Thứ Ba, 2024-11-05, 8:54 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Bảy » 23 » Lấy thúng úp voi
11:44 AM
Lấy thúng úp voi

Trung Điền



Việt Nam đang trải qua những ngày nóng kỷ lục với nhiệt độ lên đến 43 - 44 độ C hằng ngày, vừa oi bức lại vừa bị cúp điện liên tục. Nhưng nếu chỉ như thế thôi, người dân Việt Nam dư sức chịu đựng như đã từng chịu đựng hàng chục năm qua. Cái nóng gay gắt và khó chịu nhất đến từ những hành xử bất thường của lãnh đạo Hà Nội liên quan đến hai vấn đề đang tạo nhiều quan tâm của dư luận.

Vấn đề thứ nhất là Tô Huy Rứa, Ủy viên bộ chính trị, Ban bí thư trung ương, Trưởng ban tuyên giáo trung ương, chủ tịch hội đồng lý luận trung ương đã gọi điện thoại trực tiếp cho các tổng biên tập cũng như một số cơ quan báo chí yêu cầu ngưng không loan tải về vụ án Hà Giang – liên quan đến tư cách đạo đức của Nguyễn Trường Tô, Phó Bí thư tỉnh ủy Hà Giang, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Nguyễn Trường Tô vừa bị Ủy ban kiểm tra trung ương đảng ra thông báo ngày 5 tháng 7, yêu cầu cách hết chức vụ của Tô vì đã có những hành động bê bối, vi phạm tác phong đạo đức cán bộ.

Điều trớ trêu của vấn đề này là toàn bộ ban lãnh đạo Tỉnh ủy Hà Giang đã công khai họp báo tuyên bố rằng quyết định của Ủy ban kiểm tra trung ương không đủ chứng cứ và không thuyết phục nên không chiụ thi hành. Họ yêu cầu Ban bí thư trung ương phải lên tiếng về sự việc này. Trong cơ chế của đảng Cộng sản, Ủy ban kiểm tra trung ương được coi như là bộ máy tư pháp nhằm điều tra, xét xử và đưa ra những biện pháp kỷ luật đối với bất cứ đảng viên nào được coi là vi phạm kỷ luật đảng, dù là Tổng bí thư, Thủ tướng Chủ tịch nước... Thế nhưng, Nguyễn Trường Tô đã không những không thèm lên tiếng về quyết định của Ủy ban kiểm tra đối với mình, mà lại để cho đàn em của Tô là Trần Hải Dương, chánh văn phòng Ủy ban nhân dân Tỉnh mở cuộc họp báo phủ nhận biện pháp kỷ luật của Ủy ban kiểm tra và đòi Ban bí thư trung ương phải lên tiếng.

Có lẽ đây là lần đầu tiên một cấp ủy địa phương dám lên tiếng công khai bác bỏ một quyết định của cơ chế Trung Ương, đặc biệt liên quan đến biện pháp kỷ luật của một cơ chế Trung ương đối với một cán bộ có nhiều quyền lực tại địa phương. Đáng lý ra, lãnh đạo Hà Nội phải để cho báo chí loan tải chi tiết về các diễn tiến của nội vụ giúp cho công luận hiểu rõ hơn vì sao Ủy ban kiểm tra trung ương đã ra quyết định cách chức Nguyễn Trường Tô, như báo chí phanh phui về những sai trái của Phạm Thanh Bình, chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã làm vỡ nợ lên đến 4 tỷ Mỹ Kim.

Thế nhưng, Tô Huy Rứa lại ra lệnh báo chí không được loan tải vụ án Nguyễn Trường Tô. Sự kiện này cho ta thấy là Cộng sản Việt Nam đang muốn: 1/ Che dấu sự soi mòn quyền lực của trung ương đối với địa phương khi quyết định của Ủy ban kiểm tra đưa ra không được Tình Hà Giang chấp hành; 2/ Bưng bít sự lục đục, chống đối lẫn nhau giữa quyết định của Ủy ban kiểm tra với Tỉnh ủy Hà Giang trên mặt báo và 3/ Ngăn chận sự phản đối dây chuyền ở các địa phương khác đối với quyết định của Ủy ban kiểm tra trung ương.

Việc làm của Tô Huy Rứa chẳng khác nào lấy thúng úp voi, vì thời đại hiện nay thông tin đã vượt qua tầm kiểm soát của Ban tuyên giáo và Bộ thông tin – văn hóa. Lệnh của Tô Huy Rứa có thể khiến cho một số tờ báo và trang Web lo ngại, không loan tải chính thức; nhưng chắc chắn là không thể nào ngăn chận được sự trao đổi về vụ Nguyễn Trường Tô với 13 tấm hình khỏa thân của Tô trên hàng triệu trang Blog, Facebook và nhất là những chùm E Mail tán phát của các độc giả mạng ở trong và ngoài nước. Do đó, việc làm của Tô Huy Rứa chỉ tự tố cáo bản chất "gia trưởng” của chế độ độc tài, nhưng bất lực trong bối cảnh mở rộng của mạng thông tin Internet ngày nay, và càng làm lộ rõ hơn sự lúng túng che đậy của Hà Nội.

Vấn đề thứ hai là tạp chí nhân quyền, do văn phòng thường trực ban chỉ đạo về nhân quyền của Cộng sản Việt Nam phát hành, ra mắt vào ngày 14 tháng 7 vừa qua tại Hà Nội. Đây là một biến sự khiến cho dư luận Việt Nam lẫn quốc tế coi như một hành vi mang tính "diễu cợt” của chế độ đối với vấn đề "quyền thiêng liêng của con người”. Một chế độ luôn luôn chà đạp các quyền tự do của con người được minh định trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, và thường xuyên bị quốc tế lên án về những vi phạm nhân quyền trầm trọng lại ra một tạp chí nhân quyền? nếu không phải Hà Nội đang "diễu cợt” những điều nghiêm chỉnh thì chính họ đang tự làm trò hề trước công luận quốc tế.

Sự "diễu cợt” càng rõ rệt hơn khi cơ quan Thông Tấn Xã tường thuật lời phát biểu của Phạm Gia Khiêm, Ủy viên bộ chính trị, Bộ trưởng ngoại giao về nhiệm vụ của tạp chí nhân quyền là nhằm: 1/ Phổ biến quan điểm, chủ trương của đảng, chính sách, pháp luật trên lãnh vực quyền con người; 2/ Tuyên truyền về những hoạt động của chính phủ trên lãnh vực tôn trọng quyền con người; 3/ Giúp thông tin cho quần chúng về những âm mưu của các thế lực thù địch dùng đề tài dân chủ và nhân quyền để phá hoại công cuộc phát triển và xây dựng đất nước. Tạp chí sẽ phản biện lại những luận điệu sai lạc đó.

Với ba nhiệm vụ của tạp chí Nhân Quyền mà Phạm Gia Khiêm đề cập ở trên, người ta chỉ thấy lý do thứ ba là có vẻ nói rõ nhu cầu của Hà Nội phải ra thêm một tờ báo. Đó là để "đánh lại” những thế lực thù địch, đang dùng vấn đề nhân quyền kích động sự chống đối ở trong nước. Hai lý do còn lại để biện minh cho việc ra mắt tạp chí thì hoàn toàn là "ngụy biện”. Việc Cộng sản Việt Nam cho lập ra Ủy ban chỉ đạo về nhân quyền, rồi ra mắt tạp chí nhân quyền Việt Nam cho thấy là càng ngày Hà Nội không thể nào làm ngơ trước các phản kháng về nhân quyền của người dân và dư luận quốc tế.

Vì Cộng sản Việt Nam lo ngại "việc cải thiện nhân quyền” là một phần áp lực của thế giới thông qua các tổ chức "phản động” để tấn công làm suy yếu chế độ, nên họ đã dùng tạp chí nhân quyền như là một phương tiện nhằm ngăn chận "phản động”. Vì suy nghĩ sai nên Hà Nội đã hành động sai trong việc cho ra đời tạp chí nhân quyền. Đây cũng là hành động lấy thúng úp voi. Nhân quyền là một vấn đề thuộc về nhu cầu tự do trong đời sống con người chứ không phải là một ân huệ ban phát từ chế độ. Nó không phải là cái loa tuyên truyền để qua đó chứng minh rằng quyền của người dân được tôn trọng. Thay vì nhà nước phải ra thêm một tạp chí nhân quyền thì tốt hơn nên để cho 600 tờ báo, tạp chí hiện đang phát hành, được tự do phản ảnh thực chất của quyền con người, phản ảnh những gì họ nhìn thấy tận mắt, kể cả được công khai loan tải những gì bị bộ máy quyền lực đe dọa. Buộc 600 tờ báo "phải đi lề bên trái” theo lệnh của Tô Huy Rứa, trong khi tốn tiền ra thêm một tạp chí Nhân Quyền chẳng khác nào hành động "đánh bùn sang ao”.

Tóm lại, Cộng sản Việt Nam đang cố che đậy sự ruỗng nát nội bộ bằng những thủ thuật bưng bít thông tin và xuyên tạc vấn đề nhân quyền thành âm mưu quấy phá của các thế lực thù địch, cho chúng ta thấy là lãnh đạo Hà Nội đang bị đẩy vào thế lúng túng chống đỡ không phải chỉ từ quần chúng mà còn từ chính hàng ngũ cán bộ, đảng viên. Đây là những dấu hiệu cho thấy sự soi mòn quyền lực lãnh đạo của thành phần chóp bu trong Bộ chính trị, Ban bí thư ở vào mức cùng cực, ảnh hưởng rất lớn trong việc sắp xếp nhân sự lãnh đạo trong đại hội đảng lần thứ XI vào tháng 1 năm 2011. Qua tình hình này, chúng ta thấy thách đố lớn nhất của Hà Nội hiện nay không phải là đi tìm nhân sự đóng vai Tổng bí thư hay Bộ chính trị để cầm đầu đảng, mà quan trọng hơn là làm sao địa phương tiếp tục phục tùng những quyết định của trung ương khi những tranh chấp "quyền” và "lợi” đang bùng nổ sau 20 năm mở cửa.

Trung Điền
Ngày 22/7/2010

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 695 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 552
Khách: 552
Thành Viên: 0