BBC
Ảnh chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2008
Thư ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói với BBC rằng sức khỏe đại tướng "yếu hơn trước" nhưng "vẫn tỉnh táo, ổn định".
Vị
tướng huyền thoại của hai cuộc chiến tranh tại Việt Nam, người sẽ
đón sinh nhật 100 tuổi vào tháng Tám, vẫn đang điều dưỡng trong bệnh
viện ở Hà Nội.
Đại tá Nguyễn Văn Huyên,
thư ký của Tướng Giáp, cho BBC biết qua điện thoại hôm 13 tháng 5
rằng Đại tướng hiện nay không nghe rõ mà ông phải viết lại thông tin
để Tướng Giáp đọc.
Trong mấy ngày qua, có
lẽ lần đầu tiên việc tang lễ cho vị tướng huyền thoại được nói đến công
khai, qua lá thư của hai vị tướng đề nghị làm quốc tang cho vị công
thần của Đảng Cộng sản.
Lá thư của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh nhận định:
"Lâu
nay Đại tướng được chăm sóc trong Bệnh viện 108, song sức đã quá yếu,
dù có hồi phục sức khỏe từ Tết Âm Lịch đến nay, song vẫn khó tránh khỏi
quy luật tự nhiên, tuy diễn ra sớm hay muộn thì ta chưa thể đoán
trước... Đến khi nào Đại tướng trút hơi thở cuối cùng, cần tiến hành
nghi lễ Quốc tang đối với Đại tướng."
Theo
hai vị tướng, quy định Quốc tang của Việt Nam hiện nay chỉ dành cho bốn
chức danh: Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ Tướng.
Họ kêu gọi Đảng Cộng sản xem trường hợp Đại tướng Võ Nguyên Giáp là đặc biệt, "cần có quyết định đặc cách làm lễ Quốc tang".
Đại
tá Nguyễn Văn Huyên thì trấn an rằng việc lá thư công bố những ngày đầu
tháng Năm không báo hiệu sức khỏe của Tướng Giáp đã yếu đi mà chỉ bày
tỏ sự lo lắng của những người quan tâm.
Khai quốc công thần
Vị
Tổng Tư lệnh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được nhiều ý
kiến trên thế giới xem là danh tướng số một của Việt Nam trong thế kỷ
20, đặc biệt nhờ chiến thắng quân Pháp tại Điện Biên Phủ.
Ông là Bộ trưởng Quốc phòng Bắc Việt và sau này là Việt Nam thống nhất liên tục từ 1946 đến 1977.
Năm 1982, ông thôi giữ chức ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản.
Một
năm sau, việc ông kiêm nhiệm chức chủ tịch Ủy ban Quốc gia về sinh đẻ
có kế hoạch được giới quan sát xem là biểu hiện của việc ông để mất
quyền lực trong nội bộ Đảng.
Dù vậy, vị khai quốc công thần này vẫn là gương mặt được thế giới biết đến nhiều nhất, sau Hồ Chí Minh.
Trong
vài năm qua, vị đại tướng đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam nhiều
lần lên tiếng về các vấn đề được dư luận quan tâm và tranh luận như
việc xây mới Hội trường Ba Đình, việc mở rộng thủ đô Hà Nội và mới nhất
là chủ trương để công ty Trung Quốc khai thác bauxite ở Tây Nguyên.
Năm
2009, ông nhiều lần gửi thư cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và một số
lãnh đạo khác trong Đảng yêu cầu dừng dự án bauxite, cho rằng "khai
thác sẽ gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng về môi trường, về xã hội, về an
ninh quốc phòng".
Tiếng nói của Tướng
Giáp, trong một thời gian khá dài sau đó, mở đường cho một phong trào
phản đối sâu rộng trong giới trí thức và người quan tâm cả trong và
ngoài nước.
Tướng Giáp được Đảng Cộng sản xem là khai quốc công thần
Một
phần vì lẽ ấy, sức khỏe của vị đại tướng gần đây lại được dư luận đặc
biệt quan tâm khi có những tin cho hay ông phải vào viện để kiểm tra
sức khỏe.
Trong khi đó, viết trên tạp chí
The Diplomat số mới nhất, nhà báo Luke Hunt nhận định những người ủng
hộ Tướng Giáp đang chờ đợi Đại hội Đảng 11, diễn ra vào năm sau, như cơ
hội để bày tỏ "giận dữ vì mối quan hệ nồng ấm giữa Bắc Kinh và một số
người trong Bộ Chính trị tại Hà Nội".
Nhắc
lại vụ bauxite, nhà báo này muốn xem Tướng Giáp là người đi đầu trong
sự chỉ trích chính phủ Việt Nam đã nhượng bộ Trung Quốc quá nhiều.
Ông
viết: "Việt Nam nổi tiếng là nặng tay với những ai chống đối chính sách
của Đảng Cộng sản, nhưng chính phủ cũng rất hiểu tiềm năng tạo ra lực
lượng đối lập mạnh mẽ tại Đại hội Đảng năm sau nếu những đồng bạn của
Tướng Giáp khai thác thành kiến chống Trung Quốc."
Tướng Giáp là người yêu nước muốn tài nguyên đất nước nằm trong sự kiểm soát của người Việt.
Jim Pringle
Luke
Hunt dẫn lời Jim Pringle, cựu nhà báo Reuters từng tường thuật chiến
tranh Việt Nam và vừa trở lại Sài Gòn dịp 30/04 năm nay, nói:
"Tướng
Giáp là người yêu nước muốn tài nguyên đất nước nằm trong sự kiểm soát
của người Việt Nam. Bằng cách khấu đầu trước Trung Quốc, phe thân Trung
Quốc có vẻ nghĩ rằng đó là con đường phải đi. Nhưng kinh nghiệm của tôi
lại bảo không hẳn đó là con đường đúng. Người Trung Quốc sẽ chỉ lợi
dụng nó và đòi nhiều hơn."
Tác giả lý giải
động thái mua vũ khí của Nga trị giá hàng tỉ đôla, khuyến khích Nga
tham gia ngành dầu mỏ, gần đây dường như "phản ánh lo ngại chính trị
trong nước hơn là vì đe dọa quân sự từ ngoài".
Luke
Hunt dẫn lời Gavin Greenwood, phân tích gia an ninh của Allan &
Associates đặt ở Hong Kong, rằng "Việc chi tiêu quân sự gia tăng một
năm trước Đại hội, đặc biệt cho hệ thống vũ khí mà có vẻ đối chọi lại
sức mạnh quân sự gia tăng cua Trung Quốc trong vùng, có thể được Hà Nội
xem là cái giá nhỏ phải trả để ra vẻ cứng cỏi trước Bắc Kinh - bất chấp
thực tế quân sự và kinh tế."
Trong các
buổi lễ kỷ niệm ngày 30-04 và vài ngày sau là kỷ niệm chiến thắng Điện
Biên Phủ, Tướng Giáp đều không tham dự - người ta biết rằng ông vẫn
đang phải nằm viện.
Dù sức khỏe đã yếu, vị
tướng vẫn là thần tượng của đông đảo quần chúng và một số người chỉ
trích chính sách của chính phủ trong nước còn hy vọng ông là người đỡ
đầu và che chở cho những nguyện vọng của họ, đặc biệt trong chính
sách với Trung Quốc.
Tin bàn tán trong
những ngày qua về vị tướng vừa phản ánh mối lo cho sức khỏe mà cũng bộc
lộ cảm giác rằng ở Việt Nam hôm nay, dường như không còn nhân vật nào
có uy tín chinh phục cảm tình quần chúng như Tướng Giáp.
Như
Trương Duy Nhất, một nhà báo trong nước, nhận xét trên blog của mình
rằng Tướng Giáp, nếu ra đi, sẽ để lại một sự "hụt hẫng" vì "liệu còn có
được nhân vật nào dám lên tiếng trước những câu chuyện lớn"
|