đánh bóng và tung ra trong mục đích đánh lừa dư luận để chiếm đoạt cuộc vận động dân chủ hay ít nhất biến môi trường dân chủ thành một chợ trời nhốn nháo. Cho đến nay tuyệt đại đa số những người đấu tranh cho dân chủ tại hải ngoại tỏ ra rất ngây thơ, họ có thể bị mắc lừa một cách quá dễ dàng.

Việt Luận: Xin cho một vài thí dụ cụ thể?

Ông Nguyễn Gia Kiểng: Đảng Nhân Dân Hành Động là một thí dụ. Đảng này được công an lập ra năm 1991 theo sáng kiến của ông Võ Văn Kiệt sau khi Hà Nội ký hiệp định Paris cam kết rút khỏi Campuchia. Nó ngụy trang dưới bộ mặt của một tổ chức đối lập, mục đích của nó là xâm nhập hàng ngũ đối lập, đặc biệt là để phát giác và triệt tiêu những phần tử chống đối tại Campuchia. Đảng này được thành lập một cách rất lộ liễu, thí dụ như toàn bộ giáo chức trung học tỉnh Vĩnh Long được mời và bị làm áp lực buộc phải tham gia. Mọi tổ chức đấu tranh nghiêm chỉnh với ít nhiều cơ sở trong nước đều có thể nhận ra ngay. Tuy vậy đảng này đã đưa rất nhiều người đối lập thực sự vào tù và mỗi lần như vậy nó còn khoe khoang như là những thành tích chống cộng. Năm 2005, nghĩa là 14 năm sau, khi ông Hoàng Minh Chính trong tình trạng sức khỏe nguy kịch được đảng này đưa ra nước ngoài với ý đồ lợi dụng uy tín của ông để gom thâu và lố bịch hóa phong trào dân chủ, rất nhiều nhân sĩ và tổ chức đối lập đã tấp nập đến ủng hộ. Thật đáng buồn. Cũng may âm mưu này không thành vì nó được thực hiện một cách quá vụng về. Sau khi anh Nghiêm Văn Thạch, một thành viên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, lên tiếng tố giác, nhiều người vẫn không tin, thậm chí còn cho rằng THDCĐN đã chụp mũ và vu cáo. Tuy vậy đảng cộng sản đã hiểu là lá bài đảng Nhân Dân Hành Động đã bị lật tẩy và ngay sau đó họ khai tử đảng này. Họ sẽ tung ra những con bài khác và cũng sẽ vẫn có nhiều người mắc lừa. Nhiều người hiện nay vẫn còn đề cao Nguyễn Tiến Trung như một thanh niên dũng cảm đã dám thách đố chính quyền cộng sản vì lý tưởng dân chủ mà không biết rằng anh Trung là đảng viên đảng Nhân Dân Hành Động và thành lập Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ theo lệnh của đảng này. Chúng ta có thể và phải bênh vực Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức vì họ đã bị xử án tù một cách thô bạo nhưng phải biết họ là ai. Còn nhiều trường hợp khác. Câu hỏi phải được đặt ra là tại sao có những người hoạt động chính trị mà không cần có thông tin nào cả và khi được thông tin thì cũng không muốn nghe? Đó là vì họ chỉ muốn làm những việc sôi nổi để có được chút tiếng tăm chứ không thực sự muốn đóng góp cho thắng lợi của dân chủ. Những người đấu tranh thực sự không hành xử như thế.

Việt Luận: Giáo sư Úc Carlyle Thayler, chuyên viên về vấn đề Á châu của đại học ANU, nhận định CSVN chỉ muốn lợi dụng sự trở lại của Mỹ trên Biển Đông để được sống yên thân hoà bình với Trung Cộng. Theo ông liệu CSVN có thể khéo léo đu dây chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc để tồn tại được không?

Ông Nguyễn Gia Kiểng: Ông Thayler nhận định đúng. Đảng CSVN chỉ muốn lợi dụng Mỹ để có thể theo Trung Quốc một cách thoải mái. Chắc chắn là họ muốn đi với Trung Quốc chứ không muốn đi với Mỹ. Đứng trên quan điểm dân tộc thì làm bạn với Mỹ có tất cả mọi cái lợi trong khi đi theo Trung Quốc chỉ có thiệt thòi và thiệt thòi, nhưng đó không phải cách nhìn của ban lãnh đạo cộng sản. Ưu tư của họ là duy trì độc quyền lãnh đạo của đảng. Quần chúng Việt Nam có một câu nói nôm na mô tả tình trạng của đảng cộng sản là "đi với Mỹ thì mất đảng, đi với Tàu thì mất nước". Lập trường của những người lãnh đạo đảng cộng sản là chẳng thà mất nước chứ không mất đảng. Điều họ muốn là gia tăng quan hệ với Mỹ để xuất khẩu được thật nhiều hàng hóa sang Mỹ và được Mỹ che chở trước sự uy hiếp của Trung Quốc nhưng vẫn chống Mỹ và thân Trung Quốc để duy trì chế độ độc tài toàn trị. Nhưng muốn được như thế thì nước Mỹ phải rất khờ khạo, điều này rất xa sự thực. Mặt khác chính Trung Quốc cũng không chấp nhận để Việt Nam tăng cường quan hệ với Mỹ, họ muốn Việt Nam phải hoàn toàn tùy thuộc họ. Cần lưu ý rằng người Trung Quốc nói chung, chính quyền cũng như đối lập, giống nhau ở chỗ họ rất ít hiểu biết về thế giới và có một cái nhìn lệch lạc như nhau về Việt Nam. Những người đối lập dân chủ Trung Quốc mà tôi đã gặp cũng nói một cách vô tư rằng Việt Nam trước đây là một tỉnh của Trung Quốc bị Pháp chiếm đoạt. Trong cách nhìn đó Bắc Kinh coi việc Hà Nội quan hệ với Mỹ như hành động ngoại tình của một cô vợ bé và không thể chấp nhận. Chính sách đu dây của Hà Nội không thể kéo dài vì muốn như thế thì Mỹ phải rất khờ khạo và Trung Quốc phải không là Trung Quốc. Lý do khiến nó phải chấm dứt ngay là những áp lực nội bộ đến từ chính xã hội Việt Nam và đa số đảng viên cộng sản. Thời gian và các biến cố đã làm công việc của chúng và có một cái gì đó đã chín muồi. Bắc Kinh đã quá tham lam và xấc xược đến nỗi không còn người Việt Nam nào chịu đựng được nữa, sự phẫn nộ đã lên quá cao, chính sách qụy lụy Trung Quốc có thể gây bùng nổ ngay trong nội bộ đảng. Tình hình có thể tóm tắt như thế này: Trong hai mươi năm qua ban lãnh đạo cộng sản đã phải nhẫn nhục theo Trung Quốc để kéo dài chế độ, ngày nay họ phải chấm dứt sự quỵ lụy đó để tránh một sự sụp đổ tức khắc. Tôi có hai người bạn đều là những chuyên gia chính trị cao cấp vừa về Việt Nam nghiên cứu và tiếp xúc trong một thời gian khá dài. Họ đều nhận định một điều là sự phẫn nộ đối với Trung Quốc đã lên rất cao ngay trong môi trường đảng viên, cao đến nỗi không còn một lãnh tụ nào dám tỏ ra thân Trung Quốc. Thời gian đu dây đã chấm dứt.

Việt Luận: Tại sao Hà Nội cứ cố bám vào Bắc Kinh trong hai mươi năm qua dù bị nhiều thiệt thòi và mất mát?

Ông Nguyễn Gia Kiểng: Ý thức hệ quyết định chính sách đối ngoại. Dù thù ghét nhau đi nữa người ta vẫn dễ liên kết với nhau khi có cùng một cách suy nghĩ và hành xử. Ngược lại kết thân với một nước có chế độ chính trị khác hẳn mình chẳng khác gì nhìn nhận rằng cái ngược lại với chủ nghĩa của mình cũng hay, và khi nước đó lại hơn hẳn mình về mọi mặt thì quan hệ hợp tác là một sự lố bịch hóa hàng ngày cho chế độ. Hơn thế nữa trong giao tiếp hàng ngày còn phải chấp nhận, thậm chí chính mình phải làm, những điều trái ngược với bản chất của chế độ. Trong chính trị, ý thức hệ quyết định chính sách đối ngoại cũng như nhạc quyết định điệu nhảy trong khiêu vũ. Không thể để nhạc Valse rồi nhảy Rock. Khi phải chấp nhận sáp lại với Mỹ và tách rời khỏi quỹ đạo Trung Quốc những người lãnh đạo cộng sản cũng biết rằng chế độ phải cáo chung. Họ phải thay đổi định hướng vì nếu không sự cáo chung còn đến nhanh hơn, một cách dữ dội hơn.

Việt Luận: Sau Diễn Đàn Khu Vực ASEAN Hà Nội đã cử Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng, được biết là một nhân vật hắc ám thân Trung Quốc, sang Bắc Kinh cam kết lập trường "ba không". Phải chăng chính quyền CSVN vẫn còn hy vọng có thể tiếp tục chính sách đu dây?

Ông Nguyễn Gia Kiểng: Chuyến đi của ông Nguyễn Chí Vịnh có lý do của nó. Ngay cả một chính quyền dân chủ thực sự cũng không có lý do nào để không tìm cách sống chung hữu nghị với Trung Quốc miễn là quyền lợi quốc gia không bị xâm phạm. Có thể là Bắc Kinh không hài lòng với những lời giải thích của ông Vịnh nhưng ít nhất Hà Nội cũng đã nói lên được với thế giới lập trường hữu nghị của mình, nếu sau này không may xảy ra xung đột thì đó không phải là ý muốn của Việt Nam. Tuy vậy ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam thừa biết là không thể đu dây được nữa. Cái vòng luẩn quẩn của Hà Nội là nếu không được Mỹ yểm trợ thì sẽ bị Bắc Kinh uy hiếp, do đó phải thân thiện với Mỹ, nhưng như thế Trung Quốc lại càng bực bội và gia tăng áp lực khiến Việt Nam lại càng cần Mỹ hơn, cuối cùng thì thế đồng minh với Mỹ để đương đầu với Trung Quốc là không tránh khỏi, do chính sách bá quyền thượng quốc của Bắc Kinh. Người ta có lý do để nghĩ rằng chuyến đi Trung Quốc của ông Vịnh sẽ không làm dịu bớt sự bực tức của Trung Quốc. Trước hết là do vai vế của ông Vịnh. Ông không phải là một nhân vật cao cấp, ông chỉ là một thứ trưởng và không phải là ủy viên ban chấp hành trung ương ĐCSVN. Gửi một nhân vật với cấp bậc như vậy sang gặp Bắc Kinh không chứng tỏ một sự kính trọng đặc biệt. Ông Vịnh cũng chỉ nhắc lại ba cái KHÔNG rất hiển nhiên: Việt Nam không liên minh quân sự với một nước nào, không cho nước nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam vả không dựa vào một nước nào để chống một nước khác. Trên thực tế trừ Trung Quốc không nước nào muốn liên minh quân sự với Việt Nam cả và cũng chỉ có Trung Quốc có thể có ý muốn đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam mà thôi. Cả ba cái KHÔNG này đều nhắm vào Trung Quốc chứ không nhắm vào Mỹ.

Cũng nên lưu ý một điều: ông Vịnh và Tổng Cục 2 (TC2) bị nhiều thù ghét vì TC2 được nhìn như là dụng cụ của hai ông Đỗ Mười và Lê Đức Anh để kiểm soát đảng cộng sản, nhưng thực ra TC2 không có ân oán gì với những người dân chủ cả. Không phải TC2 đem bọn côn đồ tới hành hung giáo dân Tháí Hà hay phật tử Tiếp Hiện, cũng không phải TC2 còng tay, vu cáo, giải tòa và giam giữ những người dân chủ.

Việt Luận: Các phe phái đối nghịch trong ĐCSVN đang vận động hậu thuẫn bằng cách triệt hạ uy tín nhau, nhưng hình như ông Trương Tấn Sang vẫn chưa bị kể tội. Vậy Trương Tấn Sang có thể là nhân vật tương lai? Trương Tấn Sang là ai và nhân vật này có đủ uy tín để lãnh đạo đảng CSVN đương đầu với giai đoạn biến chuyển dồn dập này không?

Ông Nguyễn Gia Kiểng: Ông Trương Tấn Sang không bị đả kích vì ông ấy không tỏ ra muốn tranh chức tổng bí thư và hiện nay cũng không được nhìn như một người có nhiều triển vọng trở thành tổng bí thư. Hai người đang dẫn đầu trong cuộc tranh giành chức tổng bí thư là Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng. Ông Dũng mạnh nhất nên cũng bị tố giác nhiều nhất. Những vụ Vinashin, Bôxít Tây Nguyên, Đường Sắt Cao Tốc đều có trách nhiệm của ông Dũng và đều có tác dụng làm mất uy tín của ông. Một nhân vật khác cũng bị thiệt hại uy tín nhiều trong các vụ này là ông phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng người ủng hộ ông Dũng và có tham vọng giữ chức vụ thủ tướng nếu ông Dũng trở thành tổng bí thư. Đang có một liên minh chống lại ông Nguyễn Tấn Dũng trong đó ít hay nhiều ông Trương Tấn Sang có tham gia một cách kín đáo. Ông Trương Tấn Sang thuộc phe Võ Văn Kiệt trước đây nhưng ông đã khéo léo thỏa hiệp được với phe Đỗ Mười – Lê Đức Anh khi ông Kiệt bị cô lập. Ông Sang là Thường trực Ban bí thư, trên nguyên tắc cao hơn chức thủ tướng trong cơ chế cộng sản, theo đó bộ chính trị quyết định, ban bí thư thi hành thông qua chính phủ, nghĩa là chính phủ chỉ là công cụ của ban bí thư để thực hiện những quyết định của bộ chính trị. Tuy vậy trên thực tế ông Dũng lại mạnh hơn ông Sang vì ông có hậu thuẫn của hai ông thái thượng hoàng Đỗ Mười và Lê Đức Anh. Thế lực của ông Sang lại càng suy giảm sau khi ông bị phát hiện sử dụng nhóm Lê Công Định và Trần Huỳnh Duy Thức để tấn công ông Dũng nhân danh đối lập, qua đảng Dân Chủ. Ông Sang chỉ có thể trở thành tổng bí thư như một giải pháp thỏa hiệp trong trường hợp hai ông Đỗ Mười và Lê Đức Anh thấy không thể cứu được ông Dũng.

Việt Luận: Các phe phái trong đảng cộng sản khác nhau ở chỗ nào và tình hình Việt Nam sẽ thay đổi như thế nào nếu phe này hay phe kia thắng thế?

Ông Nguyễn Gia Kiểng: Một cách tóm lược ông Nguyễn Tấn Dũng được thế lực sau lưng hai ông Đỗ Mười và Lê Đức Anh ủng hộ, qua hai ông này ông cũng được Tổng Cục 2 yểm trợ. Lực lượng riêng của ông Dũng là thành phần tài phiệt đỏ được ông bao che và làm giàu chủ yếu nhờ tham nhũng. Trước mặt ông là một liên minh lỏng lẻo không có đồng thuận trên một dự án chính trị nào cả ngoại trừ lập trường chung là chống ông Dũng. Nhân vật điển hình của liên minh này là ông Nguyễn Phú Trọng một người thường lặp đi lặp lại lời kêu gọi kiên trì với chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Nét đậm nhất của đảng cộng sản trước thềm đại hội 11 là đảng rất cần một nhân vật kiệt xuất để đoàn kết đảng và áp đặt những thích nghi bắt buộc nhưng lại chỉ có những cấp lãnh đạo mờ nhạt, không thành tích, cá tính và thiếu tầm nhìn. Dù ông Dũng, ông Trọng, ông Sang hay bất cứ một ai khác làm tổng bí thư thì cũng sẽ chỉ là một tổng bí thư yếu, trong một bộ chính trị yếu và chia rẽ, do đó không ngăn chặn được đà phân hóa trong đảng. Ngay từ bây giờ chúng ta có thể dự đoán là cương lĩnh của đại hội 11 sẽ không đưa ra được một thay đổi định hướng nào cả, trong khi không thay đổi trong một bối cảnh bắt buộc phải thay đổi tương đương với tự sát. Sự đào thải của chế độ cộng sản là điều chắc chắn, có thể đến ngay trong khóa 11 này, nghĩa là trước năm 2016. Tất cả vấn đề là nó sẽ diễn ra như thế nào và nhường chỗ cho cái gì.

Việt Luận: Trong lúc đảng CSVN đang chao đảo và sự bất mãn của quân dân Việt Nam lên đến cực điểm, tại sao phe đối lập vẫn không kết hợp được thành một tổng lực dân tộc để thay đổi lịch sử? CSVN quá mạnh hay lực lượng dân chủ quá yếu? Tại sao lại có mâu thuẫn này?

Ông Nguyễn Gia Kiểng: Đảng cộng sản không mạnh, trái lại nó đang rất bệnh hoạn, nhưng trước mặt nó lực lượng dân chủ cũng đang suy thoái một cách báo động. Thế hệ đối lập dân chủ cũ già đi và dần dần bỏ cuộc vì tuổi tác hoặc mệt mỏi trong khi thế hệ sau không tiếp nối vì không thấy có gì đáng để tiếp nối cả. Thế hệ trước không để lại một tư tưởng chính trị có sức thuyết phục, cũng không để lại những cơ cấu tổ chức để đón tiếp và đào tạo tuổi trẻ cho lý tưởng dân chủ hoá đất nước, thậm chí ngay cả một phong cách hoạt động chính trị mà tuổi trẻ có thể tự hào giữa lúc họ đang bị chủ nghĩa thực tiễn cám dỗ. Cả hai bên đều đang yếu đi một cách nhanh chóng, nhưng sự suy yếu của đảng cộng sản đang lẽ phải là một khích lệ cho đối lập dân chủ thì nó lại diễn ra trong cảnh rã rượi thấy rõ của phong trào dân chủ. Thật là đáng buồn, và phải nói thẳng là đáng xấu hổ. Nguyên nhân sâu xa của nghịch lý này là vì văn hóa chính trị của chúng ta sai và cho đến nay chưa có những tiếng nói đủ mạnh mẽ để bác bỏ nó. Vì văn hóa đó chúng ta quan niệm làm chính trị là cốt để làm quan, nghĩa là tìm công danh cá nhân bằng những cố gắng cá nhân. Một mặt quan niệm này tự nhiên đưa đến cách hoạt động chính trị nhân sĩ, không tham gia một tổ chức nào cả, chỉ tìm cách tạo uy tín cá nhân cho mình với hy vọng là một khi đã có danh tiếng thì sẽ có ngày được tham chính. Mặt khác, với một quan niệm như vậy thì dấn thân chính trị không còn là một bổn phận đạo lý mà chỉ còn là chọn lựa của những người có tham vọng cá nhân. Phải vất bỏ cái văn hóa chính trị bệnh hoạn này. Không thể xây dựng được gì cả với những con người chỉ có những tính toán cá nhân. Dấn thân chính trị không phải như vậy, nó là một cố gắng để đánh bại sự tồi dở và gian ác, để thay đổi cách tổ chức xã hội trong mục tiêu tôn vinh phẩm giá con người và đem lại phúc lợi tối đa cho mọi người. Nó là một cuộc đấu tranh khó khăn vượt khả năng của mọi cá nhân nên đòi hỏi kết hợp trong một tổ chức. Mặt khác nó cũng là một cuộc đấu tranh cao cả và một bắt buộc của đạo đức khi đất nước không may lọt vào tay một tập đoàn tham bạo, như hiện nay.

Việt Luận: Trước những biến chuyển dồn dập hiện nay, để có một tập hợp dân chủ đủ mạnh để đối đầu với CSVN, cần phải có những điều kiện nào?

Ông Nguyễn Gia Kiểng: Cần ý thức rằng sẽ không có một cường quốc nào hay một thế lực quốc tế nào xóa bỏ chế độ độc tài và thiết lập dân chủ cho chúng ta cả. Bối cảnh quốc tế tuy thuận lợi nhưng đất nước có dân chủ hay không hoàn toàn tùy thuộc ở cố gắng của chúng ta. Cần hiểu rằng đấu tranh chính trị không bao giờ là đấu tranh cá nhân cả mà luôn luôn là đấu tranh có tổ chức. Chúng ta sẽ chỉ giành được thắng lợi cho dân chủ nếu có được một tổ chức dân chủ mạnh. Mặt khác một tổ chức chính trị đúng nghĩa phải được quan niệm như là dụng cụ để thể hiện một tư tưởng chính trị và thực hiện một dự án chính trị. Như thế phải có một tư tưởng chính trị đúng đắn có thể vận dụng được trong một dự án chính trị cho Việt Nam. Dân chủ không chỉ giản dị là bầu cử tự do và tam quyền phân lập như nhiều người lầm tưởng, nó là thành quả của cả một dòng tư tưởng mãnh liệt kéo dài trong nhiều thế kỷ và vẫn còn đang tiếp tục. Đấu tranh để thay thế một chế độ độc tài bằng một chế độ dân chủ là một cuộc cách mạng tư tưởng lớn. Không phải bất cứ ai cũng có thể thành lập một tổ chức dân chủ. Quan trọng hơn, cần ý thức rằng mọi tổ chức đấu tranh chính trị, dù được quan niệm đứng đắn đến đâu cũng đều đòi hỏi những cố gắng xây dựng thông minh và kiên trì trong rất nhiều năm. Phải rất kiên trì.

Việt Luận: Úc châu có dân số người Việt ước lượng khoảng 250,000 người, có tỷ lệ thành đạt trên các mặt khoa bảng, nghề nghiệp chuyên môn và thương mại cao so với các sắc dân khác. Nhân chuyến Úc du tháng 10 sắp tới ông có lời kêu gọi gì với những người hằng quan tâm về VN ở đây không?

Ông Nguyễn Gia Kiểng: Do điều kiện địa lý đặc biệt của Úc, thanh niên Việt Nam tại đây, khác với tại Mỹ và Châu Âu, nắm vững tiếng Việt và văn hóa Việt không kém thanh niên trong nước, ngoài trình độ hiểu biết cao. Vì vậy khối người Việt tại Úc sẽ là sự hiện diện bền vững của căn cước Việt Nam tại nước ngoài khi phần lớn người Việt các nơi khác đã hội nhập sâu vào đất nước định cư. Tôi đánh giá cao khối người Việt tại Úc và tôi cũng đặt nhiều kỳ vọng. Với lòng kính mến, tôi muốn nói với các anh chị em quan tâm tới đất nước rằng, bằng cách này hay cách khác lịch sử sắp sang trang. Đất nước cần một tổ chức dân chủ mạnh để giành thắng lợi cho dân chủ và sau đó áp đặt những thay đổi hợp tình hợp lý. Giờ này đã quá muộn nếu chúng ta chỉ mới bắt đầu xây dựng một tổ chức như thế. Nên khởi hành từ những gì đã có, tiếp nối những cố gắng đã bỏ ra. Trừ khi các bạn tìm được một tổ chức dân chủ tốt hơn, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên có thể là một điểm hẹn. Trong 28 năm qua, từ ngày thành lập, chúng tôi đã tạo dựng được một tư tưởng chính trị và qui tụ được một đội ngũ nòng cốt, hai yếu tố đòi hỏi nhiều thời giờ nhất. Cùng nhau chúng ta có thể thay đổi được lịch sử và dẫn đất nước vào kỷ nguyên dân chủ. Trong thời gian ở Úc vào hạ tuần tháng 10 này tôi hy vọng sẽ có dịp được trao đổi với nhiều bạn cùng chia sẻ niềm tin đó trong tinh thần không có ý kiến nào cấm nêu ra, không có đề tài nào cấm bàn đến.

Báo Việt Luận & Nguyễn Gia Kiểng
© Thông Luận 2010

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 616 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 544
Khách: 544
Thành Viên: 0