Ngô Nhân Dụng
Tổ
tiên người Việt chúng ta bắt đầu bị vua quan người Hán cai trị từ năm
nào? Có sử gia coi nước Nam Việt của ông Triệu Ðà hoàn toàn là của
người Tầu; kinh đô nước này ở Phiên Ngung thuộc thành phố Quảng Châu,
tỉnh Quảng Ðông bây giờ. Do đó có thể coi năm 208 trước Công Nguyên,
khi Triệu Ðà chiếm nước Âu Lạc, là bắt đầu thời kỳ Bắc thuộc. Nhiều sử
gia coi Nam Việt cũng là một nước của người Việt, chính ông Triệu Ðà
khi tới đó đã “được đồng hóa” theo phong tục bản xứ. Phần lớn nước Nam
Việt nay đã mất, các tỉnh Quảng Ðông, Quảng Tây đã hoàn toàn bị Hán
hóa, chỉ còn nước Việt Nam ngày nay là giữ được “tộc phả” của giòng
giống Việt. Như vậy thì khi quân Hán chiếm nước Nam Việt, năm 111 trước
Công Nguyên, mới bắt đầu thời Bắc thuộc.
Gần đây có những sử gia
như Lê Mạnh Thát lại coi thời kỳ lệ thuộc người Trung Hoa chỉ bắt đầu
từ năm 43 sau Công Nguyên. Ðó là năm Hai Bà Trưng bị thua và Mã Viện
bắt đầu áp dụng chính sách cai trị “trói buộc” (dĩ thằng nhi trị - dùng
thừng mà trị). Trước đó, xã hội Việt Nam từ thời Hùng Vương vẫn không
thay đổi, dân sống dưới quyền các lạc hầu, lạc tướng, các ông vua Nam
Việt hay các thái thú, thứ sử nhà Hán chỉ đóng vai thu thuế nộp cống
tiến về Tầu mà thôi.
Chắc giống như nhiều người Việt không
chuyên nghiên cứu lịch sử, chúng tôi thích cách nhìn của Lê Mạnh Thát,
hoàn toàn với lý do tình cảm. Bởi vì cứ nghĩ thương tổ tiên mình, muốn
các cụ lâm vào cảnh nô lệ chậm được ngày nào tốt ngày đó!
Ông Lê
Mạnh Thát mới bị cách chức viện trưởng Viện Phật Học Vạn Hạnh, để hai
vị sư bị gọi là “quốc doanh” lên thay. Không biết có phải vì sử gia tu
sĩ này đã phạm lỗi quá yêu nước, đem cắt ngắn thời kỳ Bắc thuộc hơn một
trăm năm, mà mất chức hay không! Có người nghĩ như vậy, vì trong dân
chúng Việt Nam bây giờ nhiều người cũng đang lo mối đe dọa lệ thuộc
Trung Quốc. Tất cả những vụ Thác Bản Dốc, ải Nam Quan, huyện Tam Sa,
các phong trào phản đối về các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, vụ Bô Xít,
cho thấy lòng dân đang phẫn uất về một tình trạng lệ thuộc có thật,
không thể phủ nhận được. Có những web site của chính phủ Việt Nam “của
mình nhưng do Trung Quốc phụ trách” viết theo quan điểm Bắc Kinh. Tờ
báo mạng tiếng nói chính thức của đảng Cộng Sản Việt Nam thì đăng cả
bản tin Hải Quân Trung Quốc diễu võ dương oai, đương nhiên coi Hoàng
Sa, Trường Sa là của người Tầu! Người Việt cũng đang tự hỏi trong thế
kỷ 20 nước ta bị lệ thuộc Cộng Sản Trung Quốc bắt đầu từ năm nào? Từ
thời ông Nguyễn Tấn Dũng, ông Lê Khả Phiêu, hay Nguyễn Văn Linh? Hay là
bắt đầu từ xa hơn nữa?
Ông Tống Văn Công là một đảng viên cộng
sản với 50 tuổi đảng mới viết một lá thư chân thành, trong đó ông công
nhận đảng của ông có những lỗi lầm đối với lịch sử. Hai sai lầm mà ông
nêu lên là, từ thập niên 1950 đã “Nhầm đồng minh giai đoạn là đồng minh
chiến lược, trong khi Bắc Kinh từ đầu đã có ý đồ bành trướng của chủ
nghĩa Ðại Hán,” và “ Ðường lối cách mạng uốn dần theo ý thức hệ cộng
sản.”
Chúng ta rất kính trọng tấm lòng chân thành của ông Tống
Văn Công. Nhưng nhận xét của ông về hai lỗi lầm của đảng Cộng Sản vẫn
chưa thấu đáo.
Nói rằng “Bắc Kinh từ đầu đã có ý đồ bành trướng
của chủ nghĩa Ðại Hán,” là không đúng. Mao Trạch Ðông không yêu thương
gì dân Hán. Nếu biết thương, ông ta đã không thi hành những chính sách
làm chết vài chục triệu người Hán mà không thấy ghê tay từ cuối thập
niên 1950, sau đó mươi năm lại đưa ra các chính sách giết thêm vài chục
triệu người Hán nữa. Lý tưởng của Mao Trạch Ðông không phải là Ðại Hán
mà là làm cách mạng vô sản thế giới. Ông ta luôn luôn hô hào “chủ nghĩa
quốc tế” và chống đối “chủ nghĩa quốc gia” kịch liệt. Khi tiễn phái
đoàn 40 cố vấn Trung Quốc đầu tiên sang Việt Nam năm 1950, cả Mao Trạch
Ðông nhắc các cố vấn này chuyện ngày xưa Mã Viện đã sang đánh chiếm
Việt Nam và người Việt còn thù ghét lắm. Và sau đó Lưu Thiếu Kỳ ủy lạo
đoàn cố vấn quân sự cũng kể chuyện Mã Viện và nhắc nhở như vậy. Họ đều
khuyên các cố vấn phải tuân thủ “chủ nghĩa quốc tế” trong khi làm nhiệm
vụ cách mạng ở Việt Nam.
Hồ Chí Minh cũng chọn “chủ nghĩa quốc
tế” giống Mao. Ông Hồ là người lãnh đạo đảng Cộng Sản và chính phủ
kháng chiến Việt Nam lúc đó, và ông hoàn toàn đồng ý với Mao Chủ Tịch.
Cho nên không thể nói Hồ Chí Minh đã chọn “nhầm đồng minh giai đoạn là
đồng minh chiến lược.” Trung Quốc lúc đó không phải chỉ là “đồng minh
chiến lược” của Cộng Sản Việt Nam mà có một địa vị còn cao hơn nữa. Ðó
là đồng minh trong ý thức hệ, trong tư tưởng, trong đường lối, chính
sách, trong tất cả mọi mặt. Theo Oliver Todd thuật lại, Hồ Chí Minh
từng nói rằng ông không thấy cần phải viết sách gì để phát triển chủ
nghĩa cộng sản nữa, vì tất cả mọi điều cần viết thì đã có Mao Trạch
Ðông viết hết rồi.
Trên đời có nhiều hình thức nô lệ, không có
thứ nào nguy hiểm bằng nô lệ về tư tưởng. Vì khi đã quyết tâm theo một
ý thức hệ của người khác rồi thì họ bảo gì cũng phải nghe, vì họ có thể
giải thích mọi hành động theo đúng ý thức hệ. Con đấu tố cha là đã bóc
lột mình, vợ tố cáo chồng đã hãm hiếp mình, việc nào cũng có thể biện
minh bằng ý thức hệ cả. Ðồng minh chiến lược cũng có khi thay đổi được.
Ðồng minh trong tư tưởng thì không thể đổi, trừ khi chính mình tuyên bố
từ bỏ ý thức hệ đó.
Chúng ta có thể rộng lượng nghĩ rằng Hồ Chí
Minh chỉ “giả bộ” theo ý thức hệ cộng sản thôi, còn trong hành động ông
vẫn theo hướng khác để khỏi bị lệ thuộc Trung Quốc. Cho nên, phải nhìn
vào hành trạng của chính ông mới biết thực tình Hồ Chí Minh có bị Mao
Trạch Ðông lèo lái hay không.
Ông La Quý Ba là “đại diện liên
lạc” đầu tiên của Cộng Sản Trung Quốc với Việt Nam, sau khi Hồ Chí Minh
sang Bắc Kinh vào Tháng Giêng năm 1950 xin viện trợ. Sau này La Quý Ba
được đưa lên làm tổng cố vấn rồi làm đại sứ. Hồi ký của La Quý Ba kể
ngày 14 Tháng Mười năm 1950, Hồ Chí Minh viết cho Mao bức thư cảm ơn
các cố vấn Trung Quốc, “Chúng tôi đã thắng lợi hoàn toàn trong chiến
dịch Thất Khê, Cao Bằng. Nguyên nhân lớn nhất của thắng lợi này là sự
viện trợ tận tình của Ðảng Cộng Sản Trung Quốc, Ðảng Cộng Sản Liên Xô,
các đồng chí Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Ðông.” Và Hồ Chí Minh nhấn mạnh,
“Tóm lại, tôi nghĩ rằng thắng lợi này là thắng lợi của đường lối cách
mạng, quốc tế chủ nghĩa của Mao Trạch Ðông.”
Trong các trận Thất
Khê, Cao Bằng có hơn một ngàn thanh niên Việt Nam anh dũng hy sinh. Hồ
Chí Minh coi đó là một “thắng lợi của đường lối cách mạng, quốc tế chủ
nghĩa của Mao Trạch Ðông.” Cũng giống như khi về ở Hang Pắc Bó sau mấy
chục năm xa quê hương, Hồ Chí Minh đã đem một ngọn núi và một con suối
nguồn của sông đặt tên theo tên Karl Marx và Lenin. Lòng ông ta lúc nào
cũng hướng về chủ nghĩa quốc tế cộng sản.
Hồi ký của La Quý Ba
kể rằng mùa Ðông năm 1951 Hồ Chí Minh một lần nữa lại bí mật đến Bắc
Kinh. La Quý Ba đã theo Hồ tới yết kiến Mao Trạch Ðông tại Di Niên
đường, “Người gặp Mao Chủ Tịch như anh em xa cách lâu ngày...” Trong
cuộc gặp gỡ đó, La kể, Hồ Chí Minh xin với Mao Trạch Ðông chỉ thị cho
La Quý Ba “khi tham gia hội nghị Bộ Chính Trị Trung Ương của chúng tôi”
đừng “quá thận trọng, quá khiêm tốn” mà hãy “nêu nhiều ý kiến hơn.” Sau
đó, Mao, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ðức nói chuyện riêng với La Quý Ba cũng nhắc
nhở La phải “nêu nhiều ý kiến, giúp đỡ nhiều hơn đối với họ.”
Ðọc
hồi ký này mới biết là Hồ Chí Minh đã mời La Quý Ba tham dự các cuộc
họp của Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam. Ðây là một hành động hiếm
khi xảy ra, vì Bộ Chính Trị là cơ quan quyết định tất cả mọi việc trong
đảng, trong chính quyền. Vào thế kỷ 19 khi quân Pháp đánh chiếm Việt
Nam trong hơn 20 năm, một điều họ đòi hỏi là viên khâm sứ Pháp phải có
quyền tham dự các cuộc họp của Cơ Mật Viện trong triều đình Huế. Tám
mươi năm sau, Hồ Chí Minh tự ý tặng cho cố vấn Trung Quốc đặc quyền đó.
Nếu không phải vì tình đồng chí cùng theo đuổi một cuộc cách mạng thế
giới thì không ai làm như vậy. Ông Hồ lúc đó là chủ tịch đảng, chủ tịch
nước, những việc ông làm là khuôn phép cho các đồng chí cấp dưới noi
theo.
Xin nhắc đến một thí dụ khác trong hành trạng của ông Hồ.
Khi cuộc cải cách ruộng đất được phát động theo từng bước đúng bài bản
của các cố vấn Trung Cộng, Hồ Chí Minh có lúc muốn tha chết cho bà
Nguyễn Thị Năm, một địa chủ đã có công cứu giúp nhiều lãnh tụ cộng sản
Việt Nam, có con đi bộ đội và đã hiến của cải cho kháng chiến. Ông Hồ
là chủ tịch nước, ông có quyền ân xá. Ông họp cả Bộ Chính Trị để bàn
việc đó. Nhưng cuối cùng ông đã không dám ân xá cho một phụ nữ có công
với tổ quốc Việt Nam. Chỉ vì một cố vấn Trung Quốc nói: “Con hổ đực,
hay hổ cái, con nào cũng ăn thịt người!”
Người đứng đầu một
chính phủ, đứng đầu một đảng ở cấp quốc gia, mà không dám làm trái lời
một cố vấn Trung Quốc cấp huyện. Trong lịch sử chưa thấy người nào nhịn
nhục đến như thế. Vì khi đã nô lệ về tư tưởng, thì sẽ bị ràng buộc
trong tất cả mọi hành động.
Có thể nói Lê Duẩn đã phản ứng ngược
lại, sau năm 1975 quay đầu theo Liên Xô, chống Trung Quốc đến độ cực
đoan cũng vì phẫn uất vì đã thấy Hồ Chí Minh phải nhịn nhục với các cố
vấn nhiều quá. Nhắm mắt theo Trung Quốc là dại, chống đối một nước lớn
láng giềng đến độ viết cả vào Hiến Pháp, để đi theo một cường quốc ở
xa, lại càng dại dột hơn. Ðến năm 1992 sau khi Liên Xô đã sụp đổ, phái
đoàn Nguyễn Văn Linh, Ðỗ Mười, Phạm Văn Ðồng sang Thành Ðô xin thần
phục trở lại thì lúc đó chính quyền Trung Quốc cũng không còn theo “chủ
nghĩa cách mạng quốc tế” của Mao Trạch Ðông nữa rồi. Lúc đó ở Bắc Kinh
họ rất mừng vì “chủ nghĩa Ðại Hán” đã thực sự trở thành quốc sách, họ
có cơ hội thực hiện ngay. Khi ông Lê Khả Phiêu sang Tầu xin tái lập một
“quốc tế cộng sản” mới thì các đồng chí Trung Quốc đã cảm ơn và từ
chối! Chủ nghĩa Ðại Hán không cần đến thứ chiêu bài lỗi thời đó nữa.
Vậy
thì trong thế kỷ 20 nước ta bắt đầu chịu lệ thuộc Trung Quốc từ năm
nào? Từ năm 1992 hay là từ năm 1950? Chắc các sử gia sau này sẽ còn bàn
mãi. Nhưng người Việt Nam đang sống trong cảnh lệ thuộc đó thì không
quan tâm đến chuyện nó bắt đầu từ bao giờ. Cả nước chỉ mong tìm cách
làm sao chấm dứt cảnh lệ thuộc đó mà thôi.
|