Gia đình luật sư bất đồng chính kiến Lê Thị Công Nhân cho hay chị sẽ mãn hạn tù và trở về nhà vào thứ Bảy tới (06/03).
Hôm 11/05/2007, Lê Thị Công Nhân bị Tòa án TP Hà Nội xử 4 năm tù giam và 3 năm quản chế vì vi phạm Điều 88 Bộ Luật Hình sự. Tuy nhiên sau đó án phạt này đã được giảm 1 năm, còn 3 tù giam và 3 năm quản chế tại phiên phúc thẩm 27/11/2007.
Nói chuyện với BBC từ Hà Nội, thân mẫu của Công Nhân, bà Trần Thị Lệ, cho biết bà đã được thông báo từ cơ quan công an, rằng sẽ cho xe chở Công Nhân về nhà từ trại giam số 5, Thanh Hóa.
"Thế nhưng tôi vẫn quyết định lên trại giam từ sớm để đón con. Giây phút đầu tiên mãn hạn tù của Công Nhân, là mẹ, tôi không thể không có mặt."
Bà Lệ nói tinh thần của con gái bà rất tốt tuy "Công Nhân đếm từng ngày cho tới lúc được thả tù".
Theo bà, công việc đầu tiên mà hai mẹ con bà sẽ làm là khám bệnh cho Lê Thị Công Nhân, vì "Không có gì quý hơn sức khỏe".
Bà cũng thừa nhận là còn 3 năm quản chế tại gia nữa, và "rất nhiều khó khăn thách thức" ở phía trước nữ luật sư 30 tuổi này.
Tuyên truyền chống Nhà nước
Luật sư Lê Thị Công Nhân và cộng sự, luật sư Nguyễn Văn Đài - trưởng văn phòng luật Thiên Ân, đã bị bắt từ 06/03/2007 vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN.
Sau đó họ cũng bị xóa tên khỏi Đoàn luật sư TP Hà Nội, điều có nghĩa hai người sẽ không được phép hành nghề ở trong nước.
Họ bị buộc tội đã 'lợi dụng giấy phép hành nghề để hoạt động chống lại lợi ích quốc gia và vi phạm nghiêm trọng luật Việt Nam'.
Luật sư Đài bị án nặng hơn, sau khi phúc thẩm là 4 năm tù giam và 3 năm quản chế.
Vợ ông, bà Vũ Minh Khánh, nói với BBC rằng việc LS Công Nhân ra tù cho bà thêm hy vọng là chồng bà cũng sẽ "sớm được trở về với gia đình".
Lần cuối vào thăm ông Nguyễn Văn Đài cách đây một tuần, bà Khánh nói ông vẫn khỏe khi thi hành án ở trại giam Nam Hà.
"Tuy nhiên gia đình cũng lo ngại, vì trời mùa đông thì lạnh, mà có lúc ban quản lý trại tù không cho dùng mền lót dưới sàn khi ngủ."
Hai luật sư trước khi vào tù đều hoạt động tích cực trong lĩnh vực đấu tranh đòi đa nguyên đa đảng và tự do tôn giáo. Phiên xử họ đã dẫn đến phản đối từ nhiều tổ chức nhân quyền và chính phủ nước ngoài.