Thứ Năm, 2024-04-18, 6:42 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Mười Hai » 13 » Lễ trao Giải Nhân Quyền của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam
3:29 PM
Lễ trao Giải Nhân Quyền của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam

Tâm Việt

Thứ Năm 10 tháng 12 năm nay đánh dấu 61 năm bản Tuyên-ngôn Quốc-tế Nhân-quyền ra đời. Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, có trụ-sở ở Westminster, California, đã nhân cơ-hội này quyết-định trao Giải Nhân Quyền hàng năm cho hai người tranh đấu nhân-quyền nổi tiếng ở trong nước tại Hoa-thịnh-đốn để đánh động dư-luận quốc-tế về tình-trạng nhân-quyền ngày càng tồi tệ ở quê nhà.

   

Buổi lễ diễn ra từ 2 giờ đến 4 giờ chiều tại Washington Court Hotel, một địa-điểm rất gần Thượng-viện Hoa-kỳ, được đặc-biệt chú ý bởi đã có sự hiện diện của một số dân-biểu và thượng-nghị-sĩ Hoa-kỳ, đến để chia sẻ với chúng ta những cảm nghĩ của họ về tình-hình nhân-quyền ở quê nhà và những phương-thức nào có thể đem lại kết-quả hơn trong mục-đích cải thiện tình-hình này.

Thượng-nghị-sĩ Sam Brownback

Người đầu tiên được mời lên phát biểu là TNS Sam Brownback, thuộc đảng Cộng-hoà TB Kansas. Ông cho biết ông đã quan-tâm từ nhiều năm nay đến vấn-đề nhân-quyền VN vì không có lý-do gì mà người Việt ở trong nước lại không có thể được hưởng những quyền căn-bản của con người như người Việt ở hải-ngoại. Ông hỏi có bao nhiêu người là thuyền-nhân trong số những người dự hôm nay. Khi nhiều cánh tay giơ lên, ông bảo ông rất kính phục những vị này bởi họ đã ra đi mà không quay lưng lại những người còn lại ở quê nhà, những người không được hưởng những quyền như chúng ta có ở ngoài này. Ông cũng cho biết, ông tự hứa là vào Thượng-viện ông sẽ chỉ ở hai nhiệm-kỳ, tức tổng-cộng 12 năm, vì vậy sang năm sẽ là năm cuối của ông ở Thượng-viện, ông sẽ không ra tranh cử nữa. Tuy-nhiên, ông vẫn mong là trước khi rút lui, ông sẽ được thấy Dự-luật Nhân-quyền VN năm 2009 thành luật sau khi được thông qua ở Thượng-viện. Để đạt được mục-tiêu, ông cho rằng tất cả chúng ta cần phải chủ-động hơn nữa trong việc vận-động với các nghị-sĩ ở tiểu-bang nơi ta trú ngụ để cho dự-luật có thể được thông qua nhanh chóng.

Hai dân-biểu Ed Royce và Cao Quang Ánh

Lên diễn-đàn sau ông Brownback là Dân-biểu Ed Royce, một ủng-hộ-viên hàng đầu của Đài Á Châu Tự Do và một người rất quan-tâm đến các vấn-đề truyền thông, Đài ACTD, Internet. Ông Ed Royce cho biết năm 2004, sở dĩ VNCS bị đưa vào danh-sách CPC (Countries of Particular Concern, các Quốc gia đáng quan-tâm đặc-biệt) là vì có một cuộc gặp gỡ của một số lãnh-đạo trong cộng-đồng người Mỹ gốc Việt với Tổng-thống Bush yêu-cầu chuyện đó. Rồi với sự tiếp tay của Quốc-hội, VNCS trong hai năm (2004-2006) đã nằm trong danh-sách CPC. Nhưng sau đó vì những lý-do chính-trị, khi Hà-nội được đưa ra khỏi danh-sách này, lập-tức Hà-nội trở lại những nếp đàn áp tự do tôn-giáo tệ hại hơn bao giờ hết. "Chính giờ này, trong khi ta đang đứng đây, các tu-sinh Bát Nhã một lần nữa bị xua đuổi khỏi một tu-viện thứ hai cho họ tá túc. Cũng chính giờ này, sự đàn áp vẫn tiếp-diễn với các thành-phần dân-chủ ở VN.” Do đó, ông kêu gọi cộng-đồng VN cần làm mạnh hơn nữa để đòi hỏi đưa VNCS trở lại trong danh-sách CPC. "Quyền-lực,” ông nói, "nằm với Quý Vị.” "Quyền-lực,” ông nói tiếp để động-viên chúng ta, "nằm ở trong phòng này.”

Đến lượt Dân-biểu Cao Quang Ánh, ông cho rằng những sự đàn áp tồi tệ về nhân-quyền thì ta biết cả rồi. Nhưng làm cách nào để cải thiện tình-hình đó mới là vấn-đề. Ông cho rằng chúng ta không thể cứ chống đánh xuôi, kèn thổi ngược mà có kết-quả được. Ông cho rằng 1 triệu rưởi người Mỹ gốc Việt là một sức mạnh ghê gớm lắm. Nếu ta biết bảo nhau, theo một chính-sách thống nhất (không nhất thiết mọi người phải ở trong cùng một tổ-chức, chỉ cần làm việc hài-hoà, nhịp nhàng với nhau cho cùng một mục-tiêu) là ta có thể có một tiếng nói ghê gớm lắm, ghê gớm hơn ta tưởng. Và lúc bấy giờ người ta mới nghe mình. Ông mong là cộng-đồng VN ở Mỹ chóng đến ngày làm việc được với nhau như thế.

Tiến-sĩ Sophie Richardson của HRW

Tiến-sĩ Richardson thuộc tổ-chức phi-chính-phủ Human Rights Watch, khi được mời lên nói chuyện, chia xẻ với cử-toạ một phần bản báo-cáo hằng niên của HRW sẽ được công-bố trong khoảng một tháng nữa. Cô đặc-biệt nhấn mạnh đến tình-trạng của các đồng-bào Thượng Tây-nguyên mà theo cô hiện còn ít nhất 300 người đang bị tù tội mà không được mấy ai đoái hoài. Cô cũng cho biết là các sư sãi người Miên Nam-bộ (Khmer Krom), như ở Sóc-trăng, đã bị mất hết các quyền căn-bản của họ mà cũng không được mấy người biết đến để can-thiệp cho họ.

Tiến-sĩ Scott Flipse của Uỷ-hội Hoa-kỳ về Tự do Tôn-giáo Quốc-tế

Đến lượt ông, Tiến-sĩ Scott Flipse kể là ông đã đi VN nhiều lần, đã gặp Đại-lão Hoà-thượng Thích Quảng Độ, L.M. Nguyễn Văn Lý, Luật-sư Nguyễn Văn Đài và Luật-sư Lê Thị Công Nhân ngay trong tù, v.v. Ông kể có lần HT Quảng Độ bảo: "Ông biết nhiều về VN thế, kiếp trước chắc ông phải là người Việt.” Rồi ông kể: Năm ngoái, phái-đoàn của Uỷ-hội Hoa-kỳ về Tự do Tôn-giáo Quốc-tế thăm Lê Thị Công Nhân trong tù trước khi phái-đoàn được Thủ-tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp. Biết thế, cô Lê Thị Công Nhân bảo: "Ông nói giùm với ông Dũng là ra tù vẫn còn Lê Thị Công Nhân và càng ngày càng có nhiều người trẻ như chúng tôi vì chúng tôi chỉ muốn sống như những con người ra con người.”

Rồi có lần, ông đến Sơn-la, ông bí-thư tỉnh-uỷ tuyên-bố là ở Sơn-la không có người Công-giáo. Nhưng rồi ông đến gặp khoảng 400 người, ông hỏi: "Ở đây có ai Công-giáo không?” Hầu hết mọi người đều giơ tay, ông Flipse quay lại ông bí-thư và hỏi: "Thế bây giờ ông có nghĩ là ở Sơn-la có người Công-giáo không?” Ông bí-thư bèn phải nói thật: "Có lẽ tôi sẽ phải đổi ý-kiến của tôi.”

Ông Flipse nói xong, bà Jackie Bông hỏi: "Thế bây giờ ông muốn tên VN của ông là gì?” Ông ta chưa biết trả lời ra sao thì cử-toạ đồng-thanh hô to: "Tên Nam.” Ông rất vui vẻ nhận tên này.

Mấy diễn-giả VN

Vì năm nay, vì mục-đích chính nhắm vào dư-luận quốc-tế và có nhiều diễn-giả người Mỹ nên phần phát biểu của các quan-khách người Việt được giữ ở mức tối-thiểu. Sau phần ông Đỗ Hồng Anh, chủ-tịch Cộng-đồng DC-MD-VA, lên nói ngắn gọn về ý-nghĩa của Tuyên-ngôn QT Nhân-quyền và phần BS. Nguyễn Quốc Quân lên chúc mừng hai vị được giải năm nay, anh Shandon Phan Quốc Cường, một luật-sư trẻ, đã lên thay mặt Uỷ-ban Cứu Ngưòi vượt biển nói về tình-hình của những người tỵ nạn gốc Việt hiện đang gặp khó khăn cả ở Căm-pu-chia lẫn Thái-lan: Cao-uỷ Tỵ nạn thì khó khăn, Phnom Penh thì cộng-tác với mật-vụ VN để đưa những người này về nước, còn Thái thì thờ ơ, bắt bí. Do đó nên anh kêu gọi chúng ta phải quan-tâm hơn nữa những trường-hợp này để giúp giải-quyết tình-trạng rất bi đát của họ.

Dân-biểu Loretta Sanchez: "Chúng ta đang làm lịch-sử”

Mặc dầu có một ngày thật bận rộn trên Quốc-hội, bà Loretta Sanchez cũng đã cố gắng đến với buổi lễ. Bà cho biết bà là trong 16 năm qua, bà đã là đại diện của một đơn-vị mà có lẽ đông người Việt nhất ở ngoài VN. Bà rất hãnh-diện về chuyện này và bà chào mừng con của nhà văn Trần Khải Thanh Thuỷ, cháu Đỗ Thuỷ Tiên, đã sang được kịp để lãnh giải cho mẹ cháu. Bà nói: "Đôi khi chúng ta không biết là ngồi đây, chúng ta đang làm lịch-sử. Mai kia khi Việt-nam tự do, dân-chủ, chúng ta sẽ nhớ lại ngày này để biết là giờ đây chúng ta đang làm lịch-sử.” Bà cũng cho biết là gần đây, nghị-quyết H.R. 672 về vấn-đề tự do trên Mạng (Internet freedom) do bà đề xuất đã được Hạ-viện Mỹ chấp thuận với đa-số tuyệt-đối. Và bà ca tụng hai vị được Mạng Lưới Nhân Quyền quyết-định trao giải năm nay.

Sau khi G.S. Đào Thị Hợi đọc tiểu-sử của Trần Khải Thanh Thuỷ trong tiếng Anh và bà Ngô Thị Hiền đọc trong tiếng Việt, ông Nguyễn Bá Tùng, Chủ-tịch MLNQ, đã lên trao tấm lắc vinh danh nhà văn TKTT cho con của bà, tức cháu Thuỷ Tiên, hiện đang học ở Montpellier, Pháp, và kịp sang để nhận giải cho mẹ. Đáp lời, cháu Thuỷ Tiên, 23, đã xin lên phát biểu, ngắn ngủi nhưng dõng dạc, nói thay cho mẹ cháu để cám ơn Mạng Lưới. Cháu cũng cho biết là mẹ cháu đã quyết-định sẽ chia cái giải đó ra làm 10 để tặng lại cho một số những người tranh đấu cho nhân-quyền ở trong nước mà trong lúc này có thể gặp khó khăn hơn bà.

Cuối cùng, G.S. Đặng Đình Khiết thuộc Uỷ-ban Liên-tôn vùng HTĐ đã được mời lên đọc tiểu-sử của Mục-sư Nguyễn Công Chính, người đồng được giải NQ năm nay bên cạnh nhà văn TKTT. Luật-sư Trần Thanh Hiệp từ Pháp qua đọc phần tiếng Việt (198 lần bị gọi lên thẩm vấn, 19 lần bị đánh đập, v.v. chỉ vì tranh đấu cho quyền làm người của các đồng-bào Thượng) và G.S. Nguyễn Thanh Trang (MLNQ) đã trao lại tấm lắc vinh danh Ms. Chính mà Hoà-thượng Thích Tâm Thọ đã nhận lãnh giùm.

Cuối buổi, học-giả Đỗ Thông Minh từ Nhật qua đã trình chiếu mấy đoạn video để chứng minh cái mà ông gọi là "vu oán giá hoạ” của Công-an VC đối với nhà văn Trần Khải Thanh Thuỷ và chồng bà, nhà giáo Đỗ Bá Tân.

Phải nói là buổi lễ, vì được sự hỗ-trợ hết mình của cộng-đồng người Việt ở trong vùng, nhất là của nhóm "các bà mẹ VN,” nên đã diễn ra một cách thật trang trọng và ý nghĩa. Ai cũng bảo là vì năm nay, Giải NQ được tổ-chức ở vùng thủ-đô nên đã rất có trọng-lượng lớn nhờ ở sự tham-gia tích-cực của các nghị-sĩ dân-biểu và đại diện các NGO chuyên lo về nhân-quyền.

Vận-động hành-lang

Cũng cần nhắc là trong buổi sáng hôm thứ Năm, 10/12, những người ở xa về cũng đã nhân cơ-hội này phối-hợp với ban tổ-chức để đi vận-động hành-lang cho Dự-luật NQ Việt-nam 2009. Một phái-đoàn đi với G.S. Nguyễn Thanh Trang và G.S. Nguyễn Ngọc Bích đã đến gặp văn-phòng của TNS John Kerry, chủ-tịch Uỷ-ban Ngoại-giao Thượng-viện Hoa-kỳ, để thúc đẩy chuyện này. Kế đó là văn-phòng TNS Kirsten Gillibrand. Một phái-đoàn khác đi với bà Jackie Bông Wright và ông Nguyễn Bá Tùng, chủ-tịch MLNQ, đến các văn-phòng của Dân-biểu Chris Smith, TNS Johnny Isakson và bà TNS Barbara Boxer (cả hai phái-đoàn, hơn 10 người, gặp chung ở đây).

Ngày hôm sau, thứ Sáu, hai phái-đoàn sẽ còn gặp các văn-phòng như của TNS Dianne Feinstein (Cali), TNS B. Cardin và TNS. Jim DeMint.

Đi vận-động chung thì ngoài những người địa-phương (Maryland, Virginia) và người của MLNQ đến từ California còn có một phái-đoàn hùng hậu 5 người đến từ Boston, Massachusetts, do Dược-sĩ Trần Quang Tuấn và Tiến-sĩ Hà Văn Hải cầm đầu, và một phái-đoàn đến từ New Jersey do ông bà Trần Quán Niệm đảm trách.

Cảm-tưởng chung là những sự vi-phạm nhân-quyền quá lộ liễu gần đây của Hà-nội đang làm cho Hà-nội mất hầu như hết các đồng-minh trong Quốc-hội Hoa-kỳ, cả những người có thiện-cảm nhất đối với họ, như các TNS Kerry, McCain và Jim Webb nên khả-năng Dự-luật NQVN 2009, do bà Barbara Boxer đệ trình hồi tháng 5/2009, trở nên khá hiện-thực.

— -

Bản tin của Mạng Lưới NQVN
Hình ảnh của Mạng Lưới NQVN và VT









Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 639 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Mười Hai 2009  »
SuMoTuWeThFrSa
  12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0