Ngô Nhân Dụng
Một
đảng viên Cộng Sản lớn tuổi, đã từng giữ chức quan trọng trong guồng
máy chính trị, tháng trước mới cảnh cáo các lãnh tụ đảng, nói rằng: "Chế độ ta do các vị nắm quyền, rồi không sớm thì chày họ cũng lật thuyền các vị thôi...”
Vì
sao người ta sẽ lật thuyền? Ông đảng viên già, vẫn chưa quên bài tuyên
truyền cũ thời ông còn làm trưởng ban Tuyên Giáo trung ương, đặt câu
hỏi: "Ðảng Cộng Sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân ư...?” Và ông nhận xét: "Ðây là sự lừa dối to lớn.”
Nói như người dân ngoài phố: Một quả lừa vĩ đại của đảng ta!
Ông cựu trưởng ban tuyên giáo không chửi đảng ông, mà đổ tội cho nhóm đang ngồi trên đầu cả đảng: "...Tình hình đảng ta do Bộ Chính Trị hiện nay lãnh đạo đã xuống cấp trầm trọng.”
Tức là ông chỉ nhắm đánh bọn đang nắm quyền và kiếm rất nhiều tiền,
những Nông Ðức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Phú
Trọng, Trương Tấn Sang và đồng bọn.
Ðể cho họ lo sợ, để năm tới phải nhường chỗ cho người "phe ta” lên, ông cựu phó bí thư thành ủy báo động: "...Hai
giai cấp công nhân, nông dân hiện nay họ rất căm phẫn các anh vì họ bị
tước hết mọi quyền lợi chính đáng của mình rồi. Nếu tình hình này kéo
dài thì sự căm phẫn của hai giai cấp này và có sự đồng tình cao độ của
trí thức có văn hóa và nhân dân lao động khác sẽ đứng lên lật đổ cái
đảng, cái chế độ của các anh.”
"Nói đến giai cấp công nhân hiện nay,” ông nói thẳng một điều người Việt Nam ai cũng biết: "Rõ ràng là họ đi làm đầy tớ, họ bị bóc lột, đầy đọa hết sức tàn nhẫn.”
Còn các nông dân? Ngày xưa đảng đánh lừa được bần cố nông với khẩu hiệu
"trả ruộng đất cho dân cày làm chủ.” Ngày nay, không ai được làm chủ
một mảnh đất nào cả; đất đai hoàn toàn do "nhà nước quản lý,” nông dân
chỉ được quyền sử dụng có giới hạn, nhà nước cướp lại không bồi thường
thỏa đáng. Nói nhà nước quản lý, tức là đám cán bộ nắm toàn quyền. Ðảng
Cộng Sản giống như một ông đại địa chủ, cả nước làm tá điền, cấy rẽ và
nộp tô tức cho đảng.
Cho nên, các "đảng viên lão thành” 60, 70
tuổi đảng mới họp nhau than thở, buông lời oán trách các lãnh tụ đang
nắm đầu đảng của họ. Các ông nói, nhưng chắc không gây được ảnh hưởng,
"không có ký lô nào cả.” Bởi vì tất cả các "tội lỗi” mà ông đổ lên đầu
các lãnh tụ đương nắm quyền, thực ra họ chỉ thừa hưởng di sản từ đời
trước! Các chính sách đã được "thực hiện nghiêm chỉnh” từ khi đảng Cộng
Sản cướp được chính quyền từ hơn 60 năm nay! Thí dụ, số phận của giai
cấp công nhân: "Họ không làm chủ phương tiện sản xuất... họ không làm chủ các xí nghiệp, công ty, quốc doanh.” Hãy
coi lại, thời Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn cầm quyền, có bao giờ
giới công nhân ở Việt Nam được làm chủ xí nghiệp quốc doanh nào đâu?
Tất cả nằm trong tay đảng, tức là trong tay cán bộ, do mấy lãnh tụ chóp
bu "bố trí” cho làm! Tại sao các hồi còn trẻ các "đảng viên lão thành”
này không phản đối chính sách đó mà bây giờ mới nói? Ðến nông dân cũng
vậy. Sau khi đảng "cải cách ruộng đất” giết hàng trăm ngàn người để
cướp ruộng, đảng lập tức tập thể hóa, biến hàng triệu nông dân thành
nông nô trong các "hợp tác xã,” do các đảng viên toàn quyền điều khiển
mà hưởng lợi. Bây giờ nông dân còn được trồng trọt lấy, hoa màu được
mua bán bán ngoài chợ. Tình cảnh nông dân thời trước còn tệ hơn rất
nhiều. Tại sao trước đây 50, 60 năm các "đảng viên lão thành” không
nhìn thấy, không nói câu nào cả?
Các đảng viên già này cũng than với nhau là trong đảng thiếu dân chủ: "Sự
độc đoán, chuyên quyền của lãnh đạo từ trung ương đến các tỉnh, thành,
huyện, thị càng nghiêm trọng hơn nữa. Trong đảng không có dân chủ,
không có công bằng làm sao ngoài xã hội có dân chủ, công bằng xã hội
được?” Một thí dụ mà họ nêu lên, là Bộ Chính Trị sửa đổi thủ tục
bầu cử, cho bầu trực tiếp các chức bí thư, từ cấp xã lên đến đại hội
đảng, mà họ không hay biết gì cả!
Nhưng trước đây 60 năm, trong
đảng Cộng Sản, ở Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam có bao giờ dân chủ hay
chưa? Ai cũng biết rằng nó còn độc đoán, bưng bít, kìm kẹp đảng viên
hơn bây giờ. Ngày nay các ông còn gặp nhau buông lời chỉ trích, phê
bình, chứ ngày xưa có ai dám nói một câu nào đụng tới Hồ Chí Minh, Lê
Duẩn, Lê Ðức Thọ hay không? Vậy thì tại sao không ai kết tội những lãnh
tụ đầu tiên đem chủ nghĩa Cộng Sản và chế độ Cộng Sản vào bắt dân Việt
Nam phải theo, mà lại chỉ hạch tội những anh bây giờ đang ngồi trên đầu
mình là đám Nông Ðức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn
Minh Triết?
Khi đọc những lời lẽ nói năng của các cụ "lão
thành,” cũng cảm thấy tội nghiệp. Vào cuối đời, lương tâm cắn rứt, họ
muốn tự minh oan với hậu thế, nên kể tội bọn cầm quyền. Nhưng không dám
nhìn thẳng vào nguyên nhân đầu tiên gây ra tội lỗi. Chính những người
đang chửi bọn lãnh tụ phản dân chủ, họ cũng không hiểu thế nào là cách
sống dân chủ, không biết thế nào là lối sống minh bạch công khai của
con người tự do dân chủ.
Một điều đáng buồn cười là khi đưa ra
những ý kiến chống đối lãnh tụ, những đảng viên già nua này vẫn sử dụng
ngón nghề là ném đá giấu tay!
Ông cựu trưởng ban tuyên giáo
không dám đứng ra phê bình, không nói thẳng các ý kiến của mình trước
công chúng, mà lại mượn tay một đảng viên già 86 tuổi nhờ tung ý kiến
ra dưới hình thức tường thuật một cuộc gặp gỡ giữa mấy người tại tư
gia. Sau này, nếu cần thì vẫn chối bỏ được! Ðầu óc họ vẫn chưa rửa sạch
tác phong mập mờ, giấu giếm, che đậy, lẩn trốn trách nhiệm mà Stalin đã
tạo ra cho đám thuộc hạ trong đảng, sau khi ông ta thanh trừng gần hết
các đồng chí ngang vai vế với mình.
Ngay ý kiến của ông cựu
trưởng ban tuyên giáo trung ương cũng cho thấy ông ta không biết gì về
lối sống dân chủ, áp dụng trong một quốc gia cũng như trong các tổ chức
tư. Chỉ trích chỉ thị số 37 của Bộ Chính Trị về việc bầu trực tiếp (ông
than rằng các đảng viên khác không được thông tin, kể cả tôi cũng không
biết) ông hỏi: "Các anh cho bầu trực tiếp bí thư, phó bí thư thì
sau này các vị này vi phạm pháp luật, vi phạm hình sự, vi phạm đạo đức
cách mạng thì ai, tổ chức nào đứng ra tổ chức kiểm điểm, kỷ luật họ
đây?” Căn bản của câu hỏi này là một sự hiểu lầm về thủ tục dân
chủ. Ông ta sợ rằng nếu điều lệ đảng cho bầu trực tiếp các chức vụ lãnh
đạo thì, khi muốn hạch tội hay muốn cách chức ai lại phải họp đại hội
đảng: "Như vậy, các anh phải tổ chức lại đại hội bất thường mới
kiểm điểm kỷ luật tổng bí thư, vì trung ương và Bộ Chính Trị không bầu
tổng bí thư!” Nói điều này với một cụ già 86 tuổi thì thuyết phục được, nhưng ai khác nghe cũng phải bật cười.
Tại
sao cười? Vì thiếu hiểu biết. Ở các nước tự do dân chủ người dân vẫn
trực tiếp bầu tổng thống, bầu đại biểu Quốc Hội. Nhưng không ai phải
đợi tổ chức cho toàn dân bỏ phiếu mới có thể đàn hặc những người đã
được dân bầu trực tiếp. Hiến pháp và luật pháp nước nào cũng đặt ra
những cơ chế với quyền đàn hặc các vị dân cử phạm luật. Ở các hội đoàn
tư, các công ty thương mại cũng vậy. Dù người ta bỏ phiếu trực tiếp bầu
hội trưởng hay chủ tịch công ty, nhưng trong điều lệ lúc nào cũng ấn
định những cơ chế có quyền phê bình và truất phế những người đã được
bầu. Họ không cần phải họp tất cả các hội viên hoặc cổ đông công ty để
hạch tội người chủ tịch hay thủ quỹ. Luôn luôn có những cơ chế được đặt
ra để làm công việc đó, trong một nước cũng như trong một công ty
thương mại.
Một người từng giữ chức trưởng ban tuyên giáo trung
ương nhưng không biết chút gì về các thủ tục dân chủ rất thô sơ, những
điều mà ở một nơi sống dân chủ thì các học sinh 10 tuổi cũng biết. Tại
sao đến nỗi như thế? Vì suốt đời, ông ta không bao giờ được sống trong
tự do dân chủ. Mà cũng không bao giờ chịu học hỏi, vì đã yên trí đảng
mình là đỉnh cao trí tuệ rồi, cứ theo nếp cũ mà đi tuyên truyền giáo
dục mà thôi!
Trong đảng và trong chế độ Cộng Sản ông đã quen
sống, không đâu áp dụng quy tắc phân quyền để tạo ra những định chế cân
bằng và kiểm soát lẫn nhau. Cái thảm kịch của đảng Cộng Sản Việt Nam là
do những "đảng viên lão thành” được huấn luyện trong lò đào tạo kiểu
Stalin đó suốt một thế kỷ. Ngay trong tháng 6 vừa qua, Nông Ðức Mạnh
lại mạnh mẽ tuyên bố nước Việt Nam nhất định không theo cơ chế phân
quyền, vì tất cả đều được đảng Cộng Sản lãnh đạo! Quyền nào cũng trong
tay một đảng nắm, đảng do một nhúm người thao túng; phân quyền để làm
gì? Chính cơ chế độc quyền độc đoán đó đã sinh ra những Stalin, Pot
Pot, Ceausescu, Kim Chính Nhật, cũng như các lãnh tụ Cộng Sản nước ta.
Vậy
thì ai sẽ lật thuyền cái chế độ này? Chắc sẽ không phải là các vị "lão
thành cách mạng.” Nhiều ông vẫn còn suy nghĩ như thời 1910! Vẫn còn mơ
tưởng giai cấp công nhân, nông dân sẽ theo họ lập một đảng nữa, vùng
lên đánh đổ bạo quyền - một cường quyền do chính họ góp công dựng lên!
Sau một thế kỷ bị đánh lừa, người Việt Nam không còn tin vào những lời
hô cách mạng hão huyền nữa.
Nhưng chắc chắn thế nào rồi người
Việt Nam sẽ lật thuyền. Như chúng ta biết, trong 20 năm sau cùng của
thế kỷ 20, nhân dân các nước gần nước ta nhất như Ðài Loan, Phi Luật
Tân, Nam Hàn, Indonesia đã lật đổ các chế độ độc tài. Thể chế tự do dân
chủ được thiết lập dần dần, từng bước một, nước nọ theo nước kia, bây
giờ vẫn còn đang tiếp tục. Dân chủ hóa, không cần một giai cấp tiên
phong nào "lãnh đạo” cả. Không do một đảng, mà do rất nhiều đảng phái,
nhiều phong trào quần chúng, các thành phần trong xã hội công dân, cùng
đứng lên đòi được sống dân chủ tự do. Nhóm này bị đàn áp thì có nhóm
khác đứng ra thay. Các chế độ độc tài quân phiệt ở Hàn Quốc hay
Indonesia, của các nhà tư bản và địa chủ ở Phi Luật Tân, sau cùng đều
chịu thua khi người dân đòi quyền sống xứng đáng làm người. Thanh niên,
sinh viên, công nhân, trí thức, doanh gia, nhà báo, ở Ðài Loan hay Nam
Hàn trước đây 30 năm và ở Việt Nam bây giờ, mọi người đều đang sôi lên
với ý thức tự do dân chủ. Dân chưa xuống đường, nhưng đúng như các ông
lão thành nhận xét, sớm muộn họ cũng sẵn sàng lật thuyền!
Nếu
các vị "lão thành cách mạng” muốn đóng góp vào trào lưu dân chủ này, họ
hãy can đảm đứng ra công khai nói thật. Rằng tất cả chủ nghĩa Cộng Sản
chỉ là vô ích. Tất cả công việc dựng lên một chế độ chuyên chế độc
quyền là sai lầm, là tai hại. Tư bản hóa mà độc tài cũng tai hại không
khác gì Cộng Sản chuyên chế. Nhìn đến tương lai xa của thế giới và của
đất nước, phải chọn trào lưu tự do dân chủ, không thể nào đi đường nào
khác được. Cho nên các cụ lão thành có thể liều thân già mà đứng lên
đòi dân chủ cùng với đám thanh niên, như cựu đảng viên Tô Hải trên 80
tuổi đã làm. Tuổi đã gần đất xa trời, không nên chỉ ngồi nói những
chuyện lèm bèm như đánh cho thằng này xuống, cho thằng kia lên, làm gì
nữa. Ðằng nào dân Việt Nam cũng sẽ lật thuyền. Ðất nước cần thay đổi
lớn, chứ không phải chỉ có mấy chuyện anh được nào ăn cỗ to hơn anh nào!
http://www.nguoi-viet.com/
|