Tường An, thông tín viên RFA
2013-06-25
Lan-song-thuyen-nhan-moi.mp3
Thảm kịch thuyền nhân tưởng đã chấm dứt khi chương trình tái định cư
hồi hương các thuyền nhân trong các trại tị nạn Đông Nam Á kết thúc năm
1999. Thế nhưng, những năm gần đây lại xuất hiện một làn sóng thuyền
nhân mới và Úc là địa điểm được ưa chuộng. Ngoài người Việt, cũng có rất
nhiều sắc dân khác như Sri Lanka, Miến Điện, Trung đông…… vượt biển tìm
một cuộc đổi đời trên nước Úc. Đã có nhiều người chưa thấy thiên đường
Úc đã phải bỏ mình trên đại dương, đã có nhiều người bị trả về nguyên
quán và chính phủ Úc đã có nhiều biện pháp ngõ hầu làm nản chí thuyền
nhân thế nhưng làn sóng tị nạn vẫn gia tăng. Thảm kịch thuyền nhân tầm
trú (asylum- seekers) đang là một đề tài gây tranh cãi tại quốc hội Úc.
Theo thống kê của Bộ di trú Úc, từ 1 thuyền nhân năm 2002 đã tăng
vọt đến 17.200 thuyền nhân trong năm 2012. Báo Time ngày 9/5 cho biết
cho tới đầu tháng 5-2013 đã có 460 người Việt Nam, gồm nam nữ và trẻ
em, đã vượt biên tới bờ biển Úc Châu - nhiều hơn tổng số 5 năm trước.
Các thuyền nhân Việt Nam này đến Thái Lan, Indonesia, rồi từ đó mua
ghe đến Úc, một số khác dùng ghe đi trực tiếp từ Việt Nam đến bờ biển
Úc. Khi đến hải phận Úc họ bị hải quân Úc bắt và giam giữ trên các đảo
Chistmas Island trên Ấn Độ Dương, đảo Nauru và Manus ngoài khơi Thái
Bình Dương. Sau thời gian thanh lọc thì họ bị đưa vào các trại tạm giam
(detenion) trên đất liền như Darwin, Adelaide, Sydney….để thanh lọc lần
thứ nhì.
Các em nản lắm, tại vì không biết ngày mai
ra sao và rất lo sợ. Nó cho một trợ cấp nho nhỏ để mà sống qua ngày
nhưng không được đi làm, còn một số thì nó vẫn giữ ở trong trại. -Chị Ánh Linh, NVXH
Một trong những chiếc ghe thuộc làn sóng tị nạn mới đến Úc là 54
người trên ghe Hào Kiệt. Ghe Hào Kiệt (ngang 4 thước dài 15 thước) đi từ
Cà Mau ngày 3/6/2003, qua biển Mã Lai, Indonesia và đến Úc sau 28 ngày.
Cả ghe bị tạm giam 2 năm trên đảo Chrismas Island sau đó họ lần lượt
được cấp quy chế tị nạn và khoảng 2 năm sau nữa thì được cấp quy chế
thường trú nhân. Một thuyền nhân trên ghe Hào Kiệt là anh Xinh hiện đang
định cư tại Melbourn cho biết:
«Bộ di trú cũng cho chúng tôi được đi làm, được quy chế tị nạn,
sống tự do giống tất cả mọi người, nhưng trường hợp của tụi tôi phải đợi
2 năm sau nữa mới được vô thường trú nhân, rồi lúc đó mình muốn đi đâu
thì đi, muốn ở đâu cũng được.»
Một trong những trại tạm giam (detention) ở Úc là trại Villawood
Dentention Centre, nằm ở ngoại ô Sydney, tiểu bang New South Wales hiện
đang giam giữ khoảng 12 người Việt Nam cùng với rất nhiều sắc dân khác.
Chị Ánh Linh là một nhân viên xã hội giúp đỡ cho các thuyền nhân Việt
Nam trong trại Villawood, cho biết về tình trạng các thuyền nhân này như
sau:
«Các em nản lắm, tại vì không biết ngày mai ra sao và rất lo sợ.
Chính sách Úc bây giờ khác trước một chút. Một số người trên tàu bị đưa
vào Christmas Island duyệt một đợt, sau đó nó đưa vào đất liền phân phối
vào những trại ở các tiểu bang khác nhau, có một số thì được vào tiểu
bang này. Khi ở trong này 1 thời gian, không biết là người ta xét theo
tiêu chuẩn nào người cho ra ngoài là vì trong đó đông quá thì người ta
cho ra, nhưng không có nghĩa là được cấp quy chế tị nạn, người ta chỉ
cho ra ngoài sống với cộng đồng. Nó cho một trợ cấp nho nhỏ để mà sống
qua ngày nhưng không được đi làm, còn một số thì nó vẫn giữ ở trong
trại.»
Lý do bỏ nước ra đi
Một chiếc thuyền chở 250 người tị nạn bị lật úp trên đường đến Úc hôm 22/12/2011. AFP photo
Thuận, quê ở Nghệ Tĩnh, rời Việt Nam ngày 22/9/2012, đến Thái Lan
được 1 tháng, sau đó hùn tiền cùng 16 người khác mua ghe vượt biển đến
Úc, khi ghe còn cách Christmas Island khoảng 60 hải lý thì được tàu hải
quan Úc kéo vào trại Christmas Island, họ ở đó 6 ngày để lấy lời khai,
sau đó vào đất liền Darwin ở 5 tuần thì nhóm tách ra làm 2 : 6 người có
gia đình và dưới 18 tuổi thì ở lại Darwin, còn 11 người khác chuyển sang
trại tạm giam Villawood Dentention Centre. Đã ở đây được 6 tháng, Thuận
cho biết sinh hoạt trong trại như sau:
«Cuộc sống trong này thì tương đối an toàn, cũng được đi lễ tiếng
Anh của người Úc, trong trại sinh hoạt đều trong trại, đi chơi, ăn uống
đều ở trong trại. Một tuần được lãnh 50 đô Úc, học tiếng Anh, tập thể
dục, hoạt động thể thao….Trong 6 tháng thì họ chỉ có báo cho mình được
thanh lọc và bổ sung hồ sơ. Cách đây 1 tháng thì họ báo là không trả về
nước mà phải chờ đợi và họ sẽ cấp cho một visa tạm thời cho mình được ra
ngoài.»
Bình, quê ở Hải Phòng, rời Việt Nam tháng 8 năm 2012, qua Thái Lan
được 10 ngày thì vượt biên đến Úc, cùng 11 người từ trại Darwin đến trại
Villawood, sau khoảng 7 tuần Thuận và 6 người khác được ra ngoài (ngày
30/1/2013) và được bộ di trú cấp cho visa bắc cầu ( bridging visa) có
giá trị 6 tháng. Bình nói về trường hợp của mình:
«Bọn em ra ngoài thì được bộ Di trú cấp cho bridging visa, tức
visa bắc cầu, ra ngoài sống hoà nhập với cộng đồng nhưng không được phép
đi làm, cũng không được đi học. Hàng tháng bộ di trú cấp tiền cho 200
đô la Úc 1 tuần. Bọn em tập trung lại thuê nhà cho rẻ thì mới đủ cuộc
sống hàng ngày.»
Riêng anh Xinh, sau 6 năm định cư trên nước Úc cho biết cuộc sống
hiện tại của anh giờ đã khá ổn định, tuy có gặp nhiều khó khăn lúc đầu:
«Mình đến đây sau, tuổi cũng lớn, điều kiện về tiếng Anh cũng hơi
trắc trở, ngoài ra cuộc sống bên này thì cũng tốt, chính phủ cũng tốt,
đồng thời sự sống cũng không có gì khó khăn nhiều. Nói chung tôi cũng
may mắn hơn mọi người. Chúng tôi 4 năm sau mua nhà, tôi cũng biết lái xe
truck, tôi cũng đi làm hãng xưởng.»
Chị Ánh Linh cho biết phần lớn các thuyền nhân tại trại Villawood
hiện nay rời Việt Nam vì họ bị công an truy đuổi vì lý do tôn giáo
«Nếu mà nó không đi thì nó bị bắt, nó bị bắt mấy lần rồi. Nó bị ra
đồn công an đánh hộc máu mồm, máu mũi. Đến lần cuối cùng, công an triệu
về, nó không dám trình diện nên nó phải bỏ nước đi. Đó là lý do nó phải
bỏ nước đi. Mình thấy đau đớn ở chỗ đó.»
Bình nói về lý do bỏ nước ra đi:
Sinh hoạt bên tôn giáo thì nó không cho sinh hoạt. Nó kêu đến nhiều lần, nó đe doạ, bắt nhiều người. Con sợ quá thì con bỏ đi. -Thuận, Nghệ Tĩnh, VN
"Từ đời Bố em đã bị người ta quy vào tôn giáo là phản động, đến
đời em là giấy tờ nó không cung cấp cho. Và nó có những chính sách mà
tiếng Việt Nam gọi là "đì” từ đời trước đến đời sau, đến đời con cháu
vẫn còn bị nó kiềm hãm.”
Lý do ra đi của Thuận là:
«Sinh hoạt bên tôn giáo thì nó không cho sinh hoạt. Nó kêu đến
nhiều lần, nó đe doạ, bắt nhiều người. Con sợ quá thì con bỏ đi.»
Và bị trả về là nỗi lo sợ lớn nhất của Thuận:
"Con sợ chứ cô, Nếu mà bị trả về là con bị ở tù. Con thà chết ở đây chứ không muốn bị trả về.”
Trong những ngày chờ đợi mỏi mòn trong các trại tạm giam, có em chỉ
mong được một cây sáo để thổi cho đỡ buồn, có em mong được đến nhà thờ,
chị Ánh Linh cho biết mong ước của 8 em mà chị gặp trong trại Villawood
là:
"Tụi con thèm được đi lễ Việt Nam. Tụi con ước ao được đi nhà thờ để tụi con tạ ơn Chúa và tụi con cầu nguyện.”
Thuận chỉ mong có cuộc sống tự do để có thể giữ được tín ngưỡng:
«Mong ước của con là tín ngưỡng được tự do, cuộc sống được tự do và được làm con người tốt, thế thôi.»
Bình thì mong có giấy tờ đi làm để thoát khỏi cảnh sống buồn nản hiện tại:
«Mong sao được cấp visa để đi làm nuôi bản thân mình, chứ cả ngày
ăn, ở nhà bọn em sợ phát chán, đầu óc căng thẳng, lo nghĩ không biết mai
này ra thế nào ? Đi làm thì không cho đi, đi học cũng không cho đi học.
Suốt ngày ăn rồi ở nhà chẳng biết đi đâu. Cứ sáng ngủ dậy đi vào rồi
lại đi ra chẳng biết đi đâu, đầu óc căng thẳng, tâm lý vẫn còn hoang
mang."
Cuối tuần qua, Khắp nước Úc đã kỷ niệm «Tuần lễ Tị Nạn Quốc Tế » hy
vọng rằng ước nguyện của các thuyền nhân thế kỷ 21 này không bị lãng
quên.
|