VOA
Linh
mục bất đồng chính kiến Nguyễn Văn Lý được đình hoãn thi hành án trong
1 năm vì lý do sức khỏe. Ông đã ra khỏi trại giam Ba Sao thuộc tỉnh Hà
Nam và được nhân viên công lực đưa về Tòa Giám mục Huế vào lúc 5 giờ
chiều ngày thứ hai, 15/3/2010.
Trà Mi - VOA | Washington, DC Thứ Hai, 15 tháng 3 2010
Hình: AP Photo
Linh mục Nguyễn Văn Lý tại
tòa án tỉnh Thừa Thiên Huế, 30/3/2007. Ông bị kết án 8 năm tù giam vì
tội tuyên truyền chống phá chính phủ cộng sản Việt Nam
Tối cùng ngày, trong cuộc phỏng vấn với Trà Mi của Ban Việt Ngữ đài VOA, từ Tòa Giám mục Huế, linh mục Lý phát biểu:
Linh mục Nguyễn Văn Lý:
Trước hết, tôi xin cảm ơn các quý vị đã luôn theo dõi, thông hiệp cầu
nguyện, giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong những năm tháng qua. Xin nói
ngay là không phải tôi được trả tự do, mà là tạm đình chỉ thi hành án
để chữa bệnh.
VOA: Thời gian tạm đình chỉ này trong bao lâu, thưa ông?
Linh mục Nguyễn Văn Lý:
Lệnh đình chỉ cứ mỗi đợt 12 tháng. Đây là đợt đầu tiên. Sau khi tôi hết
án, tôi vẫn bị quản chế 5 năm. Còn bây giờ, trong thời gian điều trị
bệnh theo yêu cầu của gia đình thì cũng bị quản chế như thế.
VOA: Trong 1 năm tạm đình chỉ án để chữa bệnh, linh mục sẽ ở Tòa Giám mục Huế?
Linh mục Nguyễn Văn Lý:
Trước mắt tôi đang ở Tòa Giám mục Huế, tại khu hưu dưỡng mà trước đó
tôi cũng ở đây mấy năm rồi. Những lần bị quản chế tôi đều ở khu này. Có
thể nếu gia đình muốn đưa đi điều trị ở đâu đó thì cũng sẽ chịu sự quản
lý của chính quyền địa phương đó.
VOA: Với lệnh tạm đình chỉ thi hành án, linh mục có ký một giấy cam kết nào với phía chính quyền không?
Linh mục Nguyễn Văn Lý:
Không, tôi không nhận bản án. Tôi cũng không coi mình là phạm nhân, mà
luôn coi mình là tù nhân lương tâm. Vì gia đình đề nghị như thế, theo
sự gợi ý của họ, nên tôi cũng hướng theo gia đình, về cho gia đình điều
trị, chứ không buộc phải ký một giấy tờ gì cả. Tôi chỉ ký một giấy biên
bản thông báo về lệnh tạm đình chỉ. Trong biên bản, tôi cũng ký là một
tù nhân lương tâm, chứ tôi không nhận mình là một phạm nhân.
VOA: Thưa linh mục, hiện giờ tình trạng sức khỏe của ông như thế nào?
Linh mục Nguyễn Văn Lý: Tôi bị liệt chân phải, chưa đi đứng bình thường. Còn riêng tay phải đã phục hồi được trên 50%.
VOA: Trong suốt thời gian bị giam, ông được chăm sóc sức khỏe như thế nào trong tù?
Linh mục Nguyễn Văn Lý:
Hơn 2 năm đầu, tôi là một người bình thường ở một khu biệt giam, một
mình trong một khu đất khoảng 400 mét vuông. Ở đó có nhiều phòng giam
nhưng chỉ giam một mình tôi thôi. Phòng này tôi đã ở nhiều lần trước
rồi. Khi họ giam tôi ở đó thì họ đưa tất cả tù nhân khác ra khỏi. Tôi ở
biệt lập như vậy. Những người ở gần tôi cũng phải cách mấy chục mét và
cách mấy bức tường. Cách đây hơn nửa năm, tôi bắt đầu bị tai biến mạch
máu não. Hai lần đầu tôi vẫn ở một mình. Họ cho uống thuốc giảm áp,
cùng các thuốc thông thường của người bị cao huyết áp. Đến lần thứ ba
tôi bị tai biến vào tháng 11 năm ngoái. Khi đó, họ đưa tôi lên bệnh
viện 198 của Bộ Công an ở Hà Nội điều trị. Tại đó, lúc đầu công an phải
giúp đỡ tôi. Sau đó ít ngày, họ nhắn gia đình tôi ra. Một tháng sau, họ
đưa tôi về lại trại. Lúc bấy giờ, họ cho một tù nhân người dân tộc Tày
ở chung để giúp đỡ tôi trong các sinh hoạt hằng ngày. Cách đây hơn một
tháng, họ có cho thêm 2 người nữa giúp đỡ tôi thêm.
VOA: Trong
thời gian ông bị giam, điều kiện sinh hoạt trong trại như thế nào? Ông
có được đọc kinh Thánh và có được tiếp cận thông tin bên ngoài qua báo
đài?
Linh mục Nguyễn Văn Lý: Buồng giam của tôi
sạch sẽ, cũng có các điều kiện vệ sinh bình thường. Lúc này, tiêu chuẩn
về ăn uống của tù nhân ở Việt Nam tương đối no đủ hơn trước đây nhiều.
Về tinh thần, hằng ngày tôi được đọc báo Nhân dân. Gia đình được phép
gửi vào cho tôi báo Pháp luật. Chỉ thế thôi. Cách đây hơn 1 năm, tôi
bắt đầu được nhận sách kinh.
VOA: Ông bắt đầu được đọc kinh Thánh chỉ cách đây một năm. Ông có biết nguyên nhân của sự thay đổi này không?
Linh mục Nguyễn Văn Lý:
Vì lúc đó, Việt Nam và Vatican lập một tổ hỗn hợp xúc tiến việc quan hệ
ngoại giao đôi bên. Không biết phải sự trùng hợp không nhưng trong trại
giam vào dịp đó thì người ta trả sách kinh Thánh cho tôi.
VOA: Trong thời gian bị giam giữ, có các phái đoàn nước ngoài đến thăm ông trong trại giam không?
Linh mục Nguyễn Văn Lý:
Có 3 lần khách quốc tế thăm. Lần thứ nhất là ông đại sứ Mỹ tại Hà Nội,
cách đây khoảng 2 năm rồi. Lần thứ hai là phái đoàn của Ủy ban Tự do
Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ, gồm 6 người, cách đây khoảng 1 năm. Lần
thứ ba cách đây gần một năm thì ông đại sứ Mỹ thăm tôi lần thứ hai.
VOA: Nội dung các cuộc gặp đó như thế nào?
Linh mục Nguyễn Văn Lý: Họ muốn hỏi thăm tình hình của mình. Ngoài các câu hỏi của họ, phần tôi, tôi muốn trình bày vấn đề gì thì vẫn có thể trình bày.
VOA: Trong những lần gặp đó, ông đã trình bày những điều gì, thưa ông?
Linh mục Nguyễn Văn Lý:
Hai lần đầu tôi xác định cho họ rõ tôi không phải là phạm nhân mà là
một tù nhân lương tâm, và tôi coi bản án đó là thiếu văn minh, trái với
các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký. Lần sau này, tôi đề cập đến các
vấn đề hòa bình và thăng tiến trên thế giới.
VOA: Trong lúc ông bị giam, thưa linh mục, ông có được biết dư luận bên ngoài về bản án của ông như thế nào không?
Linh mục Nguyễn Văn Lý: Tôi đoán một phần nào thôi chứ thật sự không được thông tin đầy đủ.
VOA: Cách
đây hơn 2 năm sau phiên tòa của linh mục, có một điều gây xôn xao dư
luận là bức ảnh chụp cảnh ông bị bịt miệng trước vành móng ngựa. Tấm
ảnh này đã trở thành một trong những tấm ảnh đáng chú ý nhất khi nói về
nhân quyền của Việt Nam. Trả lời về tấm ảnh này, phía nhà nước Việt Nam
nói rằng do trong lúc phiên xử diễn ra, ông đã có những thái độ và hành
động không đúng. Một lời bình luận về bức ảnh đó, với tư cách là nhân
vật chính của bức ảnh, ông sẽ nói gì, thưa ông?
Linh mục Nguyễn Văn Lý:
Trước tòa, tôi đã có sẵn các câu để phát biểu, cũng có những lời để
chứng minh rằng ở Việt Nam hiện nay tự do dân chủ, nhất là tự do ngôn
luận, không bằng thời Các-Mác ở London, không bằng thời của nhóm Nguyễn
Ái Quốc tức Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế
Truyền, Nguyễn Tất Thành ở Paris cách đây gần 100 năm, không bằng thời
cụ Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thế Truyền ra báo Tiếng dân và Tiếng Chuông
rè ở ngay tại Việt Nam trong thời Pháp thuộc. Nhưng tôi biết rằng không
thể nói được. Cho nên tôi phải chọn một thái độ là đọc thơ. Thì hành
động bịt miệng đó đã nói lên nhiều hơn những điều mà mình định nói. Tôi
chỉ đọc đi đọc lại 4 câu thơ thôi, chứ không làm gì bạo lực cả. Tất cả
những ai chứng kiến phiên tòa đều biết rằng tôi chỉ đọc thơ chứ có làm
gì đâu. Họ nói tôi xô ngã hai công an. Đó là vu khống chứ lúc đó tôi đã
tuyệt thực qua ngày thứ 8 rồi làm sao đủ sức xô ngã hai công an? Người
ta đã bịt miệng tôi 4 lần tất cả.
VOA: Trong
thời gian 1 năm tới đây ông được đình hoãn thi hành án. Ngay từ lúc
này, ngày đầu tiên bước ra khỏi nhà tù, ông có cảm nghĩ như thế nào?
Linh mục Nguyễn Văn Lý:
Trước mắt, tôi cần phải điều trị bệnh vì bệnh tôi thật sự là nặng, vì
có một khối u trong não. Trong trại giam họ không dám điều trị mà để
cho Giáo hội và gia đình điều trị đây. Tôi ở trong trại giam mới ra,
giống như một người trong hang mới ra, chỉ biết rằng rất nhiều người
quan tâm, đồng tình ủng hộ mình, nhưng chính mình chưa biết làm thế nào
cho thích hợp vì tôi mới về vài tiếng đồng hồ.
VOA:
Tình trạng sức khỏe của ông hiện giờ cộng với những tháng ngày giam giữ
liệu những điều này có ảnh hưởng đến ý chí và lý tưởng mà ông theo đuổi?
Linh mục Nguyễn Văn Lý:
Đã chọn con đường tù đày để làm việc thì càng ở tù tôi càng tỉnh táo và
khôn ngoan hơn thôi. Những người đấu tranh bất bạo động thì càng ở tù
thì càng mạnh hơn. Đối phương càng bắt bớ càng yếu hơn. Chuyện tù đày
là cái giá phải trả của những người đấu tranh chân chính.
VOA: Xin chân thành cảm ơn linh mục đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.
Linh mục Nguyễn Văn Lý: Tôi xin cảm ơn nhiều.
|