Thứ Ba, 2024-11-05, 8:55 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Tư » 13 » Liệu con cháu chúng ta có còng lưng trả nợ?
12:46 PM
Liệu con cháu chúng ta có còng lưng trả nợ?
Tác giả: Trần Trọng Thức

Kinh nghiệm từ một số quốc gia sử dụng ODA cho thấy một khi những đồng vốn này nếu không đầu tư đúng hướng giúp nền kinh tế phát triển thì dễ rơi vào tình trạng "mua đắt hiện tại, bán rẻ tương lai”.
Thông tin từ Bộ Giao thông - Vận tải cho biết dự án Đường sắt cao tốc Hà Nội - TP HCM do Bộ này đệ trình sẽ được Quốc hội xem xét và quyết định chủ trương đầu tư trong kỳ họp diễn ra vào tháng 5 tới.

Theo báo cáo của Liên doanh tư vấn Việt Nam - Nhật Bản, dự án đường sắt cao tốc nói trên dài 1.570km gồm 27 ga, sử dụng công nghệ Nhật Bản, tốc độ khai thác có thể lên đến 300km/giờ, khi hoàn thành sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế đất nước.

Thế nhưng, tiền đâu để thực hiện dự án khi mà ba năm trước đây chỉ dự toán khoảng 33 tỷ USD chủ yếu là vốn vay ODA, mà nay đã lên đến 55,8 tỷ USD, một khoản tiền khổng lồ tương đương hơn phân nửa tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP) của chúng ta vào thời điểm xem xét dự án? Chủ trương đầu tư này khiến chúng ta nghĩ đến chuyện nợ nần đời sau phải gánh nặng.

Ngày xưa ông bà ta thường nói, trong bao nhiêu điều sung sướng ở đời, không có điều nào hơn là "không mắc nợ". Ngày nay ở các xã hội tiên tiến thì "có nợ mới nên người" bởi chủ nợ dù là ngân hàng hay bạn bè thân thiết đi nữa thì cũng đều "xem mặt mà bắt hình dong", ai không có khả năng trả nợ thì đừng hòng vay mượn được.

Trong phạm vi lớn hơn, nợ nần không chỉ là chuyện trong đời sống con người mà còn là chuyện đời sống kinh tế một đất nước và chủ nợ nào cũng phải chọn mặt gửi vàng.

Hồi năm 1993, Nhật và Pháp giúp chúng ta trả khoản nợ 140 triệu USD tồn đọng từ thời chế độ cũ cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế để Việt Nam có thể trở lại với cộng đồng tài chính. Có thể nói, đó là thời điểm cộng đồng tài chính quốc tế mỉm cười với một đất nước dứt khoát giã từ bao cấp, hướng về kinh tế thị trường. Từ đó đến nay, trong vòng 17 năm chúng ta đã có được 50 tỷ USD đồng vốn ODA cam kết từ các nhà tài trợ. Nếu chỉ tính khoản tiền 11 tỷ USD được giải ngân trong ba năm vừa qua (trong đó viện trợ không hoàn lại chỉ hơn 900 triệu USD) thì trên vai mỗi người dân VN hiện đang gánh gần 130 USD tiền nợ nước ngoài.

Trong hoàn cảnh khó khăn, chúng ta vui mừng vì đồng vốn ODA cam kết ngày càng tăng, nhưng đồng thời lại canh cánh nỗi lo là nếu đồng tiền này không đầu tư đúng hướng giúp nền kinh tế phát triển thì dễ rơi vào tình trạng "mua đắt hiện tại, bán rẻ tương lai" như một số nước sử dụng vốn ODA từng gặp phải.

Để được hưởng vốn ODA là việc không đơn giản mà phải có chương trình dự án và luận chứng kinh tế kỹ thuật chi tiết. Sau khi được Chính phủ duyệt rồi thì chủ dự án cùng với bên nước cấp vốn lập báo cáo khả thi, rồi lại còn phải thông qua đấu thầu quốc tế. Nói chung con đường đi của ODA qua nhiều ngỏ ngách trong nước đã đành mà qua cả ngỏ ngách ở nước ngoài. Phần lớn dự án còn chịu chỉ định thầu cho các đơn vị nước ngoài tham gia, nghĩa là phải có lợi cho doanh nghiệp của nước cấp viện trợ theo tạp quán "lọt sàng xuống nia".
Nhiều công trình nghiên cứu gần đây cho rằng ODA không có hiệu quả cao vì:

- Quá nhiều tầng nấc trung gian và như một dòng nước chảy, dễ bị thất thoát khi qua mỗi trạm. Cựu giám đốc Cơ quan Hợp tác phát triển Anh (DFID) tại Việt Nam, ông Alan Johnson, khi nói về vấn đề này đã nhận định: "Thông thường, trong một dự án ODA 100 triệu USD thì hết 30 triệu là chi phí thuê chuyên gia, 20 triệu dành cho chi phí hành chính và như thế Việt Nam chỉ thực sự nhận được 50 triệu USD mà thôi".

- Các nước nghèo do quá cần vốn và các khoản viện trợ cho nên có tâm lý được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Còn doanh nghiệp (nhà nước) sử dụng vốn ODA không có trách nhiệm trả nợ nên phần lớn trường hợp đồng vốn này không phát huy được hiệu quả mong muốn.

- Có không ít quốc gia gặp khó khăn, vì "nghiện" ODA mà không phát triển nhanh được, đó là Myanmar, Philippines trong thập niên 60 của thế kỷ trước và gần đây là Brazil. Trong khi đó Thái Lan và Malaysia đã sớm thoát ly nguồn vốn này rồi tìm mọi cách sử dụng các nguồn vốn khác và đã phát triển nhanh chóng.

Kinh nghiệm cho thấy việc huy động và sử dụng vốn đầu tư trong nước vào các công trình phát triển thường có hiệu quả cao nhất vì tỷ lệ thất thoát thấp nhất. Nguồn vốn thứ hai cũng mang lại hiệu quả là vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vì các nhà đầu tư trong khi đi tìm lợi nhuận đồng thời cũng đã để lại nhiều giá trị do họ tạo ra cho nền kinh tế nước sở tại.

Điều này giải thích tại sao các định chế quốc tế khuyến khích các nước nghèo nên tìm mọi biện pháp để thu hút nguồn nội lực, đối đế lắm mới phải sử dụng vốn ODA và cũng nên thoát ly khi cơ thể kinh tế đủ sức đứng vững.

Thế nhưng chúng ta đang thiếu vốn để phát triển lại được các nhà tài trợ sẵn sàng chia sẻ khó khăn trong thời kỳ xây dựng đất nước, nên từ năm 1993 đến nay vẫn xem ODA là nguồn vốn cần thiết và trân trọng như phát biểu gần đây của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Và dường như các nơi thụ hưởng đồng vốn này không có cùng suy nghĩ với người đứng đầu chính phủ. Đơn giản bởi họ không đặt nặng trách nhiệm về việc trả nợ vay ODA và trong sâu xa, như phát biểu của một quan chức đầu tỉnh khi được hỏi về hiệu quả của việc cho thuê rừng đã mạnh dạn trả lời: "Đó là việc của 50 năm sau, của thế hệ sau"!

Đã có không ít những vụ án liên quan đến việc sử dụng vốn ODA mà đến nay vẫn còn tai tiếng, khiến người dân Nhật phải đặt vấn đề với chính phủ nước này về việc sử dụng không hiệu quả đồng tiền họ chắt chiu đóng góp. Trong khi đó, tại Việt Nam, mấy ai nặng lòng đến việc con cháu chúng ta sẽ phải oằn vai dưới gánh nặng nợ nần vì những chi tiêu lãng phí của cha ông.
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 580 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 551
Khách: 551
Thành Viên: 0